Theo cá nhân tôi quan sát, dù xã hội ngày nay mọi người đã nâng cao dân trí và tầm hiểu biết của bản thân về các vấn đề trong xã hội nói chung và vấn đề học đường nói riêng nhưng việc đánh học sinh vẫn còn là điều gây nhức nhối và đối với cá nhân tôi đó là sự việc hoàn toàn vô lý.
Chuyện là tôi từng có một giáo viên chủ nhiệm lớp vào năm cấp ba, trong lần họp phụ huynh thầy có đề cập đến việc đánh học sinh và thầy "xin" quyền "cho phép đánh" học sinh từ bố mẹ chúng tôi. Một điều mà cho đến bây giờ tôi thấy thật nực cười đến nhường nào. Cũng như thầy giáo ấy, đến giờ tôi biết vẫn còn tồn tại vô cùng nhiều việc giáo viên đánh học sinh và trớ trêu thay xã hội vẫn coi chuyện ấy là điều bình thường.
Một trong những quyền cơ bản của một con người đó chính là quyền bất khả xâm phạm về thân thể và tính mạng. Giáo viên đơn thuần là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, và với thời đại ngày nay, việc giáo dục được "kinh tế hóa" thì đơn giản mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên (nhà trường) đơn giản chỉ là mối quan hệ trao đổi kinh tế, anh truyền cho tôi kiến thức và tôi đưa cho anh lương hàng tháng - RẤT ĐƠN GIẢN. Nhưng có vẻ như xã hội và bản thân giáo viên đang quyền lực hóa vai trò của họ lên và làm phức tạp hóa cũng như cường điệu hóa về vai trò của họ trong việc dạy và học.
Nếu xã hội và bản thân ngành giáo dục coi giáo viên là một nghề thanh khiết và cao quý thì việc trở nên bạo lực và đánh học sinh có được coi là hành động cao quý và thanh thiết - thứ mà họ luôn tuyên dương về nghề của họ hay không?
Trở lại với câu chuyện xin quyền "được đánh" học sinh của giáo viên tôi đã đề cập bên trên. Học sinh cũng là con người nhưng chỉ đơn giản là họ chưa đủ "già", đủ "lớn", như giáo viên để bản thân họ có tiếng nói trong việc giáo dục mà thôi nhưng không có nghĩa là học sinh không có quyền cơ bản về việc bất khả xâm phạm về thân thể và tính mạng. Đồng thời cũng không ai có quyền có thể cung cấp quyền đánh học sinh cho giáo viên cả, như thế là vô lý kể cả là bố mẹ học sinh. Học sinh đa số là dưới 18 tuổi và sống dưới quyền bảo hộ và giám sát của cha mẹ nhưng không có nghĩa là thân thể của họ bị quyết định hoàn toàn bởi cha mẹ trừ khi họ không có đủ nhận thức.
Cơ thể của mỗi con người là vô cùng thiêng liêng và quý giá, nó không thể bị tổn thương và bị xâm phạm bởi ai nếu bản thân người ấy không cho phép một cách tự nguyện. Bạo lực học đường giữa học sinh và học sinh là điều khó tránh khỏi nhưng bạo lực của giáo viên đối với học sinh là thứ cần phải chấm dứt ngay và nhanh chóng.
Giáo viên không thể ỷ lại vào quyền lực của bản thân khi thấy một học sinh làm không đúng một việc gì đó rồi ra tay đánh và xâm phạm vào thân thể của một người học sinh đó được. Làm nghề nhà giáo thì một đức tính quan trọng là kiên nhẫn, bạn không thể chỉ vì thấy một học sinh cá biệt và khó dạy bảo là bạn nghĩ bạn có quyền dùng đòn roi để dạy dỗ và răn đe.
Trở nên hung tợn và dùng đòn roi chỉ khiến học sinh thấy sợ hãi và cảm thấy thiếu an toàn chứ không khiến học sinh thấy bản thân mình được giáo dục và phải làm điều đúng đắn hơn cũng như cảm thấy nể trọng giáo viên của họ. Đòn roi không phải là cách để giáo dục một con người vì không một cá nhân nào có quyền sử dụng bạo lực trên thân thể của một học sinh.
Giáo dục là một công việc cần sự kiên nhẫn và thấu hiểu nên các giáo viên đừng trở nên mất kiểm soát và dùng đòn roi để "trị" học sinh như vậy. Nếu làm thế sẽ mất đi giá trị chính đáng của việc giáo dục con người và giáo viên trở nên đối tượng xấu xí và hung hãn trong mắt các bạn học sinh.