Lời ngỏ: Chào mừng bạn đến với chặng cuối trong series bài viết về sức khỏe tinh thần của mình. Qua lăng kính từ bộ phim Inside Out, hẳn ít nhiều bạn đọc cũng cóp nhặt được một kiến thức và góc nhìn mới về cảm xúc của mình. Những ai đọc bài viết đến lúc này, thì mình cảm ơn vì đã cùng đồng hành. 
Sau Covid, nền y tế sẽ đau đầu với khủng hoảng về sức khỏe tinh thần ở mọi đối tượng. Mình chắc hẳn hầu hết người lớn chúng ta đều có tấm thẻ xanh trên điện thoại để có thể đi lại tự do thoải mái. Nhưng, khoan đã, việc tự do có thực sự khiến bạn cảm thấy ổn hơn trước? Hay chúng ta sẽ đối đầu với những vấn đề khác đến từ sự “bình thường mới?”
Mình sẽ để đây để bạn tự suy nghĩ, vì quan điểm chúng ta khác nhau. Tuy vậy, đừng quên bỏ túi thêm một số bài học và kinh nghiệm chúng ta rút ra từ COVID, để dành cho tương lai. 
Vậy lần này, mình sẽ đưa đến bài học gì này?
Trong đây, cách Joy cố ngăn chặn cho Sadness không thể hiện rõ cảm xúc cũng là mở đầu cho những thay đổi trong Riley. So với Sadness, mình có ấn tượng với Joy hơn hẳn, vì cung bậc thay đổi trong Joy có nhiều chiều sâu và khúc mở hơn nhiều. Và bài viết này, là dành riêng cho hai nhân vật ấy <3

Đừng “gồng” một cách vui vẻ trước khó khăn 

Ở bài viết trước, mình có giới thiệu về Atlas Of Emotion, được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của các nhà khoa học về năm cảm xúc: Anger, Disgust, Fear, Sadness, Happiness. Trong khi ở Inside Out, Happiness lại được thay thế bằng Joy. Tại sao Hạnh phúc không đồng nghĩa với Niềm Vui, hay trong Atlas of Emotion, Joy được gọi là Enjoyment?
Theo giải nghĩa của Bản Đồ Cảm Xúc [1], niềm vui mô tả nhiều cảm xúc tốt (good feelings) xuất phát từ những trải nghiệm mới mẻ và quen thuộc. Khi bạn cảm thấy joyful (vui vẻ), tức là những điều xung quanh bạn khiến bạn cảm thấy tốt đẹp. Enjoyment, đơn giản chỉ là sự tận hưởng những điều tốt đẹp. Và việc tận hưởng đó mang tính lan toản, gắn kết nhiều người với nhau.
Vậy, nếu mọi thứ xung quanh bạn không ổn, bạn có thực sự cảm thấy tốt (good) theo định nghĩa của Joy không? Và đó là lý do Joy chỉ là cái đích cuối cùng, cảm giác tốt đẹp về mọi thứ chỉ đến khi xung quanh bạn thực sự ổn thoả. Chỉ đến phút cuối cùng, những quả cầu vàng mới thực sự có ý nghĩa để tạo nên một Riley mới. 
Trước khi xảy ra biến cố, Joy là ‘ngôi sao’ của dàn máy cảm xúc, cũng như cảm xúc chủ chốt của Riley. Mình để ý đến Joy vì cô nàng này khá phiền phức, “nhoi nhoi” và gợi một phần ác cảm khi xem lúc đầu. Cách Joy đối xử với các cảm xúc khác, đặc biệt là Sadness, khiến mình gợi nhớ đến những kẻ bắt nạt, cướp công và muốn mọi thứ theo ý mình. Vì luôn cố gắng để Riley vui vẻ, nên khi gặp tình huống chuyển nhà, chính cô đẩy những người bạn đồng hành vào những tình huống dở khóc dở cười.
“Việc của cậu là đứng trong cái vòng tròn này”
“Việc của cậu là đứng trong cái vòng tròn này”
Tuy vậy, Joy không phải là người xấu, chỉ là cô khá trẻ con, và có cách làm việc cực đoan thôi. Quan niệm rằng cứ cố niềm vui là ắt có hạnh phúc, nên Joy phải liên tục gồng mình để giúp Riley cười, bất chấp hiện tại tạo sự thất vọng ra sao. Kỳ vọng cao để rồi nhận lại thất vọng. Joy cố gắng tạo nên những hình ảnh tưởng tượng thật nhiều màu sắc trong tâm lý Riley. Cô cũng như cô chủ của mình, cố gắng trở nên tích cực (positive). Nhưng khi gặp biến cố, chính cô cũng suy sụp không khác gì Riley, thậm chí còn nặng hơn cả những nhân vật khác, trong đó có Sadness. 
Những nỗ lực của Joy trong việc giúp Riley hạnh phúc thể hiện qua nhiều cung bậc. Thứ nhất, cô đang cố chống chọi sự thật là mọi thứ đang thay đổi, bằng cách nhồi nhét thật nhiều thứ hài hước, vui vẻ, thậm chí cố “ăn mày quá khứ” - bằng cách lôi ký ức lõi từ quá khứ để chiếu lên màn hình. Thứ hai, cô học cách chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi rằng mình thất bại khi thân chủ gặp ác mộng và buồn bã, bằng cách bắt Sadness đứng ở một góc đã được khoanh tròn. Nỗi sợ hãi này cũng đi kèm với việc biết mình không ở vị trí chính sân khấu, mà có thể bị thay thế bởi một ai khác. Gắng gượng chồng chất gắng gượng, cô càng sa vào mớ hỗn độn mình gây ra. Bất chấp bạn mình đã nghiên cứu kỹ, khuyên nhủ thì Joy vẫn lao vào mớ tích cực hão huyền. Và chính sự tích cực này ngăn cản cô để thấu hiểu vấn đề.
Có một phân cảnh để minh hoạ cho chuyện này, là lúc Joy và Sadness cùng lạc vào kho ký ức vô hạn. Chứng kiến những hòn đảo tính cách sụp dần, Sadness lo lắng đến mức biết mình có thể không bao giờ làm được. Nhưng thay vì hỏi rõ nguyên do, Joy chỉ cố che lấp bằng những điều hài hước, hối thúc bạn đi con đường không đúng, kèm theo một câu nói “Suy nghĩ tích cực đi!”. Chính câu nói này càng đẩy Joy vào ngõ cụt biến cô thành một kẻ tội nghiệp đáng thương. Cô càng lạc trong mê cung và không tìm được lối thoát.
Joy: Chúng ta sẽ cứ mãi đi lòng vòng thôi! Chọn đường tắt đi
Sadness: Khoan đã! Joy, cậu có thể lạc trong đó đấy!
Joy: Suy nghĩ tích cực đi!
Sadness: Được rồi. Tớ lạc quan là cậu có thể lạc trong đó. Đó là Trí Nhớ Dài Hạn. Khu vực mênh mông bất tận đó có rất nhiều hàng lang và kệ. Tớ đọc được điều đó trong quyển hướng dẫn.
Joy đại diện cho “chủ nghĩa tích cực độc hại” – toxic positivity. Xét riêng về tích cực, bản thân nó có nhiều lợi ích về tinh thần- kích thích sự hưng phấn, cải thiện lạc quan, giúp chúng ta có nhiều động lực về những điều tốt đẹp hơn. Những suy nghĩ tích cực thúc đẩy việc duy trì nồng độ dopamine - chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phần thưởng. Tích cực dẫn đến phần thưởng, nhưng khi không có phần thưởng, người ta lại càng cố lao vào để kiếm cho bằng được. Người ta phải cố kiếm sự tích cực một cách cực đoan - luôn cố gắng không ngừng để tìm được hạnh phúc, hay đạt được những mục tiêu nhất định, thì ắt có hại. Càng cố tìm hạnh phúc, họ càng đau khổ nhiều hơn. Thay vì chấp nhận rằng bản thân có phần buồn bã và tuyệt vọng khi mọi thứ không như ý muốn, họ ép bản thân đi ngược với tiến trình tâm lý tự nhiên khi gặp tình huống xấu. Và rồi từ dopamine hoá thành một chất đóng vai trò trong quá trình gây nghiện. Đáng tiếc, một số người chọn trốn trách với sự tiêu cực bằng cách sa vào nghiện - nghiện hành vi (chơi điện tử, đếm tương tác mạng xã hội), nghiện chất kích thích. Bởi vì tất cả những sự nghiện ngập đều mang đến cho chúng ta cảm giác của việc tuân thủ, năng suất và phần thưởng trước mắt.
Bản thân Joy cũng không hề biết mình trải qua bất an và vô định đến mức nào. Cô không có sự quan sát cho bản thân mình.  Mang nỗi phức cảm tự ti quá lớn, cô chỉ đơn giản là tìm mọi cách để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt, và cô nghĩ vui vẻ là liều thuốc đơn giản nhất để chữa lành nỗi đau. Chỉ đến khi cô thấy được Sadness giúp Bing Bong dịu đi nỗi mất mát khi mất kỷ vật quý giá, cô mới hiểu mình đã thất bại thảm hại thế nào khi giao tiếp với người khác. Đồng thời nhận ra mình cố gắng gò ép cảm xúc bản thân như thế nào.
Bởi vì, Joy lúc này vẫn không chấp nhận sự thật là mình không thể làm gì được cho Riley ở thời điểm này nữa. Cảm giác vô dụng thôi thúc cô phải cố làm việc năng suất. Và dạng năng suất của Joy, cũng giống với hiện tượng thấy được ở khá nhiều người trong thời điểm giãn cách - năng suất độc hại
Tuy nhiên, đó chưa hẳn là khúc cao trào. Từ đầu, chúng ta luôn thấy Joy chỉ thể hiện đúng một cảm xúc duy nhất: đó là vui vẻ. Nhưng đến khúc này, chứng kiến cái chết của Bing Bong, mọi nỗ lực bất thành, cô cũng phải bật khóc. Đến cùng thì con người lí lắc nhất cũng phải khóc. Một cô gái lí lắc, cuối cùng cũng rơi nước mắt. Trái ngược với những nỗi buồn chậm rãi, ổn định của Sadness, nỗi đau của Joy giờ là giọt nước tràn ly. Cô đã quá kiệt sức trước đó sau quá nhiều nỗ lực không thành. 
 “Tất cả những gì tớ muốn chỉ là làm Riley hạnh phúc.” 
Những giọt nước mắt của Joy làm mình nghĩ đến nhiều khía cạnh. Thứ nhất là vấn đề tâm lý ở một số diễn viên hài độc thoại ở Mỹ. Trong một bài viết được đăng tải trên Big Think năm 2018, "Tại sao những người hài hước nhất thường là những người buồn bã nhất", có một đoạn như sau:
“Những diễn viên hài coi hài kịch là một hình thức tự điều trị. Nhiều lúc họ nghĩ đến đó là trị liệu. Vấn đề là, ở trên sân khấu và trình diễn và thực hiện stand-up, nhưng đó không phải là trị liệu. Đó chắc chắn mang tính trị liệu, nhưng không phải là trị liệu. Giống như khi bạn nghĩ nếu bạn thành công, bạn làm ra nhiều tiền, bạn được ngưỡng mộ, bạn được nhận ra ở góc phố nào đó, mọi vấn đề sẽ tan biến mất. Điều này không đúng, và chúng ta đã thấy ở Robin Williams, vấn đề của ông ấy không biến mất. Những rắc rối của bạn chỉ trở nên khác đi. Chúng sẽ trở thành mức độ stress khác nhau, mức độ trầm cảm khác nhau. Và toàn diện hơn hết, nếu bạn không đối đầu với sức khỏe tinh thần, những rắc rối sẽ không hề tan biến. “
Dr. Ildiko Tabori, nhà trị liệu hàng đầu cho những diễn viên hài ở Mỹ Đơn cử là diễn viên hài quá cố Robin Williams, người đã tự tử do trầm cảm kéo dài kèm theo sa sút trí tuệ. Ở những lúc ông diễn tạo nhiều tiếng cười nhất, cũng là khi ông trải qua những cuộc ly hôn. Một lý do là những người này coi việc làm người khác vui là cách tự trị liệu cho bản thân, mà quên mất rằng chính mình cần người khác hiểu và điều trị cho mình. Thứ hai, là những người nghĩ rằng mình ổn, nhưng thực sự không ổn (ổn-không ổn). Họ có thể vui cười, nói chuyện bình thường, làm việc hăng say, không thể hiện rõ bất kỳ thay đổi gì trên gương mặt. Chỉ đến khi gặp bác sĩ tâm thần, hay chuyên viên tâm lý, họ mới biết là mọi thứ đã rồi.
Ở Joy và những người cố dùng tiếng cười để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, họ đã nhầm lẫn giữa sự tích cực và hạnh phúc dài lâu. Trong tích cực độc hại, ẩn chứa cả việc che giấu cảm xúc thật sự. Các cảm xúc tiêu cực được xem là xấu, và những sự yếu đuối bị coi là kém cỏi, không đáng có, hay tệ hơn là bị từ chối. Tích cực độc hại, về sâu bên trong, cũng là cơ chế né tránh trước những sự thoải mái về bên trong. Nhưng càng tránh, bạn càng tổn thương nhiều hơn. Một nghiên cứu từ năm 1997 cho thấy việc kìm nén cảm xúc càng gây ra nhiều stress tâm lý. Hệ quả là dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và tình trạng sức khỏe tinh thần càng tồi tệ đi. [2] Đó cũng là lý do mà podcast của nhóm Sài Gòn Tếu khiến mình thích thú, vì những người tạo tiếng cười, lần đầu tiên có những cuộc trò chuyện nghiêm túc về những vấn đề sức khoẻ tinh thần hàng ngày mình gặp phải. 
Trở lại với vấn đề năng suất độc hại - thứ mình đã nhắc đến về Joy trong nỗ lực lấp đầy bản thân mình. Trong mùa đại dịch, hẳn bạn từng lướt trên Facebook hay Instagram chứng kiến rất nhiều xu hướng làm vui trong mùa đại dịch như tìm về chính mình, phát triển bản thân, học kỹ năng mới. Đồng ý rằng, chúng ta cần làm nhiều công việc hằng ngày để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Khao khát thay đổi bản thân là tốt, nhưng phải chăng việc chạy đua với quá nhiều thứ có thực sự khiến bản thân thấy thoải mái? Liệu bạn chỉ là cố bắt chước để tỏ ra mình năng suất, trong khi bên trong nhiều lúc mệt mỏi rã rời?  Và đã bao giờ bạn tự hỏi trước khi bắt tay vào việc: Mình đang làm điều này là cho mình, hay cho người khác?
Trong bài viết “Tích cực độc hại là có thật - và đó đang là vấn đề” (‘Toxic Positivity’ Is Real — and It’s a Big Problem During the Pandemic) trên trang web Healthline năm 2020, bác sĩ tâm lý Jaime Zuckerman đến từ bang Pennsylvania ở Mỹ đã nhận định rằng, “Khi đại dịch và cách ly tại nhà (quarantine) bắt đầu xảy đến, tôi dự đoán rằng sự tích cực độc hại sẽ là vấn đề rất lớn. Những bệnh nhân và người theo dõi tôi trên Instagram, họ không hề nhận ra là mình có quyền lựa chọn không theo sự tích cực độc hại này. Trong thời điểm căng thẳng, đầu óc đã bão hoà rồi. Chúng ta không phải lúc nào cũng có khả năng nhận thức giải quyết với đường cong học tập hiệu suất và liên tục làm những việc mới.” [3]
Vì vậy, đã có bao giờ trải qua căng thẳng cực độ, bạn đã trải qua cảm giác của việc không-làm-gì-cả chưa? Và đó là thứ chúng ta học được từ nhân vật Buồn bã (Sadness)

Buồn là lúc chúng ta thực sự nghỉ ngơi

Mục đích của Inside Out nhằm để tôn vinh nỗi buồn. Sadness xuất hiện ban đầu một cách mờ nhạt, lập dị, bị bỏ xó rất nhiều lần, để rồi tỏa sáng ở những phân cảnh cuối. Không hoạt ngôn, cũng không làm gì, chỉ đứng yên đó, ngày ngày đọc quyển hướng dẫn. Sadness mang lại thông điệp rằng: nhiều lúc, cho phép mình buồn cũng là điều tốt. Và một lời nhắn nhủ mà nhiều người đang phải học: đôi lúc, phải cho phép bản thân học cách không-làm-gì.
Phân cảnh đánh dấu cho sự “ra gì và này nọ” của Sadness là khi cô an ủi Bing Bong, khi quý chàng hài hước này mất chiếc tên lửa đưa Riley lên Mặt Trăng. 
“Tớ không biết. Tớ thấy cậu ấy buồn, và tớ chỉ ngồi đó lắng nghe”
Buồn đại diện cho self- compassion (tự trắc ẩn). Với những vấn đề khó khăn đang gặp phải, đây là giải pháp tốt nhất không phải tư duy tích cực độc hại. Thuật ngữ được ra đời vào năm 2003 bởi tác giả Neff, và đã được công nhận khá nhiều trong việc cải thiện tâm trí. Riêng năm 2020, nghiên cứu của hai tác giả người Việt khảo sát 509 đối tượng người trưởng thành khắp cả nước về việc thực hành tự trắc ẩn, biết ơn liên quan đến stress COVID cho thấy mối liên hệ tích cực trong việc cải thiện sức khỏe tâm lý, giảm ảnh hưởng của căng thẳng và nỗi sợ hãi của mỗi cá nhân.[4]
Self-compassion được định nghĩa là “khả năng hiểu sâu sắc về bản thân khi đối diện với những đau khổ và khó khăn. Ở cá nhân có được sự tự trắc ẩn, khi trải qua đau khổ hay biến cố không lường trước, họ ý thức rằng “đau khổ xảy ra không do lỗi của mình” và sự không dễ chịu đến từ bối cảnh ở ngoài cuộc sống”. [4]
Nguồn ảnh: nytimes
Nguồn ảnh: nytimes
Tự trắc ẩn giúp con người tìm hiểu về những đau khổ bắt nguồn từ những sai lầm, thất bại và bất cập của cá nhân họ. Tự trắc ẩn gồm ba yếu tố: tử tế với bản thân (self-kindness), niềm đồng cảm chung với người khác (feelings of common humanity) và chánh niệm (mindfulness). Tử tế với bản thân là khi hiểu mình, yêu thương không phán xét nghiêm khắc. Tình cảm chung nhân loại là việc nhận ra ai cũng trải qua thất bại và mắc sai lầm. Hiểu được điều này, con người hiểu rằng cảm giác “không hoàn hảo”, hay “chưa đủ đầy” nên được bao dung.
Chánh niệm là lúc chúng ta chậm lại, chiêm nghiệm khoảnh khắc hiện tại để suy ngẫm một cách nghiêm túc về những khía cạnh không mong muốn trong cuộc sống này. Và chánh niệm liên quan nhiều đến việc cân bằng tinh thần trong thời điểm căng thẳng, dẫn đến ít phóng đại vấn đề, lảng tránh hay nhìn mọi thứ một cách phán xét. Từ khóa cho chánh niệm là “be present” - để ý đến khoảnh khắc hiện tại.[4]
Gọi tên cảm xúc là một cách thực hành chánh niệm. Và những mâu thuẫn xoay quanh Joy và Sadness, cũng liên quan đến điều này. Sadness ban đầu đã biết được cảm xúc của Riley là thấy buồn khi mọi thứ tồi tệ, và cô muốn Riley giải toả nó ra. Nhưng Joy chỉ muốn né tránh, và khúc cuối cùng, cô nhận ra trong mình cũng có buồn. Bản thân Sadness đại diện cho việc tự trắc ẩn: cô ý thức rằng trong lúc mọi thứ đang rối tung lên, đừng làm gì cả. Mà bình tĩnh, chờ đến khi có vấn đề mới thực sự giải quyết. Và đến lúc gặp Bing Bong đang tuyệt vọng, Sadness mới làm được công việc đầu tiên. Thậm chí, kể cả khi Joy có dồn Sadness vào một góc rất nhỏ, cô chẳng trách móc gì, vẫn để những đồng đội khác làm đúng nhiệm vụ của mình.
Câu nói “Crying Helps Me Slow Down And Obsess Over The Weight Of Life’s Problems" (Khóc giúp tớ chậm lại và nghĩ về những gánh nặng của vấn đề trong cuộc sống), cũng nói lên thông điệp của chánh niệm - chậm lại thôi, nhìn vấn đề rõ hơn chút nữa. Tuy nhiên chỉ đến lúc Joy thực sự biết mình cũng có thể buồn, diễn biến của phim mới thay đổi theo một cách bất ngờ. 
Điều đặc biệt trong bộ phim là khi Bing Bong gặp chuyện buồn, Sadness ở bên cạnh, nhưng khi Joy khóc, cô chỉ có một mình. Chi tiết này hay ở chỗ: chính Joy cũng nhận ra mình cần buồn. Và cô cũng dần học sự tự trắc ẩn với bản thân mình.
Nhìn kỹ thì mọi người sẽ thấy đây là hai dòng nước mắt của Joy
Nhìn kỹ thì mọi người sẽ thấy đây là hai dòng nước mắt của Joy
 Buồn là lúc cho phép cô nghỉ ngơi. Buồn, là lúc để cô nhìn lại rõ điều gì có thể hàn gắn tâm hồn Riley. Buồn, là lúc cô nhìn vào quả cầu ký ức có màu xanh, thấy Riley được bố mẹ quàng vai khi cô bé thua trận khúc côn cầu. Cô chợt hiểu: nỗi buồn đó cũng chứa chan niềm hạnh phúc, qua việc gắn kết mọi người san sẻ với nhau. Nỗi buồn có vẻ đẹp riêng cũng không khác gì niềm vui. Niềm vui có thể san sẻ để khiến chúng ta tươi tắn hơn, và nỗi buồn cũng cần được lắng nghe để làm dịu đi. Khi bước vào nỗi buồn của người khác, chúng ta đã đi sâu vào phần mỏng manh và yếu đuối của con người. Trong nước mắt cũng tiết ra những hormone giúp chúng ta hạnh phúc, làm nhẹ nhõm một phần những gánh nặng của cuộc sống. Ngay cả người hài hước cũng khóc, như Bing Bong vậy. 
Phân cảnh Joy khóc cũng đánh dấu sự trưởng thành trong cô. Ở đây, những cái chết là thứ đánh thức chuyển biến dữ dội ở Joy. Joy ban đầu chỉ là niềm vui, gợi ý sự tích cực, nhưng giờ cái tên chuyển sang một hình thái mới như Từ Điển Cảm Xúc - Enjoyment, tận hưởng phút giây tại một khoảnh khắc.
Trước đây, mình đã từng nghe câu nói về Pixar: giờ thì cảm xúc cũng có cảm xúc. Đúng là vậy thật. Nhưng ở góc nhìn sâu hơn, cảm xúc cũng như con người, cũng cần có sự trưởng thành theo thời gian. Trước khi xảy ra những biến cố, các Cảm Xúc của Riley có phần nhị nguyên: Joy chỉ đơn giản là vui, Sadness chỉ đơn giản là buồn, Fear chỉ là sợ, Disgust chỉ là lắm lời chảnh choẻ, Anger chỉ toàn máu nóng. Nhưng sau biến cố, mỗi Cảm Xúc bắt đầu có phần cân bằng: Joy cuối cùng cũng biết khóc, Sadness cũng mỉm cười nhiều hơn, Fear có sự bình tĩnh nhất định, Anger cũng biết kiềm chế, Disgust cũng cởi mở với sự mới lạ hơn. Thay đổi không làm cho mọi thứ tồi tệ, chỉ là chúng tạo cho chúng ta học cách cân bằng hơn khi gặp thử thách mới. 
“Nghiên cứu khoa học cho thấy cảm xúc hiện tại đúc thành điều mà chúng ta nhớ về quá khứ. Lúc Buồn bã chạm vào quả cầu cảm xúc, hướng Riley nhận ra sự thay đổi cô ấy trải qua và thứ cô ấy đã mất, tạo bước đệm cho Riley phát triển những mặt mới về cá tính của bản thân.”
(Dacher Keltner, cố vấn Tâm lý cho bộ phim, trong bài phỏng vấn “Khoa học trong Inside Out”)

Sau tất cả, hạnh phúc tồn tại dưới nhiều mảng màu khác nhau

Khi Joy rớt nước mắt vào quả cầu, Cô tự hỏi mình vẫn có thể mang được vui vẻ cho thân chủ của mình khi chính mình lâm vào sự cùng cực của nỗi buồn? Đến khi giọt nước mắt rơi vào ký ức có khả năng biến đổi. Và kỳ diệu thay, khi ký ức dần biến mất, nó dần chuyển từ màu vàng sang xanh, và ký ức sống lại. Và cô nghiệm ra về sự cân bằng của cảm xúc, trong vui có buồn, trong buồn có vui. Chỉ khi nào đi qua hết những khó khăn, Joy mới thực sự làm đúng vai trò của cô - Enjoyment, tận hưởng sự sung sướng sau mỗi nỗ lực chịu đựng khổ đau.
Inside Out gửi gắm cho chúng ta thông điệp: Niềm vui có thể đến từ những khoảnh khắc rất ngắn và rồi sẽ chợt đi. Nhưng cảm giác hạnh phúc thì trường tồn. Bắt lấy niềm vui rất dễ, nhưng giữ lấy và lan tỏa niềm vui rất khó. Và sau tất cả, một quả cầu ký ức lõi là sự phối hợp của nhiều màu sắc, trong xanh có vàng, trong đỏ có xanh lá, trong tím có pha chút đỏ. Hạnh phúc sẽ đến sau những khổ đau, như quan niệm ông bà ta: “Trong cơn bĩ cực tới hồi thới lai” vậy. 
Trải qua một hành trình dài, khó khăn đi chăng nữa, dù bản thân mình khi xem phim vẫn có một số thành kiến với các nhân vật cảm xúc (cảm xúc của mình mà), nhưng thật ra, xét về mặt tâm lý, các Cảm Xúc đã làm việc rất bình thường. Không có ai trong đây là nhân vật phản diện cả. Họ đều học cách đi lên từ những vấp ngã, và tất cả chỉ để quan tâm đến cô chủ của mình. Vì khi yêu một ai đó, hay điều gì đó thật sự, chúng ta mới sẵn sàng mạo hiểm để thay đổi, để làm mới mình, và hướng cả hai đến sự hạnh phúc. Và đó cũng là dấu mốc đặc biệt cho phim Pixar, khi lần đầu tiên có một bộ phim không dấu vết của nhân vật phản diện.
Cuối cùng khi Buồn Bã được làm đúng công việc của mình, mọi thứ trở lại trật tự cũ. Một dàn máy cảm xúc mới, với nhiều nút hơn, và thêm nhiều hòn đảo khác hơn. Biến cố đến là để chúng ta trưởng thành hơn, đổi mới hơn. Cô bé Riley rồi sẽ gặp nhiều thay đổi khác trên đường đời. Và các cảm xúc vẫn đồng hành cùng cô, yêu thương cô. Và chúng ta khi gặp bất kỳ khó khăn ban đầu đều trở thành cô bé Riley, run rẩy, nhút nhát và tê liệt cả thôi. Mọi thứ đổi thay không có gì là xấu cả . Chúng chỉ đơn giản là tạo ra một bản thân mới - TỪ TRONG RA NGOÀI, như chính tựa đề phim vậy. 
Và sau tất cả, thành phố cũng dần mở cửa, mọi người dần ra đường. Trời sáng lại, và một cỗ máy mới được bắt đầu vậy. Dẫu có trải qua nhiều khó khăn, chúng ta đã học cách yêu thương mình, giống như Joy đã nói “Dù có chuyện gì, chúng tôi vẫn yêu cô gái ấy” vậy. 
Kết: Vậy là mình cũng xong được dự định được ấp ủ bấy lâu. Thực ra để nói về stress, cách đương đầu thì còn nhiều thứ để nói, và nó không nằm trong khuôn khổ của bộ phim. Tuy vậy, Inside Out cũng là công cụ khá hay để bạn hiểu bản thân ngay từ ban đầu. Tổng kết lại, mình xin gửi lại bạn 5 thông điệp mình muốn truyền tải qua phân tích về Inside Out:
1. Ai cũng có lúc rối tung (stress) trước những tình huống ngoài dự đoán
2. Gọi tên cảm xúc là cách để chúng ta hiểu mình, hiểu người khác và giữ sức khoẻ cho bản thân
3. Trước sự thay đổi, đừng “gồng” một cách vui vẻ 
4. Buồn là lúc bản thân thực sự nghỉ ngơi
5. Hạnh phúc không chỉ là niềm vui, nó còn là mảnh ghép của rất nhiều cảm xúc khác nhau
Và một thông điệp cuối: Bạn không cô đơn. Khi gặp bất kỳ vấn đề gì, hãy chủ động tìm kiếm và chia sẻ. “No man is an island” - không ai là hòn đảo cả, và đó cũng là từ được chơi chữ ở hòn đảo trong bộ phim “Nomanisan Island” 
Để kết bài viết này, mình xin thả bạn một đường link nhỏ - một cuốn truyện tranh nhỏ nhỏ xinh xinh của Tổ chức Y tế Thế giới “Doing What Matters in Times of Stress”. 
Và tặng bạn thêm hai đoạn nhạc trong phim, có đầy đủ các cung bậc cảm xúc:
Xin cảm ơn bác sĩ tâm thần Huỳnh Thanh Tân, cộng tác viên tại Touching Soul Center, người đàn anh đã dành một thời gian dài để em hỏi và nói hết mọi thứ. Và bác sĩ Trần Quang Hưng, sáng lập Med Lang Fanatic, hiện cũng làm hướng dẫn về sức khoẻ tinh thần cho nhân viên y tế, đã chỉnh sửa một số ý và cách diễn đạt gíup em. Và đứa em Uy Việt, đã đọc bản thảo từ khi nó còn ở lúc thô sơ nhất, đến mức hoàn chỉnh thành series như bây giờ.
Cảm ơn bạn đã đọc!
Vĩnh Anh
Tư liệu tham khảo:
[1]
[2]
[3]
[4] Thanh Minh Nguyen, Giang Nguyen Hoang Le (2021) The influence of COVID-19 Stress on Psychological Well-Being Among Vietnamese Adults: The Role of Self-Compassion and Gratitude
https://doi.apa.org/fulltext/2021-10954-001.pdf