Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Bữa trước mình vừa bắt được cái ảnh này, đá xoáy sự khác biệt giữa các tư tưởng hay gặp trong văn học Mỹ, Pháp, Anh, và Nga:

Tấm hình đó làm mình nhớ đến một thuật ngữ thiên hạ hay dùng để tả các tác phẩm có màu sắc tăm tối quá cao, ấy là Misery Porn.
Misery Porn đôi khi còn được gọi là Depression Porn, hoặc nếu thích sang mồm hơn thì là Misery Lit, đại khái mang nghĩa là “thẩm du bằng đau khổ” (dịch phiên phiến thôi nhé 🐧 ). Ban đầu, thuật ngữ này dùng để chỉ các tác phẩm tự truyện tăm tối, kể lại cuộc đời ba chìm bảy nổi của một con người nào đó (thường là của chính ta giả), đã phải trải qua bao nhiêu thảm kịch đau khổ, chẳng hạn bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, bị bố mẹ bỏ rơi, bị bạo hành, phải ra tù vào tội,… Bất kể cuối cùng nhân vật có khắc phục và vượt qua được chúng nó không hay bị chúng nó nuốt chửng và rơi xuống đáy sâu tuyệt vọng thì thực ra cũng không quan trọng lắm, bởi cái hút của các tác phẩm kiểu như thế nằm ở cái sự giày vò và tra tấn của nhân vật, với mục tiêu chủ chốt là khơi dậy sự buồn đau hoặc thương cảm ở người đọc.

Một số ví dụ về Misery Porn
Dần dần, nó mở rộng vòng tay ra hơn, và đến ngày nay, Misery Porn đã được dùng một cách khá đại trà, chỉ một tác phẩm có cốt truyện đau thương bi thảm bất kỳ. Tác phẩm không nhất thiết phải là theo style tự truyện như trước, hay thậm chí là về những sự kiện hay con người có thật nữa, miễn sao cứ đắm chìm trong đau thương thảm kịch hòng vắt nước mắt (hay, để khớp với cái tên nó hơn, “tuốt lươn mắt” 🐧 ) độc giả là đủ tiêu chuẩn để được gán cái mác này rồi.
Mặc dù tả ra thì nghe có vẻ tiêu cực, Misery Porn lại là một trong những thể loại phát triển mạnh mẽ nhất, cho thấy nó có một sức hút rất đáng nể. Có một số giả thuyết đã được đưa ra về cái nguyên cớ đằng sau việc chúng ta thèm khát đau thương đến thế. Một cách giải thích tiềm tàng là các tác phẩm này đóng vai trò như một bên trung lập, giúp ta lôi hết mọi thứ buồn tủi bình thường vốn hay chôn trong đáy lòng lên và xả chúng ra (thông qua việc bày tỏ thương cảm với những nhân vật trong truyện) một cách dễ dàng hơn là khi đối tượng cần cảm thương là bản thân hay ai đó quá thân thuộc với mình. Một lý giải khác là các tác phẩm ấy gây stress cho não, khiến não gia tăng giải phóng endorphin để cân bằng lại, tức về cơ bản chúng nó lừa cho bộ não tiêm thuốc phiện cho cơ thể, và cơn “phê” ta nhận được sau khi buồn khiến ta thèm muốn kiếm lại cảm giác ấy. Còn một lời giải thích khác là con người vốn là sinh vật xã hội, và cần phải cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng, có sự gắn bó nào đó, và hành động thương cảm một con người khác (kể cả nếu “người” ấy chỉ là nhân vật bịa đặt) cũng giúp “gãi” đúng cái chỗ ngứa đó, khiến ta cảm thấy như thể mình vừa hình thành một mối liên kết gì đấy với ai, đã được san sẻ tiến sát lại gần ai đó hơn.
Nhưng vì cái này liên quan đến tâm lý, thế nên tất nhiên chẳng có cái nào là chắc như đinh đóng cột hết đâu. Đến nhà tiên tri tâm lý mang tầm vũ trụ (theo nghĩa đen 🐧 ) Hari Seldon còn không dám phán 100% cái gì cơ mà 🐧.
Riêng cái thanh niên này thì anh em nhà chúng ta chắc chẳng còn ai lạ hết, bởi lẽ rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển trong kho tàng văn chương Việt Nam đều có thể được coi là Misery Porn. Ví dụ tiêu biểu bao gồm lão Hạch̶i̶ và cuộc đời túng quẫn đến nỗi phải bán con Q̶u̶ý̶t̶ Vàng, người bạn duy nhất của mình đi, và về sau phải tự sát với bả chó; Chí Phèo, một con người nghèo khổ vốn lành như cục đất, nhưng về sau vì bị xã hội chà đạp mà trở nên tha hóa, và rốt cuộc là đã giết Bá Kiến và để cuộc đời mình rơi vào đường bế tắc; chị Dậu với kiếp đời phải trả đủ thứ thuế từ sống đến chết, bán con bán chó và đi làm thuê như con chó mà rốt cuộc vẫn chỉ kiếm được một cái tiền đồ đen kịt; Thúy Kiều, người con gái một hai nghiêng nước nghiêng thành, sắc đành đòi một tài đành họa hai, nhưng số phận trôi dạt hết tay kẻ nọ người kia; ngay cả đến An với Liên, hai đứa trẻ không tới mức thảm kịch như những con người trên, mà cũng phải chịu một kiếp sống tù đọng, bí bách, phải tuyệt vọng bấu víu vào thứ ánh sáng phù du của các chuyến tàu đi ngang để tìm cho bản thân một hy vọng leo lét;…

Một Misery Porn kinh điển của văn học Việt Nam
Sci Fi cũng chẳng kém cạnh gì trong mảng Misery Porn này, đặc biệt nếu ta nhìn vào hai cái dòng như thể được trời sinh ra để đánh bạn với Misery Porn, ấy là Dystopia và Apocalypse/Post-Apocalypse. Ví dụ đầu tiên sẽ là Random Acts of Senseless Violence của Jack Womack, kể về một bé gái phải sống trong một thế giới nơi nền kinh tế cứ ngày một sa sút, và xã hội thoái hóa dần. Chỉ tính riêng những bi kịch xảy đến với nó và gia đình đã đủ khổ tâm lắm rồi, nhưng vì nó được kể lại qua góc nhìn hết sức ngây thơ, và đôi khi là bất lực, của nhân vật chính, cái sự đau thương của cuộc đời con bé càng bị nhân lên gấp bội.


Bên cạnh đó thì cũng phải kể đến The Road của Cormac McCarthy, lấy bối cảnh thế giới sau khi đã trải qua một thảm họa vô danh nào đó, và xoay quanh hai bố con cùng một chiếc xe đẩy hàng siêu thị lê bước đi tìm chốn an toàn. Tác phẩm đánh rất mạnh vào tình cảm giữa hai cặp cha con này, đồng thời đày đọa cuộc đời bọn họ bằng mọi phương thức có thể, để rốt cuộc kết lại với một bi kịch.


Khá tương đồng với The Road thì chúng ta có cái series game The Last of Us của Naughty Dog. Trong game đầu, nó về cơ bản là lấy y chang ý tưởng của The Road: cũng có hai bố con (bố con hờ, nhưng vẫn tính 🐧 ) cùng thực hiện một chuyến hành trình với nhau, cũng một loạt cái sự kiện xảy ra để cho thấy sự gắn bó giữa đôi bên và cái độ tăm tối của cái thế giới này. Nhưng không như The Road, đến cuối thì The Last of Us vẫn để cho cái kết tươi sáng hơn tí, chứ không đến nỗi mạnh tay chơi hẳn thành bi kịch. Nhưng sang đến phần 2 thì The Last of Us lại trở nên đen kịt hẳn, thành một cái Misery Porn thậm chí còn u ám hơn cả The Road.


Ngay cả ngoài hai cái dòng khét tiếng tối tăm kia thì chúng ta cũng không thiếu ví dụ về Misery Porn. Nổi tiếng nhất chắc sẽ là Flower for Algernon của Daniel Keyes, kể về một thanh niên thiểu năng được nâng cấp não, nhưng dần dần thoái hóa ngược lại. Ngay từ những chương đầu tiên, chúng ta đã có thể thấy luôn cái sự bi kịch trong đời sống của anh chàng đó, và mọi thứ càng thêm phần đau lòng bởi vì bản thân nhân vật chẳng hề nhận thức được một cách đúng chuẩn những gì đang diễn ra ở thế giới xung quanh.


Một ví dụ khác là truyện ngắn Sour Milk Girls của Erin Roberts, xoay quanh một đám trẻ con mồ côi sống ở cô nhi viện. Bên cạnh cái kiếp đời ở cô nhi viện hà khắc, khổ cực, nhìn cảnh bọn trẻ con nỗ lực tìm người nhận nuôi, cũng như cái thực tại đầy cay đắng là một số đứa thực sự vì quá lớn hoặc vì đòi hỏi chăm sóc đặc biệt sao đó mà chắc chắn sẽ chẳng ai muốn mang về cũng tội nghiệp vô cùng. Đặc biệt là khi chúng nó phát hiện ra sự thật về cái ký ức gốc của mình (vốn đã được cô nhi viện lọc bỏ khỏi não để tránh gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng) và đã phải đưa ra một quyết định cực kỳ đau lòng.


Một ví dụ thú vị khác là Animorphs của K. A. Applegate, kể về một nhóm thiếu niên sở hữu công nghệ biến hình, phải chiến đấu bảo vệ loài người khỏi cuộc xâm lăng bí mật của một chủng ốc sên ký sinh não. Series này dù có rất nhiều theme tăm tối, nhưng nhìn chung thì không đến nỗi thành Misery Porn. Tuy nhiên, nếu xét lẻ nó ra thì có một số tập nằm khít trong cái mảng này, đặc biệt là mấy tập do Tobias dẫn ở đoạn đầu. Thanh niên gần như có thể gọi là được sinh ra từ Misery Porn, với ngay từ cái gia cảnh gốc nó đã hết sức thê thảm rồi. Sau đó thì khi bị mắc kẹt trong lốt chim, thanh niên có một giai đoạn phải thích nghi với kiếp đời mới, và cái quyển đồng chí ấy dẫn gần như chẳng có chữ nào lại không mang vẻ khổ đau cả.


Beacon 23 của Hugh Howey cũng là một dạng Misery Porn. Truyện xoay quanh một anh cựu binh bị ám ảnh bởi quãng thời gian phục vụ trong quân ngũ của mình, và đã xin được đến trực một cái trạm tín hiệu ngoài không gian cô đơn để không phải nhìn mặt ai hết. Mặc dù nhân vật chính có cái kiểu ăn nói cũng hài hài và châm biếm, phần nào hao hao Mark Watney trong The Martian của Andy Weir, mọi tình tiết xoay quanh cuộc đời anh ta đều hết sức bi thảm, và cái giọng điệu hài hước chẳng tài nào che lấp nổi việc đây là một con người với tâm hồn đã quá tan nát, chẳng còn gì ngoài những dằn vặt đau khổ.

Những ví dụ kể trên hẳn sẽ có cái anh em thấy đúng, có cái thấy ngờ ngợ, chẳng hiểu sao lại có thể coi đó là Misery Porn được. Nguyên nhân là bởi không như phần đông các dòng khác, Misery Porn phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính chứ chẳng có tiêu chí đong đếm được cụ thể nào hết. Việc một tác phẩm có đủ đau đớn và cái thu hút chính liệu có phải là sự khổ đau để còn gán cái mác đó lên người nó hay không sẽ tùy theo cách nhìn nhận và độ “trơ” của người đọc. Nếu cảm thấy độ khổ đau trong truyện cao quá ngưỡng của bản thân hay cảm thấy nó xoáy quá nhiều vào mấy cái đấy thì với mọi người, đây sẽ là Misery Porn; nếu thấy độ đau của nó chưa đủ vượt ngưỡng, hay thấy mấy phần khác mới là điểm hút chính, thì đây sẽ không phải là Misery Porn với mọi người.
Bên cạnh đó, vì Misery Porn động đến tâm lý nên nó hơi bị gây tranh cãi chút. Rất nhiều người không thích cái kiểu nó cứ tìm cách khiến mình phải mủi lòng, cảm thấy đây như một cái trò thao túng tình cảm (đặc biệt cái hướng thao túng ở đây lại còn là tiêu cực nữa mới chết người chứ), và không ưa gì nó hết. Một số khác thì lại rất thích nó, bởi vì như đã nói đấy, nó tác động rất mạnh vào tình cảm, mà một khi con tim nó đã rung thì đến bố thằng não cũng phải chật vật lắm mới ghìm nó lại được, và nó bảo thích thì phải nhích thôi 🐧.


Thú vị một điều là Misery Porn thậm chí còn có một phiên bản ngoài đời thật, với độ gây tranh cãi còn cao hơn hẳn: Poverty Porn, về cơ bản chính là Misery Porn, nhưng mà xoáy sâu vào một cái thể loại khổ cực rất cụ thể, ấy là cái đói nghèo. Nó được dùng cực kỳ nhiều trong các chiến dịch gây quỹ từ thiện hoặc hoạt động xã hội, xuất hiện dưới dạng những bức hình, thước phim, hoặc bài viết đánh bật sự đáng thương của người nghèo lên, khiến người xem phải xúc động mà xì tiền túi ra hoặc làm theo ý muốn của người tổ chức chiến dịch nhằm xoa dịu xúc cảm của bản thân.


Dù được nhiều tổ chức lớn trên thế giới như UNICEF với Red Cross sử dụng, cái chiến lược này luôn hứng chịu rất nhiều chỉ trích, bởi không ít người cảm thấy rằng làm thế này giống kiểu lợi dụng nhân phẩm người khác, có vấn đề về đạo đức. Bên cạnh đó, thực tế đã chứng minh Poverty Porn còn gây ra một số hậu quả rất tai hại. Ví dụ bao gồm việc nó khiến quá nhiều tiền bạc và của cải bị dồn đổ vào một nơi trong khi những nơi khác cũng cần được hỗ trợ thì bị ngó lơ chỉ vì trông không đủ “bần;” hoặc việc nó khiến cả bên tổ chức lẫn bên nhận từ thiện không muốn tìm giải pháp dài hơi mà cứ muốn giữ cái sự nghèo để tiếp tục vắt tiền thiên hạ; hoặc nhiều tổ chức với cá nhân thậm chí còn cố tình bóp méo sự thật nhằm tạo ra các “tác phẩm” Poverty Porn “hấp dẫn,” vừa để kiếm chác thêm nhiều vừa để xúc cảm phủ mờ mắt thiên hạ, không ai dùng lý trí hỏi xem cụ thể chỗ tiền mình đóng sẽ được dùng thế nào, lợi hại ra sao với người dân địa phương, có quy trình quản lý kiểm toán gì không… CNN từng làm một bài khá sâu về vấn đề này, nếu quan tâm anh em có thể đọc thêm ở đây:
Nói tóm lại thì Misery Porn là một thanh niên khá lằng nhằng, vì cứ dính đến cảm xúc thì chẳng bao giờ có chuyện đơn giản hết. Anh em chỉ cần hiểu sơ lược về nó như vậy thôi, còn đâu thì vẫn như mọi lần, chẳng việc gì phải nghĩ nhiều cả, cứ thấy hay thì chiến, dở thì buông cho nhẹ đầu 🐧.
-----
Xem bài viết gốc tại: