Nhân kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mình sẽ khai thác một chủ đề có người biết, có người không về cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao Mỹ, một nước cách Việt Nam nửa bán cầu lại nảy ra ý tưởng xâm lược Việt Nam? Và tại sao là Việt Nam mà không phải là Trung Quốc, Thái Lan hay một nước nào khác?
Để giải thích cho câu hỏi này thì phải nói sơ về bối cảnh lịch sử thế giới những năm 1945 – 1950. Như các bạn đã biết (hoặc không) thì sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) trật tự hai cực Ianta được hình thành với đặc trưng lớn là thế giới bị chia thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe. Chiến tranh lạnh giữa hai phe bắt đầu. Cuối năm 1949 có một sự kiện khiến cho Mỹ lo ngại đó là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội được nối liền từ Âu sang Á và trở thành một hệ thống thế giới. Mỹ lo ngại rồi đây chủ nghĩa xã hội sẽ bành trướng từ Đông Dương sang Đông Nam Á vào châu Á theo thuyết đôminô. Vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó đã tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, từ năm 1950 sau chiến dịch Biên giới họ bắt đầu nhận được viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô và Mỹ quyết định họ phải hành động.
Theo thuyết đômino (một học thuyết chính trị - đối ngoại của Mỹ) Hoa Kì nhận định miền Nam Việt Nam chính là con bài domino chìa khóa. Nếu con bài này ngã thì chủ nghĩa xã hội sẽ xâm nhập vào Đông Dương, sau đó là Đông Nam Á và cuối cùng là châu Á và điều đó sẽ đe dọa những khu vực sống còn còn lại của “thế giới tự do” (gồm Tây Âu, Mỹ và các đồng mình của Mỹ). Đó là lý do tại sao từ những năm 50 Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ràng buộc chính phủ Bảo Đại vào Mỹ với Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt – Mỹ năm 1951, từng bước thay chân Pháp trong cuộc chiến tranh này khi Pháp ngày càng lún sâu và có nguy cơ thua trận (có lúc viện trợ Mỹ chiếm tới 73% chi phí chiến tranh Đông Dương). Rõ ràng Mỹ quyết tâm không để con bài miền Nam Việt Nam bị ngã.
Nhưng mọi nỗ lực của Mỹ dường như vô vọng khi Pháp thua đau trong Điện Biên Phủ và phải kí Hiệp định Giơnevơ. Mỹ buộc phải dựng lên một chính quyền thân Mỹ ở miền Nam, đó là chính quyền Ngô Đình Diệm và bắt đầu cuộc chiến lâu dài với lực lượng của cụ Hồ ở phía Bắc với nhiều chiến lược chiến tranh khác nhau từ đặc biệt, tới cục bộ rồi Việt Nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh. Cá nhân mình cảm thấy nước Mỹ bắt đầu cuộc chiến với mong muốn ngăn sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội nhưng phải kéo dài cuộc chiến vì danh dự quốc gia. Mỹ lúc đó là cường quốc số một thế giới nhưng rõ ràng với sự thất bại liên tục của những chiến lược chiến tranh, sự không ổn định kéo dài của chính quyền tay sai, Mỹ đang thua trong cuộc chiến mà họ nghĩ họ sẽ không thua được. Họ dồn hàng tỷ đô la vào cuộc chiến này, họ ném bom phá hoại, họ rải chất độc phá rừng, họ kêu gọi thanh niên đi lính trong hơn 19 năm, họ không chấp nhận mình sẽ thua bởi một dân tộc nhỏ yếu, với phương tiện vật chất yếu kém hơn. Nhưng cuối cùng họ vẫn thua, Điện Biên Phủ trên không và thất bại trong hai mùa khô buộc họ phải kí Hiệp định có lợi cho ta và tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta trên chiến trường, để ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Người ta nói học sử là học về quá khứ. Nhưng mình không nghĩ như vậy. Thực chất học sử là học về tương lai vì quá khứ luôn lặp lại. Nếu ta không biết học từ quá khứ, từ đau thương thì sẽ không có ngày ta vươn lên từ đống tro tàn để tái sinh trở lại. Cuộc chiến này đã trôi qua hơn nửa thế kỉ rồi và lớp trẻ tụi mình chỉ còn biết đến nó qua sách vở. Nhưng mình mong sẽ càng ngày càng có nhiều người hiểu sử, biết sử và làm nên lịch sử chứ không thờ ơ với lịch sử nước mình, hay có suy nghĩ rằng lịch sử nước mình không hay bằng nước khác. Xin kết bài với hai câu thơ của Bác: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”