Bài viết này mình không có ý vơ đũa cả nắm, nếu không may động chạm đến tự ái của các anh em thì xin thất lễ, mình không có ý gây war gì cả đâu.  Ai có quan điểm không đồng tình hay báng bổ về feminism thì mình nghĩ là không nên đọc tiếp dăm ba cái chữ trong bài này đâu.  
Đàn bà chân yếu tay mềm, chả được cái tích sự gì?
“Đàn bà xó bếp” là định kiến gay gắt của xã hội phong kiến ngày xưa khi nhìn nhận về bổn phận của người phụ nữ và đâu đó nó vẫn tồn tại trong cuộc sống ngày nay. Cuộc sống hiện đại nhưng tồn tại những định kiến truyền thống, cổ hủ nơi những người đàn ông lề thói gia trưởng, luôn cho rằng phụ nữ chẳng làm được việc gì ngoài loanh quanh xó bếp, lo chuyện bếp núc. Xem những bộ phim tái hiện lại cuộc sống người Việt trong khoảng nửa đầu thế kỉ XX trở về trước, mình đã thật sự thấy bất bình khi trong bữa cơm thì đàn ông và phụ nữ lại ăn cơm tại những chỗ khác nhau trong khi họ sống chung dưới một mái nhà. Người đàn ông thì ngồi mâm cao cỗ đầy ở trong gian chính, đối diện với bàn thờ gia tiên còn phụ nữ phải lủi thủi ăn cơm ở dưới xó bếp? Hay trong thời phong kiến, chỉ có con trai là được đi học còn con gái thì ở nhà học may vá thêu thùa. Rồi phần lớn nạn nhân của những cuộc bạo hành, xâm hại tình dục lại là phụ nữ và các bé gái được gây ra bởi đàn ông. 
Và từ ngay ở tên gọi, lại có một sự bất đình đẳng ở đây. Nữ giới được gọi là “đàn bà” khi mang sắc thái tiêu cực, gọi là “phụ nữ” khi thể hiện sự tôn trọng. Vậy tại sao nam giới chỉ gọi với cách khác là “đàn ông”? Đàn ông - phụ nữ? Đàn ông - đàn bà? Điều mình muốn nói ở đây là nữ giới chỉ cần sự bình đẳng chứ chưa dám mơ đến việc phụ nữ phải được tôn vinh và thay đàn ông làm chủ. 
Việc vun vén, chăm lo cho gia đình nên xuất phát từ cả hai phía chứ không nên đùn hết cho phụ nữ. Lập gia đình là để có người đồng hành trong cuộc đời chứ không phải để vác về cái “máy đẻ” hay là “osin” trong nhà. Trong gia đình, khi con cái có vấn đề gì thì lại đổ cho “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Dường như gánh nặng đặt lên vai phụ nữ chẳng thua gì đàn ông, việc gì cũng đến tay. Ban ngày đi làm, tối về bếp núc, thay vì chỉ biết chỉ trích thì tại sao lại không thể nào cùng họ giải quyết vấn đề. 
Ảnh: nytimes.com
Phụ nữ làm được, chúng tôi chỉ cần cơ hội!
Những con người xuất chúng thì họ đạt được những thành tựu to lớn như vậy, thế còn những người phụ nữ bình thường như chúng ta thì sao? Hãy bắt đầu từ việc đó là đừng nghĩ mình là thân con gái, sau này chồng nuôi, không có chuyện đó đâu. Cứ giữ khư khư ý nghĩ đó để rồi sau này bị đánh giá thấp thì lại biết kêu ai và luôn cho rằng mình thua thiệt. Với ý nghĩ đó thì lấy cớ gì mà đòi quyền bình đẳng. Cha mẹ, người thương yêu chúng ta nhất còn chẳng nuôi mình cả đời huống chi nhờ cậy vào người dưng. 
Tác phẩm Little Women của Louisa May Alcott, một bản hùng ca tôn vinh “Những phụ nữ nhỏ bé” và tình cảm gia đình. Với tuyến nhân vật đa dạng nhưng nổi bật nhất là nhân vật Jo March, một cô gái mạnh mẽ, cá tính và có phần nổi loạn. Cô luôn muốn bản thân mình phải là người mình muốn trở thành chứ không sống theo sự sắp đặt của người khác. Cá nhân mình rất ấn tượng với nhân vật này vì ở Jo có phần liều lĩnh, dám nghĩ dám làm cho dù cô sống trong thời đại nơi ước mơ của phụ nữ là trở nên xinh đẹp để gây ấn tượng với đàn ông và rồi kết hôn, quán xuyến việc gia đình. 
Thành tựu của chúng ta, những người phụ nữ bình thường có thể đạt được trước hết là làm chủ cuộc sống của mình. Hãy kiêu hãnh mà sống một cuộc đời mình mong muốn. Hỡi các chị em bạn dì, đừng biến mình thành Lọ Lem, chỉ loanh quanh xó bếp. Sẽ chẳng có bà tiên nào xuất hiện và tự nhiên làm phép biến xó bếp của bạn thành cung điện đâu.
Writer: Dee