“Đào, phở và piano” hay là lát cắt của nhân dạng giữa khói lửa trần thế
Nếu có thể, hãy cứ xem phim với tâm thế xem lại lát cắt cuộc đời của những con người đã từng sống trên cùng một mảnh đất với ta mấy mươi năm về trước.
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội sôi sục chuyện đi xem "Đào, phở và piano". Nào là luyện tay ngang giựt vé concert, nào là hết suất chiếu rạp mở thêm tằng tằng, chao ôi, chưa có bao giờ hết Tết rồi mà đào vẫn phấp phới mọi mặt trận như vậy.
Thoạt nghe này “đào”, này “phở”, có lẽ người ta sẽ mường tượng đến cái gì đó rất phồn thực. Nhưng hỡi ôi xin dặn nhau trước rằng, hoặc để xem rồi ngã ngũ cũng được, rằng đào chỉ là đào và phở chỉ là phở mà thôi, nhưng đào không chỉ là đào mà phở cũng chẳng phải mỗi phở. Tất nhiên phim có đào và phim có phở, và cũng là một lẽ tất nhiên, không chỉ mỗi đào và phở mà thôi.
Ở đây, tôi không đề cập đến những yếu tố nghệ thuật cao siêu một cách chuyên nghiệp, vì trước nhất và trên hết, tôi chỉ là một người xem. Tôi không đi xem vì bộ phim nổi rần rần trên mạng xã hội. Tôi tuyệt không mắc Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO). Trái lại, thường thì phim càng nổi, tôi càng ngại xô bồ, có khi để bẵng đi một hai năm sau mới nghía lại là thường. Nhưng tôi biết Đào từ trước. “Nàng” công chiếu âm thầm và lặng lẽ, tạo trong đầu tôi một ý niệm chảy trôi như mạch nước ngầm. Rồi “nàng” lại tìm đến tôi trước cả khi tôi biết “nàng” được săn đón, dưới dáng hình của một cuộc hẹn. Với bạn bè thôi. Nhưng tôi nào có thể chối từ lời mời gọi của “nàng” nữa. Cung kính không bằng tuân mệnh là vậy. Tri kỷ có rượu ngon đối ẩm trước hoa dưới trăng, còn chúng tôi ủn mông nhau đi ngắm Đào.
Để cho mạch lạc dễ hiểu, tôi xin được kể lại trải nghiệm với Đào theo trình tự thời gian. Ngoài lề một chút, tôi phải có đến mươi năm biết đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Thời học sinh lít nhít, tôi toàn ngồi xe buýt ngang đó để về nhà, thi thoảng đi qua ắt sẽ biết dạo gần đấy chiếu phim gì nhờ bảng điện tử chạy chữ bên ngoài. Chức năng của địa điểm này trong cuộc sống của tôi chỉ vỏn vẹn như vậy, nếu không kể đến dưới tư cách là nơi neo đậu của những lời hứa chẳng bao giờ được thực hiện. “Hôm nào đi xem phim này đi”, kiểu vậy. Phim đã hết chiếu từ đời tám hoánh, mà tôi cũng quên bẵng lời hứa ấy là với ai, phim gì, hôm nào là hôm nao. Thế nên khi bạn ướm hỏi, tôi gật đầu cái rụp sau một thoáng chần chừ. Phố lạ đường xa có sá gì.
Phim bắt đầu bằng những cảnh nhựa, cảnh nóng mà không tục, cảnh khói lửa ì xèo, ấy là người đi xem về bảo thế. Tôi cho đấy là những giây phút làm quen để bắt nhịp với phim. Bắt nhịp xong rồi, những cảnh ấy lùi xa cả, hoặc giả có lướt qua cũng không đọng trong tâm trí tôi là mấy.
Tôi không đi xem phim với tâm thế phim tuyên truyền, phim chiến tranh, phim yêu nước. Xem về, với tôi, phim càng không là những thức ấy. Chủ thể của phim là con người trong thời chiến, về họ và xoay quanh họ. Nên tôi không thay phim biện hộ về bối cảnh kỹ xảo bị chê là nhựa, bị chê gò bó, bị chê thiếu chân thực, “không như phim hành động”. Điểm nhìn khác, so sánh với nhau bằng niềm. Khập khiễng thế, chơi cùng sao được. Và tôi cũng đặc ghét những người coi phim là phim tuyên truyền lòng yêu nước mà yêu mà ghét nó. Anh gán cho nó cái danh mà bản chất của nó chẳng phải, rồi hô hào nhau đánh giá chiêm nghiệm nó dưới lớp lang áo mũ mà anh tự tròng vào mắt mình. Có nực cười quá không?
Nói một tiếng công bằng, xác định chủ thể phim là con người, phim là lát cắt về cuộc đời những con người ở những tầng lớp khác nhau, vậy thì mới có thể rộng lòng xem, không làm khó mình khó ta, không kỳ vọng lung tung ắt sẽ không thất vọng vô cớ, không so sánh vớ vẩn, không đặt nặng hơn thua, không làm tình làm tội một bộ phim vẫn có những điểm được và chưa được, không lợi dụng nó để vụ lợi cho mục đích thiếu liêm chính của mình.
Nếu có thể, hãy cứ xem phim với tâm thế xem lại lát cắt cuộc đời của những con người đã từng sống trên cùng một mảnh đất với ta mấy mươi năm về trước. Tôi vẫn nhớ lúc ngơ ngẩn nhìn đoàn người di tản lên chiến khu. Cầu Long Biên biến thành nét mực hoang hoải trên chiếc khăn mùi soa ám màu khói lửa như ngọn hải đăng chờ ngày khải hoàn. Khi ấy, trong đầu tôi bật ra mấy câu thơ học từ hồi trung học:
“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” - “Ngày về” - Chính Hữu (1947)
Bài thơ này luôn in dấu trong đầu tôi bằng một vẻ đẹp lạ lùng. Không ít lần tôi đi dưới cầu Long Biên, đầu phác hoạ khung cảnh ấy. Và khi thấy nó hữu hình trên màn ảnh rộng, tôi kinh khiếp một nỗi niềm như gặp lại cố nhân. Tôi bất lực nhìn họ nhịp bước dặm trường, lòng nao nao thay một câu hỏi thầm:
“Bao giờ trở lại?”
Lịch sử thay tôi trả lời câu hỏi ấy. Nhưng tuyệt không phải những người đã ra đi, hay thậm chí cả những người ở lại. Họ không biết đến ngày mai, nữa là ngày về.
Những chàng trai và cô gái, những ông hoạ sĩ, cha xứ, ả đào hay chú bé đánh giày - những người không ai nhớ mặt đặt tên ấy, họ không chờ được một nhành đào tết, một bát phở nóng suỵch. Nhưng tôi, một cá nhân bình thường, sau khi rời khỏi Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, băn khoăn nhìn trái ngó phải rồi quyết định đâm thẳng vào con ngõ nhỏ trước mặt, vừa đi vừa nhớn nhác nhìn quanh, đến đến đường lớn láng coong, rẽ phải, nhác thấy tấm áp phích thay cho biển hiệu treo trước cổng một khu tập thể, thở phào vít ga, đỗ cái xuỵch sau cái hỏi với nhiệt tình của mấy ông chú đang ngồi hàng nước ở đấy... tôi thưởng được bát phở nóng hôi hổi, giá rẻ không ngờ, song vẫn đủ nào những hành những ớt, chẳng cần phải lặn lội dặm trường, trốn chui trốn nhủi dưới mưa bom bão đạn.
Những thứ tôi cho là bình thường lại là khao khát của đồng bào tôi ở một thời-không khác. Tôi không cần phải chờ một bát phở. Họ không chờ được một bát phở. Tôi biết đó là sáu mươi ngày đêm khói lửa. Họ không biết đó là hai ngày cuối của cột mốc 60 đó, sống bữa nay bữa mai, lúc yếu lòng chỉ cầu cho ngày mai không bao giờ đến. Hôm nay của tôi là tương lai những người đã ngã xuống đánh đổi lấy. Họ là những chàng trai, cô gái không ai nhớ mặt đặt tên. Và trước khi là những anh hùng hy sinh lặng lẽ, họ chỉ là những chàng trai, cô gái, những ông hoạ sĩ, cha xứ, ả đào, hay chú bé đánh giày - những nhân dạng tồn tại giữa trần thế với ý chí và bản năng bất diệt.
"Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta..."
-"Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm (1971)
Cá nhân tôi cho rằng “Đào, phở và piano” không phải một bộ phim về lòng yêu nước. Nó là về những con người, những lát cắt của nhân dạng dưới khói lửa trần thế, dao động giữa vị kỷ và vị tha. Họ chờ đào, chờ phở, chờ tiếng piano như chờ một ngày mai không bao giờ đến. Hoa đào nở rồi tàn, nước phở nguội rồi lại sôi, tiếng piano sụt sùi chớp tắt. Họ không thấy được ngày mai, nhưng họ vẫn tiến về phía trước. Bộ ba ả đào ngồi thuyền đến vùng sông nước loang ánh bình minh, tiếng khua nước gõ mạn thuyền trầm đục như ngạch cửa ngăn giữa quá khứ mất mát khổ đau và tương lai ngời hy vọng, dẫu họ vẫn đương giữa một vùng sông nước mênh mông là những sen tàn. Màu phim từ ấy mới hửng dần lên như đêm dài thấy được bình minh, cho tới cuối là một màu xanh trong vắt.
Cảnh cuối phim đẹp một nét hoang hoải lạ lùng. Cành đào tựa bên chiếc đàn đã vỡ nát, đào khẳng khiu, hoa phớt hồng, cây đàn đã gãy mà vẫn đứng thẳng. Và hai đoá hoa bay lên, cao, cao mãi, giữa bầu trời mịt mù khói lửa, và rồi hình ảnh rạng ngời sau cuối là bầu trời trong xanh sáng bừng. Chẳng biết có ai trong số họ thấy được sắc xanh xao xuyến đó không? Ấy ắt hẳn là lời hứa của những người ở lại. Họ bỏ đào, từ phở, ghém lại piano để dành cho đời sau được thư thái mà thưởng những thức ấy. Đó là tương lai họ chẳng thể chạm tới, nhưng là hôm nay của tôi. Tôi ngơ ngẩn trông coi, thấy lòng nao nao một nỗi bâng khuâng khắc khoải.
Và hôm nay của tôi ắt hẳn may phước được những người như vậy bồi đắp. Để được ngắm đào bừa phứa chợ tết, để được ăn phở đến chán thì thôi, để được ôm và hôn dưới vòm trời biếc xanh - những cái ôm hôn ấm hơi người chứ không phải là những nét vẽ trên bức tường chực đổ, dẫu vậy vẫn ngời sáng tình yêu, tình người, hy vọng và tương lai. Đâu cần rao giảng đạo lý gì nhiều, đâu cần hét vào mặt người xem tình yêu đó, khổ đau đó, yêu nước đi đó, chỉ cần khiến tất cả nhân vật hì hụi làm phở, ước ao một bát phở, rồi cuối cùng khán giả ra về phải một mực đi tìm hàng phở ăn hộ nhân vật là được.
19.02.2024
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất