Làm thế nào để hai con người xa lạ có thể cùng nắm tay nhau đi đến cuối con đường? Nghiên cứu đã xác định vài yếu tố chính, nhiều yếu tố trong số đó có liên quan đến tư duy trong mối quan hệ mà chúng ta đang nắm giữ.
Gần đây, tôi đã phỏng vấn tiến sĩ Gary Lewandowski, tác giả của cuốn Stronger Than You Think: The 10 Blind Spots That Undermine Your Relationship…and How to See Past Them (Tạm dịch: Bạn mạnh mẽ hơn mình nghĩ: 10 điểm mù làm hủy hoại mối quan hệ… và cách phòng tránh). Dưới đây là 4 trong số những lời khuyên chính được khoa học “hậu thuẫn” mà ông đã chia sẻ.

1. Đừng hy sinh quá nhiều

Nguồn: @talbertart
Nguồn: @talbertart
Chúng ta thường nghe về tầm quan trọng của sự hy sinh trong các mối quan hệ. Ví dụ như mình cần đặt nhu cầu, mong muốn của đối phương lên trên nhu cầu, mong muốn của chính mình để mối quan hệ được bền vững. Dù trong thực tế, đúng là lời khuyên này mang lại hiệu quả nhưng điều quan trọng bạn cần nhớ là hy sinh QUÁ NHIỀU có thể làm hủy hoại mối quan hệ.
Khi sự hy sinh đến từ một phía (một bên luôn thỏa hiệp còn bên kia thì không) và/hoặc khi sự hy sinh rất lớn lao (đến mức bạn phải từ bỏ những thứ cực kỳ quan trọng đối với mình và bỏ qua nhu cầu riêng), sự hy sinh có thể phải trả giá.
Vì vậy, sự hy sinh mang lại hiệu quả tốt nhất chỉ khi nó đến từ hai phía và đóng vai trò thứ yếu trong mối quan hệ.

2. Đừng khiến tình yêu của bạn gắn liền với điều kiện

Chúng ta thường nghĩ mình biết điều gì là tốt nhất cho người ấy, và một trong những điều ta hay làm là giúp người ấy trở thành hình mẫu mà ta mong muốn. Đó là lý do nhiều người hay nói với người thương những điều như “Nếu em yêu anh, em nên thế này thế kia”.
Tuy nhiên, khi nhìn người thương như những đối tượng cần được “sửa chữa” và đính kèm tất cả thể loại điều khoản và điều kiện cho tình yêu của mình, chúng ta vô tình làm tổn thương hơn là đang giúp đỡ người ấy. Một phần là do việc cố gắng ép buộc ai đó thay đổi thường tạo ra tác động ngược lại với mong muốn. Phần nữa là những chiến thuật mà chúng ta sử dụng để thay đổi con người đối phương (ví dụ trừng phạt, chiến tranh lạnh, cấm làm tình…), không phải tất cả đều hiệu quả, một số có thể gây phản tác dụng.

3. Đừng đánh mất chính mình trong mối quan hệ

Nguồn: @loisvb
Nguồn: @loisvb
Lối suy nghĩ “hai người hòa làm một” nghe có vẻ lãng mạn nhưng thực ra chưa chắc đã lành mạnh. Đúng, việc gần gũi với người ấy là điều tích cực nhưng cái gì quá cũng đều không tốt. Vấn đề ở đây là bạn đừng đánh mất cá tính, nên dành thời gian và không gian riêng tư, theo đuổi sở thích và đam mê của riêng mình.
Việc đánh mất chính mình trong một mối quan hệ thực sự là lý do phổ biến khiến nhiều người đang yêu đương hạnh phúc nhưng cuối cùng lại kết thúc trong nước mắt. Đó không phải vì bản thân mối quan hệ ấy tồi tệ mà do nó đã biến thành sự lệ thuộc và kiểm soát.
Ngoài ra, nếu bạn luôn ở bên người yêu và làm mọi thứ cùng nhau, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội nhớ thương họ. Và việc nhung nhớ về nhau có thể giúp mối quan hệ trở nên bền chặt hơn. Đây là lý do một số nghiên cứu đã phát hiện ra những đôi yêu xa thường có mối liên kết chặt chẽ. [1]

4. Đừng cố tránh mọi mâu thuẫn

Nhiều người cho rằng khi yêu nhau, ta càng tránh mâu thuẫn, cãi vã thì càng tốt. Bởi mâu thuẫn luôn là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe của mối quan hệ đang xấu dần. Tuy nhiên, nếu bạn cố tránh mọi xung đột thì bạn sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ. Và những vấn đề đó cứ tiếp tục phát triển cho đến khi chúng trở thành vết rạn nứt khó mà hàn gắn được.
Bằng cách đối mặt và giải quyết ngay những xung đột nhỏ nhặt, bạn có thể ngăn cản một tương lai mà ở đấy, xung đột nhỏ bùng phát thành những mâu thuẫn lớn.
[1] Dargie, E., Blair, K. L., Goldfinger, C., & Pukall, C. F. (in press). Go long! Predictors of positive relationship outcomes in long-distance dating relationships. Journal of Sex & Marital Therapy.
.Ngưn.
Đọc thêm: