Với tôi, cũng như cảm giác đứng trước sự kì diệu của thiên nhiên, đứng trước tác phẩm của ông cũng dễ gây choáng ngợp. Cái đẹp mang màu u hoài trong văn ông, nét buồn trong sự tĩnh lặng đến bức bối và cũng bởi vì tác phẩm như không đầu không đuôi, một cuốn sách hé mở quá nhiều câu hỏi. Cuối cùng là sự ám ảnh của cái đẹp, sự tinh tế, trừu tượng trong văn ông làm tôi sợ mạo phạm khi dùng lời của mình mà bình phẩm. Như yêu thứ gì đến mức sợ cái yêu của mình động chạm và làm vấy bẩn sự tinh khiết.
1. Tác giả và tác phẩm
Kawabata Yasunari sinh năm 1899. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa cao. Cuộc đời ông nhiều tang tóc, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lên bảy, ông mất bà nội. Người chị độc nhất cũng qua đời khi ông mới lên chín. Tang tóc làm tuổi thơ ông bất thường. Tuy vậy học trình ông xuất sắc. Xong trung học sớm, ông đỗ vào khoa văn của một trong những trường lớn và nổi tiếng nhất của Nhật. Tuổi trưởng thành ông lại mất đi người ông mà ông rất yêu thương, cũng như đánh mất một người phụ nữ ông yêu dù đã hứa hôn. Có lẽ, một cuộc đời trong khoảng thời gian đầy hứa hẹn nhất, đã trải qua nhiều mất mát, đau thương, văn ông đẹp đẽ nhưng đồng thời tồn tại nét bi thương và đơn độc. Ông xuất bản Đẹp và Buồn năm 1965. Tác phẩm đạt giải Nobel năm 1968, là tác giả Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel. Bốn năm sau đó ông qua đời do tự tử, không để lại thư tuyệt mệnh.
Tác phẩm là câu chuyện về một chuyện tình đau thương trong quá khứ giữa một tác giả tiểu thuyết 31 tuổi, Toshi Oki đã có vợ con, vẫn bất chấp muốn là tình nhân của thiếu nữ 16 tuổi, Ueno Otoko. Trong sự đau đớn của người vợ còn đang ôm đứa con trai đầu lòng, năm 17 tuổi, cô bé ấy đã mang đứa con chung của hai người. Nhưng đứa con gái kết quả của mối tình đã sinh thiếu tháng và ra đi, trong sự bàng hoàng của cô gái trẻ, sau đó đã toan tự tử và phát điên vì tình nên phải vào nhà thương điên, tuy nhiên ông ta dù xót thương cô ấy vẫn không hồi đáp lời cầu xin của mẹ cô gái, ông ấy đã không từ bỏ được gia đình mình để lấy cô bé. Sau đó cô gái cùng mẹ trở về Kyoto tiếp tục học trung học và trở thành họa sĩ, còn ông ấy, đã viết cuốn tiểu thuyết dựa trên chuyện tình ngang trái, phô bày tất cả, cuốn tiểu thuyết đã làm nên danh tiếng của ông, đã nuôi sống cả gia đình ông, và cũng cướp đi đứa con gái nhỏ chưa kịp chào đời của vợ chồng ông, vì bà ấy ghen tuông và đau đớn rất nhiều trong thời gian đánh máy bản thảo tiểu thuyết này. Cô gái năm nào đã không hưởng bất kì lợi lộc gì từ cuốn tiểu thuyết, cũng không phàn nàn hay phẫn nộ, 20 năm có lẻ trôi qua, một ngày, tác phẩm cô đã được chú ý và đăng báo, ông đã nhớ đến cô. Giao thừa năm đó, ông đã cất công từ Tokyo đi Kyoto để rủ cô cùng nghe chuông chùa, nhưng cô lại nhờ học trò là Keiko Sakami đi đón ông, hòng tránh né riêng tư. Cuộc gặp gỡ quả là định mệnh, khi cô học trò cũng là tình nhân đồng tính với Otoko phát hiện ra rằng, Otoko vẫn yêu Oki dù trải qua bao nhiêu đau đớn, dù đã hơn hai thập kỷ trôi qua. Keiko đã bị nhấn chìm trong ghen tuông và quyết định từng bước tiếp cận Oki lẫn con trai ông là Taichiro để trả thù cho thầy mình, bằng những lần về Tokyo cho ông xem tranh và sắc đẹp quỷ dị của mình. Cuối cùng đã dẫn đến cái chết dưới hồ Biwa của Taichiro, hai con người còn chưa có ý thức khi câu chuyện cũ xảy ra, lại vì ngọn lửa của ghen tuông, hận thù cũ mà đi đến cái kết.
2. Đẹp và buồn, các trích dẫn từ tác phẩm
Cái đẹp và cái buồn song hành và đan cài trong suốt tác phẩm, từ xây dựng hình tượng nhân vật, hình ảnh những chiếc Kimono và những bức tranh luôn rất diễm lệ nhưng buồn da diết. Còn cảnh sắc Kyoto từ núi Arashi, chùa Ryoan, đền Rêu, vườn đá, sau cơn mưa, hay trải ra dưới những đêm trăng, trong màn sương tối mờ, tất cả đều tạo nên cảm giác thánh thiêng từ những công trình đi qua lịch sử, vương màu thời gian. Cùng những đoạn tình cảm đẹp đẽ nhưng trái ngang, khắc sâu nỗi buồn trong mỗi nhân vật mãi về sau. Mối tình của ông Oki và cô Otoko khi cô ấy chỉ mới 16, mối tình luyến ái giữa cô trò Otoko và Keiko, đem đến cái kết vô cùng bi thảm cho tất cả những người trong cuộc cũng bởi cái thứ tình cảm nảy nở trong hận thù giữa Keiko và Taichiro.
Vẻ đẹp của Keiko
Otoko: “Otoko chợt ghi nhận cái cổ cao của cô gái. Cái cổ thơ ngây lạ lùng, mảnh dẻ, xinh xắn, ngồn ngộn trẻ trung.”
Oki: “Giờ đây nhìn lại, bán diện cô mỹ miều làm sao. Cổ cô mảnh cao, và vành tai xinh đẹp tuyệt vời. Dung nhan như cô bé, không ai có thể bỏ qua.”
Taichiro: “Anh nắn nót từng ngón tay cô gái, và anh lúng túng vì chúng quá xinh đẹp. Chúng thanh tao như không phải ngón tay người mà là ngón tay tiên, sẵn sàng biến đi."
Kimono
“Keiko mặc nguyên chiếc kimono xa-tanh xanh hôm qua có minh họa mấy con choi choi chơi đùa trong tuyết.”
“Thấy những hoa văn Otoko vẽ trên áo, cô gái buột miệng gọi tên cô giáo. Hoa giống hoa bìm, nhưng thật ra là những hoa hư cấu, màu sắc hợp thời trang, mát mắt và rất trẻ.”
“Một cái cầu vồng không có màu... chỉ gồm những đường cong bằng mực đậm nhạt. Không ai nhận ra đâu. Nhưng ý là em quấn mình trong chiếc cầu vồng đang mọc trong núi lúc đêm xuống"
Thiên nhiên
“Phía tây, trời mỗi lúc một rực đỏ. Màu tía nhiều cung bực đến nỗi ông nghĩ phải có lớp mây mỏng hay sương khuếch xạ mới ra như vậy. Ráng trời hừng hực làm lòng ông thao thức. Rồi màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt.”
“Những đồi chè đã không có cái đẹp thiên nhiên hoang dã, và những bụi chè trồng theo hàng lối trông như một bày cừu màu lục. Có lẽ cái buồn của màu lục cũng như cái buồn của bóng tối trên những rặng đồi xung quanh đã gợi lên cái đau chia ly hôm xưa nàng qua đó lần đầu.”
“Khi mùa mưa dứt, nàng hay đến vẽ tại vườn đá chùa Rêu. Nàng không chủ tâm vẽ, mà chỉ muốn ngắm vườn để hấp thụ chút khí lực tỏa ra từ đá. Nàng nghĩ vườn đá này cổ nhất và có khí lực nhất trong các vườn đá trong vùng.”
“Đền Rêu và Ryoan-Di cũng không kém mỹ miều. Trong đền, một bông trà đỏ rụng trên thảm rêu màu xanh rực rỡ. Giữa những bông hoa dại nhỏ trắng, bông trà như từ rêu nở ra. Còn tu viện Ryoan-Ji, đá trong vườn ướt mưa, mỗi hòn lóng lánh một cách.”
“Những giọt mưa nhỏ lấp lánh thành những hạt ngọc đính tại mỗi mút lá mảnh và dài như cây kim, tựa hồ sương móc nở hoa. Những bông hoa mưa mảnh dẻ này chắc chẳng ai biết tới. Những cây phong mà nụ lá chưa mở cũng lấp lánh những hạt nước nhỏ.”
“Tuy đang mùa hoa anh đào mà nhờ mưa nên vắng du khách, nhất là trên núi Arashi. Vì vậy mà Otoko nói thích mưa. Mưa còn làm dẫy núi bên kia sông mờ đi, dáng núi mềm mại và đẹp hơn.”
“Nàng nhìn những hạt mưa biến đi khi chạm nước mà không để lại dấu vết gì trên mặt sông. Hoa anh đào núi nở lẫn với lộc non, và mưa làm dịu đi màu xanh quá tươi của nụ lá.”
“Vườn hình bầu dục và không mỹ thuật cho lắm, nhưng tối nay gần nửa vườn dãi trăng và những bậc đá ngoài sáng hay khuất trong tối cũng đổi màu rất đẹp. Một bụi đỗ quyên, hoa trắng như nổi trên vũng đêm. Cây phong tía gần thềm dù bóng tối làm cho xẫm màu, vẫn còn phô được lá non. Loại phong này mùa xuân nẩy lộc đỏ tươi, nhiều người lầm không biết là loài hoa gì. Vườn trồng nhiều rêu tóc tiên.”
“Otoko bỏ ra ngoài hiên, tiện chân đá cái lồng đom đóm ra vườn. Cô thấy tất cả đom đóm trong lồng sáng lên một lượt, và cái lồng bay ra sân vẽ một vòng sáng trong không. Ngày hè đang tàn và sương chiều đã buôngxuống ngọn cây, nhưng trời chưa tối"
“Bóng nắng đổ xuống con lộ từ cổng dẫn đến chánh điện. Hai bên lối đi, tùng đỏ mọc xen lẫn với phong. Yên lặng bao trùm đến từng chiếc lá. Bóng cây theo nhịp bước, khi ẩn khi hiện trên mặt, trên áo Keiko. Thỉnh thoảng có cành phong thấp khẽ chạm vào mái tóc cô gái.”
“Em để ý cây sồi già rỗng ruột này. Cây được coi như nổi tiếng nhất trong cả vùng. Từ gốc đến ngọn là những cành cong queo, u bướu vì năm tháng. Nhưng toàn thể cây phủ kín chồi non, đầy lá xanh căng nhựa sống...”
“Dương xỉ và cỏ dại mọc kín chân những bực đá đã mòn vì năm tháng. Đó đây, một loại hoa vàng trổ bông. Keiko dừng lại trước ba ngôi mộ đá xây như những ngôi chùa nhỏ.”
Tranh
“Một tấm có tên Cây Mận, nhưng chỉ vẽ một bông mận độc nhất to như đầu đứa trẻ, không cành, không thân. Còn nữa, cánh hoa màu đỏ lẫn với cánh hoa màu trắng. Màu đỏ của những cánh đỏ gồm nhiều cung bực đậm nhạt khác nhau.”
“Đồi chè mà trông như sóng cuộn. Một biển màu lục của lá chè nhờ tuổi trẻ của em mà dậy thủy triều lên. Thoạt tiên ta đã tưởng em vẽ một rái tim đang vỡ tung thành những ngọn lửa.”
“Nơi phần trên tấm lụa, bông hoa đỏ vẽ trực diện lớn hơn hoa thật rất nhiều. Vài chiếc lá hiếm hoi, và một nụ trắng điểm trên nhánh non phía dưới...Bông hoa mẫu đơn đỏ quá khổbtrông như một thực thể siêu hình, và cô đơn như tỏa ra từ nội tâm sâu kín của hoa.”
3. Tuyến nhân vật và các mối quan hệ chồng chéo trong cốt truyện.
Otoko Ueno: Thời gian không làm nỗi đau mất đi, mà biến đổi và chờ đợi một cơ hội.
“Mấy năm nay, Otoko gần như hàng ngày khám phá ra những nết bất thường của cô gái. Không phải tất cả là tại nàng, nhưng phần nào, Otoko đã khuyến khích những nết bất thường này.”
Nỗi hận mất đi người tình, mất đi đứa con vừa chào đời trong Otoko năm 16 tuổi không nảy nở trong cô, mà nó âm ỉ tồn tại và che dấu dưới cái vỏ bọc đẹp đẽ của thời gian son trẻ, đến cuối cùng lại như gặp mảnh đất tốt mà nảy nở trong Keiko. Keiko mù quáng và khát khao Otoko, cô ấy chính là hiện thân phần tối tăm và thiếu hụt trong Otoko, ghen tuông và thù hận, cô ấy chộp lấy cơ hội và hành động như cánh tay quỷ mọc ra từ năm tháng êm đềm mà Otoko trải qua. Vẻ đẹp của Keiko như một gáo nước làm Otoko tỉnh giấc khỏi dòng thời gian như mộng mị, như cô gái 16. Otoko nghĩ mình có tình cảm luyến ái với Keiko và tự xấu hổ, chối bỏ nhiều lần, nhưng có lẽ, cô yêu hình ảnh của chính mình nơi con bé, mà khi đó cô dần trở thành Oki, để tái hiện khoảng thời gian hạnh phúc trước kia, để bù đắp cho những thiếu sót cũ, để lôi cái quá khứ méo mó đó kéo dài đến hiện tại trong cái tình cảm mà chính bản thân Otoko không cảm thấy trong sạch. Bản chất sự mù quáng của Keiko cũng chính là cái mù quáng mà Otoko đã nếm quá, còn phần rực rỡ và cố chấp của Keiko, có lẽ đó chính là mảnh ghép Otoko còn thiếu, đã lẩn khuất bấy lâu nay.
“Thời gian qua, ái ân cũ nhớ lại của hai người dần dần trở nên trong sạch, bản chất từ thể xác đã trở thành tâm hồn. Nàng biết mình không còn thanh khiết, cũng như Oki. Vậy mà nàng thấy ân tình của hai người thanh khiết. Hình ảnh ái ân có nàng mà cũng không có nàng dự phần, thật mà cũng không thật trở thành thiêng liêng, thăng hoa bởi hoài niệm.”
Sự ám ảnh kéo lê theo thời gian về hồi ức vui vẻ với Oki được thần thánh và trong sạch hóa, tách rời với quá khứ, với bức tranh vẽ mẹ cũng như với khát khao hoàn thành bức vẽ con gái đã mất dù chưa một lần thấy mặt. Otoko cho đoạn tình cảm đã tàn đó một đời sống riêng rẽ như cuốn tiểu thuyết cô gái 16 vậy, cô vẽ mẹ mà hóa ra vẽ mình, muốn vẽ con cũng chỉ từ một món tóc đen, mái tóc đen huyền xuất hiện ở cả Otoko và Keiko rồi đến đứa bé, như một sợi dây nối kết. Sau cùng, Keiko muốn Otoko vẽ mình khỏa thân, nhưng Otoko ngại ngần, cô chọn lối vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh, có lẽ cũng chính là muốn tẩy xoá, muốn hình ảnh Keiko trong sáng, trinh bạch, cái cốt vẫn là bản thân mình ngày xưa. Bởi Otoko đã chăm sóc, yêu thương Keiko như một mầm độc, một mặt tối của khát khao khó chối bỏ của bản thân cô ấy, để dù bài trừ đến mấy vẫn không thể dứt khoát với nó được, chính là không thể đứt đoạn với cái quá khứ đã bị kéo lê đó, khi Keiko đi đến những quyết định khủng khiếp trong lửa ghen tuông, Otoko đã không thể làm gì ngoài lạnh người ghê sợ bất lực.
“Nàng đơn phương đem cho cả ba một đời sống nối tiếp.”
Keiko Sakami: Một vẻ đẹp quỷ dị, sự tồn tại đại diện cho mọi khát khao sâu thẳm.
“Em nghĩ đã là đàn bà, ai không nặng tính chiếm hữu.”
“Em nghĩ khi đàn bà chúng mình thù ghét, thì cái thù ghét ấy cũng có thể là một dạng thức của cái yêu.”
Một vẻ đẹp có chút vô thực, nhưng quá hiển nhiên và nổi bật, lại sống như một thực thể kí sinh, cô ấy dường như đại diện cho một phần thiếu sót của mỗi nhân vật còn lại, cô ấy đáp ứng và khơi dậy những cảm xúc vô cùng mãnh liệt và thầm kín, ngay từ những tiếp xúc nhỏ nhất. Tranh của cô như chính sự hiện hữu của cô, trừu tượng nhưng mãnh liệt, một cái tôi chói mắt vì quá nổi bật, có phần gây khó chịu như chính bản thân cô. Cô khơi dậy trong Otoko sự hấp dẫn từ linh hồn, linh hồn trong sáng của chính Otoko khi 16 tuổi, khơi dậy mối tình đã đẩy cô đến cái chết và cũng nuôi cô sống đến tận bây giờ. Kích động đam mê cái đẹp bất chấp luân thường của ông Oki, như một lần nữa nhìn thấy cô gái 16, cô gái sống mãi dưới ngòi bút của ông. Khơi dậy sự ghê sợ của người mẹ, người vợ từng bị phản bội đến mức mất đi đứa con gái chưa lọt lòng của vợ ông Oki. Và khơi dậy khát khao chạm đến cái nữ tính đẹp đẽ, cáintình yêu bất ngờ của Taichiro, khơi dậy sự mạnh dạn mà anh ta chưa từng có. Trong nhiều khoảnh khắc, trong quá trình trả thù, có những lúc Keiko thật sự đã rất thành thật, có lẽ đã yêu, đã đau đớn và tủi nhục thật sự, nhưng nó yếu ớt, chỉ lóe lên rồi vụt tắt trong cả biển lời dối trá. Cuối cùng để lại giọt nước mắt chứa đầy hoài nghi, phải chăng cô ấy hạnh phúc vì đã hoàn thành ý định trả thù, hay cô ấy bỗng biết rằng đạt được cái đích nhưng thiêu đốt tất cả thế này không phải điều cô muốn, cô đã hối hận? hay cô hiểu rằng có lẽ mình đã yêu anh ta, một tình yêu khác đi, một tình yêu không bao gồm cái đam mê mù quáng và ghen tuông thù hận? hay giọt nước mắt của kẻ đã hoàn hồn trở về từ đáy hồ, cận kề âm phủ, cái khát khao sống mà cô không có nay đã rõ ràng?
Toshi Oki: Quan điểm về cái đẹp bất chấp luân thường đạo lí cùng mọi sự.
“Chú tâm đến cái đẹp và không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý”
“Hình ảnh cuối cùng của thân thể cô gái hiện ra trước mắt ông là cái núm vú, tươi trẻ và sinh động”
Sự né tránh của Otoko khi trở về cố đô dường như được bù đắp bởi một nhân vật mới là Keiko, trong cái lần ông ngủ cùng cô ấy. Khi cô ấy gọi tên thầy mình là Otoko, ông đã sững lại, như hoàn hồn, một con người dễ dàng thoát ly và chìm đắm trong cái đẹp, ông ta có sự nhạy bén rất rõ ràng về vẻ đẹp của Keiko, nhưng khoảnh khắc đó có lẽ đã xé toạc ông ta, bóp nghẹt ông ta, như con ma từ quá khứ đeo đẳng ông ta vừa hiện hình. Thế nhưng sau cùng cái mà ông ta cảm thán chỉ là bầu ngực hoàn mĩ của Keiko? Một người đàn ông đã dùng mối tình trái luân thường của mình viết thành cuốn tiểu thuyết để đời, nhờ tác quyền của cuốn sách ấy, mà nuôi sống cả gia đình, nuôi sống người vợ mà ông phản bội, cùng hai đứa con ăn học thành người, vậy mà người trả giá cho những đau đớn lại là hai người phụ nữ, Otoko và vợ ông, cùng hai đứa con gái chưa kịp nhìn thấy thế giới.
Taichiro: Được nuôi lớn từ một câu chuyện bi kịch cũ.
Là một giảng viên văn học Nhật Bản tài hoa nhưng trầm mặc. Anh ta đắm chìm và mê mệt Keiko dù có phần e ngại, tuy nó không tách bạch như ông bố, nhưng cảm nhận về vẻ đẹp của Keiko lại giống nhau đến lạ. Thật bi kịch, khi có Keiko trong vòng tay lại khơi dậy nỗi đau của mẹ mình, khoảnh khắc này cũng tương tự với lúc ông Oki như bàng hoàng tỉnh mộng, khơi dậy những kí ức ngày xưa. Taichiro nhớ đến những ngày tháng mẹ anh điên dại, trong thanh xuân hãy còn chớm nở, chính anh còn trong nôi thì chồng bà lại ngoại tình và bản thân anh cũng lớn lên nhờ tác quyền của cuốn sách ngọn nguồn mọi đau đớn của mẹ từ tội lỗi của cha. Và dù đã có nhiều lúc bản thân anh cảm thấy tình cảm của Keiko bí ẩn mà mờ mịt, anh đã không vượt qua được, như mảnh giấy cuốn vào ngọn lửa bùng cháy.
“Taichiro buông vai Keiko ra. Anh trở lại cảnh thực tại. Bên kia sông sinh hoạt của ngày đã náo nhiệt, và dẫy đồi phía đông đã phô trương những mầu lục đậm nhạt khác nhau."
Đóa sen trắng nở trong lửa:
“Ông nói không đúng. Hy sinh xuất phát từ tình yêu, từ khát khao...”
“Chia tay gì đâu. Ngay cả bây giờ, ông ta vẫn còn nằm trong xương trong thịt cô, và cô vẫn còn nằm trong xương trong thịt ông ấy...”
Con Otoko đã chết, một nỗi mất mát không nguôi ngoai từ mối tình ngang trái với người đàn ông 31 tuổi đã có vợ, con. Kéo theo những năm tháng đau đớn cho Fumiko, vợ ông Oki, và tuổi thơ có lẽ chẳng mất vui vẻ khi mẹ mình bị nhấn chìm trong đau đớn vì ghen tuông của Taichiro. Tưởng chừng mọi thứ đã ngủ yên qua năm tháng nhưng sự thật là nó vẫn tồn tại trong những câu đùa của bà Fumiko, trong suy nghĩ của ông Oki và Taichiro, cũng như trong cuộc sống thường ngày của hai thầy trò Otoko và Keiko. Để rồi Keiko cướp đi Taichiro, đứa con trai của Oki, dưới hồ Biwa, ý định nhấn chìm mọi hận thù, cuối cùng lại nối tiếp sự đau đớn hiện hữu. Như bông sen trắng nở trong lửa, sự trong sáng níu kéo sẽ héo tàn trong khoảnh khắc, tàn lụi dưới hận thù, ngọn lửa hiện thân của quá khứ day dứt đã một thời gian dài ngấm vào Keiko. Keiko như cái bóng ma trong sương mờ, nhưng cũng nổi bật như bông hoa trà trên nền rêu trải ra sau cơn mưa, cô ấy có lẽ không có cái tôi của chính cô, lại có tất cả những thứ người ta tiếc nuối và khát khao. Cô ấy như tiếng chuông chùa đêm giao thừa Kyoto, vang vọng, nổi bật, nối kết sự chú ý của tất thảy mọi người, mang hoài niệm về quá khứ rồi lại hòa ngay vào điều khác, chỉ còn lại âm vang mờ ảo.