WTO, WHO, United Nations,... là những tổ chức lớn nhất thế giới, có quyền hành "cầm cân nảy mực" trong lĩnh vực của họ. Nhưng liệu quan niệm này có hoàn toàn đúng trong bối cảnh chính trị hiện đại?
Chỉ trong cùng một ngày 15/05/2020, đã có 2 sự kiện liên quan tới 2 tổ chức hợp tác toàn cầu mang tầm cỡ lớn bậc nhất thế giới.
Đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp và thông qua Nghị quyết gia hạn thêm 6 tháng cho Lực lượng An ninh Lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (viết tắt là UNISFA). Theo Nghị quyết mang số hiệu 2519 này,  các cấu phần quân sự và cảnh sát của Liên hợp quốc ở Abyei – khu vực phi quân sự nằm giữa 2 quốc gia có nhiều xung đột là Sudan và Nam Sudan - sẽ tiếp tục được duy trì để giải quyết tình trạng bất ổn.
Cùng ngày, ông Roberto Azevedo, Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cũng đưa ra quyết định xin từ chức. Nhà ngoại giao người Brazil sẽ rời nhiệm sở vào tháng 8/2020, sớm hơn 1 năm so với thời điểm dự kiến kết thúc nhiệm kỳ của ông vào tháng 8 năm sau. Ông Roberto Azevedo cho biết quyết định của mình hoàn toàn mang tính cá nhân, xuất phát từ các cuộc trao đổi với gia đình và không phải vì lý do sức khoẻ hay tham vọng chính trị.
Thoạt nhìn qua, 2 sự kiện trên đây chẳng có sự kết nối nào. Nhưng nếu phân tích sâu hơn, ta có thể nhận thấy cả 2 đều là minh chứng cho một thực tế vốn đã tồn tại trong quan hệ quốc tế những năm qua: sự sa sút về tiếng nói của các tổ chức toàn cầu, thậm chí đã gần như đến mức bất lực.
Ông Roberto Azevedo - Tổng Giám đốc WTO.

Trước hết, hãy nói về quyết định từ chức của Tổng giám đốc WTO. Thật không có thời gian nào tốt hơn để gây chú ý như ông Roberto Azevedo lựa chọn: ngay khi cả thế giới nói chung và ngành thương mại toàn cầu nói riêng đang phải gồng mình chống chịu những tác động to lớn của dịch COVID-19, vị quan chức này lại đưa ra quyết định đầy bất ngờ là sẽ rời nhiệm sở.
Tuy ông Azevedo khẳng định đây là quyết định mang tính cá nhân, không liên quan tới các hoạt động chính trị, nhưng những suy đoán từ giới phân tích lại thiên về một chiều hướng khác. Nhà lãnh đạo hiện tại của WTO được biết đến là chính khách ủng hộ nhiệt thành cho trao đổi thương mại cởi mở và hợp tác quốc tế, nhưng quan điểm này lại khiến ông xung đột với Donald Trump – đương kim tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Từ cuối năm ngoái, chính quyền Trump đã từ chối phê chuẩn những người được đề cử để lấp chỗ trống các thẩm phán giải quyết tranh chấp thương mại, khiến các hoạt động của WTO bị tê liệt. Washington còn là bên đi đầu trong liên tiếp các tranh chấp thương mại với Mỹ, châu Âu, các nước láng giềng Mexico và Canada,… kéo lùi đà tăng trưởng của thương mại quốc tế. Gần đây, ông Azevedo còn bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia lớn khác không phối hợp để giải quyết vấn đề do COVID-19 gây ra (Trump thậm chí còn làm gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc).
Trong thông báo WTO gửi đến các nước thành viên, Azevedo cho rằng quyết định từ chức của ông cũng là vì lợi ích tốt nhất của tổ chức. "Khi các nước bắt đầu xây dựng chương trình nghị sự của WTO cho một trạng thái mới hậu Covid-19, họ nên làm với một tổng giám đốc mới", ông chia sẻ trong cuộc họp trực tuyến chiều 14/5.
Tóm tắt như vậy là đủ để thấy nhiệm kỳ của ông Roberto Azevedo đã vất vả đến thế nào bởi các quốc gia thành viên quyền lực trong WTO. Còn nhớ, trong 4 năm từ 2013 đến 2017, vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới trong việc định hướng các hoạt động thương mại quốc tế, cụ thể là thúc đẩy “thương mại mở” đã được thực hiện rất tốt dưới sự lãnh đạo của chính Roberto Azevedo. Những thành công đạt được giúp ông Azevedo tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 ở WTO vào năm 2017, nhưng ấy cũng là thời điểm báo trước dấu hiệu không lành: gần như cùng thời điểm đầu năm 2017, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và không ngần ngại tuyên bố các sách lược thương mại “nước Mỹ trên hết” của mình.
Từ sự xuất hiện của Trump, các chính sách thương mại đơn phương của Washington đã hoàn toàn chà đạp lên các giá trị mà WTO do Roberto Azevedo lãnh đạo theo đuổi. Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất toàn cầu, chỉ cần Mỹ đơn phương đưa ra các quyết định phản thương mại mở đã đủ khiến WTO khốn đốn, lại thêm phản ứng qua lại của các quốc gia như Nga, Trung Quốc, châu Âu, các sự kiện tác động tiêu cực tới giao thương như BREXIT,… tất cả khiến nhiệm kỳ thứ 2 của ông Azvedo ở WTO hoàn toàn mất kiểm soát, và việc nhà lãnh đạo này từ chức thật giống như giọt nước tràn ly. Vậy là thay vì chỉ đường dẫn lối cho các nước thành viên trong nỗ lực phát triển thương mại, Tổ chức Thương mại Thế giới lại trở thành một thực thể không hề có tiếng nói trong các tranh chấp, căng thẳng và sự nổi lên của trào lưu “thương mại đóng”.
------
Nếu vị thế của WTO chỉ mới bị nghi hoặc trong vài năm, thì với Liên hợp quốc, vai trò của họ trong thực tiễn chính trị quốc tế đã đáng bị đặt dấu hỏi từ hàng thập kỷ.
Năm 1945, 51 quốc gia đã ký vào bản hiến chương thành lập một tổ chức hợp tác toàn cầu mới mang tên The United Nations - Liên hợp quốc (sau đây xin gọi tắt là UN). Từ những ngày mà thế giới còn là bãi chiến trường đổ nát sau Thế chiến II cho đến ngày nay, một trong những mục tiêu trọng tâm mà UN khằng định về bản thân tổ chức này luôn là “duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”. Bản thân Nghị quyết số 2519 được đề cập ở trên cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Vậy nhưng, nếu nhìn lại các vấn đề tranh chấp quốc tế, những đóng góp của UN có thể nói là không đáng kể so với thực tiễn rối ren của công cuộc "duy trì hoà bình và an ninh quốc tế".
Điều vô lý nằm ở chỗ UN có thể thông qua các Nghị quyết hoà giải, thiết lập các vùng phi quân sự ở Sudan và Nam Sudan – những quốc gia châu Phi không có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, nhưng khi nói đến Syria hay khu vực Trung Đông, câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Không phải UN, mà chính những nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay NATO mới là các bên có tiếng nói (và hành động) quyết định. Triển khai quân đội, đánh phá trên thực địa, tự do đàm phán và quyết định,… không điều gì mà các nước này không thể làm, bất chấp ý kiến từ UN hay việc không có Nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua.
Trước nội chiến Syria, những cuộc chiến được phát động ở Lybia, sự can dự của Mỹ vào các vấn đề chính trị nội bộ của các quốc gia Trung Đông, Nam Mỹ, xa hơn nữa là tấn công Nam Tư hay các vấn đề có nguồn gốc từ Chiến tranh Lạnh như chia rẽ Nam – Bắc Triều Tiên,… đã có quá nhiều tiền lệ trong đó các cường quốc tự ý khu xử. Ở một thời điểm nào đó, Liên hợp quốc thậm chí chỉ như con bài trong tay Mỹ và các đồng minh, khi những cuộc họp, nghị quyết hay tuyên bố của tổ chức này hoặc né tránh các vấn đề nóng (có sự can dự của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ) đang diễn ra, hoặc có nói đến thì cũng là những lập trường đại khái, theo kiểu đại ngôn ngoại giao luôn đúng, chẳng làm mất lòng ai và tất nhiên, chẳng giải quyết được vấn đề gì.

WTO, UN hay WHO – tổ chức đang chứng kiến sự chia rẽ lớn nhất trong mùa dịch COVID - cũng chỉ là những ví dụ cụ thể. Còn quá nhiều những dẫn chứng của hiện tượng chủ nghĩa bá quyền, đồng tiền và thế lực nước lớn lấn lướt các tiêu chuẩn, mục tiêu và nhiệm vụ của các tổ chức hợp tác quốc tế.
Giờ đây, những người đứng đầu các tổ chức toàn cầu dường như chỉ đóng vai trò phát ngôn đơn thuần, khi những hành động thực tế của các định chế dưới quyền họ không còn được coi trọng và có giá trị. Thậm chí giới hạn cũng xuất hiện ngay cả trong vấn đề phát ngôn, ví như việc chỉ trích thẳng thắn một nước lớn, chính xác hơn là chỉ nêu tên nước đó trong phát biểu thôi đã là điều không thể, dù phải trái đúng sai có rõ ràng đến mấy. Để vận hành các tổ chức mang tầm cỡ toàn cầu với bộ máy khổng lồ cần đến nguồn kinh phí cực kỳ lớn, vậy nhưng đổi lại, những bộ máy ấy lại không thể thực hiện những nhiệm vụ bức thiết nhất. Đó phải nói là một sự thật đáng giận.
Tuy nhiên, đáng giận thực sự chẳng phải là những nhà lãnh đạo như ông Roberto Azevedo, mà tất nhiên, đó phải là những quốc gia, những chính phủ đang cố gắng tự thiết lập trật tự quốc tế của riêng mình, mà ứng viên số một là nước Mỹ. Chừng nào tư duy của những con người trong Nhà trắng chưa thay đổi, chừng đó một trật tự quốc tế đa phương bình đẳng thực sự vẫn sẽ chỉ còn là giấc mơ của nhân loại. Năm 1945, nước Mỹ (có thể nói) đã vẽ nên một giấc mơ tốt đẹp khi tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới để khai sinh ra Liên hợp quốc. Ấy vậy nhưng từ ngày đó tới tận bây giờ, chính đất nước Cờ hoa, hay đúng hơn là những nhà lãnh đạo đại diện cho giới tinh hoa của họ, đã liên tục tạo ra những tiền lệ xấu xí của việc bất chấp thông lệ quốc tế, bất chấp cả sự hiện diện của những tổ chức mà đã được toàn nhân loại trông đợi.
Trên con đường hướng tới giấc mơ thế giới bình đẳng, các định chế hợp tác toàn cầu như WTO hay UN là phương tiện không thể thiếu. Chừng nào các phương tiện ấy còn hoạt động cầm chừng và liên tiếp gặp vật cản, chừng đó con người sẽ còn phải chứng kiến đau thương và bất công trên mọi cấp độ. Mỹ, các nước lớn, hay bất cứ cá nhân, tổ chức và thực thể nào hiện diện trên hành tinh này, cần phải nhận thức được chân lý đó – và họ hoàn toàn có thể, vấn đề chỉ là lựa chọn. 
Lựa chọn của những cường quốc cũng sẽ là ngã rẽ chung của nhân loại: hoặc là cùng nhận thức đúng đắn, cùng thay đổi để tiến bước, hoặc tiếp tục ích kỷ để tất cả kết thúc theo cái cách mà Chúa đã tạo ra Đại hồng thuỷ để rửa trôi bất công.