Tiền của bạn là vô giá trị
Bài kỉ niệm 100 năm đồng tiền dự trữ của chúng ta. Ảnh: Omid Armin/Unsplash Bạn có biết 30% người Mĩ vẫn tin rằng đồng đô...
Bài kỉ niệm 100 năm đồng tiền dự trữ của chúng ta.
Bạn có biết 30% người Mĩ vẫn tin rằng đồng đô la ngày nay được đảm bảo bằng vàng?
Hãy để tôi nói cho bạn biết tiền tệ trước đây là gì, hình thái hiện tại của nó ra sao, và vì sao tờ $100 trong túi của bạn (gần như) vô giá trị.
Tiền là kho lưu trữ giá trị nội tại
Đặt vấn đề
Vào khoảng 5000 năm trước ở vùng Lưỡng Hà, vài bộ óc thông thái đã nghĩ ra một cách giúp việc trao đổi hàng hóa của họ trở nên dễ dàng hơn.
Giả sử tôi là một người chăn cừu ở thời đó, và tôi muốn một đôi giày mới - không phải một đôi giày thể thao trắng tinh mà là một đôi giày da, thứ có thể bảo vệ đôi bàn chân tôi khi rong ruổi theo đàn gia súc. Vì vậy, tôi tìm đến một người thợ đóng giày.
Tôi ngỏ ý dùng một con cừu để đổi lấy một đôi giày, nhưng thật không may, một người chăn cừu khác, cũng là đối thủ cũ của tôi - Jack - đã đến gặp người thợ đóng giày này ngày hôm qua và bán cho anh ta một con cừu. Nhu cầu về cừu của người thợ đóng giày vì thế đã được đáp ứng. Thứ anh ta cần bây giờ là một người có thể sửa cái mái nhà bị dột của anh ta.
Vì vậy, với mong muốn có được những cú đá tuyệt vời bằng đôi giày mới, tôi cần tìm ai đó biết sửa mái nhà bị dột và đang cần một con cừu. Việc này thật không dễ chút nào.
Gỡ nút
Vài bộ óc thông thái đã nghĩ ra một cách tốt hơn.
Có thứ gì mà tất cả mọi người đều cần không? Đúng, là thức ăn. Vì vậy shekel ra đời. Đó là một đơn vị lúa mạch tiêu chuẩn tính bằng khối lượng. Thật là một nước đi khôn ngoan! Giờ thì tôi có thể ra chợ và bán con cừu của mình với giá 3 shekels và mua một đôi giày với giá chỉ 1 shekel.
Đây chỉ là một ví dụ về việc lựa chọn một loại hàng hóa làm tiền. Có những nơi đã sử dụng vỏ đạn. Mỗi đơn vị thương mại lại có giá trị riêng của nó. Và thế là tiền ra đời.
Tiền làm chứng từ
Hãy làm một bước nhảy nho nhỏ nhé. Chỉ khoảng...vài nghìn năm thôi.
Trong Thế chiến I, đồng đô la bắt đầu tăng sức mạnh do châu Âu đã rút cạn các rương vàng của họ để làm chiến phí và phải vay tiền của Mĩ dưới hình thức đồng đô la. Cho đến thời điểm đó, đồng bảng Anh vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Hãy nhảy thêm một bước nhỏ nữa.
Giờ là Thế chiến II. Vào năm 1944, các nước đồng minh đã có cuộc gặp mặt tại Bretton Woods, New Hampshire. Họ tán thành việc biến đồng đô la Mĩ trở thành đồng tiền dự trữ mới của thế giới.
Bản vị vàng (Kim bản vị)
Tiền tệ thế giới trước đây được đảm bảo bằng vàng, tức chính phủ nắm giữ một lượng vàng nhất định và cho phát hành tiền giấy theo giá trị của vàng.
Nói đơn giản thì, số tiền phát hành chính là chứng từ cho lượng vàng mà chính phủ đang nắm giữ.
Chúng ta hãy cố gắng hết sức để giản lược hóa mấy thứ khó hiểu này nhé. Trở lại năm 1944, Mĩ là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, và đó chính là lí do tại sao các đồng minh chịu đưa đồng đô la lên làm đồng tiền dự trữ mới của thế giới.
Ý tưởng ở đây là, một chính phủ đã có một lượng đô la nhất định trong trường hợp đồng tiền riêng của quốc gia đó mất giá. Một khi đồng tiền mất giá, các quốc gia có thể dùng đồng đô la dự trữ để mua lại đồng tiền của nước họ đang trôi nổi trên thị trường, thu hồi tiền khỏi lưu thông. Giảm số lượng trong lưu thông tức là tăng giá.
Tiền là một ý tưởng
Tốt thôi. Nào, giờ thì chúng ta có các loại tiền tệ hoặc có giá trị nội tại (nghĩa là chúng có giá trị thực của riêng mình) như tiền vỏ ốc hay tiền vàng, hoặc làm chứng từ đại diện cho một thứ gì đó, chẳng hạn như lượng vàng bạc mà tổ chức phát hành đang nắm giữ.
Hãy nhảy thêm một lần nữa, nhưng lần này không xa lắm đâu.
Sau Thế chiến II, châu Âu và Nhật Bản nhận viện trợ của Hoa Kì để khôi phục đất nước thông qua Kế hoạch Marshall (đối với châu Âu) và Chương trình kinh tế Dodge (đối với Nhật Bản). Hoa Kì đã viện trợ cho các quốc gia đang khánh kiệt bằng cách in đồng đô la mà các nước này có thể sử dụng để nhập khẩu hàng hóa, từ đó tái thiết nền kinh tế.
“PAYABLE TO THE BEARER ON DEMAND”
Năm 1959, Hoa Kì phải đối mặt với một vấn đề: Lượng đô la phát hành lần đầu tiên vượt quá dự trữ vàng.
Vì vậy, Hoa Kì đã làm những gì họ phải làm. Họ từ bỏ bản vị vàng.
Bây giờ mới thú vị đây. Chúng ta có một đồng tiền dự trữ quốc tế không có giá trị nội tại (như một đơn vị lúa mạch có thể ăn được, hoặc một loại vỏ ốc hiếm) và thậm chí còn không thể đổi lại (như chứng từ).
Cho đến năm 1963, mỗi tờ đô la đều có in dòng chữ “PAYABLE TO THE BEARER ON DEMAND” (Có thể đổi lại cho người giữ khi được yêu cầu), bởi Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System – FED) vẫn còn khả năng thanh toán từng đồng đô la bằng vàng. Năm 1971, Nixon ban hành Sắc lệnh hành pháp 11615, chính thức bãi bỏ điều này.
Vâng, trước khi một cuộc bạo loạn nổ ra do tính chất không xác thực này: Đối với người dân nước Mĩ, việc đổi lại vàng từ Cục Dự trữ Liên bang bằng đồng đô la đã là điều không thể từ năm 1933, nhưng ít nhất thì về mặt lí thuyết, Cục vẫn có thể làm điều đó.
Tiền giờ trở thành một ý tưởng. Hoặc một lời hứa, nếu bạn muốn vậy. Một lời hứa của Chính phủ, rằng nếu hôm nay tôi nhận được $1, thì một người ở nơi khác sẽ cho tôi một thứ gì đó để đổi lấy nó vào ngày mai. Hệ thống tiền tệ và kinh tế toàn cầu của chúng ta vận hành dựa trên ý tưởng đó.
Đồng tiền giấy của Hoa Kì (Federal Reserve notes) sẽ không được quy đổi bằng vàng, bạc hay bất kì hàng hóa nào khác. [...] Chúng sẽ được quy đổi thành tiền pháp định (lawful money) tại Bộ Ngân khố Hoa Kì (Treasury Department of the United States) có trụ sở đặt tại Washington D.C, hoặc ngân hàng bất kì trực thuộc Cục Dự trữ Liên bang. [...] Quốc hội chỉ rõ, Cục Dự trữ Liên bang phải nắm giữ lượng tài sản thế chấp có giá trị tương đương với lượng tiền giấy mà Cục phát hành vào lưu thông. Tài sản thế chấp này được tổ chức chủ yếu trên hình thức Bộ Ngân khố Hoa Kì, các cơ quan liên bang và chứng khoán của các doanh nghiệp nhận tài trợ Chính phủ. — Theo Cục Dự trữ Liên bang.
Vậy còn nghi vấn nào ở đây? "Tiền pháp định" (lawful money) là gì, nếu nó không phải đồng đô la, vàng, hay bất kì hàng hóa nào khác?
Tiền được đảm bảo bằng nợ
Chúng ta sẽ nói về những điều phức tạp bằng những thuật ngữ đơn giản nhất có thể: Hệ thống tiền tệ và nền kinh tế của chúng ta được đảm bảo bằng nợ.
Cục Dự trữ Liên bang cần bơm tiền vào lưu thông để vận hành nền kinh tế. Nếu không, nền kinh tế sẽ sụp đổ. Do đó, về cơ bản, Hoa Kì đã “mua lại” tiền với vật thế chấp như Bộ Ngân khố Hoa Kì. Điều đó có nghĩa là, tiền đang được in dựa trên lời hứa rằng các khoản nợ sẽ được thanh toán.
Đây là lúc chúng ta chuyển từ “thú vị” sang “lo ngại”.
Đây không phải một lời tiên đoán về ngày tận thế, nhưng cũng đáng để chúng ta phải nghĩ ngợi.
Vấn đề của việc thanh toán nợ là Hoa Kì có giá trị GDP thấp hơn nợ. Một số lập luận đã đi xa đến mức cho rằng Hoa Kì đã phá sản hoặc đang tiến tới thảm họa đó, nhưng thôi nào, chúng ta đừng quá điên rồ.
Nhìn vào hình, người ta có thể dễ dàng nhận thấy, kể từ năm 2012, số nợ của Mĩ liên tục bằng hoặc cao hơn 100% GDP.
Nói một cách đơn giản, ở hiện tại, số tiền nền kinh tế Mĩ thu về mỗi năm ít hơn số nợ do Nhà nước tạo ra. Do vậy, các khoản nợ đang chồng chất lên nhau. Nợ nhiều đồng nghĩa với lãi nhiều.
Đó là lí do tại sao chúng ta đang có mức lãi suất thấp lịch sử. Nếu lãi suất cao hơn, các vấn đề của đất nước trong việc trả nợ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
Lãi suất bằng không hay lãi suất âm không còn là điều bất khả nữa. Chúng đã thực sự tồn tại.
Con đường trả nợ của chúng ta không mấy sáng sủa khi nhìn vào thực tế rằng đến năm 2025, các khoản thanh toán lãi nợ của Mĩ sẽ vượt qua ngân sách quốc phòng.
Vậy, chúng ta sẽ đi về đâu đây?
Tiền trong tương lai
Đối với hầu hết chúng ta (ý tôi là những người đang đọc bài viết này), đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới trong suốt thời gian chúng ta đã sống. Chúng ta luôn cho rằng vị trí này sẽ mãi mãi được giữ vững… bởi vì… chúng ta chưa từng tưởng tưởng đến một viễn cảnh nào khác với hiện tại.
Nhưng khi thử nhìn lại lịch sử, bạn sẽ thấy các đồng tiền dự trữ của thế giới đều có tuổi thọ nhất định.
Chà, từ thời Phục hưng, mọi đồng tiền đảm nhận chức năng tiền tệ thế giới hoặc đồng tiền dự trữ toàn cầu đều có tuổi thọ khoảng 100 năm. Tuổi thọ ngắn nhất là 80 năm và dài nhất là 110 năm.
Nếu đồng đô la Mĩ trở thành đồng tiền dự trữ thế giới vào năm 1920 hậu Thế chiến I, nó đã ngồi trên chiếc ghế này được 100 năm.
Vậy tương lai sẽ thế nào đây?
Ừm, khó nói lắm. Đặc biệt là đối với tôi, bởi tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng tôi nghĩ có nhiều người giống tôi lắm.
Cá nhân tôi không tin vào loại kịch bản như ngày tận thế hay khủng hoảng toàn cầu. Chúng ta đã luôn tìm ra cách để ngăn chặn điều đó xảy ra, và lần này cũng sẽ vậy thôi. Lịch sử sẽ lặp lại.
Nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào tuyên bố rằng lịch sử sẽ lặp lại, thì ta cũng phải suy nghĩ về sự thật rằng đồng đô la đã là đồng tiền dự trữ chính của thế giới được 100 năm. Và lịch sử đã dạy cho ta biết, rằng đây là tuổi thọ của những đàn anh đi trước nó.
Nếu không phải một cuộc khủng hoảng toàn cầu, thì thứ gì sẽ xảy đến?
Chà, lựa chọn thứ nhất là để mọi thứ diễn tiến theo cùng một hướng. Chúng ta có lãi suất âm trong một khoảng thời gian, rồi các khoản nợ bằng cách nào đó sẽ tự được giải quyết, và đồng đô la vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Kịch bản này không phải bất khả thi, nhưng nó có vẻ chưa phải lựa chọn hợp lí nhất.
Lựa chọn khác là một sự sụp đổ mới (chúng ta đang ở trong đợt tăng giá dài nhất lịch sử ngành tài chính) sẽ sớm xảy ra. Một loại tiền khác sẽ chiếm lấy địa vị của đồng đô la.
Có vài ứng cử viên cho vị trí này. Đồng euro, tất nhiên rồi, hầu hết chúng ta đều sẽ nghĩ đến nó đầu tiên. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, hoặc đồng tiền điện tử được nước này lên kế hoạch phát hành - DCEP - cũng là những ứng cử viên tiềm năng.
Cũng có thể đồng tiền dự trữ tiếp theo của thế giới đã được phát minh từ năm 2009 (bitcoin).
Giá trị thực của tờ $100
Tôi đã hứa sẽ cho bạn một câu trả lời, và nó đây. Nếu không được đảm bảo bằng vàng, cũng không được đảm bảo bằng bạc và không được đổi lại bằng bất kì hàng hóa nào…
Thì tờ $100 có giá trị thực là bao nhiêu?
Nếu nó không được đảm bảo bởi bất kì thứ gì, thì giá trị thực của một tờ $100 bao gồm 14,2 cent chi phí sản xuất và thỏa thuận chung của mọi người rằng $1 mà tôi nhận được ngày hôm nay có thể tiêu được vào ngày mai.
Là 14,2 cent chi phí sản xuất cộng với một thỏa thuận rằng, nếu tôi nhận được $100 vào ngày hôm nay, thì ngày mai sẽ có người đến lấy nó từ chỗ tôi và cho tôi một thứ gì đó khác.
Là 14,2 cent chi phí sản xuất cộng với một thỏa thuận chung giữa người dân và Chính phủ, rằng khoản nợ kia sẽ được thanh toán vào một ngày nào đó.
Bây giờ chỉ còn một câu hỏi nữa thôi:
Bằng cách nào?
Không ai có thể biết trước được tương lai. Nền kinh tế của chúng ta đã trở nên quá phức tạp và phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Chúng ta không dám nói một cách chắc chắn xem nền kinh tế đang đi theo hướng nào và làm thế nào để giải quyết các vấn đề mới nổi trong tương lai, đặc biệt đối với một người không có chuyên môn như tôi.
Tôi đã cố gắng trình bày theo cách dễ hiểu nhất có thể. Tuy nhiên, chủ đề này quá phức tạp, và để vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn, bạn cần là một chuyên gia trong lĩnh vực này, và phải viết khoảng một nghìn bài có độ dài như này mới đủ.
Đây là chủ đề tôi đang rất quan tâm hiện nay, và tôi nghĩ mọi người cũng nên để tâm đến nó, hoặc ít nhất là nghe về nó đôi lần. Đó là lí do tại sao tôi muốn chia sẻ bài viết này đến các bạn.
Tôi tin rằng chúng ta không nên phớt lờ khả năng đồng đô la mất giá vào một ngày nào đó. Siêu lạm phát đã xảy đến với những loại tiền tệ trước đây, và không có lí do gì khiến điều tương tự không thể xảy ra với đồng đô la Mĩ.
Liệu tôi có từng nghĩ về ngày tận thế, khi chúng ta ngồi quanh đống lửa và hát những bài hát ngợi ca về những ngày tuyệt vời khi còn có điện hay không? Không.
Nhưng tôi có nghĩ rằng chúng ta đang ở trong một thời điểm không chắc chắn với những hướng đi không chắc chắn, và chúng ta nên giữ cảnh giác mọi lúc mọi nơi?
Ồ, có đấy.
Tác giả: Dr Arthur Kroisel từ Medium.
Dịch giả: Đỗ Nhược Vy từ group QRVN.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất