Đại khủng hoảng 1929 - Khi người Mỹ tự bắn vào chân
Chiến tranh thế giới thứ Nhất, một cuộc chiến đẫm máu và được ghi dấu trong lịch sử như là lần đầu tiên cả thế giới gây chiến với nhau...
Chiến tranh thế giới thứ Nhất, một cuộc chiến đẫm máu và được ghi dấu trong lịch sử như là lần đầu tiên cả thế giới gây chiến với nhau trên phạm vi chưa từng có tiền lệ. Đối với Mỹ, cuộc chiến này có vẻ không nhằm nhò gì với Mỹ khi nằm tách biệt hoàn toàn với Châu Á, Âu và Phi, khiến người Mỹ gần như là rung đùi trong cuộc chiến này, thậm chí là còn trở nên giàu có thêm. Tuy nhiên, khi chiến tranh đã không thể tác động đến cường quốc mới nổi này, thì chính người Mỹ có thể coi như “tự bắn vào chân mình” và gây ra cuộc khủng hoảng quy mô rộng và tồi tệ nhất lịch sử - cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Một cuộc khủng hoảng mà có thể nói là tập hợp của sai lầm trong chính sách, sự lạc quan và tự tin quá đà về thị trường trong và ngoài nước Mỹ, kết hợp với các hậu quả và tổn thất từ chiến tranh trên thế giới khiến các quốc gia khác đã khó khi ấy lại càng lao đao hơn. Vậy ngọn ngành của cuộc khủng hoảng này ra sao, từ đâu mà lại có thể sinh ra một sự kiện khủng khiếp như vậy. Chúng ta hãy cùng đi về những năm 20 30 của thế kỷ trước để tìm hiểu qua bài viết này.
Bối cảnh nước Mỹ hậu Thế chiến thứ nhất
Để có thể mô nước Mỹ trong thời điểm hậu chiến tranh thế giới thứ nhất thì đó có thể là từ “trúng mánh”. Thượng đế ban cho Hoa Kỳ một vị trí địa lý cách châu Á châu Âu và Châu Phi tối thiểu 1 đại dương khiến cho việc ảnh hưởng từ cuộc thế chiến có thể lan đến Mỹ là thật sự rất chậm và yếu ớt. Sẽ chẳng ai muốn vác súng và máy bay vượt Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương để có thể tiến vào lãnh thổ của Mỹ nên nơi đây gần như toàn vẹn trong cuộc chiến đẫm máu này. Mỹ chỉ tham gia vào cuộc chiến tập thể này vào năm 1917 tức chỉ còn 1 năm trước khi nó chấm dứt. Về nhân mạng tổn thất chỉ hơn 110.000 người trong khi thiệt hại của Đức là 2 triệu còn của đế quốc Nga là 1.700.000 người. Chưa kể, Mỹ còn là kho vũ khí lớn nhất của phe Đồng Minh trong xuyên suốt chiến dịch tham gia của Washington cho nên người Mỹ như được kinh doanh và làm giàu trên chính cuộc chiến này từ từng quả lựu đạn, cây súng và từng viên đạn họ cung cấp cho lực lượng Đồng Minh.
Đến giai đoạn thập niên 1920, Mỹ trở thành quốc gia có sự bùng nổ một cách mãnh liệt trong các lĩnh vực như ô tô, xây dựng, chứng khoán và đặc biệt là sức tiêu thụ một cách khổng lồ của người dân Hoa Kỳ khiến đây trở thành đốm sáng chói lọi trong khu rừng tăm tối hậu thế chiến. Thậm chí còn có một tên gọi cho thời kỳ những năm 20 trên là “Roaring Twenties” để chỉ những năm có thể nói là bay vút của nền kinh tế Hoa Kỳ. Với sự “rủng rỉnh” trong tài chính như vậy, Mỹ đã tích cực trở thành chủ nợ của thế giới khi 28 quốc gia là tổng số lượng “con nợ” mà chính phủ Mỹ và các tập đoàn tư nhân Mỹ nắm giữ, 60% tổng khoản nợ quốc tế là con số mà Mỹ đã nắm giữ trong giai đoạn từ 1924 đến 1931, trong đó, Đức là quốc gia nợ xứ cờ Hoa nhiều nhất chiếm đến 40% trong tổng khoản tiền đã được Mỹ cho vay trên toàn cầu.
Có một điều tôi muốn nhấn mạnh và lý giải đó là về hoạt động cho vay quốc tế của nền tài chính Hoa Kỳ, đó là việc có sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân và việc một lượng lớn Dollar Mỹ đã được đưa ra thế giới như nào? Thứ nhất. lý do có thêm sự góp mặt của những đối tượng tư nhân này đó là việc lãi suất cho vay cao được đề xuất từ các quốc gia cần vay đã khiến các nhà đầu tư trở nên cực kỳ hứng thú với phương thức này, việc nâng cao lãi suất để thu hút được nguồn vốn cho vay từ Mỹ dần xuất hiện một cách rộng rãi từ Áo, Hungary, Hy Lạp, Ba Lan hay thậm chí các quốc gia Mỹ Latinh cũng muốn đây như một phương thức để có tài nguyên cải thiện nền tài chính và cuộc sống cho người dân của họ.
Thứ hai, câu chuyện xuất khẩu Dollar Mỹ ra thế giới thông qua cho vay và một số phương thức khác cũng đã giúp chính phủ nâng cao vị thế tiền tệ của mình. Cụ thể hơn, từ hoạt động cho vay, các quốc gia cần vay để tái thiết sau chiến tranh hay trả nợ sẽ cầm một lượng lớn đồng Đô la Mỹ để sử dụng hoặc trả cho nước khác, nâng cao dự trữ ngoại tệ các quốc gia là USD. Không những thế, với việc là một quốc gia mạnh cả xuất và nhập khẩu, Mỹ đã tận dụng lợi thế trên để nhập khẩu hàng hóa và trả tiền cho các quốc gia đưa hàng hóa vào đây bằng đồng USD, biến những điều trên trở thành các ống bơm tiền đô la Mỹ vào thế giới một cách cực kỳ mạnh mẽ, và nâng tầm đáng kể vị thế tiền tệ quốc gia khi giờ đây hàng chục nước đều cần USD.
Có thể thấy rằng, một bức tranh toàn cảnh mà Mỹ đang vẽ ra cho thế giới đó là chính phủ và các nhà đầu tư cố gắng đưa những nước cần vay nhiều USD nhất có thể qua các chương trình vay vốn và trợ cấp để đưa các quốc gia này vào vòng phụ thuộc; sau đó, nhờ vị thế thương mại và các ràng buộc tài chính trên, Mỹ có thể nhập khẩu được rất nhiều hàng hóa từ nước ngoài xuất khẩu sang, việc của họ sẽ là trả USD cho các nước xuất khẩu và họ dùng chính USD đó để trả nợ cho Mỹ (giống hệt như cách một con nợ phải đi làm ra sản phẩm để trả nợ cho chủ nợ vậy). Vừa có hàng hóa, vừa nâng cao được vị thế tiền tệ và chính trị, nước Mỹ đã gần như đưa kế hoạch vào một vòng xoay hoàn hảo… Nhưng có thật sự là như thế? Đương nhiên là với những gì ta đã biết về một cuộc khủng hoảng sau đó, đã có những mắt xích bị gãy hoặc lỗi trong hệ thống trên khiến các quân Domino đổ sập, vậy liệu đó là những mắt xích gì mà khiến đất nước “khỏe mạnh” nhất thế giới sau chiến tranh phải lao đao như vậy? Chúng ta hãy cùng tiếp tục với phần phân tích sâu hơn ngay sau đây.
Bong bóng chứng khoán
Khi phân tích đến bất kỳ những thứ liên quan đến tài chính và tiền tệ ở Mỹ, đối tượng đầu tiên ta cần chú ý đến đó là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong thời điểm đầu những năm 20 của thế kỷ 20, FED đã hạ lãi suất xuống mức thấp với mục tiêu kích thích sản xuất, tiêu dùng và đầu tư trong lẫn ngoài nước, điều này được tạo điều kiện nhờ những lợi thế sau chiến tranh mà tôi đã trình bày ở các phần trên và từ đó dẫn ra được các hoạt động từ tiêu dùng, đầu tư và cả các khoản cho vay quốc tế xảy ra một cách ồ ạt đều là nhờ dòng tiền dễ tiếp cận của FED thông qua việc hạ lãi suất. Giờ đây, cục dự trữ liên bang đã phải đảo ngược quá trình khi nhận thấy tỉ lệ đầu cơ quá cao (tức là hoạt động rót vốn vào thị trường chứng khoán không tạo ra được giá trị và hiệu quả thật tương ứng); Cụ thể, Cục đã tăng lãi suất từ 3.5% lên 5.0% vào năm 1928 với niềm kỳ vọng rằng sẽ kiểm soát được thị trường đầu tư sôi nổi quá mức khi đó, nhưng một điều khó lường đó là chính sách tiền tệ thắt chặt này lại phản tác dụng theo một cách thật sự khó lường.
Việc tăng lãi suất đồng nghĩa với tăng chi phí vay đến từ các thực thể ngân hàng nhưng đó cũng là lúc các thực thể phi ngân hàng bao gồm các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp dần đi vào thị trường chứng khoán để cung cấp vốn cho các nhà đầu cơ thay cho việc đi vay đắt đỏ ở ngân hàng từ đó cho thấy việc kiểm soát đầu cơ thông qua tăng lãi suất cục dự trữ liên bang đã không hiệu quả. Điều này có được cũng một phần do lượng cung tiền Fed ban hành cho thị trường trong giai đoạn 1920 đến 19928 đã tăng một cách điên rồ, 28 tỷ USD là lượng tiền mà Fed thêm vào nền kinh tế từ 1921 đến 1927 tương đương với việc tăng hơn 60% lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế cho thấy trong thị trường đang có rất nhiều tiền và Fed sẽ yếu đi trong việc kiểm soát dòng tiền quay về ngân hàng trung ương dẫn đến các hoạt động đầu cơ như đã nói ở trên vẫn sẽ tiếp tục.
Thông qua chỉ số Dow Jones Industrial Average, ta có thể thấy rằng chỉ số đại diện cho ngành chứng khoán công nghiệp này vẫn tăng sau năm 1928 và chỉ bắt đầu giảm khi cuộc đại khủng hoảng nổ ra sau đó 2 năm cho thấy rằng bong bóng tài chính và chứng khoán ở Mỹ khi đó vẫn là quá lớn và sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Chưa kể, các nhà đầu tư trước đó đã cho vay ở nước ngoài đã cảm thấy đây không còn là một môi trường sinh lời béo bở, vì giờ đây trước các điều chỉnh của FED nhà đầu tư đã chuyển hướng sang cho vay ở phố Wall vì nơi đây cho lãi suất cao hơn đáng kể với các trái phiếu nước ngoài trước kia và đó là lúc họ bắt đầu kéo dòng vốn từ nước ngoài về Mỹ. Để giải thích cho quá trình này, đối với các khoản vay có kỳ hạn thấp, những nhà cho vay sẽ chờ các khoản vay ấy đáo hạn sẽ rút hẳn vốn về thay vì tiếp tục cho vay lại như thường lệ khiến quốc gia cần vay không còn khả năng tiếp cận dòng vốn vay để tiếp tục phát triển. Tưởng tượng rằng bạn đang trong quá trình vay mượn và đã trả xong gốc và lãi của khoản vay trước, nhưng vì bạn không thể vay tiếp nữa nên bạn gần như lại cạn tiền, tạo ra áp lực tài chính tương đối lớn. Đối với các khoản vay dài hạn, còn có phương pháp bán sớm trái phiếu thông qua thị trường thứ cấp nhưng tôi xin không chia sẻ sâu, từng này là đủ để ta có thể hình dung được một làn sóng rút vốn về Mỹ ra khỏi những đất nước cực kỳ mong manh trong thời kỳ tái thiết hậu chiến tranh như Đức, Ba Lan… vốn rất phụ thuộc vào những đồng tiền của Mỹ thì giờ đây đã không còn.
Tôi xin tóm tắt lại bức tranh lại như sau, về phía nước ngoài, dòng vốn bị chảy ra và quay về Mỹ khiến các nước đang cần cải tạo sau chiến tranh cực kỳ lao đao. Thêm vào đó, dòng tiền chảy vào Mỹ đã được chứng minh là không hiệu quả thông qua sự tăng vọt của chỉ số chứng khoán trong khi sản xuất không tạo ra được giá trị tương xứng.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán 1929 và chuỗi các hành động sai lầm của nước Mỹ
Vào năm 1929, đây là lúc các nhà đầu tư dần nhận ra bộ mặt thật sự của thị trường - một thị trường cung đã vượt cầu quá nhiều. Các nhà sản xuất đã báo cáo doanh thu từ mức chững đến lỗ như GM trong ngành ô tô, Woolworth Company trong ngành bán lẻ và U.S. Steel Corporation trong ngành thép cho thấy một thực trạng chung đó là từ nhu cầu tiêu thụ đến xây dựng hay rộng hơn là các ngành nghề khác đều đang bị trì trệ do sức tiêu thụ của người dân đang không thật sự tương xứng với số lượng sản phẩm và dịch vụ mà cổ máy mang tên thị trường nước Mỹ đang tạo ra. Kết quả kinh tế tệ hại khiến cho thị trường đột ngột mất niềm tin vào các công ty mà họ kỳ vọng sẽ tăng trưởng cực mạnh trong thời gian tới nhưng thực tế lại chả có.
Chính vào thời điểm thị trường mất niềm tin như vậy, các nhà đầu tư đã bắt đầu hoang mang, lan truyền tin tức nhanh chóng và rồi bán tháo hàng loạt với mong muốn bảo toàn lợi nhuận. Đỉnh điểm là vào ngày thứ năm đen tối (Black Thursday) vào ngày 24/10/1929, mở đầu cho giai đoạn “vỡ bong bóng” khi hơn 12.8 triệu cổ phiếu đã được bán ra trong ngày, gấp 3 lần con số giao dịch thường thấy. Tiếp đến là ngày thứ Hai đen tối (Black Monday 28/10/1929) nơi chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones giảm 12.8%, con số lớn chưa từng có trong lịch sử ghi nhận của chỉ số này và kéo dài đến ngày hôm sau vẫn là một ngày đen tối khác khi thị trường lại ghi nhận tiếp tục giảm đến 11.7% chỉ số. Tuy nhiên, đối với tầm vóc của cuộc đại khủng hoảng đã được ghi nhận trong lịch sử, những “ngày đen tối” kể trên chỉ Kéo theo đó là hàng loạt các sự kiện tồi tệ khiến nước Mỹ chìm trong cơn khủng hoảng dai dẳng nhất trong lịch sử.
Đầu tiên phải nói đến sự sụp đổ của nơi đầu tiên mọi người đều hướng đến khi đến suy thoái - Đó là ngân hàng. Trong những năm đầu thập niên 1930, sự sụp đổ của 9000 ngân hàng tương đương 1/7 tổng tiền gửi toàn quốc. Trong đó có ngân hàng lớn nhất phía Nam Ngân hàng Liên bang Quốc gia Caldwell và Ngân hàng Hoa Kỳ tại New York đã khiến người dân gần mất cạn niềm tin vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ vì cần nhớ rằng số lượng ngân hàng khi đó chỉ dừng ở mức 15000 ngân hàng (tức là hệ thống tài chính đã sụp đổ hơn một nửa).
Điều này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cách mà lãnh đạo hệ thống ngân hàng Liên Bang ban hành. Các quy định liên quan đến tính toán dự trữ và cơ chế huy động vốn đã khiến cho hệ thống ngân hàng rất khó xoay chuyển trong thời điểm người dân ồ ạt rút tiền do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Cụ thể hơn, mô hình dự trữ tiền của nước Mỹ khi đó không cho phép các ngân hàng không phải thành viên của hệ thống ngân hàng liên bang tiếp cận với nguồn vốn của cục dự trữ liên bang Fed, thay vào đó hệ thống yêu cầu các ngân hàng địa phương (Country Bank) đều phải gửi phần lớn tiên của họ vào một ngân hàng đại lý (Correspondent Bank) được chỉ định như nơi dự trữ chính. Khi xảy ra biến động lớn trong nền kinh tế khiến ai cũng muốn rút tiền, cả ngân hàng địa phương và ngân hàng đại lý đều nhận về áp lực phải đáp ứng cho người gửi tiền. Tuy nhiên vì ngân hàng đại lý dự trữ tiền phần lớn ở dạng các tấm séc đang trong quá trình thanh toán hoặc các khoản vay cho các đối tượng khác thì gần như khi có dấu hiệu rút tiền ồ ạt, các ngân hàng này gần như sẽ sụp đổ. Bên cạnh đó, việc giới hạn đối với các ngân hàng chỉ thuộc hệ thống Dự trữ Liên bang mới có thể vay thêm tiền từ Fed đã làm cho gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng địa phương - đại lý khốn đốn vì ko thể tiếp cận với nguồn vốn từ trung ương (nói là gần như là bởi một số ngân hàng đại lý vẫn thuộc hệ thống Dự trữ Liên bang nhưng vẫn là quá nhỏ với phần còn lại bị cô lập).
Không chỉ Fed, vị tổng thống thời đó của nước Mỹ là Herbert Hoover (nhiệm kỳ 1929 -1933) đã cố gắng trong việc kiểm soát tình hình kinh tế - tài chính quốc gia nhưng không hề cho ra được bất kỳ hiệu quả nào; đến nỗi lịch sử còn gọi ông với biệt danh “Vị tổng thống không làm gì” của nước Mỹ.
Đầu tiên ông đặt kỳ vọng kiểm soát và gia tăng sức tiêu thụ cho tương xứng với khả năng sản xuất của nền kinh tế khi này đã vượt xa mức cầu của thị trường. Để làm được việc đó, ông tổ chức cuộc gặp với các lãnh đạo công ty công nghiệp lớn vào tháng 11 năm 1929 để bàn về việc tăng lương danh nghĩa và giảm khối lượng việc làm cho người lao động nhằm nâng cao khả năng tiêu thụ của người lao động cho tương xứng với khả năng sản xuất. Tuy nhiên hiệu quả chưa thấy đâu thì hậu quả đã đến trong nhiều năm sau đó khi bước qua những năm 30, các công ty khốn đốn trong việc đáp ứng lương cao của người lao động còn thị trường thì lại đang suy thoái, thế là làn sóng tinh giảm nhân sự, đuổi việc bắt đầu nổi lên làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng từ 3.2% trong năm 1929 lên đến 25% vào năm 1933 khiến nền kinh tế Mỹ ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.
Ngoài ra để bảo vệ cho nền tài chính bị hủy hoại bởi cuộc sụp đổ hàng loạt các ngân hàng, ông đã cố tạo ra chiến dịch RFC (Reconstruction Finance Corporation) vào năm 1932 để cứu trợ cho các ngân hàng đã bị phá sản trong sự kiện năm 1930, với trị giá tổng chiến dịch khi đó lên đến 2 tỷ USD xuyên suốt nhiều năm nhiệm kỳ đã khiến cho chi tiêu liên bang của Mỹ tăng đến 42% trong khi các nhà kinh tế nhận định con số cực kỳ lớn ở trên đã được thực hiện không hiệu quả do không giải quyết được các vấn đề liên quan đến thất nghiệp hay tham nhũng đã khiến chiến dịch này đã được nhận định là vừa muộn màng lại còn lãng phí trong thời điểm nhiệm kỳ của Hoover dẫu cho về mặt lý thuyết đó là một kế hoạch tương đối hợp lý (Tôi xin làm sâu về chinh sách này của Hoover trong một bài viết khác vì đây là một chiến dịch tương đối phức tạp và có dòng thời gian khá dài).
Không chỉ các vấn đề trong nước, Mỹ “tự hủy” không chỉ trong nước mà còn ở trên bình diện giao thương quốc tế. Một thứ mà đến hơn 1000 nhà kinh tế Mỹ đã cùng nhau thỉnh cầu Hoover phủ quyết nhưng không thành - đó là đạo luật thuế quan Smoot-Hawley.
Cụ thể, đạo luật này tăng thuế suất đối với hơn 20.000 loại hàng hóa nhập khẩu khiến giá trị của chúng tăng vọt chóng mặt. Ban đầu nhằm cố gắng bảo vệ ngành sản xuất trong nước của Mỹ được an toàn trước các mặt hàng nhập khẩu, tuy nhiên việc làm cho hàng hóa (không chỉ hàng hóa tiêu thụ mà còn là hàng hóa sản xuất) bị độn giá, các doanh nghiệp của Mỹ gần như cũng bị đông cứng chuỗi sản xuất của mình vì nguyên liệu nhập khẩu thiếu thốn khiến sự “bao bọc” này gần như thất bại. Chưa kể, một quy tắc trong thương mại quốc tế đó là nếu áp thuế quan lên nước nào đó rất có thể nước đó cũng sẽ áp thuế ngược lại với hàng hóa của kẻ đã “gây chiến” trước đó, và không bất ngờ với động thái của ít nhất 25 nước khác (đều là nạn nhân trước đó bị Mỹ áp thuế như Canada, Đức, Anh,…) khi trực tiếp “cô lập” Mỹ trên thương trường quốc tế bằng cách đánh thuế ngược lại Mỹ. Hệ quả đó là từ 7 tỷ đô vào năm 1929, 3 năm sau đó, giá trị xuất khẩu của Mỹ đã chỉ còn 2.5 tỷ USD vào năm 1932 còn nhập khẩu thì giảm gần 3 lần từ 5.9 tỷ USD xuống 2 tỷ USD trong cùng thời điểm.
Không chỉ Mỹ, câu chuyện thương mại của cả thế giới cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi các bên liên tục áp thuế để kìm hãm xuất nhập khẩu của nhau, làm cho nền kinh tế toàn cầu tắc nghẽn; 65% là con số thiệt hại của thị trường thế giới trong giai đoạn 1929-1934, gây ảnh hưởng trầm trọng đến không chỉ các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ mà còn đến các công ty sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, hoạt động kém hiệu quả khiến các công ty cắt giảm nhân sự và đó cũng là lý do tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng này lại lớn đến như vậy. Mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát đến mức chính phủ đã phải thông qua một điều lệ mới về Thuế quan vào 12 tháng 7 năm 1934. tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực hơn cho xuất nhập khẩu Mỹ và thương mại thế giới.
New Deal và Chiến tranh thế giới thứ 2 - cứu cánh của người Mỹ để thoát khỏi vũng lầy
Kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống Hoover, nước Mỹ đi vào nhiệm kỳ của Franklin D. Roosevelt, người đã giúp nước Mỹ thoát khỏi vũng lầy dai dẳng thông qua chuỗi chiến dịch “The New Deal” quyết đưa nước Mỹ vào một cuộc cách mạng kinh tế tài chính lớn chưa từng có.
Trong giai đoạn đầu tiên từ 1933-1934, thông qua đạo luật cứu trợ ngân hàng khẩn cấp và đạo luật ngân hàng năm 1933, tổng thống đã tuyên bố đóng cửa tất cả các ngân hàng hay còn gọi là ngày nghỉ lễ Ngân hàng (Bank Holiday 1933) để ngăn chặn động thái rút tiền ồ ạt, tuyên bố rằng sẽ chỉ mở cửa lại hệ thống tài chính không lâu sau khi tất cả đã được ổn định.
Và sự thật đã chứng minh hành động và quyết định của Roosevelt là chính xác, hệ thống tài chính không chỉ ổn định hơn mà lỗ hổng của việc đảm bảo khả năng rút tiền như tròng thập niên trước cũng đã được vá lại bằng sự thành lập của Công tỷ bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) nhằm giúp giám sát các hoạt động dự trữ, ký gửi tiền, tài sản của các ngân hàng đồng thời đảm bảo rằng khoản tiền gửi của người dân sẽ được bảo hiểm bởi FDIC trong trường hợp ngân hàng thất bát. Không chỉ tài chính, Cơ quan cứu trợ khẩn cấp liên bang (gọi tắt là FERA) đã cung cấp hơn 500 triệu USD (tương đương gần 12 tỷ USD hiện nay) để tái thiết và vận hành các bang, thành phố trong nước, công đoàn truyền thông của Mỹ (CWA) cũng đã cho người dân trong khu vực tiền để vận hành các dự án tạo việc làm trong giai đoạn cuộc tái thiết lần thứ nhất. Ngoài ra đạo luật chứng khoán năm 1933 cũng đã được ban hành để bảo vệ thị trường Hoa Kỳ sau này trước các biến động mạnh mẽ và các cú sốc kinh tế.
Giai đoạn 2 của New Deal từ 1935 đến 1936 đã có thêm sự xuất hiện của Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRA) nhằm ổn định thị trường lao động và đồng thời tạo ra nền tảng cho luật lao động Hoa Kỳ sau này, cho phép các công nhân của doanh nghiệp tư nhân được đồng lòng, tổ chức các công đoàn tập thể trong việc thương lượng hoặc đình công đối với chủ sở hữu lao động của mình. Đạo luật về an sinh xã hội (Social Security Act) cũng được ký vào năm 1935 nhằm tái thiết lập hệ thống an sinh xã hội, phát trợ cấp cho người già, thất nghiệp và khuyết tật, cải thiện mức sống và giảm bất bình đẳng cho người Mỹ. Thật ra trong chiến dịch New Deal của Roosevelt có rất nhiều đạo luật, chính sách mới được đề ra mà nếu liệt kê và phân tích hết thì có lẽ sẽ mất cả ngày nên tôi xin hẹn phần này vào một bài viết sau và đi đến thời kỳ tiếp theo, nơi Mỹ dùng làm bàn đạp để phất lên trở lại thành một cường quốc số 1 - Chiến tranh thế giới thứ 2.
Kết thúc thập niên 30, nước Mỹ lại nhận được cơ hội tài trợ vũ khí và vật tư chiến tranh cho quân Đồng Minh (Anh, Liên Xô, Trung Quốc …). Kết hợp với đạo luật Cho vay-Cho thuê năm 1941, đã giúp kích thích các nhà máy ở Mỹ tăng cường sản xuất không chỉ cho đất nước mà còn cho quân Đồng Minh trong chiến tranh. Và đỉnh điểm của sự phát triển này đó là sau ngày 07/12/1941, khi Nhật Bản tân công Trân Châu Cảng chính thức kéo Hoa Kỳ tham gia trực tiếp thế chiến. Chi tiêu quân sự và nhu cầu lao động tăng cực kỳ mạnh nhằm đáp ứng mong muốn huy động hàng triệu khí tài quân sự của chính phủ. Động thái này mạnh đến mức giảm hẳn tỉ lệ thất nghiệp từ gần 14% năm 1940 xuống hẳn 1.9% vào năm 1943. Nên có thể theo cách nào đó nói rằng chính chi tiêu quân sự khổng lồ và nhu cầu vũ khí trong xung đột của quân Đồng Minh đã chính thức đưa nước Mỹ ra khỏi giai đoạn trì trệ ì ạch cuối cùng của cuộc Đại khủng hoảng.
(Lưu ý: Điều tôi nhắc đến việc Mỹ thoát khỏi Đại khủng hoảng nhờ thế chiến thứ 2 chỉ nên được hiểu tương đối, thật sự nước Mỹ trong giai đoạn chiến tranh cũng không hề khá khẩm hơn là mấy. Lý do nước Mỹ giảm được tỉ lệ thất nghiệp là nhờ việc chiêu mộ hơn 16 triệu người Mỹ nhập ngũ trong đó có cả những người thất nghiệp nên từ đó được tính như họ đã không thất nghiệp nữa; nhưng thực tế thì doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, chịu áp lực và không thể sản xuất được vì nhân lực khi này đã đi lính. Trong thời kỳ chiến tranh đó, thuế người dân cũng tăng nhưng mức sống lại sụt giảm không phanh do toàn bộ thuế đều đổ vào chiến tranh chứ không phải an sinh xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài giảm từ 17.9 tỷ USD xuống 5.7 tỷ USD trong giai đoạn 1940-1943 cũng cho thấy về mặt sản xuất và tiêu dùng hay các khía cạnh phi quân sự khác, nước Mỹ gần như cũng có thể gọi là vẫn đang tê liệt. Tuy nhiên, nhờ việc huy động lực lượng hoạt động trở lại và thương mại quốc tế được nối lại nhờ các hoạt động mua bán vũ khí trong chiến tranh, nền kinh tế cũng mới có tiền đề vận hành, phục hồi sau chiến tranh và từ đó tạo ra tốc độ tăng trưởng lại.)
Tổng kết
Có thể nói, cuộc Đại khủng hoảng là một sự kiện kinh tế tài chính đặc biệt và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ cũng như trên thế giới. Không mấy ai sẽ nghĩ một đất nước khỏe mạnh nhất trong cuộc thế chiến đầu tiên lại có thể ngã ngựa một cách nhanh chóng như vậy chỉ bởi cách quyết sách sai lầm của ngân hàng trung ương và chính phủ. Đến mức lãnh đạo của Cục dự trữ liên bang - Ben Bernanke sau này khi nhắc về cuộc Đại khủng hoảng đã phải thừa nhận sai lầm của cục dự trữ khi tăng lãi suất quá sớm và thực hiện vai trò của người vay cuối cùng chưa tốt. Trong ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman, ông đã nói trong cuối buổi rằng: “Về cuộc Đại khủng hoảng, các bạn (bao gồm Milton Friedman và một đồng nghiệp khác của ông) đã đúng, chúng tôi đã tạo ra cuộc đại khủng hoảng. Chúng tôi xin lỗi nhưng nhờ các bạn, chúng tôi sẽ để điều đó lặp lại nữa”. Đây giống như là một chuỗi các nước cờ cực kỳ sai lầm và quá thiếu tính toán đền từ việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang, các chính sách kiểm soát lao động và thương mại của Mỹ gây ảnh hưởng đến mạng lưới toàn cầu được ký bởi Herbert Hoover chính là những nhát súng tự “bắn vào chân” mình trong thời kỳ mà lẽ ra nước Mỹ có thể phất lên sau những năm 1920 cực kỳ rực rỡ.
Tuy nhiên cũng nhờ sự kiện trên mà đã có rất nhiều thứ được cách mạng và thay đổi tích cực trong thời kỳ cố gắng khôi phục sau khủng hoảng. Đầu tiên phải nói đến “vị cứu tinh” của nước Mỹ Franklin D. Roosevelt, người lèo lái con tàu đắm Hoa Kỳ cực hiệu quả trong thời gian tái thiết, tạo ra rất nhiều cơ quan sửa chữa lỗ hổng của nhiệm kỳ trước bao gồm công ty bảo hiểm tiền gửi và hệ thống an sinh xã hội. Chính ông cũng đã là người lèo lái nước Mỹ tìm cách tận dụng thế chiến thứ 2 để kích thích nền kinh tế thông qua các hoạt động sản xuất và triệu tập nghĩa vụ quân sự, tạo tiền đề rất lớn cho đời tổng thống tiếp theo có thể từ đó phát triển lên. Sự tin tưởng của người dân dành cho nhân vật này lớn đến mức ông là nhà cầm quyền nước Mỹ lâu nhất trong lịch sử với 4 lần đắc cử liên tiếp (1933, 1936, 1940, 1944) và chỉ dừng lại sự nghiệp chính trị của mình khi qua đời vào năm 1945. Ông cũng được bầu chọn là một vị tổng thống vĩ đại nhất lịch sử xứ cờ hoa nên có thể nói giai đoạn những năm 30 của thế kỷ XX là lúc thời “thế tạo anh hùng” cho nước Mỹ.
References
Mitchell, W. C. (1935). Robbins, the Great Depression. The Quarterly Journal of Economics, 49(3), 503–507: https://doi.org/10.2307/1883866 Link archive
Lee E. Ohanian, What – or who – started the great depression?, Journal of Economic Theory, Volume 144, Issue 6, 2009, Pages 2310-2335, ISSN 0022-0531: https://doi.org/10.1016/j.jet.2009.10.007. Link archive
Crafts, N., & Fearon, P. (2010). Lessons from the 1930s Great Depression. Oxford Review of Economic Policy, 26(3), 285–317. http://www.jstor.org/stable/43664566 Link archive
Tapia Granados, J. A., & Diez Roux, A. V. (2009). Life and death during the Great Depression. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 106(41), 17290–17295: https://doi.org/10.1073/pnas.0904491106 Link archive
SAMUELSON, R. J. (2012). Revisiting the Great Depression. The Wilson Quarterly (1976-), 36(1), 36–43: http://www.jstor.org/stable/41484425 Link archive
Henderson, H. D. (1935). Review of The Great Depression, by Lionel Robbins. The Economic Journal, 45(177), 117-123. Wiley on behalf of the Royal Economic Society. http://www.jstor.org/stable/2224584 Link archive
Fairchild, F. R. (1943). The national debt after the war. Proceedings of the Annual Conference on Taxation under the Auspices of the National Tax Association, 36, 268-284. National Tax Association. http://www.jstor.org/stable/23405091. Link archive
Raynold, P., McMillin, W. D., & Beard, T. R. (1991). The Impact of Federal Government Expenditures in the 1930s. Southern Economic Journal, 58(1), 15. doi:10.2307/1060029 Link archive

Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
yurpiee
tôi sẽ đọc cái này vào những hôm rảnh nhé
- Báo cáo

Lê Công Thành

Bài tui lên video lun rồi đó ní, bạn đọc chưa : D chưa thì quá youtube coi nhé https://youtu.be/dMFEA3y9J0U?si=egitvjlQ1piq9wvI
- Báo cáo