Nằm trong chuỗi tích cóp, thu thập kiến thức về Phật giáo của bản thân. Vừa là ghi lại những thứ mình học, đọc, vừa là để lưu trữ đọc lại khi cần và cũng là chia sẻ kiến thức tới mọi người cùng hiểu hơn về Phật giáo, cùng thoát khỏi trầm luân.
Namo tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa.
----
Bàn về Duyên khởi, cũng được gọi là Nhân duyên sinh , vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên. Là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. 
Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với 12 yếu tố.
Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi. Giáo lý duyên khởi được ghi lại như sau (Chân Nguyên dịch từ tiếng Pali – Việt):
“Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt”
Duyên khởiVô ngã là hai giáo lý làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo. Các nhân duyên (gồm nguyên nhân chính và điều kiện phụ) này gồm 12 yếu tố.
Mười hai nhân duyên gồm:
1- Vô minh: sự nhận thức sai lầm bản ngã và thế giới;
2- Vô minh sinh Hành: hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hoặc trung tính. Hành có thể ở trong 3 dạng: thân, khẩu, ý.;
3- Hành sinh Thức: làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mje, Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt – xấu quy định;
4- Thức sinh Danh sắc; là toàn bộ tâm lý và vật lý của bào thai mới, do Ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) tạo thành;
5- Danh sắc sinh Lục nhập: là các cặp cơ quan – đối tượng của giá quan, Lục nhập = Sáu căn + Sáu trần;
6- Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc;
7- Xúc sinh Thụ: là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
8- Thụ sinh Ái: tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;
9- Ái sinh Thủ: là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;
10- Thủ dẫn đến Hữu: là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới;
11- Hữu dẫn đến Sinh: là Sinh y, là cuộc sống hàng ngày bao gồm dục là tham ái, và lòng ham muốn;
12- Sinh sinh ra Lão tử: vì có Sinh nên có Hoại diệt.
Kinh nghiệm giác ngộ lý duyên khởi bao gồm Mười hai nhân duyên của Phật được ghi lại trong Luật tạng, phần Đại phẩm như sau (Chân Nguyên dịch từ tiếng Pali – Việt):
“Thời nọ, Phật Thế Tôn an trú tại Ưu-lâu-tần loa bên bờ sông Ni-liên-thiền dưới một gốc cây bồ đề, lần đầu tiên đạt chính đẳng giác. Phật Thế Tôn ngồi chân tréo kết già bảy ngày dưới gốc cây bồ đề, thưởng thức sự an lạc của giải thoát.
Vào canh thứ nhất, Phật quán chiếu trong thâm tâm nguyên lý duyên khởi xướng xuôi chiều và ngược chiều: Từ Vô minh mà các Hành phát sinh, từ các Hành mà thức phát sinh, từ Thức sinh Danh sắc, từ Danh sắc là sau giác quan (cùng với 6 đối tượng của chúng), từ Sáu giác quan sinh ra Xúc, từ Xúc sinh ra Thụ, từ Thụ sinh Tham ái, từ Tham ái ra Thủ, Thủ dẫn đến Hữu, từ Hữu sinh ra Sinh, từ Sinh ra Lão tử, ưu sầu, hoạn nạn, bất hạnh, tuyệt vọng. Sự hình thành nguyên khối khổ này là như thế.
Qua sự chấm dứt và tiêu diệt của Vô minh mà các Hành chấm dứt, qua sự chấm dứt của các Hành mà Thức chấm dứt, qua sự chấm dứt của Thức mà Danh sắc chấm dứt, qua sự chấm dứt của Danh sắc mà sáu giác quan chấm dứt, qua sự chấm dứt của sáu giác quan mà sự chạm Xúc chấm dứt, qua sự chấm dứt của sự chạm xúc mà thụ chấm dứt, qua sự chấm dứt của Thụ mà Tham ái chấm dứt, qua sự chấm dứt của Tham ái mà Thủ chấm dứt, qua sự chấm dứt của Thủ mà Hữu chấm dứt, qua sự chấm dứt của Hữu mà Sinh chấm dứt, qua sự chấm dứt của Sinh mà Lão tử, ưu sầu, hoạn nạn, bất hạnh, tuyệt vọng chấm dứt. Sự chấm dứt của nguyên khối khổ này là như vậy.
Lúc ấy, sau khi nhận thức rõ điều này, Thế Tôn thốt lên một các cảm kích: “Thật như thế, khi các pháp hiện rõ cho một người tinh tiến, một hiền nhân đang quán chiếu thì tất cả những nghi hoặc của ông ta tan biến, vì ông ta đã nhận thức được Pháp với nguyên nhân của nó”.

Nội dung được sao chép hoặc được thêm/bớt từ nhiều nơi, Nguồn được trích dẫn chủ yếu tại:
1. Wikipedia;
2. Thư viện Hoa sen