Đặc khu kinh tế tại Việt Nam và một vài so sánh với Thâm Quyến
Chủ đề nóng nhất những ngày qua trên các trang mạng xã hội chắc chắn liên quan tới đề xuất thành lập 3 đặc khu kinh tế tại Việt Nam....
Chủ đề nóng nhất những ngày qua trên các trang mạng xã hội chắc chắn liên quan tới đề xuất thành lập 3 đặc khu kinh tế tại Việt Nam. Bài viết này nhằm mục đích tổng hợp và chia sẻ những tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian tương đối gấp rút của người viết (2 ngày), dựa trên những câu hỏi chính mà tác giả tự đặt ra cho mình: Đặc khu kinh tế là gì? Nó bắt đầu từ đâu, tại sao lại cần xây dựng đặc khu kinh tế? Và liệu nó có phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam?
Đây cũng đồng thời là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum, rất mong nhận được nhiều góp ý từ cộng đồng các Spiderumers để bài viết được hoàn thiện hơn nữa. Cảm ơn tất cả các bạn đang và đã đọc.
Đặc khu kinh tế là gì
Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) là một khu vực địa lý đặc biệt với những luật lệ, quy định về kinh tế và thương mại khác với những khu vực khác trong nước. SEZ thường được đặt gần khu vực biên giới hoặc cảng biển lớn với rất nhiều ưu đãi về thuế khóa, thủ tục hải quan, hành chính... nhằm mục tiêu thu hút đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài), kích cầu thương mại và tạo thêm nhiều công ăn việc làm.
Đọc thêm:
Lịch sử
Các khu vực mậu dịch tự do đầu tiên được hình thành vào khoảng năm 1550 trước công nguyên dưới nền văn minh cổ đại Phoenicia (vùng eo biển Liban và Syria ngày nay), dựa theo đặc điểm tổ chức hành chính theo kiểu thành bang, trong đó mỗi thành bang là một đơn vị độc lập về mặt chính trị. Điều này cho phép mỗi thành bang phát triển thể chế với những luật lệ thương mại riêng, tự do và đầy cạnh tranh, kết hợp với vị trí địa lý đã góp phần thúc đẩy mạnh khả năng thương mại (và cả quân sự) bằng đường thủy của cả nền văn minh.
Mô hình SEZ hiện đại lần đầu tiên được thành lập tại sân bay Shannon, Ireland năm 1959, và tới thập niên 1980 nó thực sự thu hút sự chú ý khi Trung Quốc triển khai mô hình này. Năm 1979 lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo thành lập đặc khu kinh tế đầu tiên tại Thâm Quyến, với lợi thế địa lý nằm giáp Hồng Kông, khi đó đang còn là thuộc địa của Vương quốc Anh và có một nền kinh tế vô cùng thịnh vượng.
Đọc thêm về Thâm Quyến:
Theo Economist, hiện nay trên toàn thế giới có hơn 4000 SEZ, cung cấp việc làm trực tiếp cho khoảng 68 triệu người.
Những trông chờ vào SEZ
Từ một làng chài vô danh với vài chục nghìn dân, Thâm Quyến vụt sáng thành một siêu đô thị với 12 triệu dân cùng hơn 1000 cao ốc và trở thành “thủ phủ công nghệ cao” của Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2016, GDP của riêng Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn 30% toàn bộ GDP Việt Nam (220 tỷ USD). Những thống kê chói lọi đưa Thâm Quyến trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho sự thành công của SEZ và chắc chắn đã tạo nên những sự kỳ vọng không hề nhỏ trong việc xây dựng các đặc khu tương tự có khả năng tiệm cận mức độ thành công như Thâm Quyến.
Với nền kinh tế Việt Nam, trong hơn chục năm qua không hề thiếu những bài đánh giá khách quan và chủ quan, trong lẫn ngoài nước về tiềm năng và triển vọng phát triển thành một con rồng châu Á. Tuy nhiên thực trạng phát triển những năm qua cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn chỉ đang duy trì ở mức độ “ổn định” đối với một nước đang phát triển (qua tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân 5-6%/năm và tỷ lệ lạm phát 2-3%/năm) và dường như thiếu hẳn đi một sức bật để vươn lên hàng ngũ các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, Dự thảo hình thành 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành một cú hích mạnh về kinh tế để hiện thực hóa mục tiêu hóa rồng?
Đọc thêm:
Những vấn đề cần xem xét
Vấn đề 1: Thu ngân sách
Mục tiêu hàng đầu trong việc hình thành các đặc khu đó là dựa trên tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, những ưu đãi từ SEZ sẽ giúp thu hút đầu tư để thu thêm hàng tỷ USD ngân sách, cụ thể cho giai đoạn từ 2017-2030 là:
Vân Đồn: 1.9 tỷ USD thuế phí + 2.1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất.Bắc Vân Phong: 1.2 tỷ USD thuế phí + 1 tỷ USD từ thuê đất.Phú Quốc: 3.3 tỷ USD.Như vậy trong vòng 14 năm ngân sách nhà nước sẽ thu thêm gần 10 tỷ USD ngân sách (trong trường hợp không thất thoát). Được biết khoản thu ngân sách Việt Nam là 60 tỷ USD năm 2017, hơn 50 tỷ USD năm 2016, hơn 45 tỷ USD năm 2015... như vậy kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tới năm 2030, khoản thu 10 tỷ USD từ SEZ chỉ đóng góp thêm khoảng 1% thu ngân sách hàng năm.
Thêm nữa, bài toán xử lý đầu ra một cách hiệu quả cho hàng tỷ USD đó dường như chưa bao giờ là dễ dàng nếu nhìn vào cách chính phủ Việt Nam điều hành và quản lý các dự án công với đầy rẫy những tai tiếng như Đường sắt đô thị, Khu công nghiệp Vũng Áng, Khai thác Bauxite tại Tây Nguyên... Về quan điểm cá nhân, người viết không tin vào năng lực của Chính phủ Việt Nam trong hiện tại và tương lai gần (20 năm tới) có khả năng sử dụng ngân sách thu được từ SEZ để tái đầu tư và tạo nên một đòn bẩy thực sự cho nền kinh tế, như trường hợp của Thâm Quyến. Hãy nhớ, đặc khu Thâm Quyến được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo xuất chúng đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Trung Quốc và đặt nền móng đưa đát nước tỷ dân từ một đống hỗn mang sau thời Đại cách mạng văn hóa vươn mình thành cường quốc top 2 thế giới. Còn đối với Việt Nam?
Vấn đề 2: Giá trị cốt lõi
Trong những yếu tố làm nên thành công của một đặc khu thì vị trí địa lý đứng số 1. Thâm Quyến nằm sát cạnh Hongkong, 2 vùng đất cùng chia sẻ với nhau lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông) và có thể khẳng định tiếng tăm từ trung tâm tài chính, kinh tế và thương mại từ Hồng Kông - một trong bốn con rồng châu Á - đã giúp mang lại cho Thâm Quyến quá nhiều những thuận lợi từ ngày đầu thành lập.
Vị trí địa lý cũng là một yếu tố mà cả 3 đặc khu dự tính của Việt Nam đều có ưu thế: Vân Đồn là một huyện đảo ở Quảng Ninh, ngay sát biên giới Trung Quốc và từng là thương cảng đầu tiên của Việt Nam cũng như có một lịch sử thịnh vượng suốt 7 thế kỷ trước khi bị lãng quên vào thời nhà Mạc vì loạn lạc; Bắc Vân Phong là một khu kinh tế mới được thành lập năm 2006 tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa, gần các khu công nghiệp, lọc hóa dầu như Chu Lai, Dung Quất, mỏ Bạch Hổ…; còn Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam với một vị trí cực đẹp trong tuyến hàng hải từ Vịnh Thái Lan sang biển Đông, đặc biệt trong tương lai nếu dự án kênh đào Thái Lan được thông qua (dù khó vì nguy cơ li khai ở miền Nam Thái Lan) thì Phú Quốc hoàn toàn có tiềm năng trở thành một Singapore mới của Đông Nam Á.
Tuy vậy, yếu tố quan trọng thứ 2 là chiến lược phát triển đặc khu, hay nói cách khác là giá trị thương hiệu hay giá trị cốt lõi của đặc khu, dường như chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ khi nhắc tới Thâm Quyến, Sillicon người ta biết đó là những thung lũng công nghệ, Thượng Hải, Hồng Kông là những đặc khu tài chính... Còn đối với trường hợp của chúng ta? Điều 16: Ngành, nghề ưu tiên phát triển tại Đặc khu trong Dự thảo “Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân phong và Phú Quốc” có ghi:
Tại đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại.Tại đặc khu Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại - tài chính.Tại đặc khu Phú Quốc ưu tiên phát triển các ngành, nghề: du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.Dễ thấy là chúng ta đang đầu tư quá dàn trải: du lịch, khách sạn, thương mại xuất hiện trong danh mục ưu tiên của cả 3 đặc khu, cảng biển, xuất hiện ở 2 đặc khu, kết hợp giữa công nghệ cao với du lịch và văn hóa tại Vân Đồn, dự tính biến Bắc Vân Phong thành trung tâm thương mại tài chính trong khi không khai thác thế mạnh gần Nha Trang của đặc khu này... Vẫn biết kinh tế là đa ngành nhưng thực sự cần thiết có những bước đi cụ thể ngay từ bước hoạch định chiến lược nhằm xây dựng cho từng đặc khu những giá trị cốt lõi riêng và đặc trưng. Dưới góc độ cá nhân, ưu tiên trước hết là tận dụng ưu thế địa lý của các đặc khu, người viết mạn phép đề xuất những ngành nghề chiến lược sau tại từng đặc khu (nếu chúng ta buộc phải thông qua đề xuất hình thành đặc khu, vì những lý do... gì đó):
Vân Đồn: cảng biển (gần cảng Hải Phòng – cảng biển lớn nhất Việt Nam), thương mại (gần biên giới Trung Quốc).Bắc Vân Phong: công nghệ cơ khí (gần nhà máy oto Trường Hải – nhà máy lắp ráp oto lớn nhất của Việt Nam), công nghệ lọc hóa dầu (gần các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam tại biển Đông), từ đó phát triển các ngành công nghệ và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.Phú Quốc: du lịch, khách sạn, hội nghị, triển lãm (Phú Quốc vốn đã là một địa danh du lịch nổi tiếng). Trong các chia sẻ về đặc khu có nhắc rất nhiều tới việc khai thác casino, dựa trên những điều kiện văn hóa, kinh tế ở Việt Nam thì chỉ nên khai thác casino ở Phú Quốc, với những lí do xin phép được nhắc tới trong các bài viết sau.Vấn đề 3: Thời điểm
Một trong những lợi ích lớn nhất của đặc khu là “phòng thí nghiệm” thể chế qua đó tạo ra những bước đột phá về kinh tế. Sự thành công của Thâm Quyến đã giúp Trung Quốc tự tin hơn trong việc mở những đặc khu tiếp theo. Tuy nhiên cần nhìn nhận rõ về tính thời điểm khi thập niên 1980 là giai đoạn mà Trung Quốc tiến hành cuộc cải cách kinh tế triệt để sau những năm tháng lụn bại và trì trệ thời Mao Trạch Đông và nhóm Tứ nhân bang. Trong bối cảnh đó, Thâm Quyến, với tư cách là đặc khu đầu tiên, được sử dụng như một phép thử đặc biệt trong tiến trình cải cách và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Và nó đã thành công, một cách rực rỡ.
Soi chiếu về trường hợp của Việt Nam, dường như đã quá muộn để chúng ta sử dụng các đặc khu như một bài test thể chế. Tiến trình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã diễn ra được hơn 2 chục năm, thành công có nhiều, hạn chế không ít, nhưng những kỳ vọng về khả năng mang lại sự đột phá trong thể chế đặc khu dường như đã không còn khi mà ưu đãi lớn nhất ghi nhận được trong dự luật đặc khu là về thuế thu nhập doanh nghiệp/cá nhân, thuế thuê đất/nước… đã quá lỗi thời. Các doanh nghiệp cần hơn những ưu đãi trên quy mô vốn hay hiệu quả hoạt động, thay vì ưu đãi đơn thuần trên lợi nhuận. Chưa hết, chính sách ưu đãi thuế cũng sẽ gây nên những lo ngại nhất định nếu giới đầu tư đổ xô về các đặc khu để hưởng lợi, tạo nên những thiên đường thuế nhưng về thực chất không tạo thêm nhiều của cải vật chất cho xã hội.
Tạm kết
Như vậy, đặt qua một bên 2 vấn đề nhức nhối và gây bức xúc nhiều nhất trong những ngày qua là thời hạn thuê đất 99 năm (xin lưu ý vấn đề thuê chứ không phải nhượng) và những lo lắng về vấn đề chủ quyền với Trung Quốc, rõ ràng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề thực tiễn hơn liên quan tới tính khả thi trong việc hình thành đặc khu kinh tế tại Việt Nam. Kỳ vọng và trông chờ vào SEZ thì quá cao trong khi năng lực của chúng ta thì thực sự có hạn và thời điểm dường như cũng không còn thích hợp.
Thay vì bức xúc với những thuyết âm mưu về khả năng thôn tính Việt Nam của người láng giềng 16 chữ vàng thông qua SEZ, nếu thực sự quan tâm tới vấn đề này mỗi công dân Việt Nam chúng ta nên chăng hãy thử một lần tìm hiểu về SEZ và Dự thảo Luật SEZ để có cái nhìn cụ thể hơn về dự án tại đây, và nếu có thể, đóng góp ý kiến thông qua phần “Ý kiến người dân”. Tương lai và đất nước phải được xây dựng nhờ vào những hành động cụ thể và thiết thực, không phải dựa trên những viên gạch đến từ mạng xã hội.
Tham khảo
Sách : Giấc mơ hóa rồng – Huỳnh Bửu Sơn
Bài viết cùng chủ đề trên Spiderum:
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất