Thứ gì có giá trị hơn: nước hay kim cương?
Câu hỏi này sẽ chia mọi người thành hai phe. Phe Nước sẽ nói: Rõ ràng nước giá trị hơn. Nếu không có nước, chúng ta đều chết hết. Nếu như không có kim cương, chúng ta chỉ thiếu đi một thứ trang sức. Không mất đi thứ gì nghiêm trọng ở đây cả. Trái lại, phe Kim Cương sẽ nói: rõ ràng kim cương có giá trị hơn. Nếu bạn nghĩ nước có giá trị hơn, hay thử làm một cuộc trao đổi nhỏ đi? Tôi sẽ đưa bạn 1 gallon nước và bạn cho tôi một viên kim cương 20 carat. Nghe có vẻ công bằng đúng không? Vậy phe nào mới đúng đây? Họ đều đúng, tùy thuộc vào việc ta muốn nhìn chính xác từ góc độ nào. 
Nước uống, theo một nghĩa nào đó, vô cùng có giá trị bởi nó là thứ thiết yếu duy trì cuộc sống. Điều này khiến giá trị trung bình của nước uống cao. Nhưng ở những nơi vốn dồi dào về nước, giá trị của việc thêm 1 gallon nước rất thấp. Nếu một công dân sống tại một đất nước phương Tây phát triển, có thêm 1 gallon nước, điều đó chỉ đơn giản là bồn tắm của tôi có thêm nước vào một buổi tối mà thôi. Đó là lý do tại sao giá của 1 gallon nước từ máy vòi lọc ở thành phố New York chỉ là 0,015 USD – ít hơn 2 cent. 
Ngược lại, mặc dù giá trị trung bình của kim cương thấp hơn- 84 - nhiều so với nước, giá trị khi thêm một viên kim cương (hay còn gọi là “cận biên”) cao hơn nhiều. Lý do chỉ đơn giản là không có nhiều kim cương trên thị trường: chúng khan hiếm theo cách khác so với nước. Nếu tôi không có của cải gì cả, và cũng không thể bán đi những gì tôi kiếm được, thì thà rằng có 1 gallon nước còn giá trị hơn 1 viên kim cương 20 carat. Đổi lại, nếu như tôi có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nước như hiện tại, khi được lựa chọn, tôi sẽ lấy kim cương. 
Nghịch lý “nước và kim cương” cho thấy tầm quan trọng của thứ mà các nhà kinh tế học gọi là suy nghĩ ở điểm cận biên: đánh giá giá trị của một vật bổ sung thêm – trong kinh tế gọi là lợi ích cận biên – hơn là nghĩ về giá trị trung bình của thứ đó. Giả sử bạn được nhận một chiếc áo len mới mùa Giáng Sinh. Cái áo đó đem lại lợi ích gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn đang có sẵn bao nhiêu chiếc áo len rồi. Nếu đó là mùa đông, bạn là người vô gia cư không có quần áo ấm, chiếc áo len này có thể giúp bạn không bị hạ thân nhiệt, vậy thì có thêm một chiếc áo len vô cùng quý giá. Nếu bạn có nhà cửa nhưng không có nhiều áo len, chiếc áo đan thêm đó có thể cho bạn thêm một lựa chọn để mặc vào ngày trời lạnh, do đó, nó cũng tương đối có giá trị. Còn nếu bạn đã có quá nhiều áo len rồi, thêm một chiếc nữa có khi lại còn phiền toái – thêm một thứ phải đóng gói khi đi đâu đó – như vậy về tổng thể thì không tốt. Giá trị của một chiếc áo len mới sẽ giảm tương ứng với số lượng áo len bạn đang có. Giá trị này thậm chí có thể âm nếu bạn có quá nhiều áo len. 
Trên thực tế, điều đó đúng với hầu hết những thứ tốt (mặc dù không phải lúc nào cũng như vậy), khi giá trị của chúng giảm dần vì số lượng tăng lên. Miếng bánh đầu tiên rất ngon, nhưng đến miếng thứ ba, bạn bắt đầu thấy ngán. Có thêm một bản của cuốn sách này có thể đem lại trải nghiệm thú vị và giải trí, nhưng có thêm cuốn nữa sẽ chỉ là thêm một cái chặn cửa mà thôi. Các nhà kinh tế gọi đó là quy luật hiệu suất giảm dần... Nếu một lĩnh vực cụ thể nào đó đã nhận được nhiều tài trợ và sự chú ý, chúng ta nên biết rằng sẽ khó để có thể làm được nhiều điều tốt bằng cách dành thêm nguồn lực cho lĩnh vực đó. Ngược lại, trong những lĩnh vực còn tương đối bỏ ngỏ, những cơ hội hiệu quả nhất để làm điều tốt có thể chưa được tận dụng. 
Ảnh từ Britannica.
Ảnh từ Britannica.
Hãy thử nghĩ đến cứu trợ thiên tai. Tháng 3 năm 2011, một trận động đất được ghi nhận là trận động đất mạnh thứ tư kể từ năm 1900 xảy ra tại khu vực Tōhoku của Nhật Bản. Sóng thần cao đến 130 feet (39m) và di chuyển 6 dặm (9,6 km) vào trong đất liền. Trận động đất này lớn đến nỗi toàn bộ đảo chính của Nhật Bản bị dịch chuyển 2,4 m (7.9 feet) về phía Đông. Hàng triệu người không có điện hoặc nước. Hàng nghìn người tử vong. 
Vào ngày 12 tháng 1 năm 2010, chỉ trước đấy một năm, một trận động đất xảy ra tại Haiti. Tâm chấn gần Léogâne, 16 dặm (25,7 km) về phía tây thủ đô của đất nước này, Portau Prince. Ước tính khoảng 280.000 tòa nhà bị sập, bao gồm cả Cung điện Quốc gia, Quốc Hội, Nhà thờ Hoàng tử Portau, và nhà tù chính. Dịch tả bùng phát. Hàng nghìn người tử vong. 
Cả hai sự kiện này đều nhận được rất nhiều sự chú ý từ truyền thông quốc tế và một nỗ lực cứu trợ nhân đạo khổng lồ. Tin tức thảm họa trên tất cả các kênh. Các tổ chức viện trợ được huy động và các cá nhân trên khắp thế giới sẵn sàng bỏ tiền túi ra. Với mỗi sự kiện, tổng viện trợ quốc tế ngay sau thảm họa đạt khoảng 5 tỷ USD. Hai thảm họa này dường như rất giống nhau. Đều do động đất gây ra. Cả hai đều phá hủy mọi thứ ở quy mô lớn. Nhưng hai trường hợp này rất khác nhau, điều này khiến ta tự hỏi tại sao phản ứng viện trợ quốc tế lại giống nhau đến vậy. 
Đầu tiên, quy mô thiệt hại về người của hai thảm họa này khác nhau đáng kể. Bao gồm cả những trường hợp tử vong sau thảm họa, trận động đất ở Nhật khiến 15.000 người chết. Để so sánh, trận động đất ở Haiti khiến 150.000 người chết. Thứ hai, Nhật Bản là quốc gia giàu thứ tư trên thế giới và có đủ nguồn lực để đối mặt với thảm họa ở quy mô đấy. Haiti thì không. Tính trên đầu người, Nhật Bản giàu hơn Haiti gấp 30 lần. Về tổng thể, Nhật Bản giàu hơn Haiti gấp 1.000 lần. Bởi thế, ngày 15 tháng 3, chỉ bốn ngày sau khi trận động đất xảy ra, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố sau. 
Hiệp hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, xác định rằng hỗ trợ từ bên ngoài là không cần thiết và do đó không tìm kiếm tài trợ hoặc hỗ trợ từ các nhà tài trợ trong thời điểm này. 
Nếu như phản ứng quốc tế đối với các thảm họa tự nhiên là có lý tính, chúng ta sẽ mong đợi một lượng kinh phí lớn hơn cho những thảm họa lớn hơn và những thảm họa xảy ra ở các nước nghèo hơn – nơi ít có khả năng đối phó hơn. Nhưng điều đó không xảy ra. Kinh phí dường như được phân bố tương ứng với mức độ gợi nhớ và độ phủ truyền thông của thảm họa thay vì dựa trên quy mô và mức độ nghiêm trọng.
Ví dụ, vào năm 2008, một trận động đất xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Có thể bạn chưa nghe về nó bao giờ: Trận động đất này xảy ra 50 dặm về phía tây bắc Thành Đô, ngay tại trung tâm Trung Quốc. 80.000 người tử vong: gấp 5 lần so với con số tử vong từ trận động đất của Nhật Bản, và bằng một nửa so với trận động đất ở Haiti. Nhưng viện trợ quốc tế chỉ là 500 triệu USD – bằng một phần mười con số viện trợ cho Haiti hay Nhật Bản. Vì một lý do nào đó, trận động đất này không có độ phủ truyền thông như những trận động đất khác nên tài trợ cũng giảm đi. Và bởi vì số tiền nhận được quá ít, các khoản quyên góp có thể tạo ra tác động lớn hơn. 
Ảnh từ SCMP.
Ảnh từ SCMP.
Quy luật hiệu suất giảm dần cũng giải thích lý do tại sao nhìn chung, việc quyên góp cho cứu trợ thiên tai có ít ý nghĩa hơn so với việc quyên góp cho những tổ chức từ thiện tốt nhất chống lại đói nghèo. Hàng ngày đều có người tử vong vì những căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa như AIDS, sốt rét, hay bệnh lao. Đây là một thảm họa có quy mô vượt xa Haiti, Tōhoku, hay Tứ Xuyên. Mỗi ngày, 18.000 trẻ em – nhiều hơn số người thiệt mạng ở Tōhoku – chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa. Với mỗi một trường hợp tử vong tại Nhật, các tổ chức cứu trợ nhận được 330.000 USD tiền quyên góp. Ngược lại, với mỗi một người chết vì các nguyên nhân liên quan đến đói nghèo trên toàn thế giới, trung bình chỉ có 15.000 USD được chi trả cho viện trợ nước ngoài và hoạt động từ thiện. 
Một phần cũng vì lý do này mà các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới kết luận rằng “các hoạt động can thiệp y tế khẩn cấp có chi phí cao hơn và kém hiệu quả hơn các hoạt động y tế đã được thời gian kiểm chứng.” Phản ứng của chúng ta với thảm họa thiên tai là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho việc vì sao khi nói đến từ thiện, hầu hết mọi người thường chỉ đi theo cảm tính và phản ứng với những sự kiện mới thay vì những vấn đề đang diễn ra. Khi một thảm họa xảy ra, các trung tâm cảm xúc của não bộ bùng lên: chúng ta nghĩ – đây là trường hợp khẩn cấp! Chúng ta quên rằng cuộc sống luôn xảy ra trường hợp khẩn cấp, bởi vì ta đã quá quen với những trường hợp khẩn cấp thường nhật như bệnh dịch, đói nghèo hay áp bức. Bởi vì thảm họa là những sự kiện mới mẻ và kịch tính, chúng khơi dậy những cảm xúc sâu hơn, cấp bách hơn, khiến tiềm thức của chúng ta đánh giá nhầm rằng chúng quan trọng hơn hay đáng chú ý hơn. 
Nghịch lý là, quy luật hiệu suất giảm dần cho thấy, nếu cảm xúc của bạn phản ứng mạnh mẽ với một câu chuyện nào đó và muốn giúp đỡ, có thể bạn nên chống lại xu hướng này vì nhiều người khác giống bạn có lẽ cũng quyên góp dựa trên cảm tính. Bạn luôn luôn nên khai thác cảm xúc khi thiên tai xảy ra bằng cách này hay cách khác, nhưng hãy tự nhắc nhở mình, một thảm họa tương tự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào – và sau đó cân nhắc việc quyên góp cho những hoạt động mà tiền của bạn sẽ đạt được hiệu quả cao nhất thay vì quyên góp cho những hoạt động nhận được nhiều sự chú ý nhất. 
Bài viết được trích từ sách Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách do Spiderum phát hành. Bạn có thể tìm hiểu thêm và đặt mua sách tại đây: