Only ngồi tại bàn học, cuốn tập đã mở sẵn trước mặt. Cô nhìn chằm chằm vào những dòng chữ trên đó.
“Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”.
Only đọc đi đọc lại câu này nhưng vẫn không thể nào nhớ được. Cô cố gắng đọc lại.
“Vật chất là một phạm trù triết học…”
Bỗng trong đầu Only hiện lên những câu nói…
“Nhà nào phải vô phúc lắm mới có đứa con như vậy”
“Có đứa con như vậy thì chết đi chứ sống làm gì cho xấu hổ”
Only ôm lấy đầu.
“Nhà nào phải vô phúc lắm mới có đứa con như vậy”
“Có đứa con như vậy thì chết đi chứ sống làm gì cho xấu hổ”
“Nhà nào phải vô phúc lắm mới có đứa con như vậy”
“Có đứa con như vậy thì chết đi chứ sống làm gì cho xấu hổ”
“Aaaaaaaaaaaa”, Only hét lên.
Cô hất phăng cuốn tập xuống đất.
Only nhìn chằm chằm cuốn tập, cảm giác vừa tức giận, vừa bất lực.
“Có mỗi một câu mà học nãy giờ cũng không thuộc”, Only tự nghĩ.
“Đúng là ngu dốt”
“Phải rồi, là do mình quá yếu kém, mình ngu dốt, mình không có năng lực. Mình không thể trở thành một đứa con như ba mẹ mong muốn”
“Vậy thì chết đi cho xong”
“Đúng rồi, mình nên chết cho ba mẹ đỡ xấu hổ”
Only đứng dậy, đi đến lấy sợi dậy thừng đã được giấu sâu dưới ngăn tủ cuối cùng.
Only cầm sợi dây thừng trong tay, hồi tưởng về những lần trước đó. Đã không ít lần cô có ý định…tự sát. Đó là lý do mà sợi dây này có mặt trong ngăn tủ. Nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị kê cổ vào sợi dây, hình ảnh ba mẹ lại hiện lên, thế là cô từ bỏ. Cô tự hỏi, liệu lần này có giống như những lần trước hay không?
Only nhận ra rằng, điều níu giữ cô ở lại, điều khiến cô tiếp tục duy trì sự sống chính là gia đình, là cha mẹ. Cô sợ rằng khi mình biến mất, cha mẹ sẽ suy sụp, sẽ thất vọng, sẽ xấu hổ. Nhưng hôm nay cô chợt nhận ra, có khi sự tồn tại của cô mới khiến cho cha mẹ xấu hổ, suy sụp và thất vọng. Vậy thì cô còn lý do gì để tiếp tục sống trên cuộc đời này nữa chứ? Sống vì bản thân ư? Cô thậm chí còn không biết thế nào gọi là sống vì bản thân và nếu không phải sống như ba mẹ mong muốn thì rốt cuộc bản thân cô muốn gì…
Thế giới của Only vỡ vụn.
Lần này cô thật sự treo cổ.
--------------------------------
 “Chắc vỡ nợ rồi”
“Thất tình nên mới thế”
“Làm màu thôi”
“Cứ thích gây sự chú ý”
“Dọa thế chứ có dám chết thật đâu”
“Chuyện gì cũng có cách giải quyết, việc gì phải chọn cái chết”
“Đúng là không biết nghĩ cho cha mẹ”
“Bất hiếu”
“Thiếu suy nghĩ”
“Báo cha báo mẹ”
“Không biết trong đầu nghĩ gì mà lại làm vậy”
vv...
Đó là những câu nói mà người ta hay dành cho người tự sát. Có lẽ, trong mắt nhiều người, tự sát không phải là lựa chọn đúng đắn; tự sát là một hành động ngu ngốc và người tự sát là người mất trí, người ích kỷ. Thế nhưng, giống như tựa một bài hát của Lady Gaga, “Till it happen to you” (Tạm dịch: Chỉ khi nó xảy ra với bạn), chỉ khi chúng ta là người đó, chúng ta mới hiểu được vì sao họ quyết định chấm dứt cuộc đời mình.
Trong bài blog lần này, chúng ta sẽ cùng nhau nói về tự sát. Nhưng chúng ta sẽ không tranh luận đúng sai, nên hay không nên, chúng ta chỉ tìm hiểu, điều gì đã diễn ra trong tâm trí người muốn tự sát và một trong những lý do khiến cho người đó quyết định chấm dứt cuộc đời mình dưới góc nhìn Tâm lý học.
Tự sát là những hành vi bao gồm suy nghĩ về tự sát, lên kết hoạch tự sát, cố gắng tự sát và tự sát (WHO, 2014). Theo WHO (2014, 2016) thống kê, có khoảng 800.000 người chết vì tự sát mỗi năm và đây là nguyên nhân xếp thứ hai dẫn tới cái chết ở những người từ 15 – 29 tuổi trên thế giới. Điều gì đã dẫn đến con số này?
Quá mệt mỏi với cuộc sống, thất bại trong công việc, phá sản, ly hôn, bị phản bội, đau bệnh, hay mất người thân… đều có thể dẫn một người đến với cái chết. Đó là những biến cố, sự kiện tiêu cực của cuộc đời, nhưng chúng có phải nguyên nhân khiến một người tự sát hay không? Thật là một câu hỏi phức tạp.
Nghiên cứu cho thấy, lòng tự trọng, hay cảm nhận của chúng ta về chính mình là một yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho hành vi tự tử (Nguyen et al., 2019). Cá nhân có cảm nhận càng tiêu cực về mình, có lòng tự trọng thấp thì càng có khả năng tự tử, lên kết hoạch tự tử hoặc có những hành vi liên quan đến tự sát. Nghiên cứu của Barrera và cộng sự (2020) cũng cho thấy, cùng trải nghiệm những sự kiện tiêu cực nhưng cá nhân có cảm nhận tiêu cực về bản thân thì có nguy cơ tự tử cao hơn cá nhân có cảm nhận tích cực về chính mình. Có thể thấy, trải nghiệm tiêu cực chỉ là yếu tố kích hoạt, còn cái đằng sau giật dây, là những cảm nhận của chúng ta về chính mình.
Chẳng may thi rớt Đại học, có thể chúng ta sẽ cảm thấy buồn đó, nhưng chúng ta biết mình đã cố gắng hết sức rồi. Chúng ta nghĩ mình sẽ cố gắng và làm tốt hơn ở lần khác. Thế nên chúng ta sớm vui trở lại. Nhưng cũng có thể, chúng ta sẽ thấy bản thân mình vô dụng, vô giá trị. Chúng ta bỏ cuộc. Chúng ta mất hết niềm tin vào cuộc sống. Lúc này, chúng ta nghĩ đến chuyện tự sát.
Chẳng may bị một người thân yêu bỏ rơi, hẳn là ai trong chúng ta cũng sẽ đau buồn thật nhiều. Người có cảm nhận tích cực về bản thân tuy buồn nhưng họ sẽ không đổ lỗi cho bản thân, còn người có cảm nhận tiêu cực về mình thì ngược lại. Khi ta nghĩ một ai đó rời đi là do ta, tự ta thấy mình xấu xa, mình không xứng đáng được yêu thương, sẽ chẳng ai yêu thương mình, sẽ chẳng ai ở bên mình, mình sẽ mãi mãi cô đơn, vậy thì sống làm gì nữa nhỉ…Lúc này, ý nghĩ tự sát tự nhiên đến.
Những ngày qua chúng ta đã nói nhiều với nhau về sự hòa hợp, không hòa hợp giữa hình ảnh bản thân với bản thân lý tưởng, khái niệm bản thân với trải nghiệm thực tế. Chúng ta cũng đã nói khi không hòa hợp giữa những yếu tố ấy thì cá nhân sẽ cảm thấy như thế nào. Cảm nhận tích cực hay tiêu cực của một người về chính mình cũng nằm ở đây và sâu xa hơn thế, nằm ở nguồn gốc của sự hòa hợp với không hòa hợp.
Khi chúng ta có hình ảnh bản thân không giống bản thân lý tưởng, hay là khi, chúng ta phát hiện mình không giống như con người mà mình trở thành, khi đó ta thấy tức giận, thấy bức bối, ta nỗ lực để trở thành con người như ta mong muốn, nhưng đó không phải là ta và ta thất bại, thế là ta thất vọng, ta bất lực, ta thấy mình thật thảm hại, thật yếu kém. Nói chung, khi không hòa hợp bên trong khái niệm bản thân, chính chúng ta phải chịu đựng những suy nghĩ nhập nhằng, khó chịu, vừa muốn mình như thế này như thế kia, nhưng lại không thể như thế này như thế kia. Rồi khi hiện thực đem đến cho chúng ta liên tiếp những sự kiện tiêu cực, như thi rớt Đại học, như bị phản bội, như bị phá sản, như bị chấn thương, hàng tỉ tỉ thứ…khiến chúng ta nhận ra những thứ mình muốn cũng chỉ là mong muốn, thì chúng ta bắt đầu có những cảm xúc, cảm nhận tiêu cực về chính mình.
Nhưng chúng ta đâu muốn bản thân mình không hòa hợp. Chỉ là chúng ta sinh ra đã có nhu cầu được yêu thương, được chăm sóc, được quan tâm tích cực. Nhu cầu này thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự quan tâm tích cực từ cha mẹ. Để có được sự quan tâm tích cực từ cha mẹ thì chúng ta phải cố gắng trở thành con người mà cha mẹ mong muốn, hành động như những gì cha mẹ mong đợi và xây dựng bản thân lý tưởng từ đó. Bản thân lý tưởng ấy không phải con người thật của chúng ta, vì vậy, nó với hình ảnh bản thân, không hòa hợp. Cứ như vậy, chúng ta đã đánh mất chính mình trong khi tìm kiếm tình yêu thương.
Sự đánh mất chính mình ấy đã khiến chúng ta có cảm nhận không tốt về mình nhưng ta không hề hay biết. Nó dẫn ta đến một nguy cơ lớn hơn chính là khả năng có hành vi tự sát mỗi khi có sự kiện tiêu cực xảy ra.
Nhưng không phải cứ có biến cố, những người có cảm nhận tiêu cực về chính mình sẽ tự sát ngay lập tức. Đã có nhiều thứ diễn ra trong đầu họ. Và họ cũng đã đấu tranh thật nhiều.
Họ đấu tranh trong tâm trí. Rồi khi không chịu nổi nữa, họ tìm kiếm sự giúp đỡ.
Có bao giờ chúng ta lựa chọn kể cho một người nghe những tâm sự của mình và nhận được câu trả lời: “Chuyện này cũng bình thường mà”?, “Ai cũng vậy hết nên đừng có than nữa”?
Khi nhận được những câu nói như vậy, hoặc tương tự, có lẽ chúng ta sẽ khó mà mở lòng để tâm sự với người đó một lần nữa. Nếu điều này diễn ra nhiều lần, chúng ta được củng cố rằng dù có nói ra thì cũng không được cảm thông, vậy thì nói ra làm gì? Thế là chúng ta chẳng bao giờ có thể nói ra nỗi niềm của mình và quan trọng hơn, chúng ta không còn niềm tin vào bất kì một ai. Người có cảm nhận tiêu cực về chính mình cũng sẽ như vậy. Khi họ được củng cố rằng họ sẽ không được cảm thông, không ai lắng nghe họ, thì họ sẽ dẫn tin rằng mình thật sự tồi tệ và không còn niềm tin vào ai nữa.
Khi học được rằng, không còn ai để nương tựa, họ sẽ chịu đựng một mình. Họ cảm thấy không thể thoát ra được (Inescapable); không thể chịu đựng nổi (Intolerable) và vô tận (Interminable) (Chiles & Strosahl, 1995)…
Họ không nói cho chúng ta điều gì đã xảy đến trong tâm trí họ nữa, bởi vì họ không còn tin ta, không tin bất kì ai. Họ chỉ cho chúng ta thấy, họ có những dấu hiệu của tự sát…
Chúng ta nghĩ họ ngu ngốc? Thực ra, chúng ta mới là người ngu ngốc khi thấu hiểu một người qua lăng kính của chúng ta.
 “Tôi không thể chịu được cảm giác trống rỗng mà tôi đang gặp phải. Đầu tôi đau kinh khủng. Tôi không kiểm soát được bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình. Tôi đang vỡ thành nhiều mảnh…”
“Tôi không chắc tại sao tôi lại viết cái này. Tôi lên mạng tra cứu thông tin về tự tử: thống kê, phương pháp và tất cả những thứ đó. Tôi lớn lên trong một gia đình, nơi tôi đến nhà thờ vào mỗi Chủ nhật và được dạy về tầm quan trọng của đức tin và Chúa trong cuộc sống. Nó không quan trọng. Nó không giúp tôi. Tôi đã bị thương…khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi đã bị tổn thương theo cách mà không một ai, không một trẻ nhỏ nào phải bị tổn thương. Tôi nghĩ về việc tự tử hàng ngày… đôi khi đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến. Tôi đã phải nhập viện vì những nỗ lực trước đây. Tôi đã được dùng thuốc để điều trị chứng trầm cảm… những rối loạn tâm thần mà bác sĩ chẩn đoán rất nhanh. Tôi phát ốm vì tất cả. Tại sao tôi phải tiếp tục cố gắng? Tôi thậm chí không sợ chết. Tôi không sợ đau. Tôi chỉ muốn rời khỏi thế giới này. Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Tôi đã mệt mỏi với việc cố gắng rồi.”
Đó là những gì mà người tự sát đã viết trong di thư của mình.
Có phải ai đó trong chúng ta đang nghĩ, những người này mất trí rồi? Không đâu, họ không mất trí. Chúng ta đều có thể thấy được sự đấu tranh trong tuyệt vọng của họ qua những dòng di thư. Và sự thật là họ đã đấu tranh rất nhiều và khi không thể chịu đựng nổi, khi không còn lựa chọn nào khác, họ mới quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Khắp những diễn đàn – nơi những người người có ý nghĩ tự sát tâm sự với nhau, họ đã và đang nói lên tình trạng của họ với hy vọng được lắng nghe, được giúp đỡ. Điều đó cho thấy nỗ lực thoát khỏi sự bế tắc, tuyệt vọng của họ. Họ cố gắng miệt mài, kiên trì trong thời gian dài. Sự kiện không mong muốn vẫn xảy ra và họ kiệt sức.
Không có ai nâng đỡ, sẻ chia, hỗ trợ, đồng hành, tin tưởng; cả thế giới lúc này chỉ có một mình mình; chính bản thân mình cũng không còn sức lực, dường như đang vỡ ra thành từng mảnh; tương lai vô định, không có gì để trông đợi; mọi thứ ở hiện tại thì quá sức mệt mỏi…Lúc này, chỉ có tự sát mới có thể chấm dứt cái cảm giác không thể chịu chịu đựng, không thể thoát ra và vô tận ấy. Ý nghĩ tự sát cứ hiện diện, bủa vây, thôi thúc họ mỗi ngày, nhưng họ vẫn cố gắng chống lại nó. Họ cố tìm cho mình một cái gì đó để bám vào, một lý do để tiếp tục sự sống.
Với một người muốn tự sát, điều níu chân họ lại với cuộc sống có lẽ là…gia đình, trách nhiệm hoặc bất kì điều gì có ý nghĩa với họ. Có thể họ sợ gia đình sẽ đau buồn, cũng có thể họ sợ gia đình sẽ xấu hổ; có thể họ còn phải nuôi dưỡng một ai đó…Bỗng một ngày, gia đình khiến cho họ cảm thấy không còn thuộc về, họ không cần phải có trách nhiệm gì nữa, điều duy nhất có ý nghĩa với họ cũng biến mất. Không còn gì có thể níu giữ họ. Vậy là họ tự sát.
Họ sinh ra, tìm kiếm tình yêu thương, chẳng may đánh mất chính mình và vỡ nát.
Và sau khi tự sát, họ nhận được sự sự chỉ trích. Họ bị cho là ích kỉ, là ngu ngốc, là dại dột. Mấy ai biết được những người bị cho là ích kỉ, ngu ngốc, dại dột đó đã từng đấu tranh để tiếp tục sống như thế nào. Vậy nên, “Till it happen to you”, hệ quy chiếu của mình chỉ nên để soi với mình mà thôi.
-----------------------------
Gửi những thế giới đang vỡ nát bên cạnh mình, thời điểm này với các bạn hẳn là thật nhiều khó khăn. Mình chẳng biết nói gì hơn, nhưng “Dù chẳng còn điều gì có thể giữ bạn lại với cuộc đời, thì bạn vẫn còn có bạn” (Vo, N.H., 2020). Trong thế giới vỡ nát ấy, hoặc trong hành trình xây dựng lại thế giới của chính mình, dẫu các bạn gặp nhiều tổn thương, gặp nhiều trắc trở, gặp nhiều chỉ trích, mình hy vọng các bạn có thể biết rằng thế giới vẫn có người yêu thương các bạn dù cho các bạn có lựa chọn và có như thế nào đi chăng nữa.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Nguyen, D. T., Wright, E. P., Dedding, C., Pham, T. T., & Bunders, J. (2019). Low self-esteem and its association with anxiety, depression, and suicidal ideation in Vietnamese secondary school students: A cross-sectional study. Frontiers in Psychiatry, 10, 698. doi:10.3389/fpsyt. 2019.00698
2. Usue de la Barrera , Inmaculada Montoya-Castilla , Alicia Pérez-Albéniz , Beatriz Lucas-Molina & Eduardo Fonseca-Pedrero (2020): Mental Health Difficulties Related to Suicidal Behavior in Adolescents: The Moderating Role of Self-Esteem, Archives of Suicide Research, DOI: 10.1080/13811118.2020.1823918
3. World Health Organization (WHO). (2014). Preventing suicide: Global imperative. Geneva, Switzerland: WHO.
4. World Health Organization (WHO). (2016). Suicide data. Geneva, Switzerland: WHO
-----------------------------
Chi nhánh “bóc hành”:
- Youtube: Nơi Bóc Hành