Sự việc Mặt trận Tổ quốc tung chục nghìn trang sao kê đã vạch trần nhiều sự thật về các khoản tiền từ thiện đằng sau những hào nhoáng của những hóa đơn chuyển khoản với số tiền trên trời.
Biết rằng, từ thiện bao nhiêu tiền cho đồng bào cũng là đáng quý. Từ thiện là một từ Hán Việt (慈善) kết hợp giữa hai từ: “Từ” là nhân từ, từ tâm và Thiện là tốt lành. Vậy từ thiện có nghĩa là làm điều tốt từ lòng nhân ái.
Theo lời khai thị của cố Hòa thượng Thích Giác Khang, từ thiện 2 đồng mà cái tâm thành thì phước báu lớn hơn từ thiện 200 mà cái tâm không thành, cốt là ở cái Tâm. Như đại thi hào Nguyễn Du từng viết “Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Thế nhưng, len lỏi trong những đồng tiền đó đã bị vẩn đục bởi cái tâm lợi ích, đam mê hào nhoáng, đánh mất bản thân trong những trầm trồ.
Tự dưng tôi nhớ đến 1 sự việc trước đây, bạn tôi cũng có người mỗi lần đi từ thiện chụp rõ từng vật phẩm, đăng rõ mặt từng cá nhân nhận quà trên trang mạng xã hội. Tôi cứ cảm giác ớn ớn trong người. Sau này thấy cô ấy sa đà quá vào phô trương, tôi nhắc nhở thì cô ấy bảo đó là "gây dựng thương hiệu". Cứ thế chúng tôi rời xa nhau, tôi coi như là tần số không hợp, nói vậy thì lẽ nào gương mặt của từng cá nhân nhận quà xuất hiện trên trang cũng để phục vụ cho việc "gây dựng thương hiệu" đó? Trừ khi là người của công chúng hay các tổ chức từ thiện, việc công khai từ thiện trên mạng đối với tôi là không cần thiết, ngay trong giây phút đăng lên thì lòng từ nhiều khi đã tạp nhiễm với mưu cầu danh lợi. Vô hình chung, ranh giới giàu nghèo giữa người cho và người nhận càng rõ ràng khi bao nhiêu con mắt trên mạng chứng kiến. Đồng tiền từ thiện lúc đó tựa như chia đôi sang hèn, sự phân biệt cứ ngấm ngầm hình thành ngay trong dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn.
Sự việc phông bạt hóa đơn từ thiện, hay thậm chí lợi dụng đồng bào để từ thiện đổi danh, ngỡ rằng đơn giản nhưng thực chất đã hé mở hiện trạng về một căn bệnh mang tên “phù phiếm” đã di căn âm thầm nhưng rất mãnh liệt trong xã hội.
Nguyễn Khuyến từng viết 1 câu rất hay, rằng: “Học hải yếm nghi phòng phiếm dật” được hiểu là: “Bể học (mênh mông thế, học gì thì học) nhưng tối kỵ học những thứ phù phiếm”. Bản chất của sự phù phiếm chính là sự giả. Sự giả dối mà người ta sẵn sàng trả giá cao hơn lương tâm để vuốt ve bản ngã. Khi cả một cộng đồng chạy theo những thứ phù phiếm, những giá trị thật lần lượt bị hy sinh. Như sự học hành, người ta chạy theo bằng cấp, sính danh chức, học hàm học vị thay vì theo đuổi đích đến cuối cùng của sự học là phẩm chất và sự giác ngộ. Cũng như từ thiện, người ta chạy theo con số thay vì tấm lòng. Có lẽ đó là hệ quả tất yếu khi ở Việt Nam ngày nay, người ta chạy theo đồng tiền và danh vọng nhiều. Sự tôn xưng đồng tiền và đời sống vật chất sau một thời gian dài sống trong nghèo đói là điều không quá ngạc nhiên ở Việt Nam. Tình hình cũng giống như ở các nước Đông Âu cũ và Nam Mĩ, những nơi mà người ta cũng tôn thờ đồng tiền và vật chất đến mức khó tin.
Nói về danh thì sự phù phiếm đã tạo nên những cái “chợ danh lợi” cực kỳ đông đúc, lẫn lộn giữa hàng thật và hàng giả. Hàng giả nhiều và loạn khiến cho ngay cả hàng thật bị mất giá. Các cháu học sinh gửi được vài chục đồng (gần như là toàn bộ những gì các cháu có) phải gửi nội dung chuyển khoản kèm với những lời xin lỗi rằng chỉ còn có bao nhiêu đó. Một thứ lòng tốt bị yếu thế là khi các cháu phải đi xin lỗi vì không đủ nguồn lực giúp người khác.
Đức Chúa Jesus đã từng nói "Khi bố thí, đừng để tay trái biết tay phải anh đã làm". Chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy đâu đó ý nghĩa trong nghịch lý này. Hai tay cùng một thân thể, làm sao mà tay trái không thể biết việc tay phải làm? Điều đó có nghĩa là tay phải đã thực hiện hành vi ấy trong vô thức và chính nó không biết hành động của mình là sự cho đi. Ngay cả chính tay làm còn không biết thì làm sao tay còn lại có thể biết? Sâu sắc chính là ở đó. Bố thí là tốt, từ thiện là đẹp và sẽ luôn đẹp nếu nó chưa bị cài cắm mục đích, chưa bị nhận biết. Giống như nụ hoa nở hoa và tỏa hương một cách bản năng. Đóa hoa chưa bao giờ hướng đến mục đích tỏa hương, nhưng hương hoa vẫn cứ theo sau như một hệ quả tất yếu.
Từ thiện luôn tự có một sức lan tỏa âm thầm và mãnh liệt nếu cho nó về với đúng bản chất của lòng từ và rời xa hào nhoáng, danh lợi hay phù phiếm.
Lê Thảo Quỳnh