Tôi vẫn còn nhớ câu nói và khuôn mặt hớn hở của em họ tôi khi chú tới rước nó và bảo: "Ông nội mất rồi", đứa bé 4 tuổi nhảy lên vui sướng "Yeah, ông nội mất rồi!". Đừng vội trách nó, người lớn còn biến Đám ma thành cái bữa tiệc được thì nó sao không vui được.
    Đương nhiên, không phải tất cả những Đám mà tôi thấy, hay tôi viếng đều là những bữa tiệc. Chỉ là thỉnh thoảng lại nghe ở đâu đó câu "Đám ma vui banh xác" và đây là đám thứ ba tôi chứng kiến trọn vẹn từ những người gọi là hàng xóm của tôi rồi, tôi vẫn không hiểu nổi niềm vui của họ.  
    Ngày trước ở trong trung tâm có thể vì không gian chật hẹp, nên tôi "được" nghe một đêm thôi, cũng không vượt quá 11 giờ. Nhưng từ ngày dọn ra ngoại ô chung quanh nơi tôi sống, tôi bắt gặp nhiều hơn những "bữa tiệc Đám ma" như thế. Như Đám đầu tiên mà tôi thấy được khi mới dọn về (cách nhà tôi một miếng đất), ngoài việc đọc kinh ba bữa như thường lệ, họ còn có chương trình văn nghệ, hầu như sau mỗi giờ đọc kinh, và hết tất cả những đêm, tôi chắc chắn là hết những đêm vì lần đó đêm nào tôi cũng làm khán giả bất đắc dĩ tới 6h sáng, may mà chỉ 3 đêm. Tôi cũng không rõ năng lượng ở đâu họ có thể hát nhiều như vậy, ban đầu là những bài cải lương, rồi đến những bản bolero buồn, rồi những bản bolero tình yêu, rồi những bản nhạc trẻ, có cả nhạc remix sau khi mọi người đã chén chú chén anh, đêm cuối có cả MC và dàn ca sĩ nghiệp dư nữa. Và lần này, thêm một đám nữa rất gần nhà tôi, may thay đêm đầu họ chỉ hát tới đúng 12 giờ, sang đêm thứ hai thì 2 giờ sáng, nay là đêm thứ ba rồi, tôi không thể đoán trước được.
    Tôi không thể hiểu suy nghĩ của họ, khi người thân của họ qua đời, họ có buồn, nếu không muốn hỏi là họ vui sao? Có người bảo tôi là để cho không khí bớt ảm đạm sầu thảm, ai bớt sầu, ai bớt thảm? Một nhà đông con cháu, hay ít con cháu đi nữa, dù tất cả không buồn vì không phải ai cũng ở gần nhưng sẽ có những người cảm thấy rất đau khổ. Thử tưởng tượng, một mình bạn đang đau khổ ngồi bên cạnh người thân yêu nhất vừa mất đi của mình, đau đến không khóc nổi, đau đến thất thần, thì nguyên một dàn người ngoài kia vẫn ăn uống đánh bài, ca nhạc có người còn đùa vui vẻ, cảm giác như họ đang ăn mừng vì người ấy mất, họ cười trên nỗi đau khổ của bạn, hay bạn sẽ chỉnh lại tinh thần ra vui vẻ với họ cùng suy nghĩ người đó đến tuổi mất rồi.
    Thật ra, không phải cứ Đám ma thì phải gào khóc vật vã, hay tất cả đều mang một khuôn mặt sầu thảm, nhưng nếu không có cảm xúc với người đã mất, thì bạn cũng không nên cười trước mặt người đang khóc chứ. Lạc quan yêu đời chẳng có gì sai cả nhưng nên tôn trọng cảm xúc của người khác, còn giả như nhà đó chẳng có ít nhất một người buồn, thì thôi vậy, tôi cũng không muốn hiểu họ.