"Đám ma Mẹ mà mày còn không khóc..."
Chuyện là… 5 năm sau ngày Mẹ mất, mỗi khi có tranh cãi Ba vẫn luôn nhắc đến chuyện Mi đã không rơi nước mắt khi Mẹ mất . “Đám ma...
Chuyện là…
5 năm sau ngày Mẹ mất, mỗi khi có tranh cãi Ba vẫn luôn nhắc đến chuyện Mi đã không rơi nước mắt khi Mẹ mất. “Đám ma Mẹ mà mày còn không khóc nữa thì biết tình cảm là gì?” - mỗi lần như vậy Mi đều giải thích thật lâu: “Không phải khóc lóc mới là thật sự yêu thương, Ba nhìn xem những người thường sân si với Mẹ ngày thường, lúc đám ma lại khóc rất nhiều; họ cũng có thương yêu Mẹ con thiệt lòng đâu...”
Quay ngược về 5 năm trước, ngày Mẹ mất là ngày thi cuối kì năm lớp 10 của Mi. Sáng, Ba dặn dò cẩn thận về chuyện ăn uống, thi cử rồi mới ra trước nhà đón xe xuống bệnh viện thăm Mẹ. Song, vừa bước ra cửa thì điện thoại reo lên, chừng 10 phút sau Ba đẩy cửa bước vào, mếu máo “Mẹ con mất rồi Mi ơi!” rồi ngồi sụp xuống võng òa khóc. Đó là lần đầu tiên Mi thấy Ba khóc. Trong đầu Mi cũng hổng biết phản ứng sao cho phải, thôi, Mi bình tĩnh hỏi xem Mẹ đã mất bao lâu, mất như thế nào? Sắp tới mình cần làm gì? Sau đó chạy xuống trường xin nghỉ thi ca chiều để lo hậu sự...
Khóc mới thật sự yêu thương?
Vậy lúc đó sao Mi không khóc? Đâu, Mi có khóc đó chứ. Chỉ là Mi không muốn cho mọi người thấy mặt yếu đuối của mình, Mi tự nói với mình “chuyện càng lớn càng không được khóc”. Vả lại, Mẹ đã chọn hỏa táng, quay về với dòng sông nơi mẹ lớn lên thì có lẽ cũng mong những người ở lại đừng quá bi lụy với sự ra đi của mình.
Nắm bàn tay lạnh lẽo của Mẹ, cố gắng nhớ lấy cảm giác về Mẹ lần cuối, Mi lẳng lặng quan sát xung quanh: cô A thường ganh đua với Mẹ chuyện áo quần đang ngồi khóc ỉ ôi, Bà B hay nói xấu Mẹ cũng tóe nước mắt kể lại những câu chuyện tốt về Mẹ... Chính những hình ảnh đó làm Mi quyết định giấu nước mắt cho riêng mình, cũng là để chính mình mạnh mẽ hơn: "Nếu mình khóc, những người còn lại cũng không trụ được mất", Mi muốn làm trụ cột tinh thần cho Ba, cho Bà Ngoại, cho những người thân thiết đang suy sụp khi mất Mẹ...
Chụp hình đám tang để làm gì?
Khoảng ngày thứ 2 của đám tang, Ba gọi Mi lại trò chuyện về cách hành xử của Mi. Tại sao lại bình tĩnh đến vậy? Tại sao không tỏ ra đau buồn? Tại sao lại không chịu chụp ảnh? Tại sao lại không khóc?
Lúc Ba hỏi, Mi cảm thấy buồn Ba lắm. Sao Ba sĩ diện thế? Tới cảm xúc cũng phải đào lên trưng bày để “người ta” không nói này nói kia? Con không khóc vì con không muốn khóc và đây không phải là lúc để trở nên yếu đuối. Con không thích chụp hình vì chẳng có gì hay để ghi lại.
Vì bởi, Mẹ và Mi đều yêu thích chụp hình, đối với Mi chụp hình là để ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ, đáng nhớ. Còn đám tang chắc chắn là những ngày Mi muốn quên đi hơn bao giờ hết. Có cái gì vui? Có cái gì đáng nhớ để chụp lại? Chụp lại để lưu giữ những khuôn mặt đau buồn, khóc lóc, hay chụp lại những gương mặt đang cười đùa nói chuyện phiếm? Tới tận hôm nay Mi vẫn không hiểu nổi chuyện chụp ảnh đám tang khi như một lẽ đương nhiên, 2 cuốn album hình đó cũng dần rơi vào quên lãng. Đúng thôi, dĩ nhiên hổng ai "buồn buồn" lật hình đám tang ra coi đâu!
Ba vẫn chưa hiểu…
Một thời gian sau đám tang, khi mọi người đều bình tĩnh lại thì Mi và Ba đã có những buổi nói chuyện thẳng thắn với nhau về việc…"sao con không khóc?”.
Ba lắng nghe thật lâu, nói với nhau thật nhiều về tình trạng cảm xúc của cả hai. Song, trong những lần Ba nổi giận gần đây, Mi bất ngờ khi nghe Ba lặp lại câu trách móc:"Mày chỉ có mỗi cái miệng không! Nói thương ba thương mẹ, đám ma Mẹ mà mày còn không khóc nữa thì biết tình cảm là gì?”. Thì ra Ba vẫn ghim chuyện này trong đầu, thì ra Ba vẫn chưa hiểu nổi đứa con của mình, thì ra trong mắt Ba... Mi tệ đến thế!
Đoạn kết
Khóc hay không khóc? Có thật sự nước mắt mới thể hiện hết sự thương yêu. Chuyện Mi kể đến thế thôi, Mi vẫn chưa biết cách trò chuyện để Ba hiểu hơn nên đoạn kết này Mi vẫn để dang dở...
Còn bạn thì sao? Tại sao bạn không khóc?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất