con người vẫn có DNA giống loài xưa, chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn trong môi trường thiên nhiên, không phải trong bê tông cốt thép và trà sữa.
Đợt rồi mình ở nhà vì ảnh hưởng của Covid-19, đã lâu lắm rồi mình không còn ở nhà và quan sát mọi thứ trong một tâm thế là không-có-gì-để làm. 
Nhận ra được vài thứ hay ho, và có vài dòng suy nghĩ cứ tạt qua trong đầu, không viết ra thấy khó chịu vô cùng cực, nên viết ra đây không mưu cầu nhiều views nhiều comment =))

- - - - - - - - - - - - 1/ “Con ve là con gì vậy ạ?” - - - - - - - - - - - - - - - -

Cháu mình hỏi mình câu này, mình chỉ có thể mở google + youtube ra giải thích.
Cháu còn không biết châu chấu (và again, thạch sùng) là con gì, nhìn ra sao, có đặc điểm gì. Càng gần với tiện nghi, chúng ta càng cách xa thiên nhiên. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong một viễn cảnh lớn mà thôi, nhưng chả phải, con cái ta, thế hệ tương lai, sẽ ngày càng bị cách xa khỏi thiên nhiên?
Càng cách xa, thì càng kém quan tâm, thế giới càng ô nhiễm. Đó là chưa kể, con người vẫn có DNA giống loài xưa, chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn trong môi trường thiên nhiên, không phải trong bê tông cốt thép và trà sữa.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - 2/ Nhớ tiếng thạch sùng - - - - - - - - - - - - 

Mình sống ở quận Tân Bình, hồi năm 2000 thì quanh đó đất trống, cây xanh nhiều lắm. Nên hễ đến mùa mưa là ruồi muỗi, gián, chuột, thạch sùng lại “tấp nập” trong nhà.
Sau 20 năm, mình chuyển đi sống ở Q7, Q2 giờ về lại Tân Bình. Nhận ra đã lâu lắm rồi mình không nghe tiếng, hay nhìn thấy một con thạch sùng nào nữa. Nhưng ruồi muỗi gián chuột thì nhiều hơn xưa.
Vậy chả phải, chúng ta đang ngày càng tiện nghi, rời xa thiên nhiên, nhưng môi trường sống thì lại mất vệ sinh hơn xưa?

 -- - - - 3/ Thực phẩm công nghiệp ngày nay thất đức hơn xưa?

Đường trắng ngày xưa để 1 viên nhỏ trên bàn, cả đàn kiến đỏ sẽ bu vào tha đi. Ngày nay mở cả hũ đường ra, không thấy con kiến nào đến.
Kiến sẽ bu vào những thứ gần với bản năng thiên nhiên của nó nhất. Nếu nó không còn bu đường, thì chắc đường đã không còn “gần với thiên nhiên” (organic) như xưa

- - - 4/ Đi ngược lại số đông là cái tội, trong xã hội này - - - - - - -

Mình cực kì đồng cảm với tiêu đề bài viết này. Sau khi học Tư Duy Phản Biện của thầy Vũ Thế Dũng, mình có thể hiểu tư duy và cách suy nghĩ của mọi người một cách sâu sắc, nhưng những người khác lại gặp vấn đề hiểu mình, cách mình nói chuyện, cách mình dùng từ ngữ.
Và hơn nữa là, họ không đủ kiên nhẫn để cố gắng hiểu mình, họ có quá nhiều lựa chọn và ưu tiên khác tối quan trọng hơn trong thời đại Digital này. Như “mối” match trên Tinder, hay tìm bạn quanh đây trên Zalo.
Mình không có ý chê trách, đôi khi có thể là do bản thân mình khác người thật chứ không phải do những người xung quanh. Và cũng ổn thôi, chỉ là lâu lâu có người có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của mình thì sẽ vui hơn.

- - - - - - 5/ Tập đoàn lớn, sao ai cũng tham chân chen vào?- - - -

Đừng vào làm tập đoàn lớn.
Thật đấy, vì họ có thể sẽ rất vô nhân đạo trong việc tuyển dụng và sa thải nhân sự. Nhất là khi khủng hoảng, họ lại càng có cớ để sàng lọc bạn.
Và dù bạn có làm ở đó 15 năm đi nữa, thì cũng thế thôi. Chỉ cần bạn ko đạt KPI trong năm đó, thì dù là 14 năm trước bạn là xuất-sắc-viên của tập đoàn. Bạn cũng bị đào thải thôi, họ không biết bạn là ai cả. Họ có quá nhiều nhân sự. Chỉ có bạn tự trân trọng giá trị của mình đã từng đóng góp cho công ty mà thôi.
Bạn có thể nhận được mức lương rất cao, và sự tôn trọng của xã hội, nhưng môi trường tập đoàn lớn, sẽ không bao giờ đem đến niềm hạnh phúc nội tại chân thật cho bạn cả, vì ở đó có ai hạnh phúc đâu, họ bận leo lên nhau mà sống mất rồi.

- - - - - - - - - - - - - 6/ Âm nhạc ngày nay, còn gì vui nữa đâu? - - - -

Nhạc ngày xưa nghe đi nghe lại không chán, 2 3 năm sau quay lại vẫn nghe, dù thanh cụ, instrument nghèo nàn hơn thời nay. Không tin nghe thử Một Thời Đã Xa – Phương Thanh đi.
Thời nay EDM, nhạc điện tử, những thanh âm mới lạ thế, nghe bắt tai thế, mà 2 3 tháng sau quay lại, đã chả còn ai nghe.
Có phải vì thời nay ta càng có nhiều công cụ, ta càng nông cạn hơn xưa trong cách sáng tác?
Hay có phải khán giả vì có quá nhiều lựa chọn, nên không còn trung thành với một bài nhạc nữa.
Vậy thì có khác gì tình yêu thời đại này đâu, có người mới thì lại bỏ người cũ, 2 3 tháng sau là quên sạch rồi.

7/ Tôn thờ, hiểu và làm theo thứ mình tôn thờ - - - -- - - - - - - -- 

Đao Phật gốc, dạy ta phải buông bỏ ham muốn sân si đi đến lối sống chánh niệm.
Vậy sao còn vào chùa, xin Phật cho tiền tài, tình duyên?
Về nương tựa Phật, không tham cầu, không tạp niệm, nghe dễ thương hơn nhiều.
Hi vọng 3 dòng này, mình viết ra không dấy lên tranh cãi nào với ai. Chỉ mong có người đọc và tự chiêm nghiệm.

- - - - - - - 8/ Chuột ơi, xin lỗi giống loài của mày - - - - - - - - - - - - 

Chúng ta sao lại sợ chuột và muốn giết chuột?
Tại sao chuột bây giờ phải sống chui lủi trong cống ngầm?
Và phải nhận sự tởm miệt của loài người?
Trước khi con người tới, đây là đất của loài chuột, chuột không xâm lược đất của chúng ta, chúng ta mới là kẻ xâm lược đất của loài chuột (và rất nhiều loài khác trên thế giới), chả phải chúng ta mới phải nhận sự tởm miệt của chuột sao?
Hãy nhân đạo hơn với chuột, và các giống loài khác, không có cái gì là thực sự xấu cả.

- - - - - - - - - - - - - -  9/ “Ỉa”, “Lồn”, “Cặc”,.. - - - - - - - - - - - - - - - - - - 

Từ ngữ cũng chỉ là từ ngữ mà thôi.
Chúng ta mới chính là người tự gắn cảm giác của chúng ta lên những từ này và cho rằng nó dung tục, dơ bản, thô thiển và thiếu học.
Sao chúng ta không xem xét mọi từ ngữ, như chính bản thân nó, không có cảm xúc hay sự gán ghép phóng chiếu nào nhỉ? Vậy chả phải là đầu óc đỡ mệt hơn sao?

10/ “So Yesterday” (Hilary Duff) và “Hands” (Jewel) sẽ mãi là hit của cuộc đời mình.

Hồi xưa ai hỏi, mày thích bài hát nào nhất thế giới, mình không trả lời được. Dù mình nghe rất rất nhiều nhạc. Giờ trả lời được rồi, mình thích bài hát mà sau khi nghe xong, mình cảm thấy ổn hơn.
Nghe thử đi, mỗi lần nghe xong đều có cảm giác tinh thần được vực dậy kì diệu.
Thất tình, hãy nghe So Yesterday
Thất nghiệp mùa dịch, hay thất bại trong cuộc sống, hãy nghe Hands
 
Suy nghĩ vẫn vơ, không có câu trả lời. Cũng không muốn được trả lời.