Năm mới đến lúc nào?
Bao nhiêu lần cuối năm,
trong cuộc đời này nhỉ?
Bao nhiêu lần mộng mị,
Trong cõi người vô minh?

Trong ký ức những năm đầu đời, tết đối với nó là một sự háo hức, rộn ràng và đầy hỷ lạc. Nó vẫn nhớ hình ảnh dây pháo bố nó đốt ở sân đì đùng, nó vừa sợ vừa thích thú, chăm chú nhìn. Ôi cái mùi pháo khen khét, đi kèm xác pháo đo đỏ bay tứ tung khiến nó nhớ mãi.

Kết quả hình ảnh cho dây pháo ngày tết xưa


Những lúc chập chững đi chúc tết tại nhà họ hàng, nó luôn được mọi người quý mến và mừng tuổi lia lịa, vì hồi nhỏ nó khá bụ bẫm. Nó khoanh tay ôm và cố giữ đống tiền mừng tuổi mà chính nó cũng chẳng biết mệnh giá là bao nhiêu, hay ngay cả ý nghĩa của từ mừng tuổi là gì. Nó chỉ có cảm giác gì đó rất lạ, cảm giác được là tâm điểm, được nhiều người để ý đến. Và nó nhớ cả khi chạy ra khoe bố nó thì bố nó liền mượn hết chỗ tiền mừng tuổi đó để đánh bài.




Lớn lên chút nữa gần nhà nó đã có thêm gia đình bác cả, cô út và cả nhà nó nữa là 3 gia đình ở gần nhau. Khi ấy tết đối với nó thật đầm ấm, sum vầy. Kể từ ông công ông táo, ngày nào đối với nó cùng rộn ràng, nhộn nhịp.

Những lúc được đi ra phố là nó thích lắm, nó thích đọc mọi chữ, biển hiệu mà nó nhìn thấy. Nó ngắm nghía từng cây đào, cây quất, chỉ trỏ đủ thứ trong rừng đào đỏ rực cả góc phố ấy, tiếng nhạc bole 79 xập xình, tiếng xì xào cười nói, xe cộ dày đặc, còi xe inh ỏi, thi thoảng có lẫn tiếng pháo bép bép ... tất cả tạo nên khung cảnh đặc trưng mà chỉ tết nó mới được cảm nhận trọn vẹn như vậy.
Kết quả hình ảnh cho dây pháo nổ cổ truyền

Những tối cuối năm, nó cùng đám trẻ chơi đùa trước sân chẳng màng tới mọi người đang tất bật chuẩn bị tết, nào tiếng cười nói phớ lớ của mọi người đang nấu bánh chưng dưới bếp, tiếng băm chặt, tiếng khấn vái lúc thắp hương. Rồi cả lúc mọi người đốt vàng mã, nó hay sà vào chỗ đốt vàng mã để đốt cùng, cái hơi nóng của lửa khiến mặt nó cũng trở nên phừng phừng làm nó cứ phải vừa ném vàng mã vừa phải né người về sau.
Tất cả khung cảnh đó hòa quyện cùng mùi nhang, mùi thức ăn xào nấu sực nức khắp xung quanh đã tạo nên trong nó một dư vị rất đặc biệt.

Lớn hơn chút nữa khi bố mẹ nó ly hôn, nó ra ở với bà và đón tết cùng bà. Nhà bà nó ngay gần chợ Lớn nên gần như sắm sửa tết không phải đi đâu nhiều, nó lũn cũn đi với bà vào chợ mua sắm đủ thứ.

Tết ở chợ đông nghịt, nó ấn tượng nhất một đoạn đường phía cuối chợ, khu bán thuốc bắc, đi qua đó nó được ngửi lẫn cả mùi thuốc bắc có mùi ngũ vị hương, mùi măng, mùi đặc trưng của mấy quán bán hàng khô hòa quyện lại thành một mùi thật khó tả.

Năm nào hai bà cháu cũng chọn được không thì cây đào, cây quất xinh xinh. Bà nó tiết kiệm lắm, mặc cả từng đồng một. Mặc cả một thôi một hồi rồi bà giở ví tiền bọc trong túi vải trả cho họ, cái túi vải mà có cái dây thít vào rồi quấn làm nhiều vòng xung quanh ấy. Và việc của nó là lôi bộ đèn nháy năm ngoái dùng vẫn còn xài được, gỡ chúng ra và treo lên.

Đêm giao thừa, sau khi xem xong chương trình gặp nhau cuối năm, nó cũng lên giường ngủ cùng với bà, không có ai chở đi xem bắn pháo hoa cả, nhưng nó vẫn thấy vui lắm. Vì ngày mai khi nó ngủ dậy, sẽ được bà đưa đi khắp nơi, đầy điều thú vị đang chờ nó.
Kết quả hình ảnh cho chợ tết xưa

Lớn hơn nữa tết của nó là những vị là lạ sên sến của tình yêu mới lớn, nào là ôm nhau rồi trao nụ hôn dài ... 2 năm, nào thì vùng vằng giận dỗi đi bộ cả cây số ngay đêm giao thừa. Rồi có năm nó xem bắn pháo hoa trên màn hình to đùng trong bar, club. Mắt nhắm nghiền lắc lư theo điệu nhạc, đến khi mở mắt nó còn chẳng biết hôm nay là mùng mấy tết.
.
Điểm nhấn trong cuộc đời của nó có lẽ là tết những năm ở trong trại. Nơi mà nó nếm đủ thứ vị mà từ trước đến giờ nó chưa từng được nếm. Chẳng có hoa đào, chẳng có quất, chỉ có một vài nén hương nó xin được của quản giáo thắp cho có không khí của tết để phần nào xua tan đi cái không gian lạnh lẽo trong ấy. Ôi cái mùi nhang lúc đó sao nó lại ấm áp và thơm đến lạ!

Giao thừa đầu tiên khi nó vẫn còn ở tạm giam, nó vẫn được xem bắn pháo hoa trực tiếp nhưng là qua song sắt của cửa sổ. Vừa hay cửa sổ trại giam đó nhìn thẳng được tới khu bắn pháo hoa, cửa sổ thì cao, muốn xem phải trèo lên và treo dây buộc với quần bò để làm chỗ đứng. Chỉ nó và những anh em mâm trên mới được đứng lên xem, còn lại tất cả thì ngồi hết ở dưới để xem từ xa.

Vẫn là những tiếng pháo hoa bụp bụp đó, vẫn là những tiếng nổ liên tiếp, giòn giã của những quả pháo cuối, trắng xóa với những tiếng ồ lên. Nhưng cảm nhận khi ấy của nó lại khác hoàn toàn, nó thấy chán trường, buồn rầu, và nuối tiếc vì vô số hình ảnh, những cảm nhận trước kia dội về.

Nó nhớ nhà, nhớ cô người yêu bé nhỏ của nó không biết tết này thế nào? Có qua đằng sau tường ới gọi nó, kêu nhớ và chờ nó về không? Nhưng dẫu sao nó cũng có một tia hi vọng, có người còn chờ nó, cũng khiến nó cảm cảm thấy mình còn may mắn hơn khi bất giác nghe thấy những tiếng sụt sùi, khóc lóc của những phạm nhân khác.
Kết quả hình ảnh cho tết trại giam
Người thì khóc vì án 20 năm nên thương vợ con, người thì vợ mới bỏ ... Nó mỉm cười thông cảm và động viên anh em cố gắng cải tạo tốt để còn về sớm với gia đình, xã hội. Nhưng nó cũng không hề hay biết là sắp tới đây thôi, chính nó cũng sẽ phải gặm nhấm cái vị đó dài dài. vì tia hi vọng nhỏ nhoi ấy cũng sẽ phải rời nó mà đi.

Những năm sau này khi nó về, giao thừa với nó cũng vẫn vậy, tuy là được cảm nhận nhiều trạng thái khác hơn, đầy đủ hơn trong kia. Nhưng nó thấy những vị đó, cảm nhận đó cũng thế, cũng đến và đi, chớp nhoáng rồi lại trả về những khoảng không trống rỗng. Vì gia đình ly tán, em và mẹ nó đón tết trên Hà Nội mãi mùng 2,3 mới về. Nên trong sâu thẳm, nó vẫn cảm nhận thấy điều đó ở bố nó. Sự cô quạnh ẩn sau sự xuề xòa, vui vẻ.
Có một năm mà gia đình nó dịp ngồi với nhau thật lâu, hiếm khi được như thế, khi tất cả đều nói ra những nỗi niềm trong lòng, nới lỏng những nút thắt, khuất tất về chuyện cũ, dù vẫn còn đổ lỗi, dù vẫn còn cho rằng mình không sai. Nhưng đó cũng đủ để nó cảm thấy rằng: "À, vị của sự bộc lộ, chia sẻ nó gần gũi và đầm ấm như vậy".
Rồi cái năm mà trước thềm giao thừa, nó quyết định trong tích tắc việc quay xe, không đi xem bắn pháo hoa nữa mà rẽ vào ngôi chùa gần đó, nắn nót viết từng dòng tên tuổi, địa chỉ của hai gia đình vào tờ sớ cầu an. Đọc Kinh Pháp Hoa và ngồi thiền. Nó cảm nhận được vị của sự cho đi, sự thanh tịnh, tự tại. Ngay cả khi tiếng pháo hoa nổ, nó đứng trông ở hiên chùa, vẫn là pháo hoa ấy, nhưng cảm nhận cũng đã rất khác.
Không có mô tả.

Đấy, thế rồi cũng có năm chẳng còn có pháo hoa mà cho nó ngắm. Năm nay - năm mà quê nó nằm trong danh sách ổ dịch. Nó phải ở lại Hà Nội đón tết, chẳng có nhiều thứ mới nhưng tinh thần nó phơi phới.

Phơi phới vì những dự định ấp ủ của năm mới, những thứ nó sẽ làm rõ ràng hơn nữa, dư vị của sự sáng suốt, tăng trưởng, sự cho đi, sự cao thượng ... mà trong năm vừa qua, phần nào nó đã được nếm thông qua nỗ lực bản thân, giúp đỡ người khác trong công việc, thông qua sự đồng hành cùng những con người có lý tưởng cao đẹp.
Tất cả những gì trên cuộc đời này thật ra đều là những thứ mà ta cảm nhận được. Mà ta tạm quy nó là "Vị". Dù ta sở hữu thứ gì, hay muốn thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi cách sống khác đi. Cũng đều để ta cảm nhận những khung bậc, dư vị khác hơn mà thôi.
Si mê hay sáng suốt, đủ đầy hay thiếu thốn, cao thượng hay hèn kém, cho đi hay nhận lại, hy vọng hay nuối tiếc, tù túng hay tự do, dính chấp hay giải thoát, hạnh phúc hay khổ đau?
30 tết, hãy dành cho mình một khoảng lặng để sắp xếp lại toàn bộ hành trình của mình, để ngẫm xem rằng là, rốt cục trong cuộc đời này, ta đang muốn cảm nhận Vị gì? Vị nào thật sự xứng đáng để ta hướng tới?

Chúc mọi người bước sang năm mới ngộ ra được nhiều điều giá trị. Cảm nhận thêm được nhiều vị của sự tăng trưởng, cho đi, hướng thượng.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản cho biết 'Bao nhiêu lần cuố‘i nàm, Trong cuộc đời này nhi? Bao nhiêu lần mộng mị, Trong côi người vô minh?'

Trư Trư.