ĐA CẢM NHƯNG KHÔNG ĐA SẦU
Nếu bạn là người đa cảm, hy vọng rằng ở một nơi nào đó bạn có thể đọc được dòng tâm sự này của mình để có thêm một góc nhìn và lựa chọn cho bản thân.

Pháp luân thường chuyển
I. Bạn có phải là người đa cảm không?
Bạn có là người dễ cảm xúc, rung cảm với mọi điều trong cuộc sống không? Chắc bạn cũng đã không ít lần khóc lóc, thương cảm khi chứng kiến nỗi khổ, niềm đau của người khác. Mọi người xung quanh đã từng gọi bạn là người thừa nước mắt, quá nhạy cảm chứ? Bạn cũng từng có xu hướng thích làm hài lòng người khác, bạn sợ cảm giác bị ghét bỏ lắm đúng không? Một lời nói bâng quơ cũng đủ làm bạn thao thức cả đêm, bạn có thể dễ dàng tha thứ cho người khác nhưng lại tự dày vò trách móc vì cái sai của bản thân. Nếu bạn đang trải qua những điều đó thì bạn chính là một người đa cảm.
II. Đa cảm là tốt hay xấu?
2.1 Đa cảm là tốt
Sau khi có một cuộc trò chuyện để lắng nghe, tâm sự với người chị đang bị trầm cảm. Nó là động lực, thôi thúc mình viết blog này. Nếu bạn là người đa cảm, hy vọng rằng ở một nơi nào đó bạn có thể đọc được dòng tâm sự này của mình để có thêm một góc nhìn và lựa chọn cho bản thân. Nếu bên cạnh bạn là người đa cảm, hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm sự thấu hiểu và biết cách cư xử đúng để bảo vệ những người mà bạn yêu thương. Thông điệp mà mình muốn gửi gắm đến bạn: Sự đa cảm là tốt hay xấu phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của bạn sau những cảm xúc đó.
Đối với mình đa cảm là một phước báu lớn mà bản thân có được trong cuộc sống này. Để mình kể bạn nghe về câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng tất cả sự tôn kính: Ngài là thái tử Tất Đạt Đa, từ nhỏ đã được sống trong nhung lụa. Với tư chất thông minh, sự trầm tư, nhân hậu và giàu lòng vị tha, ngài thường xuyên tìm đến những nơi yên tĩnh để thiền định. Cuộc sống cứ thế trôi qua, cho đến một ngày trong cuộc đi dạo bốn cửa thành ngài nhìn thấy bốn hình ảnh: một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và một vị tu sĩ. Khoảnh khắc đó ngài nhận ra con người ta dù là ai đi chăng nữa cũng không thoát khỏi "sinh, lão, bệnh, tử", từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý ngài chọn tu hành để đi tìm con đường thoát khỏi khổ đau cho tất cả mọi người.
Có lẽ bạn nên cảm ơn sự đa cảm của bản thân bởi nó giúp bạn cảm nhận được sâu sắc cuộc sống, bạn nhìn thấy được những điều mà người khác không thể, trưởng thành nhanh hơn thông qua việc chứng kiến và suy tư. Bạn gặp hoàn cảnh một người phụ nữ ngày đêm bị chồng bạo lực, chửi mắng trong những cơn say nhưng vẫn cam chịu, thậm chí là tiếp tục yêu thương và chiều chuộng chồng hết mực. Bạn không hiểu vì sao bà có ở cạnh một người tệ hại đến vậy, bỏ đi có phải sẽ sướng cho cái thân của bà hơn không? Mình không cổ xúy cho bạo hành, cũng không đánh giá cao sự cam chịu của người vợ nhưng bạn có thể thử sử dụng sự nhạy cảm của bản thân để hiểu sâu sắc hơn về vấn đề. Có lẽ điều bạn thấy chỉ dừng lại ở hình ảnh cam chịu, khổ cực của người vợ, nhưng đằng sau đó là tình thương vô bờ bến của người mẹ giành cho đứa con, điều duy nhất bà nghĩ có thể cho con là một gia đình đầy đủ, để sau nay con mình không bị đàm tiếu, dị nghị vì có bố mẹ bỏ nhau. Bạn chỉ thấy hình ảnh một người chồng tệ hại, nhưng người vợ ấy lại nhìn thấy được đằng sau sự tệ hại của người chồng là những biến cố trong cuộc sống. Bạn đâu biết được rằng trước đây họ cũng đã có một tình yêu đẹp, đã từng mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc nhưng có lẽ sự khắc nghiệt của cuộc sống đã vùi dập đi những điều đẹp đẽ đó. Sự đa cảm mà bạn đang có sẽ chuyển hóa những điều mà bạn đang thắc mắc thành sự thấu hiểu và đồng cảm.
Trong cuộc sống và công việc sự nhạy bén trong cảm xúc cũng giúp bạn dễ đánh giá được tâm lý của người đối diện để có cách ứng xử phù hợp. Tuy nhiên để biết cách ứng xử nào là thật sự phù hợp thì chính mình và bạn phải tu dưỡng, trải nghiệm nhiều hơn nữa.
2.2 Đa cảm là xấu
Có thể bạn sẽ hoài nghi góc nhìn thứ nhất của mình bởi: Nếu đa cảm là tốt thì tại sao bạn phải thường xuyên nghe người khác kêu ca: Đừng quá nhạy cảm nữa, đừng suy nghĩ lung tung hay đừng làm mọi chuyện phức tạp hơn. Nếu đa cảm là tốt tại sao lại khiến cuộc sống của ta trở nên sầu muộn, là yếu tố dẫn đến trầm cảm và thậm chí đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.
Đa cảm sẽ là xấu nếu như bạn không phân biệt rạch ròi mà đồng nhất sự đa cảm và đa sầu. Sẽ thật tệ nếu như vì một lời chê bai, trách móc của người khác mà bạn quay về tra tấn bản thân mình, tìm cách để chứng minh với người khác bạn không như thế. Sẽ thật tệ nếu như trải qua một biến cố trong gia đình, trong tình yêu, tình bạn mà bạn để cho sự đa cảm của mình chìm sâu vào hố đen của bi ai, tuyệt vọng, bạn nhìn biến cố đó theo cách tiêu cực nhất. Lựa chọn đa cảm này là khởi nguồn của căn bệnh trầm cảm, thậm chí là tự tử. Lựa chọn đa cảm này cũng là mầm mống của đau khổ, thù hận, tệ hơn là sự trả thù.
Chính vì có sự đồng nhất đa cảm và đa sầu trong quan điểm sống của nhiều người nên có đôi lúc con người ta bài trừ đa cảm. Sau khi trải qua những biến cố chắc hẳn bạn cũng đã từng thay đổi bản thân: Lạnh lùng hơn, đanh đá hơn, tập cho ít đi, các mối quan hệ được xem xét cẩn thận hơn. Có lẽ lúc này bạn hiểu ra đa cảm là một điểm yếu, bạn dấu diếm và không bao giờ muốn người khác nhìn thấy con người đó. Mình tôn trọng lựa chọn này, bởi lẽ đây cũng là cách bảo vệ bản thân, thay vì bị sự đa cảm quật ngã, bạn đã giám gồng lên để bảo vệ chính bản thân mình.
III: Đa cảm nhưng không đa sầu
Ở phần trên mình có đề cập đến trường hợp khi bạn thấy đa cảm là điểm yếu, bạn cố che dấu, và gồng lên để bảo vệ bản thân. Đây cũng là một vấn đề mà mình suy tư. Liệu với cách che dấu sự đa cảm đó có ổn không? Câu trả lời của mình là không. Sự đa cảm là một điểm mạnh, nó giúp bạn có thêm lòng trắc ẩn, đồng điệu được, cảm nhận được sâu sắc sự vô thường của con người và cuộc sống. Vậy thì hà cớ gì bạn phải né tránh, phải dấu diếm, phải gồng mình lên? Sự thay đổi là một điều cần thiết tuy nhiên có những giá trị thuộc bản ngã nếu như đánh mất nó, liệu bạn có còn là chính mình không? Thật sự đáng thương hơn là đáng trách nếu như trong hành trình trưởng thành "ta" đánh mất "ta".
Ranh giới giữa đa cảm và đa sầu rất mong manh và nó chỉ cách nhau ở một sợi dây là trí tuệ. Sự đa cảm là khó để thay đổi và không nhất thiết phải thay đổi, điều bạn cần làm là nâng cao trí tuệ ( thuộc về lý trí) của bản thân mình. Không phải là điều gì quá cao siêu, trí tuệ đơn giản chỉ là khả năng suy nghĩ và hành động dựa trên những yếu tố như: kiến thức, trải nghiệm, tư duy về vấn đề.
Mình sẽ lấy một ví dụ, có một người nói với mình rằng: "Với lỗi lầm đó trong quá khứ, bạn không xứng đáng với điều bạn có ở hiện tại, và trong tương lai bạn nên hạ thấp điều bạn mong muốn xuống". Bạn sẽ đối mặt với một lời nói sát thương này như nào? Với một tâm lý tự nhiên và trí tuệ có hạn, mình mất một thời gian khá dài để dằn vặt bản thân, ngay lập tức cho rằng đó là lời nói đúng và cứ thể cho phép sự dày vò về lỗi lầm trong quá khứ bám víu. Mình chỉ ước bản thân có thể quay lại quá khứ và sữa chữa những lỗi lầm. Và nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng trở nên rối ren hơn vì sự đồng nhất giữa đa cảm và đa sầu.
Vậy mình đã làm gì? Nghe podcast, đọc sách, tìm hiểu về phật giáo. Tất cả điều đó mình làm đều là để đi tìm kiến thức thông qua những trải nghiệm của người khác. Ở tương lai nếu mình nhận thêm nhiều lời nhận xét như vậy, bản thân sẽ không bác bỏ, nhưng cũng không đồng thuận ngay. Bởi vì bạn cần nhiều thời gian hơn để đặt câu hỏi.
- Thứ nhất: Hành động của bạn trong quá khứ, hiện tại có sai không?
- Thứ hai: Người nhận xét là người như thế nào? Họ có phải là người luôn giúp đỡ và muốn người khác tốt lên không? (câu hỏi này thường mình sẽ đặt dấu chấm hỏi trống vì trải nghiệm của mình chưa đủ để nhìn thấu một người)
- Thứ ba, Quan điểm của họ về bạn có đúng không? Đây là một câu tự vấn cho bản thân, là câu dễ trả lời nhất, quan trọng nhất nhưng cũng ít được tập trung vì thông thường bạn sẽ bị cảm xúc chi phối.
- Thứ tư: Bạn hiểu rõ rồi thì bạn sẽ làm gì? Cũng tùy thuộc vào tình huống, nếu đó là một hiểu lầm làm xấu đi mối quan hệ hai bạn, bạn có thể lựa chọn giải thích. Nếu nó chỉ là một lời chỉ trích phiến diện, thì bạn chỉ cần bỏ qua, tiếp tục giành thời gian và tu dưỡng những điều tốt đẹp.
Bằng việc đặt câu hỏi bạn sẽ hiểu được bản chất của vấn đề, tìm ra được giải pháp riêng cho mình, cũng như rạch ròi được giữa đa cảm và đa sầu.
Với thời gian có hạn mình sẽ kết thúc bài viết ở đây, về cách chữa lành những tổn thương mình hy vọng sẽ được viết kỹ hơn ở bài viết khác trong tương lai.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất