私はカメです。 ウサギより遅いですが、前に進んで続けていきます。
<i>"Tôi là con rùa. Có thể chậm chạp hơn loài thỏ nhưng tôi vẫn luôn tiến về phía trước với sự bền bỉ."</i>
"Tôi là con rùa. Có thể chậm chạp hơn loài thỏ nhưng tôi vẫn luôn tiến về phía trước với sự bền bỉ."
Tôi đang sống trong thời đại của sự so sánh. Suốt ngày mở mắt ra là những câu hỏi của xã hội xả vô trong mặt: Con có vô trường chuyên không, học đại học trường gì, định ra trường bằng loại gì, thi nhiêu điểm, bạn bè năng động thế sao suốt ngày ù lì vậy,... Rồi sau này sẽ là những câu hỏi: Chừng nào lấy chồng, lương tháng nhiêu, chồng mày lương tháng nhiêu, con mày học trường gì, vô trường chuyên hay không,... Một vòng tròn so sánh cứ tuần hoàn mãi như vậy. Hồi nhỏ, sự so sánh từ những năm cấp hai cấp ba đã khiến tôi thu mình lại và luôn cảm thấy bất an, hình thành tính cách tự ti về bản thân mình. Dù là tự so sánh, hay bị thầy cô so sánh với người chị họ, hay bị cha mẹ so sánh với "con nhà người ta". Kéo theo cảm xúc tiêu cực ấy là thói quen hay trút cảm giác uất ức lên người thân và bạn bè. Tôi ghét bản thân nên hay xoay sang chống đối ngầm cả mẹ nữa. Lâu lâu mẹ kêu tôi nấu cơm một lon rưỡi, tôi đong gạo một lon hai lăm thôi. Hồi cấp hai có một lần bạn thân tôi đạt được giải gì đó mà tôi cũng có tham gia, 0.5 giây tôi mừng cho nó, sau đó là sự buồn bực kéo dài nguyên ngày đó, chả buồn nói chuyện với nó nữa. Về chuyện chọn trường đại học, các anh chị họ của tôi đều chọn các ngành kinh doanh, IT, sinh học,... Nghe rất chi là ngầu. Riêng tôi năm đó với niềm vui mừng vì đã được "thoát khỏi" cấp ba đầy sự so sánh, điểm thi đại học cũng khá cao nên tôi có thể đăng kí bất cứ ngành nào, trường đại học nào khối D mà mình thích (ba mẹ không hề ép). Lúc đó tôi sôi sục mơ ước được trở thành một polyglot nên tự tin ngút trời mạnh dạn chọn học ngành ngôn ngữ, cái ngành mà cái gì cũng biết một chút và chuyên môn thì không rõ ràng, nếu không cố gắng thạo được ngôn ngữ hoặc không phù hợp với tiếng đó thì cái bằng ngôn ngữ coi như bỏ. Bước vô năm nhất, tôi nhận thấy đã có nhiều bạn đã có cái nền sẵn rồi còn những bạn như tôi thì học từ đầu với "zero" vốn kiến thức, từ bảng chữ cái a i u e o. Thế là cái tính tự ti của tôi lại bắt đầu trỗi dậy. "Sao phát âm nghe hay vậy", "sao biết nhiều quá vậy", "làm sao mình học lại chứ",... Tôi xem họ như loài thỏ, vì họ mang những yếu tố tinh anh, nhanh nhạy, năng động, hướng ngoại, và luôn chạy phía trước tôi trong cuộc đua đến đích. Từ đó dần dần sự tự ti khiến tôi lười biếng hẳn đi, học bình bình, lên lớp đều đều, rồi quên béng đi luôn cái ước mơ cháy bỏng thành thạo 3 ngoại ngữ.
Tôi bắt đầu hoang mang liệu mình có chọn sai hay không, sao không chọn chuyên ngành đặc thù đàng hoàng như anh chị tôi, tôi cũng không có ham muốn mãnh liệt đi du học Nhật như các bạn trong lớp liệu có thiệt thòi hay không, không có chuyên môn và không đi du học làm lợi thế sau này ai tuyển?
Sau đó tôi nhận ra. Không, tôi không chọn sai gì cả. Có chăng cái sai duy nhất đó chính là bắt nguồn từ cái sự tự ti, hạ thấp bản thân. Tôi nhìn vô cái trailer của người ta mà so sánh với hậu trường của chính mình nghĩ bản thân thấp kém, rồi chỉ biết lo lắng suy nghĩ mà không nghiêm túc và bắt tay vào làm điều gì tử tế. Quả là một nhược điểm nguy hiểm chết đời. Sự tự tin hạ thấp bản thân đó thời thơ ấu từ một mầm mống nhỏ bé, từng ngày vô thức phát triển và lớn nhanh thành điểm yếu chí mạng của tôi. Điểm yếu khiến tôi không thể thoải mái giơ tay phát biểu hay thuyết trình lưu loát được trước giảng đường như các bạn khác. Có lẽ tôi sợ mọi người sẽ đánh giá tôi, như cái cách tôi đánh giá họ trong đầu tôi vậy. Bạn tưởng rời xa một môi trường cũ bạn sẽ thay đổi được nhân dạng, làm chủ được vận mệnh ở một môi trường mới? Không, bạn vẫn là bạn, vẫn tính cách đó, thái độ đó. Bạn vẫn bị những tổn thương tâm lý cản trở mà bạn đâu có nhận ra.
Vết thương tâm hồn đã hết rỉ máu nhưng vẫn còn mở miệng thì vẫn không thể tự nhiên lành lại được dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa. Vì thế, lên đại học rồi tôi vẫn ghét lớp học y chang hồi cấp ba, đi học vẫn đều đều như nghĩa vụ, chỉ muốn học xong sớm để ra trường tự do hơn. Nhưng có chắc là sẽ được tự do? Khi ra đi làm rồi cũng sẽ họp hành rồi báo cáo, các cuộc họp meeting có khác gì một "lớp học" kiểu công sở không? Cũng phải bị yêu cầu trình bày ý kiến, đưa ra các ý tưởng cho kế hoạch, bàn bạc bày tỏ quan điểm, không làm được điều này thì chỉ có nước thua thiệt với đồng nghiệp...
"You can't alway get what you want..."
Nói chung là chúng ta không né được điều gì cả đời bằng sự lươn lẹo hoặc may mắn, ta chỉ có thể tự khắc phục nhược điểm, hoàn thiện và đương đầu. Vòng tròn so sánh trong xã hội hiện đại sẽ không bao giờ ngừng lại. Bây giờ nghĩ lại biết đâu không chừng những đứa "con nhà người ta" mẹ thường lấy đem ra so sánh với tôi, lại cũng bị đem ra so sánh với "con nhà người khác". Tôi nhận ra rằng thay vì so sánh bản thân với 7 tỷ người khác mà không thể thắng nổi (vì trên đời không có ai đứng đầu thế giới cả), ta chỉ cần học cách so sánh với 1 người duy nhất, chính là bản thân mình thôi. Chiến thắng bản thân hằng ngày chính là niềm hạnh phúc đích thực để lấy lại sự tự tin. Tôi thiếu sót cái gì tôi bù vô cái đó. Tôi không may mắn như người khác đã tìm thấy đam mê, tôi hoang mang về định hướng không biết sau này sẽ làm gì?
Không biết lại có cái hay của không biết. Không biết thì mới làm thử. Biết hết rồi thì thử làm chi? Thế là tập tành học đủ thứ khóa học nhập môn trên mạng bằng tiếng Anh, dịch báo, học viết blog, học thiết kế, học edit video,... Quan trọng nhất là học cách kết nối cảm xúc trò chuyện với bản thân mỗi ngày qua việc viết nhật ký. Sau khi nhìn nhận, tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày, hoàn thiện và chắp vá lại những tổn thương. Nếu có thể tôi ráng hết sức giơ tay phát biểu những câu hỏi dễ có thể trả lời được trong giờ học. Tôi tập đọc về chủ đề tâm lí học về chữa lành The Inner Child và tìm hiểu về thiền trong triết học của Aikido bằng tiếng Nhật. Bây giờ tôi đã tỉnh, đã và đang học cách không so sánh bản thân mình với ai nên cũng không còn chống đối mẹ nữa, mà đã chuyển qua mỉm cười để ngoài tai không thèm nghe luôn.
Xin phép trích dẫn câu nói của một người tôi luôn tôn kính là chú Yoo Jae Suk: "Sống trên đời như chèo thuyền ngược dòng nước, phong ba bão táp, chèo không ngơi nghỉ mới có thể tới được bờ."
"...But if you try sometimes, well you just may find, you get what you need. " - The Rolling Stones
Học cách bơ đi mà sống, chỉ tập trung vào chính bản thân mình thôi. Ai rồi cũng sẽ đến đích bằng những cách khác nhau trên lối đi riêng. "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome". Dù trên đường đời chọn đi ô tô hay đi xe đạp, cua quẹo ngã ba, ngã tư, 7749 cái bùng binh,... Dù chọn lên rừng hay xuống biển, bạn là rùa hay là thỏ, tôi tin là ai rồi cũng sẽ đến đích chỉ cần họ cố gắng.
Vì vốn dĩ không ai sống như ai cả. Ai cũng sẽ có môi trường riêng để phát triển và mục tiêu riêng để phấn đấu. Không cần so sánh. "Bạn tài giỏi, kệ bạn chứ."
25/9/2021