Bài viết này nhằm đả kích sự vô lý, thói quen xa xỉ, chuộng hình thức, Tây không ra Tây mà Tàu cũng chẳng ra Tàu trong hôn nhân tại Việt Nam hiện nay. Tác giả không hề có ý phỉ báng truyền thống, mà nhấn mạnh vào những cái trái khoáy, những thiên kiến xác nhận nhảm nhí dẫn đến sự tan vỡ của rất nhiều cặp đôi trẻ. 
Những số liệu thống kê trong bài viết đã được nghiên cứu, tổng hợp kỹ càng, khoa học, hàn lâm, triết lý với phương pháp... ước lượng bằng mắt thường, qua 1001 cái đám cưới mà tác giả, hoặc muốn, hoặc không muốn, đã tham dự.


Nhân một hôm, trên Facebook của anh bạn trong Nam của mình vốn 3 năm nay vẫn tràn đầy từng khoảnh khắc của đôi bạn trẻ với bao mong ước cho tương lai, chỉ còn vỏn vẹn một dòng chữ: ABC is now single. Sau khi tức tốc gọi điện cho anh bạn này, thì mới vỡ lẽ ra rằng: họ chia tay vì không cưới được. Nghe có vẻ lạ mà không lạ, suy đi nghĩ lại chỉ thấy đắng chát trong họng. 
Trai gái lấy nhau là thiên kinh, địa nghĩa. Đốt thiên kinh, diệt địa nghĩa, rốt cuộc là kẻ nào?!

1. Đám cưới là gì?

1.1 Thời xưa

Trai gái lấy nhau, gọi là đám cưới, nói gọn là cưới, từ Hán-Việt là "giá thú". Đám cưới là một trong tứ đại nghi lễ của văn hóa người Việt. Đám cưới thời phong kiến hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ sắp đặt, mà không phụ thuộc vào đôi trai gái.
-Theo wikipedia-
Theo nghi thức thời xưa, đám cưới bao gồm các 6 nghi lễ sau:
Lễ nạp tài: sau khi hai nhà bàn chuyện cưới của đôi vợ chồng trẻ, nhà trai sẽ "đặt cọc" một cặp "nhạn" ở nhà gái để biểu thị cho việc "đã seen". 
Lễ vấn danh: ông bà mai đến nhà gái để hỏi về tên tuổi, ngày tháng năm và giờ sinh của cô dâu. 
Lễ nạp cát: lễ này để báo cho nhà gái biết rằng nhà trai đã google xong tử vi và biết được tuổi tác không xung khắc, có thể tiến tới hôn nhân. 
Lễ nạp tệ/nạp trưng: lễ này là khi nhà trai nộp lễ vật cho nhà gái để đảm bảo cho sự cử hành của hôn lễ.
Lễ thỉnh kỳ: lễ này để định ngày giờ cử hành hôn lễ. Trong nghi lễ này, nhà gái sẽ đưa ra check-list lễ vật gọi thầu. 
Lễ nghinh thân: lễ rước dâu, chung với lễ cưới, nhà trai mang lễ vật đến rước dâu về nhà trai. Tại nhà trai, cặp phu thê sẽ thực hiện bái lạy gia tiên, bái lạy nhị vị song thân, rồi cuối cùng là giao bái. Một bữa tiệc nho nhỏ giữa gia đình, người thân, hàng xóm và bạn bè sẽ được tổ chức trong không khí ấm cúng, gọn nhẹ. Sau đó 2 ngày, tân lang và tân nương sẽ cùng nhau về nhà vợ để bái kiến nhạc phụ, nhạc mẫu. 
Lễ rước dâu truyền thống, Sài Gòn năm 1866. 
Về căn bản, việc "thách cưới" của nhà gái chỉ là một hình thức, với quan niệm tài vật đó sẽ khiến cho cuộc sống của tân nương bên nhà trai sẽ luôn giàu sang, phú quý. Số lượng lễ vật tùy vào thái độ của nhà gái với nhà trai. Nếu ưng thì sẽ vừa vừa phai phải, còn không ưng thì hét lên tận trời để khỏi cưới. Tuy nhiên, để tránh cho việc này phát sinh, vua ban hành các luật lệ để các đôi trai gái có thể cưới nhau vẹn toàn, cụ thể như sau: 
Điều lệ hương đảng do vua Gia Long ban hành năm 1804, khoản về giá thú đã dẫn câu từ sách cổ: "Hôn lễ là mối đầu của đạo người", "Giá thú mà bàn của cải là thói quen mọi rợ" và quy định: "Đại phàm lấy vợ lấy chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tuỳ nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa 6 tiền, người nghèo 3 tiền, người làng khác thì gấp đôi..
-Nguồn Wikipedia-
Trong đó, khái niệm "tiền cheo" là số tiền nhà trai nộp cho hương chức tại làng, để được cấp giấy giá thú (ngày nay tương ứng gọi là giấy đăng ký kết hôn). 
Các nghi lễ cần phải được tổ chức một cách thật tiết kiệm, không xa hoa lãng phí và phải nhanh chóng, trừ phi là nghi lễ của hoàng gia. 
Năm 1864, vua Tự Đức cũng sai định rõ lại lễ cưới xin của dân gian: "Từ lúc vấn danh đến khi xin cưới, cho kỳ hạn là 6 tháng, đều theo tiết kiệm, không được quá xa xỉ"
-Nguồn Wikipedia-
Tức là, lễ cưới thời phong kiến gói gọn trong 3 vấn đề sau: 
 6 nghi lễ truyền thống
 Không bàn của cải
Không xa xỉ dông dài

1.2 Thời nay

Thời buổi hiện đại, hội nhập văn hóa, nên đám cưới thời nay không còn hủ tục "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó" nữa, và các lễ nghi cũng được tinh gọn lại để tránh tốn thời gian phiền hà, tuy nhiên các giá trị cốt lõi nhân văn trong văn hóa hôn nhân của nước ta vẫn được lưu giữ lại.
Lễ dạm ngõ: nhà trai mang lễ vật đến nhà gái để đặt vấn đề cưới xin cho cặp trai gái. Các vấn đề như tuổi tác, sính lễ, ngày giờ,... cũng sẽ được bàn bạc trong buổi lễ này.
Lễ ăn hỏi: nhà trai mang lễ vật đến nhà gái để hỏi cưới. Tại nghi lễ này, cô gái được xác nhận là vợ chưa cưới của chàng trai. 
Lễ cưới: phần này là phần quan trọng nhất trong toàn bộ 4 nghi lễ, khi tân lang tân nương báo cáo hôn sự lên gia tiên, kính rượu phụ mẫu và thân bằng quyến thuộc. Sau đó, gia đình sẽ lựa chọn tổ chức bữa tiệc thân mật tại nhà, hoặc kéo nhau vào một cái hộp kín với mấy trăm khách, mà đa số trong đó cô dâu chú rể chỉ gặp được 1-2 lần trong suốt quãng đời. 
Bái lạy gia tiên
Lễ lại mặt: sau lễ cưới, tân lang tân nương quay về nhà gái để bái kiến phụ mẫu, kèm theo một số lễ vật đơn giản, rót rượu hoặc trà. 
Kết thúc phần 1, tôi xin nhấn mạnh một điểm rằng, nghi lễ cưới truyền thống của Việt Nam không hề bao gồm cái bữa tiệc 2-300 khách xa xỉ lãng phí, mà mọi người thường gọi là "cơm bụi giá cao".

2. Đám cưới hay là trò lố?

Nói trắng ra, cái buổi lễ mà cô dâu được cha đưa xuống lễ đường, lên khán đài trong tiếng nhạc xập xà xập xình, chú rể mặc suit đợi sẵn, vũ công múa may dập dờn hoàn toàn là một sự "vay mượn" từ văn hóa phương Tây một cách nửa mùa. Thế nên làm ơn đừng lôi hai chữ truyền thống ra để bao biện.
Cái sự copy ấy nửa mùa ở các điểm sau đây:
Tiệc "cơm bụi giá cao hiện nay"
Một: tốn thời gian nhất không phải là thời gian làm lễ, mà là việc đi phát thiệp cưới. 300 cái thiệp cưới, chia ra 2 nhà cùng đi phát, ban ngày đi làm không quên xách theo cái list dài lê thê và một mớ thiệp cưới, tan ca là vội vàng chạy đi phát thiệp. Ai không nghe máy thì đến tận nhà, ai ở xa thì gửi bưu điện, hôm nào lười thì cắn răng gọi shipper. Dù cho nắng mưa vất vả, khó khăn nhọc nhằn, thiệp này không thể phát thiếu.
Hai: 90% khách mời là cha mẹ của cô dâu chú rể mời. 70% trong số đó, cô dâu và chú rể chả biết tên. 25% còn lại, cô dâu và chú rể biết tên, song chỉ gặp gỡ tầm 1-2 lần trong suốt quãng đời còn lại, tính luôn cả trong "lễ cưới". 5% cuối cùng là họ hàng.
Ba: 10% khách do cặp trai gái mời còn lại là người quen của cô dâu chú rể, trong đó 10% là bạn bè thân thiết trong cuộc sống, người rất vui mừng được có mặt để chúc phúc cho bạn bè của mình. 90% còn lại bao gồm "bạn mẫu giáo 10 năm chưa gặp", "bạn cùng bàn khác tầng thời cấp 2", "bạn cùng trực nhật thời đại học", và đồng nghiệp, những người mà "đã cố né hết sức mà vẫn phải đi ăn cơm bụi giá cao". 
Bốn: Ngoại trừ 30% thời lượng buổi "tiệc cưới", cô dâu và chú rể ở trên lễ đài, thì 70% còn lại họ phải đi mời rượu từng bàn để quay film, chụp ảnh kỷ niệm với "cô gì ơi" và "chú gì gì ơi". Mãi đến cuối buổi họ mới có thời gian để ghé qua bàn bạn thân vốn đã ăn no, uống say và đang vừa ngáp vừa quẹt điện thoại. 
Năm: 80% số người dự "tiệc cưới" chỉ đến để nhét phong bì - kí tên đóng dấu - cười cười với cô dâu chú rể - ăn - đi về. 10% số quan khách cố gắng nhét lũ nhóc vào ghế ngồi, bịt miệng cái đứa đang khóc toáng lên lúc mọi người im lặng nhìn cảnh trao nhẫn, hoặc đuổi theo thằng nhóc đang định ụp cái bánh kem vào mặt cô dâu. 5% kéo nhau lên lễ đài hát "năm anh em trên một chiếc xe tăng”, hoặc kinh dị hơn là "Có khi nào rời xa", tuyệt chiêu cuối cùng là người yêu cũ của cô dâu lên hát "Khi nào chia tay?". 5% hiếm hoi nhìn theo và chúc hạnh phúc cho đôi trẻ.
Sáu: ở trên MC thao thao bất tuyệt theo kịch bản, ở dưới khách hỏi sao lâu thế chưa được ăn.
Bảy: ăn xong khách lật đật đứng lên đi về, cô dâu chú rể cũng lật đật dọn hàng cho tour kế tiếp họ còn làm đám cưới.
Chàng trai tự giới thiệu là bạn trai cũ của cô dâu lên khán đài hát "góp vui".
Các bạn nghĩ sao, khi buổi lễ quan trọng bậc nhất cuộc đời mình, mà toàn những người mình không quen biết, toàn những đứa nhóc phá phách, toàn những người "ăn cơm bụi giá cao" và bạn chẳng thể nào dành thời gian cho những người thực sự quan trọng với bản thân mình?!
Tôi không biết chắc cuộc hôn nhân này được vẹn toàn bao nhiêu lâu, nhưng nhìn theo cái sự "nghiến răng ken két" của những người buộc phải "đi ăn cơm bụi giá cao" thì tôi cá rằng "lời chúc" của họ dành cho cặp đôi rất là đặc sắc đây. 
Trong khi đó, xin mời hãy nhìn vào tấm hình dưới sau, chụp tại lễ cưới của cậu em trai người Việt Nam của tôi cùng cô dâu Tây tại Mỹ. Buổi lễ trang trọng, thân mật, có sự góp mặt của linh mục, gia đình, và những người bạn thân nhất trong cuộc đời của họ. Không hề có những kẻ họ không biết là ai, không hề có múa hát rình rang, không hề có những đứa nhóc con quấy phá, không cần phong bì tiền bạc. 
Chỉ có chiếc bánh kem cô dâu tự làm, chỉ có lễ đường được họ, và những người bạn thân thiết tự tay trang trí tại một trang trại nhỏ xinh, chỉ có cô dâu và chú rể nhảy cùng nhau trong nụ cười của bạn bè thân thiết. 
Happy wedding, Shawn!

3. Cuối cùng là trai gái lấy nhau, hay cha mẹ lấy nhau?

_Hệ quả là cặp đôi "yêu 3 năm không đến được với nhau" ở đầu bài. Tức là chú rể, với gia đình không dư dả, bản thân ở tuổi 28 chưa thể nào "có 300 triệu" trong tài khoản như lũ hot-girl ngu xuẩn, não lợn, chuyên ngành đào mỏ nào đó hay vẽ ra, đương nhiên không thể nào chi trả nổi cho bữa tiệc cưới 150 khách ở đất Sài Gòn hoa lệ. Thậm chí có những nhà hàng tương đối nhẹ tiền hơn, thì họ chỉ nhận khi nào số lượng khách vượt quá 200 người. 
_Hệ quả là câu nói thiếu muối bậc nhất “Đúng người nhưng sai thời điểm” được đẻ ra. Phải chi yêu anh lúc anh 31-32 tuổi thì 2-300 triệu làm đám cưới là ngon ơ.
_Hệ quả là rất nhiều cặp đôi đứt gánh ngay trước giờ G vì: DẸP ĐI, GIA ĐÌNH NHÀ ANH/EM ĐÒI HỎI QUÁ ĐÁNG VẬY THÌ DẸP KHỎI CƯỚI XIN MẸ GÌ NỮA! 
Dẹp, nghỉ cưới.
_Hệ quả là mỗi người khách xuất hiện ở bữa tiệc sẽ phải liệu liệu xem nhà hàng này "sang" cỡ nào để còn bỏ cho đủ tiền vào phong bì. 
_Hệ quả là trước giờ cưới 30 phút gọi nhau í ới: “Ông ơi đi bao nhiêu tiền đấy? Để tôi biết đường bỏ bấy nhiêu”.
_Hệ quả là người ta không gọi là đi dự đám cưới, họ gọi là đi ăn cưới, hay là đi ăn cơm bụi giá cao. Đúng nghĩa là, đến chỉ để ăn cho đủ lại tiền.
_Hệ quả là ai thấy thiệp cưới cũng sợ tái cả mặt, trốn đến thế mà nó cũng tìm ra được mình để đưa thiệp mời. 10 năm không gặp, số điện thoại còn không có, thế mà biết địa chỉ để tìm về đưa thiệp. Một tháng làm sấp mặt được 4 triệu bạc, đi 4 cái đám cưới hết veo một nửa. 
Mùa cưới là mùa ám ảnh.
_Hệ quả là thay vì chơi thú nhún trong đêm tân hôn, thì nhiều cô dâu chú rể dù mỏi mệt rã rời vẫn lôi phong bì ra đếm xem có đủ bù lỗ hay không. 
_Hệ quả là cưới xong hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng không hỏi sống có hạnh phúc không, mà hỏi LỜI HAY LỖ?
_Hệ quả là cưới xong, thay vì còn tiền để đi trăng mật, để mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình nhỏ, nhiều cô dâu chú rể làm bù đầu bù cổ để trả nợ, đến đêm xù lông xù cánh chả buồn động vào nhau, sáng ra chửi lộn cũng vì chuyện tiền nong. Mà cứ cho là còn tiền để đi trăng mật, thì cũng chả còn ngày phép để mà đi, vì có bao nhiêu phép dồn lại để đi chụp ảnh ngoại cảnh và phát thiệp cưới hết trơn.
_Hệ quả là đi ăn sáng nghe bà bên cạnh khoe với cô bán phở là làm đám cưới cho con xong lời hẳn trăm triệu, mới mua cái nhẫn hột xoàn xong.
_Hệ quả là mấy khi cô dâu chú rể ở tuổi 25-26 có đủ 3-400tr để lo liệu cho đám cưới, nên thành ra bố mẹ chi tiền, và "TÔI BỎ TIỀN RA THÌ TÔI CÓ QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT ĐÁM CƯỚI CỦA ANH CHỊ".

4. Kết luận

Tôi không biết các vị phụ huynh có thấy xót lòng chút nào không, khi đôi lứa không đến được với nhau cũng vì những cái oái oăm nhảm nhí trong cưới xin, mà đa phần đều chẳng có trong truyền thống, mà chỉ là cái yêu cầu rất vớ vẩn của các vị. 
Tôi không biết các cặp đôi có thấy vui không, khi mà các anh chị ráng vay mượn tiền làm đám cưới cho to, cho oách, cho bằng anh A, chị B, để rồi các anh chị đi gõ cửa nhà từng người quen ở đẩu ở đâu để dí cái thiệp cưới vào mặt họ. Để rồi cái kiểu đám cưới ấy, nó nghiễm nhiên trở thành cái “nếp”, cái “tập tục”, khiến cho rất nhiều cặp bạn trẻ khác không thể đến được với nhau cũng vì hai chữ "đám cưới". Thế là từ một cái gì đó rất thiêng liêng, trở thành một thứ gây hãi hùng, cả cho đôi lứa, lẫn cho nhiều người nhận thiệp cưới. 
Các bạn trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn một đám cưới ấm cúng hơn, với ít những người khách không quan trọng hơn cơ mà? Các bạn cũng hoàn toàn có thể lựa chọn một lễ đường tuy nhỏ, nhưng đẹp và sang trọng hơn một lễ đường 3-400 khách vừa xấu vừa nóng cơ mà? Nếu các bạn lựa chọn như vậy, tôi nghĩ, điều kiện tài chính ở tuổi 26-27 là hoàn toàn đủ để tự tay quyết định buổi lễ của mình sẽ được tổ chức ở đâu, khi nào, với những người bạn thân thiết nhất của mình, với những phút giây hạnh phúc đúng nghĩa nhất cuộc đời mình. Hạnh phúc của mình, nên là bản thân mình tự quyết định.
Một cái đám cưới to đùng không làm nên cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một cặp nhẫn 2 tỷ không đoán chắc được tương lai chia ly. Một chiếc Bentley đón dâu không khiến cho vợ chồng trăm năm yên ấm. Vài trăm triệu tiền mừng, lại càng chả nghĩa lý gì so với cả đời bên nhau. Một đám cưới, nên thực chất là ngày vui của lứa đôi!
Và một điều cuối cùng:

Xin đừng biến đám cưới thành trò lố nữa!


-Đầu mùa cưới năm 2018, Nguyễn Bảo Trung chắp bút trong sợ hãi-

Tài liệu tham khảo:
-Wikipedia, Lễ cưới người Việt, xem tại:  https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_c%C6%B0%E1%BB%9Bi_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t#Quan_ni%E1%BB%87m_v%E1%BB%81_h%C3%B4n_nh%C3%A2n 
-Ảnh cá nhân trong lễ cưới đã được sự đồng ý của chủ nhân, và bôi mờ để bảo vệ danh tính.
-Typography: tự nghịch.