ĐỘC QUYỀN VÀ ĐỘC QUYỀN NHÓM
Sau Thế chiến thứ nhất, De Beers đã hoàn toàn sở hữu The Premier – đây là mỏ kim cương lớn nhất từng được...
1. SÂN CHƠI CỦA KẺ MẠNH
Sau Thế chiến thứ nhất, De Beers đã hoàn toàn sở hữu The Premier – đây là mỏ kim cương lớn nhất từng được phát hiện, nằm ở miền Tây Nam Phi. Tập đoàn này hiện nắm trong tay gần như toàn bộ sản lượng kim cương trên thế giới; mà từ năm 1902 đã lên đến 90% [1]. De Beers đích thị là tập đoàn độc quyền (Monopoly) về kim cương và sản xuất các sản phẩm từ kim cương. Nôm na, nhà độc quyền có khả năng tác động vào lượng sản phẩm mà nó đưa ra thị trường (Market power), từ đó giá cả sẽ biến động theo với mục đích chính là đẩy lợi nhuận lên cao so với mô hình Cạnh tranh hoàn hảo (Perfect competition).
Các dạng cấu trúc của thị trường được phân loại theo 2 yếu tố đó là số lượng nhà sản xuất và tính thay thế được của các sản phẩm với nhau. Tính thay thế được (Differentiate) có nghĩa là dù các sản phẩm khác nhau nhưng đối với phần lớn người tiêu dùng, chúng là giống nhau và có thể được thay thế tương đương (Coca vs Pepsi, hay Aquafina vs Lavie). Trong trường hợp không có sự khác biệt về sản phẩm, trong khi chỉ có một nhà cung ứng, thì đó là độc quyền như ở trên (Monopoly). Nếu chỉ có một số ít nhà cung ứng, dù cho sản phẩm được tung ra giống nhau nhiều hay ít, đều là độc quyền nhóm (Oligopoly). Trường hợp còn lại, khi có rất nhiều nhà cung ứng, sản phẩm của họ tạo ra lại giống nhau nữa, đó là cạnh tranh hoàn hảo (Perfect competition); nếu như sản phẩm không giống nhau thì sẽ là độc quyền cạnh tranh (Monopolistic competition).
Độc quyền được tạo ra nhờ vào một số điều kiện bao gồm: (1) lợi thế về tiếp cận tài nguyên; (2) Increasing Return to Scale (tạm dịch: tăng lợi nhuận hồi biên) hiểu đơn giản là: khi một tập đoàn có sẵn lợi thế về lợi nhuận, trong khi chi phí bỏ ra không khác nhiều so với đối thủ của nó, nó sẽ ngày càng bỏ xa đối thủ; (3) ưu việt hơn về công nghệ kĩ thuật; (4) lợi thế về mạng lưới người dùng; (5) sự thiên vị của chính sách, nói cách khác là rào cản cho các đối thủ của nhà độc quyền. Yếu tố (2) là yếu tố tối quan trọng để tạo ra Độc quyền tự nhiên (Natural Monopoly) khi lợi thế cạnh tranh làm cho các đối thủ phải rời khỏi thị trường hoặc nằm ở vị thế mờ nhạt hơn.
2. PHƯƠNG THỨC GIA TĂNG LỢI NHUẬN CỦA NHÀ ĐỘC QUYỀN
Kim cương từ lâu đã được biết đến như một loại đá quý dùng làm trang sức. Tuy vậy, có một sự hiểu lầm phổ biến về độ hiếm của nó. Kim cương thực ra không phải là quá hiếm trong tự nhiên [2]. Sản lượng kim cương thô trên thế giới [3] chủ yếu đến từ châu Phi, cụ thể là các nước như Botswana, Angola, Cộng hòa dân chủ nhân dân Congo. Tiếp theo là khu vực châu Âu, mà dẫn đầu là Nga. Các mỏ khai thác kim cương phần lớn đều đã nằm dưới quyền kiểm soát của De Beers. Nhờ việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thô, họ có thể điều khiển lượng bán ra một cách dễ dàng.
Làm khách hàng của nhà độc quyền rõ ràng là không dễ chịu gì, bởi vì bạn luôn phải trả giá cho một món hàng nhiều hơn giá trị vốn có của nó. Nếu nhà độc quyền không giải quyết được vấn đề này, có lẽ sẽ chẳng có ai muốn mua sản phẩm của họ, trừ phi đó là các loại nhu yếu phẩm cần thiết. Cách để giải quyết đó là, gắn những sản phẩm độc quyền kia với hình ảnh của sự giàu có, sang trọng thông qua các chiến lược quảng cáo. Hình ảnh quen thuộc trong một đám cưới luôn là một chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương. Đây chính là thành quả đến từ nỗ lực quảng bá trong thời gian dài của họ [4].
3. ĐỘC QUYỀN NHÓM
Một điểm khác biệt căn bản khi nhắc đến độc quyền nhóm so với độc quyền đó là, mặc dù các bên có thỏa thuận để cùng giới hạn mức giá và sản lượng, nhưng bất kì ai cũng có thể phớt lờ thỏa thuận và thực hiện khác đi. Trong độc quyền nhóm, khi các bên thi nhau giảm giá bán, đó là hiện tượng cạnh tranh về giá trong độc quyền nhóm (Price competition). Hệ quả là lợi nhuận chung bị giảm đi, mỗi bên đều phải gánh chịu một phần thiệt hại từ hành động đó.
Về bản chất, cách mà độc quyền nhóm được tạo ra là tương tự như độc quyền, nhưng ở đây có một vài điểm khác biệt. Các nhân tố góp phần tạo ra độc quyền nhóm thường là tương tự độc quyền, nhưng ở dạng yếu hơn nên không hoàn toàn tạo ra độc quyền. Như vậy, độc quyền nhóm tuy rằng phổ biến hơn, nhưng khả năng thao túng giá cả thị trường không thể giống hoàn toàn với độc quyền. Trường hợp như De Beers tương đối khó xảy ra (có thể tôi sẽ phân tích kĩ hơn trong một bài khác) mà chủ yếu là các bên cùng chia sẻ lợi ích với nhau, vẫn thông qua phương thức khống chế số lượng sản phẩm được bán ra.
Cuộc chơi của độc quyền nhóm không chỉ là cuộc chơi của các ông lớn. Nền kinh tế bao gồm nhiều mắt xích móc nối với nhau, vốn không phải là các đối tượng riêng lẻ. Khi các tập đoàn cạnh tranh với nhau, chẳng hạn như cạnh tranh về giá, họ cũng đồng thời gây sức ép lên nhà phân phối, gây thiệt hại cho nhà phân phối, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nói chung.
4. ĐỘC QUYỀN VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
Chủ nghĩa tư bản hiện đại ít nhiều có thể coi là có nền móng từ thế kỉ XVI, trong khi chủ nghĩa tư bản cổ điển lần đầu được nhắc đến trong cuốn sách kinh điển “An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776)” của Adam Smith. Tư bản, hay còn gọi là Kinh tế thị trường tự do, bản chất là một bộ máy kinh tế với quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Bối cảnh sau hai cuộc chiến tranh thế giới chính là bước nhảy vọt cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, các nhà kinh tế học Marxist từng đưa ra khái niệm Chủ nghĩa tư bản độc quyền [5] để chỉ chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này. Thực tế là nó vốn đã nhen nhóm từ những năm 70 của thế kỉ XIV và hoàn thiện ở giai đoạn hậu chiến tranh như trên. Mĩ là một ví dụ điển hình [6] dù phải hứng chịu nhiều tổn hại từ cuộc Đại suy thoái kéo dài dai dẳng trong suốt 10 năm (1929-1939) nhưng vẫn có thể vươn lên hồi phục và phát triển hơn cả trước chiến tranh.
Chủ nghĩa Tư bản độc quyền
Khái niệm Chủ nghĩa Tư bản độc quyền (Monopoly Capitalism) được dùng để chỉ một “trạng thái” của Chủ nghĩa Tư bản mà trong đó sự ảnh hưởng của độc quyền trở nên sâu và rộng trong điều kiện thị trường tự do.
Chủ nghĩa tư bản độc quyền từng được phê bình bởi nhiều học giả, nhà kinh tế học trên thế giới. Nhưng ở đây tôi sẽ thử dẫn ra ý kiến của Paul Sweezy, là một nhà kinh tế học Marxist hàng đầu tại Mĩ thế kỉ XX, chứ không dẫn ý của chính Karl Marx. Cuốn sách mà tôi sẽ trích dẫn lại quan điểm của ông, cùng với Paul Baran: “Monopoly Capital: An Essay on the American Economic and Social Order (1966)” có thể sẽ phù hợp và gần với thực tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền thời hiện đại.
Không ai có thể ngờ được là Swezzy lại trở thành nhà kinh tế học Marxist. Ban đầu ông vốn theo trường phái Tân cổ điển, đóng góp nổi tiếng nhất của ông là lí thuyết về một đường gãy, cái được gọi là “Swezzy kinked demand curve”. Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái 1929 đã đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng của ông thành một nhà kinh tế học Marxist [7], với sự ra đời của cuốn “The Theory of Capitalist Development (1942)”.
Quan điểm của Swezzy, về bản chất của Chủ nghĩa tư bản độc quyền, là được tạo nên bởi những tập đoàn lớn (Giant Corporation); trong đó, nhân tố thống trị là Big business, có khả năng tối đa hóa lợi nhuận độc quyền và khả năng tích lũy tư bản. Nhân tố chịu sự chèn ép, ảnh hưởng của nó là Small business thì không có khả năng đó. Theo ông, Big business tuy rằng có khả năng thao túng giá bán của một sản phẩm nào đó, họ không thực sự gây ra ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế, chưa nói là chi phối nền kinh tế đó.
Ông cho rằng, các tập đoàn lớn trong thực tế sẽ không đi theo vết xe đổ của cạnh tranh trực tiếp về giá. Giả sử, tập đoàn A hạ giá bán, điều đó sẽ làm cho người tiêu dùng ít quan tâm đến B,C,D,vv... mà đổ xô vào mua sản phẩm của A. Mục đích của A là làm tăng lợi nhuận cho bản thân nó, nhưng đồng thời hành động này làm cho tất cả đều chịu ảnh hưởng tiêu cực (như đã đề cập ở mục 3).
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn này chỉ xuất hiện ở thời kì đầu của Monopoly Capitalism. Bởi đơn giản là, các ông lớn đều có sự tính toán riêng và họ đều hiểu về vị thế, lợi ích chung của nhau. Ông viết: “Unstable market situations of this sort were very common in the earlier phases of monopoly capitalism, and still occur from time to time, but they are not typical of present-day monopoly capitalism. And clearly they are anathema to the big corporations with their penchant for looking ahead, planning carefully, and betting only on the sure thing. To avoid such situations therefore becomes the first concern of corporate policy, the sine qua non of orderly and profitable business operations.”. [*]
Cách thức giải quyết cạnh tranh về giá (Price competition) khá đơn giản: cô lập những tập đoàn cố tình cắt giảm giá gây ảnh hưởng xấu, từ đó đảm bảo được lòng tin cho tất cả. Nó hoạt động với vai trò như là một “hiệp ước” chung.
Dù rằng các phương thức bảo vệ niềm tin cho các thành viên thực sự có thể duy trì sự ổn định chung, vẫn tồn tại sự thông đồng ngầm giữa một vài trong số đó. Quay trở lại cạnh tranh về giá, rõ ràng cạnh tranh về giá là cấm kị trong tư bản độc quyền, nó vẫn được các tập đoàn bất chấp sử dụng, thông qua phương thức thiết lập “Price Leadership” (tự định giá).
Nhìn chung, những phân tích của Paul Swezzy vào những năm 60 của thế kỉ XX khá gần với thực tế đang xảy ra ở thế kỉ XXI.
5. TƯƠNG LAI NÀO CHO ĐỘC QUYỀN?
Thế kỉ XXI là kỉ nguyên của “Giant Corporations”, bằng chứng là phần lớn các đồ dùng sinh hoạt mà chúng ta đang sử dụng đều đến từ một số tập đoàn lớn trên thế giới. Điều này càng thể hiện rõ ràng ở các nước phát triển như Mĩ, Canada,vv... Chủ nghĩa tư bản độc quyền đã đạt đến độ ổn định từ sau thế chiến 2 cho đến ngày nay, trải qua nhiều cuộc suy thoái kinh tế lớn nhỏ, thậm chí là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Con người luôn có tính vị lợi [**]. Đó là điều mà tôi luôn cảm nhận được từ khi bắt đầu cho đến tận đoạn cuối bài viết này. Dù là bộ máy kinh tế nào, chủ nghĩa gì, cũng đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của tính vị lợi. Nắm bắt được và điều chỉnh theo nó chính là cách thức để phát triển của các hình thái kinh tế nói chung. Như đã đề cập ở trên, tính vị lợi làm cho các bên bắt đầu tìm kiếm giải pháp để hướng tới lợi ích lâu dài, thay vì lợi ích ngắn hạn (cạnh tranh giá bán); đó chính là hướng phát triển của Chủ nghĩa Tư bản độc quyền cho đến ngày nay.
------------------------------
Tham khảo:
[1]De Beers. Wikipedia.
[2]Are Diamonds Really Rare? Diamond Myths and Misconceptions. International Gem Society.
[3]Diamond production. Our World in Data.
[4]Friedman, U. (2015, February 14). How an Ad Campaign Invented the Diamond Engagement Ring.
[5]Peden, M (2017). Monopoly Capitalism.
[6]GDP, 1820 to 2018. USA. Our World in Data.
[7]Albo, G. York University. (April 2004): Paul Sweezy and American Marxism.
------------------------------
Ghi chú:
Mục 1,2,3 của bài viết một phần dựa theo sách Essential of Economics của Paul Krugman và Robin Wells để giới thiệu một số định nghĩa nền tảng cho mục 4,5.
[*]Monopoly Capital: An Essay on the American Economic and Social Order. Chapter 3. Page 58.
[**]Năm 1976, nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins từng xuất bản một cuốn sách được coi như đã làm nên tên tuổi của ông – The Selfish Gene. Cuốn sách đem lại một ý tưởng mới mẻ về con người, nó giải thích hành động của con người dựa trên cơ chế hoạt động của gene. Trong phạm vi bài viết, tôi chấp nhận sử dụng lí thuyết này để giải thích cho ý tưởng ở cuối bài, tạm gác lại những vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất