Việc thảo luận thành lập đặc khu kinh tế không phải là mới, vấn đề này đã được bàn luận nhiều năm nay và nếu ai siêng theo dõi báo chí sẽ nghe về vấn đề này. Tuy nhiên đột nhiên trong vài tuần này vấn đề này được lan rộng khắp các trang mạng xã hội. Dường như thứ thu hút sự chú ý của người dân không phải là chuyện thành lập đặc khu mà là chuyện dự thảo cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê đất đến 99 năm. Con số 99 năm dễ nhớ này có vẻ như là cội nguồn của những bài viết lên tiếng chỉ trích dự án kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam này. 
Bài viết này chỉ ra những suy nghĩ cũng như những tranh luận rời rạc, những quan niệm sai lầm xoay quanh việc thành lập đặc khu kinh tế cũng như việc cho thuê đất 99 năm, đồng thời mình sẽ nêu ra những câu hỏi phù hợp cho những bạn muốn quan tâm đến vấn đề này để dễ tìm hiểu sâu hơn.
Mình không nói rằng bài viết này của mình sẽ đưa ra được một câu trả lời cụ thể cho những vấn đề vĩ mô xoay quanh các đặc khu kinh tế vì kiến thức mình hạn hẹp. Bài viết này chỉ đưa ra những câu hỏi mang tính gợi mở để mọi người có thể tập trung tranh luận hoặc tìm hiểu những vấn đề cốt yếu liên quan đến dự án. 
Bài viết của mình có lấy các quan điểm, tranh luận của những tài liệu mình đọc được cũng như của các bậc đàn anh chị của mình, trong đó có một anh học chuyên ngành Kinh tế học ở Đại học Quốc gia Singapore. 
Trước khi vào vấn đề chính, hãy xem infographics sau để biết thông tin chung về dự thảo đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam.

Những luận điểm sai 

Trước hết hãy coi những thông tin, luận điểm sai lầm đang được lan truyền trong các bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.
1. Đặc khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm
Sai hoàn toàn, việc thuê đất này không chỉ cho Trung Quốc mà cho doanh nghiệp trong nước và tất cả doanh nghiệp nước ngoài đủ tiêu chuẩn. Thật đáng buồn khi có nhiều bài viết rất dài, được chia sẻ rất nhiều lại xoay quanh một thông tin sai lệch như vậy.
2. Việc cho thuê đất này giống như việc Anh Quốc chiếm HongKong và đảo Cửu Long từ Trung Quốc thời Thanh
Đây là một sự so sánh được lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên trong bài viết về tư duy "lát cắt và chuỗi" đã chỉ ra, những người so sánh như vậy đang phạm sai lầm khi chỉ thấy một lát cắt của một chuỗi các sự kiện và không nhìn vào bức tranh tổng thể.

Đọc thêm:

Việc HongKong và đảo Cửu Long bị người Anh chiếm 99 năm là hậu quả của việc Thanh triều bị đánh bại trên mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao lẫn chính trị. Thanh triều bị ép buộc kí hiệp ước cho thuê đất dài hạn với những điều khoản rất có lợi cho người Anh, tương đương với việc mất đất 99 năm.
Trong khi đó dự án lập đặc khu kinh tế là dự án của chính phủ Việt Nam do chính phủ Việt Nam tự soạn ra do nhu cầu kinh tế của quốc gia. Chính vì thế, không có chuyện chính phủ kí một hợp đồng cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất giống như trường hợp của Thanh triều với Đế quốc Anh.
3. Cho thuê đất 99 năm có nghĩa là mất đất/mất nước
Có những người dùng những từ rất mạnh để gây ấn tượng mạnh trong tâm trí độc giả, rồi từ đó làm sai lệch trọng tâm vấn đề. Khi nói rằng cho thuê đất 99 năm thì chúng ta mất đất/mất nước, nhưng mất ở đây có nghĩa là thế nào? 
Khi chúng ta nói rằng vùng lãnh thổ đã bị mất có nghĩa là pháp luật và quyền thực thi pháp luật của chính phủ chúng ta không thể được thực thi ở vùng đất đó nữa. Nhưng điều đó là hoàn toàn không đúng khi nói về việc cho thuê đất ở đặc khu kinh tế. Hãy giả sử một doanh nghiệp của Pháp thuê đất ở Hải Phòng, chẳng lẽ bỗng nhiên doanh nghiệp đó hành xử theo luật pháp của Pháp? Tất nhiên là không. Doanh nghiệp đó sẽ phải đóng thuế theo luật Việt Nam, phải tuân theo các quy trình kiểm toán của nhà nước Việt Nam. Cho dù doanh nghiệp đó có đem theo 5000 công nhân Pháp qua Việt Nam làm việc, ăn mừng các lễ của Pháp, bắt nhân viên người Việt phải nói tiếng Pháp, thì doanh nghiệp đó vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội theo luật Việt Nam cho người Việt và bị đoàn thanh tra Việt Nam đến kiểm tra.
Ngoài ra một hàm ý của việc nói cho thuê đất 99 năm là mất đất/mất nước là chúng ta không thể thu hồi được đất khi hợp đồng đã ký. Điều này là sai. Bản thân các hợp đồng là luôn có sự ràng buộc, và sẽ luôn có cơ chế giải quyết việc vi phạm hợp đồng, trong đó có việc thu hồi đất. Nếu một công ty vi phạm bất kỳ điều gì về luật kinh doanh thì đều sẽ bị xử lý và thậm chí bị chính phủ lấy lại đất.
Nói ngắn gọn, chừng nào pháp luật Việt Nam còn được áp dụng trên một vùng lãnh thổ nào đó thì việc mất đất sẽ không xảy ra. 
4. Lo lắng về quốc phòng, căn cứ quân sự bí mật từ Trung Quốc 
Đây là thuyết âm mưu nghĩ ra bởi những đầu óc phi thực tế nhất. Thế nào là căn cứ quân sự bí mật? Có nghĩa là buổi sáng làm công nhân nhà máy tối về tập bắn súng trên thao trường và hi vọng không làm hàng xóm người Việt chung quanh tỉnh giấc? Hay là đem những trạm radar khổng lồ đặt giữa khu dân cư và hi vọng bộ đội thông tin Việt Nam sẽ không bắt được sóng? 

Đọc thêm:

Những thứ chúng ta cần quan tâm

Những quan điểm sai lệch đó kéo mọi người ra khỏi trọng tâm của những điều cần sự quan tâm. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề xoay quanh các đặc khu kinh tế thì đây là những gợi ý bước đầu cho bạn.
Điều gì cho thấy thuê đất phải lên đến 99 năm?
Khi chính phủ đưa ra dự thảo cho thuê đất 99 năm, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: báo cáo nào cho thấy thuê đất 99 năm thì có hiệu quả kinh tế? Đã có quốc gia nào làm điều đó chưa? Quốc gia đó có điểm chung gì với Việt Nam? 
Ngoài ra chúng ta cần biết rằng hiện nay luật pháp Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp thuê đất tối đa là 70 năm, mức thời hạn cao nhất trong khu vực ASEAN và cao hơn cả mức thời hạn thuê đất ở các đặc khu kinh tế Trung Quốc. Ví dụ ở Indonesia, việc cho thuê đất chỉ là 30 năm và gia hạn thêm 10 năm, ở Trung Quốc là 20 đến 50 năm áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài. Vậy đã có báo cáo nào cho thấy rằng việc thuê đất 70 năm là hiệu quả về mặt kinh tế? Điều này cần làm rõ vì nếu việc thuê đất 70 năm mà không hiệu quả về mặt kinh tế thì rất khó để đưa ra luận điểm thuyết phục cho việc tăng thời hạn thuê đất 99 năm. 
Liệu chính phủ có đủ năng lực?
Ở Việt Nam hiện nay có một vấn đề là các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này rất ít được công bố và đem ra thảo luận công khai, người dân chủ yếu biết được số liệu do chính phủ cung cấp qua các kênh truyền hình, điều đó cho thấy sự minh bạch trong thông tin là rất yếu kém. Không có một bên độc lập đưa ra tiếng nói. 
Do đó là hoàn toàn hợp lý khi nhiều người nghi ngờ năng lực dự đoán của chính phủ cũng như năng lực quản lý, lãnh đạo. Chúng ta đã thấy được rằng khả năng xây dựng dự án, quản lý các dự án vĩ mô vừa qua là rất kém như việc liên tục chậm tiến độ trong việc xây đường sắt đô thị ở Hà Nội và Sài Gòn, chậm tiến độ trong việc xây dựng hệ thống cảng như cụm cảng Cái Mép, quy hoạch cảng biển sai, quy hoạch đô thị sai, quản lý lỏng lẻo các khu du lịch. Hay chúng ta có thể thấy Vũng Áng, chỉ là một khu công nghiệp với quy mô nhỏ hơn nhiều so với các dự án đặc khu kinh tế mà đã gây ra quá nhiều rắc rối đến mức gọi là rối loạn xã hội cả khu vực, cho thấy rõ chính quyền địa phương không đủ khả năng để quản lý các tác động từ những dự án kinh tế lớn lên an sinh xã hội của người dân, cũng như không kiểm soát được công nhân nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
Như vậy ở mức dự án quy mô nhỏ hơn với độ phức tạp nhỏ hơn chính phủ đã rất chật vật để hoàn thành dự án, thậm chí bỏ dở nhiều gì dự án, vậy điều gì đảm bảo chính phủ có khả năng gánh được các dự án khổng lồ trăm nghìn tỷ ở các đặc khu kinh tế?
Xây mới hay nâng cấp cái cũ?
Tại sao rất khó để thành lập một phố Wall hay thung lũng Silicon thứ hai ở ngoài nước Mỹ? Đó là vì những khu vực đặc biệt đó đòi hỏi rất rất nhiều yếu tố và sự kiện lịch sử xảy ra để giúp chúng hình thành. Thung lũng Silicon, khu công nghệ cao bậc nhất thế giới, nơi những bộ óc tài ba nhất đang cố gắng thay đổi lịch sử nhân loại, được tạo nên là dựa vào: văn hóa bản sắc, các sự kiện lịch sử, luật pháp, nền giáo dục cũng như vị trí địa lý của Hoa Kỳ. Điều đó khiến nó là độc nhất. 
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Hà Nội phát triển mạnh hàng đầu Việt Nam là kết quả tổng hợp của vị trí địa lý, văn hóa địa phương, các sự kiện lịch sử. Có nhiều yếu tố trong này không bao giờ lặp lại nữa. Tức việc trở thành trung tâm kinh tế của cả quốc gia của thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là tích tụ của hàng trăm năm phát triển của thành phố.
Điều đó cho thấy muốn xây dựng một khu vực để trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu từ con số gần như bằng 0 là điều rất khó. Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đều được xây ở những nơi trong thời xưa cũng từng là trung tâm kinh tế của quốc gia như Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vốn có các cảng biển lớn hoạt động từ thời Minh triều. Hay là đặc khu kinh tế Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông, cũng từng là một khu vực kinh doanh lớn thời xưa. Năm 1930, số lượng hàng hóa vào Trung Quốc thông qua Sán Đầu xếp thứ 3 cả nước và thành phố này xếp thứ 7 về độ thịnh vượng. Như vậy chúng ta thấy chính phủ Trung Quốc xây dựng các đặc khu kinh tế dựa trên các trung tâm kinh tế lớn thời xưa, có lịch sử hàng trăm năm, chứ không phải là từ con số 0.
Nhìn lại chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao không phát triển đặc khu kinh tế hay nâng cấp mở rộng đặc khu kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Hà Nội? Hay chính phủ thấy rằng ở các thành phố đó mọi thứ đã được khai thác hết? Hay là còn lý do nào khác? Điều gì sẽ khiến những trí óc tài ba nhất cả nước rời bỏ Đà Nẵng, Sài Gòn hay Hà Nội để ra Phú Quốc hay Bắc Vân Phong làm việc? 
Một lần nữa có quá ít thông tin được công bố để chúng ta có thể thảo luận sâu về các vấn đề này. 

Kết luận

Bài viết ở trên đã chỉ ra những quan niệm sai lầm về các vấn đề xoay quanh đặc khu kinh tế và đồng thời đưa ra những câu hỏi cho những bạn quan tâm. Có thể thấy đây là một siêu dự án lớn chưa từng có, sẽ định hình tương lai không chỉ của chúng ta mà cả con cháu chúng ta. Điều nguy hiểm ở cách ban hành chính sách ở Việt Nam là đa số chính sách  đưa từ trên xuống đều được "đồng lòng nhất trí" hay "đồng thuận", điều đó có nghĩa là không có tiếng nói phản biện phản đối được đưa ra. Việc hàng trăm người đồng ý với một chủ trương làm dự án trị giá trăm nghìn tỷ mà không có một tiếng nói phản đối cho thấy sự xơ cứng trong việc đưa ra quyết định, hay là tình trạng "groupthink". 
Nếu bạn có ý kiến hãy đóng góp lịch sự trong phần bình luận.

Bài khác của tác giả:

Bài viết cùng chủ đề:

Đóng góp cho tác giả

Nếu độc giả thấy bài viết có ích cho bản thân, các độc giả hãy đóng góp ủng hộ cho tác giả để có động lực đọc và viết nhiều hơn.
Địa chỉ đóng góp: Đặng Hoàng Liên Anh
VP Bank: 101721728 Chi nhánh Sài Gòn
Rất cám ơn những bạn ủng hộ!

Thông tin thêm:

Ủng Hộ Tác Giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Sự ủng hộ của bạn sẽ giúp mình có động lực tìm hiểu và viết, dịch thêm các bài mới. Chân thành cám ơn bạn đọc! :)