Mấy ngày vừa qua, các em 2000 đã vượt qua kỳ thi cuối cùng của đời học sinh, khép lại những năm tháng tuổi học trò. Hẳn cùng với sự hồi hộp mong chờ kết quả thì các em còn có nỗi băn khoăn về môi trường giảng đường, về nỗi lo nghề nghiệp sau này. Nhất là khi mùa thi năm nào cũng văng vẳng những thông tin như vài trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, ra trường không biết đi đâu về đâu. Tựu chung lại cũng vì cái nếp suy nghĩ " Đại học là học đại"
HỌC ĐẠI chính là thiếu định hướng, không biết mình yêu thích cái gì nên đến khi viết vào tờ nguyện vọng là nhắm mắt đưa chân. Sự lạc lối ấy có lỗi không nhỏ từ hệ thống giáo dục. Bản thân nền giáo dục chưa thiết kế được một điểm chạm hợp lí cho các em với các ngành nghề trên thị trường lao động. Xã hội cũng đã phần nào nhìn nhận được và dành sự quan tâm nhất định cho vấn đề này. Những buổi workshop, seminar như " Marketing - chuyện người trong nghề" thật sự là cơ hội quí giá cho các em hiểu hơn về  bản thân. Bên cạnh đó, " Tiên trách kỷ hậu trách nhân", bản thân các em cũng chưa có sự chủ động để tìm hiểu các ngành nghề. Mình đã từng chứng kiến những bạn sinh viên thậm chí đến năm 3 đi xin thực tập cũng chưa hiểu là mình đang đi theo công việc gì
HỌC ĐẠI còn là nếp suy nghĩ rằng đại học học kiến thức trên trời dưới biển, không có chút thực tế nào với công việc sau này. Kiến thức đại học hàn lâm và phổ quát, điều đó chẳng sai. Nhưng bốn năm đại học đâu thể dạy bạn toàn bộ những gì bạn làm trong bốn mươi năm sau của cuộc đời. Nó chỉ cung cấp những kiến thức ban đầu, để từ đó các bạn đào sâu, làm phong phú hơn vốn kiến thức vốn có của bản thân, rèn luyện nếp tư duy. Không phải nền giáo dục ta chưa dạy đủ mà chính là chưa dạy được. Chưa dạy được tính chủ động tìm tòi, tính ham học hỏi vốn là cố hữu của mỗi con người.