Có người hỏi tôi: gần đây em thấy mình thay đổi, dường như không còn là chính mình nữa. Cảm xúc nhạt hơn, gần như không xúc động vì những thứ từng xúc động trước đây. Coi hài cũng không vui, nghe những bài hát cũ cũng không còn cảm giác, cả người yêu cũng vậy. Em vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường như trước. Em có bị làm sao không?
Tôi đã trao đổi xong với bạn, và muốn viết bài này để bàn thêm về đạo, về các học thuyết, lí thuyết và cách chúng ta tương tác với chúng ra sao.
Rất nhiều người bảo rằng hạnh phúc nhất là được là chính mình, tôi là chính tôi.. nhưng rất ít người biết rõ chính mình là gì, biết rõ họ là ai, nên “là chính mình” lại được diễn dịch thành “khác với người khác”, hoặc “giống một nhóm nào đó”. Người ta không ở lại với chính mình mà luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm, so sánh, đánh giá... rồi lạc lối.
Con người luôn luôn thay đổi. Khác nhau là ở ít hay nhiều, và quan trọng là bản thân người đó có nhận ra không. Người bạn trong câu chuyện trên đã đọc qua nhiều sách về đạo, thiền, nên biết tự quan sát bản thân và nhận ra sự thay đổi đó trên chính bản thân mình.
Khi một người tiếp xúc với lí luận, học thuyết, kiến thức, thông tin mà họ yêu thích, họ sẽ bị thu hút và đắm chìm vào trong đó, không ít người sẽ đồng hóa nó với chính mình, xem nó là chính mình.  Tất nhiên đạo lí do người khác dạy, kể cả đó là bậc thánh cao đến đâu, cũng thể nào là “chính mình” được. Thế nên sẽ có những lúc người đó “giật mình” tỉnh lại và tự hỏi đây là đâu, tôi là ai.
Đạo là con đường mỗi người phải tự mình đi, trước hết là để tìm thấy chính mình. Tất cả đạo lí, giáo lí trên đời chỉ là phương pháp, phương hướng, cách thức mà không phải là con đường đó. Con đường của một tín đồ có thể trùng ngay con đường của vị giáo chủ đã đi qua trước đó, hoặc không.
Đạo mơ hồ ở chỗ con đường đó ta chỉ có thể nhìn thấy dưới chân và vài bước ở phía trước, không bao giờ biết được còn bao xa nữa thì đến nơi cần đến, cũng không dễ gì biết con đường mình đang đi có thật sự là đạo của mình không. Chỉ có kiên cường đi tới và không ngừng tự hỏi mà thôi.
Có một đạo lí chung là: Tất cả mọi con đường đều gặp nhau ở điểm cuối. Thế nên đa phần những người bắt đầu “tu luyện” đều bám thẳng một đường mà tiến lên. Thế giới muôn màu, thiên hạ trăm đường vạn lối. Nếu chỉ đi một đường, không tránh khỏi việc phủ định, ác cảm, chối bỏ những gì không cùng đường với chính mình. Đó chính là điều những người mới nhập đạo và chưa đắc đạo phải đánh đổi - phủ định sự đúng đắn của những tồn tại khác trong vũ trụ. Nếu đi đến tận cuối con đường, khi đắc đạo, họ chính là vũ trụ, họ sẽ lại bao dung và công nhận mọi tồn tại khác ngoài chính mình. Thế nhưng trên một con đường có bao nhiêu người mới bước vào, bao nhiêu người đang đi và mấy người đi tới?
Khi tiếp xúc hoặc nghiên cứu, áp dụng một kiến thức, đạo lí mới, thì bị nó ảnh hưởng là chuyện rất thường tình. Lúc học Phật tôi nghĩ về vô ngã, vô thường, từ bi, nhân quả; Lúc đọc Kinh thánh thì luôn nghĩ về giải thoát, cứu rỗi, yêu thương, nhiệm màu; Đọc Osho thì tự hỏi về tình yêu, gia đình, giác ngộ; Ở Lão Tử thì là triết lí vô vi; Ở mấy ông dạy làm giàu thì là việc suy nghĩ có thể thay đổi cuộc đời như thế nào; Ở mấy trang phản động thì là “à thì ra sự việc còn có thể nhìn theo cách như thế”. Tất nhiên lúc mới tiếp xúc thì rất đam mê, ham hố, nên luôn nghĩ đó là chân lí, đó là chính mình, kiểu “à, mình cũng nghĩ như vậy, đây là suy nghĩ của mình, tư tưởng của mình, đạo của mình, chỉ là trước giờ mình không nhận ra”. Tất nhiên sau một thời gian thì lại nhận ra là không phải. Mà quan trọng là không phải ai cũng có thể nhận ra, chỉ những người chú ý quan sát bản thân trước khi trầm mê quá sâu và bị các tư tưởng đồng hóa.
Một số bạn trẻ rất ngây thơ, khi mới tiếp xúc với thế giới bên ngoài một ít, quay lại cho rằng những người khác các bạn là lạc hậu, ngu ngốc, là con cừu gì đó. Cũng có thể đúng vậy, nhưng nếu họ là cừu trắng thì bạn cũng chỉ là cừu đen mà thôi. Cực đoan thì rất dễ, trung dung mới khó.
Tóm lại, mọi thứ mà ta nhìn thấy, nghe thấy, đọc được, viết ra được đều là pháp - là công cụ để ta nương nhờ, sử dụng mà tìm ra đạo của riêng mình. Đắc đạo cũng không phải là phi thăng thành tiên thành phật, mà là tìm thấy chính mình, hiểu rõ thế giới bên trong và bên ngoài theo cách của mình. Muốn vậy thì cần phải học hỏi, cần phải suy nghiệm và kiểm chứng thật nhiều. Trong quá trình đó, muốn không đánh mất luôn chính mình, không bị đồng hóa thành một phần của ai khác, thì cần nhớ rõ chính mình và những thứ mình đang học, đang đọc, đang viết không phải là một.
Bài này đến đây là hết, cũng chỉ là một chút luận bàn thôi. Mong có thể giúp được những người anh em thiện lành gặp khó khăn trong quá trình học đạo, hehe.