-----------------------
Lại một cái đám nữa đến, lần này là bà nó. Nhà nó mắc cái nghiệp gì không biết.
Bà mất, vì đau buồn, người ta bảo thế. “Nhà chết liền mấy người cơ mà”. Cũng đúng. Có điều, bà chẳng buồn vì thương ai cả.
Chồng chết, vợ đầu lẫn con đầu lòng còn chưa sinh ra của con bà chết, rồi cả con bà cũng chết, vợ kế cũng chết luôn, kéo theo cả đứa cháu thứ hai. Bà đâm ra nghĩ mình bị nguyền. Nghe những người xung quanh, chắc bà mắc cái nghiệp gì đấy. Bà đi cũng giải hạn, giải nghiệp, bà mời thầy cúng về. Vàng bạc tiền mã, gà khỏa thân bóng láng, hương khói các thứ bày đầy ra trước linh cửu tổ tiên. Bắc nam, ngày tháng, đến cả giờ cũng lựa kĩ càng. Nom chuyên nghiệp phết, nom thật phết. Nhưng thứ thật duy nhất là đống lá mít bà đưa thầy cúng.
Bà ăn ngon được mấy ngày, mấy ngày sau, bà phun cả cơm ra vì sốc.
Thầy cúng bà mới về được lên tivi. Hay thật. Lên cả tivi cơ đấy. Hẳn là phải nổi tiếng lắm, theo hướng tích cực, nếu đó không phải kênh truyền hình quốc gia, ở chương trình thời sự, và hai chữ lừa đảo biến mất khỏi dòng tít.
Nhưng như thể chưa đủ sốc cho bà, mấy người đồng đạo hôm nay lại dạy thêm một giáo lí mới: không được thờ thần ngoại, không được nghe bói toán, cũng kiến. Bà lại trở về như ban đầu, có điều còn nơm nớp, sợ sệt hơn. Cúng kiến thành ra vớ vẩn, mất tiền oan, lại chẳng giải quyết được gì, còn đắc tội với Chúa. Bà đọc kinh còn nhiều hơn trước. Nỗi lo của bà giờ lại thêm một.
Bà lúc nào cũng sống trong nỗi sợ, bà lo không biết chừng nào đến lượt mình. Mấy người đi trước bà ai cũng chết bất đắc, bà thì khỏi cần bất đắc cũng chết. Già rồi, ai biết chuyện gì. Bà bị stress, bà chẳng dám đi đâu. Bà chỉ có đọc kinh, đọc gần như cả ngày.
Nhà vắng người, việc ít, ít ra bà cũng làm được, những vẫn chẳng đến đâu. Làm chẳng đến đâu, việc chất đống, bà càng thêm bực. Bữa cơm cũng vậy, bà nấu đi nấu lại một món, bà vơ được cái gì, nấu cái đấy. Thằng cháu chả ăn nổi. Nó xúc cơm rề rà, nó bỏ mứa lại. Bà ăn chả hơn gì thằng cháu, nhưng nó thì khác, nó phải ăn vào. Bình thường có bố, thét một cái là phải ăn, giờ chẳng còn ai, cơm lại khó nuốt, nó thành ra như thế. Bà dần nhớ lại cảm giác của mấy bà mẹ, nhưng là cảm giác bực. Nó không ăn, bà chửi vào mặt nó.
Thực chất vấn đề không phải là bữa ăn, bình thường bà đôi khi vẫn chửi nó. Vì bà bị stress. Bà sống trong nơm nớp, lo sợ. Bà lo cho tính mạng bà, bà chẳng quan tâm đến ai khác. Bà đâm ra đối xử tệ với cả những người bà vốn yêu thương (dù thực ra chỉ là để thõa mãn tư tưởng). Bà đâm ra căng thẳng, bà chẳng ăn được gì, bà chẳng muốn đi đâu.
Kết cục, bà bệnh ra đấy. Thật mỉa mai. Bà lo cho tính mạng, thành ra lại tự hại mình. Bà nằm ra đấy, một thứ còn mỉa mai hơn lại đến với bà. Thằng cháu, nó chẳng rời bà nó. Nhà nó chết hết rồi, không ở với bà thì ở với ai? Nhưng quan trọng nhất, bà mới chính là người đóng vai trò như mẹ nó. Một thời gian ngắn đối xử tệ chẳng thay đổi được gì.
Thấy thằng cháu không rời, bà bỗng nhiên khóc. Giờ bà lại tự trách mình. Bà chợt nhận ra, người mà bà nên lo lẽ ra phải là nó. Người chết toàn là những người xung quanh bà, bà phải lo cho nó mới đúng. Vậy mà bà đã làm gì ? 
Bà nằm cầu nguyện. Đời bà chẳng bao giờ thành tâm được như thế. Có điều lại là cái lúc bà sắp chết đến nơi. Bà đọc kinh với thằng cháu, buổi kinh cuối cùng.
 Rồi khi chai nước biển cạn, bà cũng đi theo. Lại một sự mỉa mai khác.
*
Đám bà thì khỏi phải nói, nó khóc như mưa. Nó với mấy người hàng xóm sang chăm sóc lúc bà bệnh. Mấy người hàng xóm vì họ mau nước mắt, họ thực ra cũng chỉ sụt sịt chứ chẳng khóc mấy, nó thì khác. Giọng nó nhỏ, nhưng tình nó to. Nếu đổi vị trí, tiếng nó phải hơn tất cả đám người đang sụt sịt ở đây cộng lại. Không, nhỏ quá. Nó phải bằng tiếng khóc của tất cả cái đám từng diễn ra trong nhà này mới đúng. Mẹ chết nó đã khóc lớn. Bà nó chết, những người xung quanh nó cũng sụt sịt, khóc, nó phải ở cái tầm khác.
*
Sau đó, nó về nhà ngoại ở. Nhà trước giờ vắng người, đám con lại toàn ở xa, có thêm thằng cháu, ít ra cũng vui cửa vui nhà.
(Còn tiếp)