Tại sao bây giờ những công việc liên quan đến giải trí lại kiếm được khá nhiều ? Tại sao content mang tính giải trí lại thu hút nhiều lượt xem hơn những content khác ?
Hình thức truyền thông có ảnh hưởng đến tư duy và văn hóa như thế nào ?
Việc xã hội loài người phát triển từ hình thức ngôn ngữ văn nói cho đến văn viết, in ấn, rồi đến tivi có thể gợi mở nhiều suy nghĩ về hình thức truyền thông chủ yếu chúng ta dùng hiện tại : Internet.
Một cuốn sách phân tích sâu về tình hình một Hoa Kỳ đã đầu độc tư duy của chính nó bằng tivi và giải trí từ những năm 80, nhưng vẫn còn nhiều giá trị cho đến bây giờ. 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1984 của George Orwell và Brave New World của Aldous Huxley là hai cuốn sách vô cùng nổi tiếng với chủ đề dystopia.
Trong phiên bản của Huxley, không cần đến một Big Brother để cướp đi khả năng tự trị và tư duy của con người : con người sẽ tự ru ngủ chính mình, yêu lấy sự đè nén, yêu những công cụ kỹ thuật cướp đi khả năng suy nghĩ độc lập của mình. Nếu điều Orwell sợ là những kẻ cấm đoán sách, thì điều Huxley sợ là khi không còn có lý do nào để cấm sách nữa, vì không còn ai muốn đọc sách. Nếu Orwell sợ việc thông tin bị che giấu, thì Huxley sợ việc con người nhận được quá nhiều thông tin đến mức trở nên trì trệ và bị động. Orwell sợ ta không còn được biết sự thật nữa, còn Huxley sợ rằng sự thật nằm đâu đó ngoài kia, bị nhấn chìm trong biển thông tin nhiễu. Nếu viễn cảnh của Orwell là một nền văn hóa bị cầm tù, thì Huxley hình dung ra một nền văn hóa trở nên tầm thường với những thứ lặt vặt. Trong 1984, con người được kiểm soát bằng những thức tra tấn thể xác, còn trong Brave New World, họ được kiểm soát bằng những hình thức giải trí, tiêu khiển.
Tóm lại, nếu Orwell sợ điều ta ghét sẽ làm hại ta, thì Huxley thấy điều ta yêu thích sẽ hủy hoại ta. Cuốn sách này sẽ đề cập đến viễn cảnh của Huxley.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------Vào mỗi giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ, các thành phố khác nhau lần lượt là trung tâm thể hiện cho tinh thần của đất nước khi đó
Vào cuối thế kỷ XVIII, Boston là trung tâm đại diện cho chủ nghĩa cấp tiến chính trị. Vào giữa thế kỷ XIX thì đó là New York, biểu tượng cho một Hoa Kỳ hội tụ nhiều nền văn hóa. Chicago mang đến hình ảnh một nước Mỹ giàu mạnh nền công nghiệp năng lượng vào đầu thế kỷ XX. Còn ngày nay, chúng ta phải nhìn vào Las Vegas hay Nevada như là ẩn dụ cho tính cách và khát vọng của quốc gia này.
Las Vegas đại diện cho tinh thần của một nền văn hóa, nơi mà mọi cuộc tranh luận công cộng đều diễn ra dưới hình thức "giải trí". Chính trị, tôn giáo, tin tức, thể thao, giáo dục và thương mại đều trở thành những chiếc xúc tu của con bạch tuộc Giải Trí.
Fine Art America

Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagen đã từng là diễn viên Hollywood. Và khi Tổng thống Richard Nixon nói rằng mình thua trong cuộc bầu cử vì mấy nhân viên trang điểm, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã đưa ra lời khuyên làm thế nào để chạy đua nghiêm túc cho chức vị Tổng thống : hãy cố gắng giảm 20 pounds (khoảng 9 kg) !
Dù không đề cập đến chính xác, nhưng dường như ý ông là người béo đã bị loại ngay từ vòng gửi xe khỏi những chức vụ chính trị cao này. Có lẽ là cả những người hói nữa.
Mỹ phẩm đã thay thế hệ tư tưởng. Đa phần các chính trị gia dành nhiều thời gian bên máy sấy tóc hơn là bên đề cương bài phát biểu của mình.
Chúa yêu những kẻ hài hước. Thật tuyệt khi là một kẻ biết “giải trí”, biết gây cười. Ở Mỹ, Chúa ưu ái tất cả những ai có tài năng gây nhộn, dù họ là mục sư, vận động viên, doanh nhân, chính trị gia, giáo viên hay phóng viên.

Ngoại hình một người là hoàn toàn chẳng liên quan đến chất lượng tư duy của anh ta, nếu anh ta thực hiện công việc truyền tin đến dân chúng như là viết, dẫn radio chẳng hạn. Nhưng trên TV đó lại là chuyện khác, vì nội dung được truyền tải trên TV phần lớn thông qua hình ảnh thị giác, nghĩa là TV đưa đến chúng ta cuộc trò chuyện bằng hình ảnh, không phải bằng từ ngữ.
Một cuộc bàn luận về chủ đề triết học Chính trị không thể thực hiện trên TV được, vì rõ ràng hình thức và nội dung đối chọi nhau.
Tin tức trong ngày hay thời sự là một phát minh của thời đại chúng ta. Những nền văn hóa không có truyền thông tốc độ nhanh (sử dụng tín hiệu khói để truyền tin chẳng hạn) không có cái gọi là "thời sự". Thiếu đi phương tiện để tạo ra hình thức, "thời sự" không thể tồn tại.
Khi ngành in ấn ngày càng hết thời, nội dung của bất cứ thứ gì - chính trị, tôn giáo, giáo dục.. đều phải được thay đổi để phù hợp với format của TV. The medium is the message. Vì thế, cách rõ ràng nhất để quan sát một nền văn hóa là tìm hiểu nó sử dụng những công cụ gì để đưa tin cho các cuộc trò chuyện của mình.

Trong Kinh Thánh, ý tưởng rằng : mỗi hình thức truyền thông khác nhau ưu tiên những kiểu nội dung khác nhau, kiểu tư duy khác nhau đã được đề cập đến gián tiếp. Lời răn Thứ hai có nói về việc cấm người Israel làm ảnh tượng và sùng bái ngẫu tượng (tức là vẽ tranh, ảnh, làm tượng thần thánh và sùng bái chúng): 
"Thou shalt not make unto thee any graven image, any likeness of any thing that is in heaven above, or that is in the earth beneath, or that is in the water beneath the earth."
 Với người Do Thái, "Chúa" là một khái niệm tồn tại trong Ngôn từ và đòi hỏi tư duy trừu tượng cao nhất để có thể tưởng tượng ra được. (In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God) Vì thế, làm ảnh tượng Chúa là một sự báng bổ.

Hình thức truyền thông của một nền văn hóa chi phối cách thức tư duy của nền văn hóa đó.

Ngôn ngữ khác nhau tạo ra tư duy, cách nhìn thế giới khác nhau. Con người nghĩ về thời gian, không gian, mọi thứ như thế nào - đều chịu ảnh hưởng từ các đặc điểm ngữ pháp trong tiếng mẹ đẻ của họ. Và mặc dù văn hóa là một sinh thể ngôn ngữ, nó có khả năng tái tạo, làm mới mình thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau của mỗi thời kỳ. Mỗi phương tiện, giống như ngôn ngữ, cũng có thiên hướng ưu ái kiểu tư duy khác nhau, định hình những lối biểu hiện khác nhau. Con người chỉ nhìn thấy những gì phương tiện truyền thông đã giới hạn lại cho mình, định hướng cho mình.

Một người đọc sách, xem TV hay nhìn giờ trên đồng hồ không hứng thú với việc tâm trí anh ta được kiểm soát và chịu ảnh hưởng bởi chúng như thế nào. Nhưng có những người chẳng hạn như Lewis Mumford, nhà xã hội học người Mỹ lại chú ý đến điều đó. Ông hứng thú với việc làm thế nào mà đồng hồ tạo ra khái niệm, ý tưởng "khoảnh khắc". Ông coi đồng hồ như một "ẩn dụ" (metaphor) và tạo ra triết lý về đồng hồ như là một cỗ máy quyền năng mà sản phẩm nó tạo ra là giây và phút. "Khoảnh khắc" không phải concept đến từ Chúa hay từ tự nhiên, mà đến từ con người. Đồng hồ biến chúng ta thành những kẻ "giữ-thời-gian", ám ảnh với thời gian, phục vụ, nô dịch vì thời gian.

Triết học không thể tồn tại nếu thiếu tư duy phê phán, và "viết" giống như bà đỡ giúp triết học ra đời thông qua nỗ lực xem xét tỉ mỉ, tập trung và liên tục. Hành động "viết" làm ngưng đọng hành động "nói", qua đó sản sinh ra các nhà khoa học, sử học, ngữ pháp học, vv.. - tất cả những ai phải giữ câu chữ trước mặt mình để thấu hiểu nó và dò xem nó sẽ hướng mình đến đâu. Plato đã biết rằng "viết" sẽ đem lại một cuộc cách mạng về nhận thức : bộ phận tư duy ngôn ngữ được chuyển từ đôi tai sang đôi mắt. Câu chữ được viết ra quyền năng vô cùng : nó tái tạo quá khứ, đem đến cho người đọc cảm giác mãnh liệt khi hình dung ra một quá khứ từng tồn tại, đã nhờ "viết" mà được lưu trữ.

"Viết" là một cuộc trò chuyện với không-ai-cả, nhưng cũng cùng lúc với tất-cả-mọi-người

Điều gì có thể kỳ lạ hơn việc đề cập tới một khán giả vô danh nào đó, hay tự sửa lỗi mình vì biết câu cú này sẽ khiến độc giả nào đó thấy khó hiểu, giống như những gì các nhà văn thường làm ?
Hai ví dụ này cho thấy việc đem kỹ thuật nào đó vào một nền văn hóa - dù là "viết" hay "đồng hồ" - không chỉ mở rộng quyền năng của con người, mà còn làm biến đổi cách thức tư duy của anh ta và nội dung của nền văn hóa mà anh ta sống. Do đó, để có thể hiểu được trọn vẹn một phương tiện truyền thông, ta phải hiểu được những hình thức biểu tượng của thông tin mà phương tiện ấy truyền tải; nguồn, số lượng và tốc độ của thông tin ấy, bối cảnh mà thông tin ấy được đón nhận.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Lưu ý rằng tôi không phản đối những thứ rác rưởi đến từ TV, vì cơ bản chúng cũng không gây hại gì nghiêm trọng. Và hơn hết, ta không đánh giá một nền văn hóa dựa trên việc output của nó toàn là những thứ nhảm nhí, mà dựa trên việc nền văn hóa ấy coi cái gì là quan trọng. Và đó chính là vấn đề : vì TV là thứ nhảm nhí nhất, nên sẽ vô cùng nguy hiểm nhất nếu chúng ta coi nó là phương tiện chính yếu để thực hiện những cuộc bàn luận, giao tiếp, truyền tải thông tin quan trọng.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ví dụ dưới đây sẽ cho thấy làm thế nào mà khuynh hướng, tính thiên vị của truyền thông hay phương tiện giao tiếp có ảnh hưởng mạnh mẽ nhưng khó nhận biết với một nền văn hóa.
Một bộ lạc phía Tây Phi không có hệ thống chữ viết nhưng có truyền thống truyền khẩu, truyền miệng (oral tradition) lâu đời. Khi xảy ra cự cãi, tộc trưởng không có văn bản luật được viết ra để quyết định, mà phải dựa vào kho báu ca dao tục ngữ trong đầu mình, tìm ra cái phù hợp nhất với tình huống và làm hài lòng đôi bên. Đây cũng chính là phương pháp mà chúa Jesus hay các nhân vật trong Kinh Thánh thường sử dụng (họ cũng sống trong nền văn hóa chủ yếu dựa vào truyền miệng) - dựa vào trí nhớ và tìm ra dụ ngôn thích hợp nhất để giải quyết đâu là chân lý.
Kết quả hình ảnh cho oral tradition
Saint Mary's Press
Còn với chúng ta ngày nay, phương pháp này chỉ thích hợp để người lớn giải quyết mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ. Các thẩm phán, luật sư hiện đại không dựa vào những câu tục ngữ truyền miệng, mà dựa vào sách luật, trích dẫn luật hay các phương tiện chữ viết khác để xác định chân lý. Tuy nhiên, ta đừng nên cho rằng truyền thống văn nói đã biến mất hoàn toàn.
Lời làm chứng phải được nhân chứng trực tiếp nói ra, vì người ta cho rằng nó phản ánh chính xác hơn tâm trí của anh ta. Trong một số trường hợp, bồi thẩm đoàn không được ghi chép lại suốt quá trình mà phải lắng nghe "sự thật" (thay vì "đọc" nó).
Rõ ràng, luật pháp của chúng ta tồn tại xung đột giữa cả hai niềm tin : niềm tin vào quyền năng của lời nói trong việc trình bày sự thật, và niềm tin còn lớn hơn vào chữ viết, văn bản viết trong việc kiểm chứng sự thật. 
Luật sư ngày nay, khác với vị tộc trưởng ngày trước, không cần phải thông thái và biết nhiều cách ngôn - anh ta chỉ cần nắm bắt đầy đủ thông tin.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trong giới hàn lâm hay ngành xuất bản, chữ viết được coi trọng hơn lời nói. Với văn nói, người ta có thể phát ngôn thiếu cẩn trọng; trong khi văn viết được đầu tư hơn, tác giả có thể chỉnh sửa nó, biên tập viên hay những người có thẩm quyền đánh giá được nó. Văn viết dễ được kiểm chứng hay đem ra bàn luận vì có tính khách quan. Đó là lí do khi viết luận và muốn đề cập đến bản thân mình (người viết), ta phải dùng từ "the investigator" thay cho tên mình. Văn nói có thể biến mất, văn viết thì tồn tại, nên đó là lí do chữ viết gần với chân lý hơn là lời nói ra.
Chúng ta thử ngẫm lại về phiên tòa nổi tiếng đã xét xử triết gia Socrates.
Kết quả hình ảnh cho Socrates trial
Famous Trials
Để mở đầu lời bào chữa cho mình, Socrates đã gửi lời xin lỗi đến 500 bồi thẩm đoàn có mặt tại đó - 500 người dân đương thời vì ông đã không chuẩn bị một bài nói tươm tất. Ông biết rằng với người dân Athen, thuật hùng biện và sự thật có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Bạn hùng biện tốt thì bạn có lý.

Nếu chúng ta ngày nay chỉ coi thuật hùng biện như một hình thức tô điểm cho lời nói, khá hời hợt và sáo rỗng, thì người Athen lại coi môn nghệ thuật sắp xếp bằng chứng và lý lẽ ấy đứng trên cả Triết học. Vì thế, "sự thật" luôn liên quan mật thiết với việc hình thức biểu hiện nào được lựa chọn để thể hiện nó.
Ví dụ này cho thấy "Sự Thật" không, và chưa bao giờ hiện diện một cách trần trụi. Nó cần được phủ lên bộ quần áo nào đó, tức là chịu ảnh hưởng từ thiên kiến văn hóa, phụ thuộc vào văn hóa. Ở nơi này, nó được cho là biểu hiện chân thực thì ở nơi kia, nó bị coi là không thích hợp, tạp nham.

Các nhà tâm lý học, xã hội học, kinh tế học ngày nay phải làm việc dựa nhiều vào số liệu, bởi con số cho họ biết sự thật. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được việc một nhà kinh tế hiện đại dự đoán mức sống con người bằng việc dẫn một bài thơ. Thế nhưng những hình thức ngôn ngữ ấy thực sự đã được sử dụng rất lâu trước kia để biểu thị mối quan hệ kinh tế.
Tôi không có ý nói hình thức biểu hiện nào thì gần với sự thật hơn hình thức biểu hiện nào. Tôi chỉ muốn các bạn chú ý đến một sự thật rằng : việc "nói lên sự thật" đôi khi khoác lên mình những hình thức hết sức tùy ý và ngẫu nhiên. Kể cả chân lý về tự nhiên cũng không cần thiết luôn được biểu hiện thông qua toán học. Trong phần lớn lịch sử của con người, ngôn ngữ tự nhiên vốn luôn được thể hiện qua những huyền thoại và tập tục, nghi thức tôn giáo.
Do đó, trong cuốn sách này, tôi muốn cho thấy là sự thay đổi từ nền văn hóa in ấn sang nền văn hóa TV đã gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống con người, khiến chúng ta mỗi khoảnh khắc đều trở nên ngu ngốc hơn như thế nào. Khi một nền văn hóa chuyển từ văn nói sang văn viết, rồi in ấn và TV, quan niệm "sự thật" cũng thay đổi theo đó - theo những phương tiện truyền thông khác nhau.

"Sự thật" là sản phẩm ra đời từ quá trình con người đàm thoại với chính mình về và thông qua những công cụ giao tiếp mà anh ta tạo ra. Nếu "trí tuệ" là khả năng nắm bắt sự thật, thì cách một nền văn hóa định nghĩa "trí tuệ" sẽ dựa trên tính chất các hình thức giao tiếp của nó.
Trong một nền văn hóa truyền miệng, trí tuệ là khả năng sáng tạo ra những câu cách ngôn mang tính ứng dụng phổ quát nhất. Chẳng hạn, vua Solomon nổi tiếng thông thái vì là người biết đến những 3000 câu cách ngôn. Khi đó, trí nhớ tốt được đánh giá cao bởi thiếu đi chữ viết, trí óc con người đóng vai trò như là một thư viện di động, lưu trữ và truyền lại kiến thức cần thiết để duy trì xã hội. Quên mất cách nói hay làm một việc như thế nào có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Còn trong một nền văn hóa chữ viết, việc nhớ một bài thơ, luật vv.. là không cần thiết, cũng như không được coi là biểu hiện của trí tuệ. Đặc điểm của "trí tuệ" trong nền văn hóa chữ viết là khả năng đọc sách.
Kết quả hình ảnh cho read book meme
Make a Meme
Trước hết, bạn được yêu cầu phải có khả năng ngồi im một chỗ trong thời gian dài để đọc. Không làm được điều này, bạn sẽ bị coi là tăng động, suy giảm chú ý hoặc thiếu tập trung. Bạn cũng cần học cách không chú ý đến hình dáng của con chữ; có thể đi được đến lớp ý nghĩa, nội dung mà không bị tính mỹ thuật của cuốn sách làm cho phân tâm. Bạn phải có tinh thần khách quan và độc lập, "miễn dịch" với mọi kiểu cách hùng biện, phân biệt được các tông giọng của câu từ hay logic của tác giả. Liệu tác giả đang hướng đến chủ đề cuốn sách hay đến người đọc ? Bạn phải phân biệt được giữa lời nói đùa với một lập luận. Phải có khả năng tư duy trừu tượng và hình dung vì rất sẽ có rất ít câu từ gợi ra cho bạn hình ảnh rõ ràng.
"Trí tuệ" ở đây được hiểu là khi một người có thể nắm bắt các ý tưởng, khái niệm mà không cần đến tranh minh họa.
Tôi không có ý muốn nói là thay đổi trong phương tiện truyền thông làm thay đổi cấu trúc tâm trí hay khả năng tư duy của con người. Tôi cũng sẽ không tranh luận về việc liệu con người trong nền văn hóa truyền khẩu thì kém thông minh hơn, hay những người xem nhiều TV thì suy giảm khả năng tư duy. Lập luận tôi đưa ra sẽ chỉ xoay quanh ý sau : một phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hình thức nói chuyện, bàn luận; nó khuyến khích những hình thức trí tuệ khác nhau, những định nghĩa về "trí tuệ" khác nhau, và đòi hỏi kiểu nội dung (content) khác nhau.
(còn tiếp)