Cuộc sống này vốn làm gì có ý nghĩa
Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Tại sao chúng ta lại tồn tại? Chúng ta sống vì thứ gì?...Đây có lẽ là những câu hỏi phổ biến nhất và nó...
Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Tại sao chúng ta lại tồn tại? Chúng ta sống vì thứ gì?...Đây có lẽ là những câu hỏi phổ biến nhất và nó có tuổi đời ngang bằng với lịch sử loài người.
Con người là những sinh vật rất tò mò. Từ thuở bình minh của giống loài, chúng ta đã luôn bị mê hoặc bởi những câu đố, những bí ẩn chưa được giải đáp. Đó là 1 bản năng không thể tách rời của con người. Thế nhưng tại sao trong tất cả câu hỏi, chúng ta lại tò mò về ý nghĩa của cuộc sống nhất? Bởi vì khác với động vật chỉ hành động theo bản năng, con người sở hữu tư duy ở mức độ cao. Chúng ta có sự tự nhận thức về bản thân, những việc chúng ta làm nhất định phải có 1 ý nghĩa nào đó. Chính vì vậy con người đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm kiếm ý nghĩa của những việc ta làm để hiểu hơn về bản thân. Và có 1 sự thật ai cũng phải thừa nhận rằng: càng bí ẩn thì con người càng tò mò. Chính vì vậy nên câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống mới phổ biến vậy, để phục vụ cho nhu cầu khám phá bản thân của con người.
Để trả lời cho câu hỏi này, các triết gia suốt chiều dài lịch sử đã đưa ra những lời giải đáp khác nhau. Điển hình như Plato, 1 trong 3 nhà triết học vĩ đại nhất lịch sử Hy Lạp cổ đại, đại ý cho rằng ý nghĩa của cuộc sống là theo đuổi tri thức. Bản thân người thầy của Plato là Socrates cũng có 1 câu nói mang hàm ý tương tự:" Một cuộc đời mà không có sự tìm tòi, khám phá là một cuộc đời không đáng sống" (An unexamined life is not worth living). Hay các nhà thần học và hầu hết các tôn giáo (trừ Phật giáo) thì tin rằng ý nghĩa cuộc sống là phụng sự Đấng Tối Cao mà người đó tin tưởng.
Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung chúng có thể được chia làm 4 nhóm quan điểm:
1. Cuộc sống có ý nghĩa khách quan 2. Cuộc sống có ý nghĩa chủ quan 3. Cuộc sống không có ý nghĩa 4. Cuộc sống có ý nghĩa siêu nhiên, không thể giải thích được
Trong bài viết lần này, mình sẽ đưa ra lời giải đáp cá nhân cho câu hỏi phổ biến nhất lịch sử: "Ý nghĩa của cuộc sống là gì?". Và để làm rõ, mình sẽ tập trung vào việc tìm kiếm ý nghĩa về mặt triết học hơn là ý nghĩa sinh học.
Đứng từ góc độ là 1 người vô thần và là 1 người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, mình phủ nhận quan điểm của các nhà thần học và các tôn giáo. Mình không tin vào 1 đấng sáng tạo, 1 thế lực siêu nhiên nào đó có khả năng sáng tạo ra cả vũ trụ. Chúng ta chỉ đơn giản là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra trong hàng tỷ năm mà thôi. Không 1 ai có thể hay có quyền quyết định số phận của chúng ta. Nếu như 1 đấng tối cao nào đó không tồn tại thì tại sao chúng ta lại phải làm theo ý của người ấy. Vì vậy nên theo mình, đó không phải ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Liệu niềm tin của mình không có cơ sở? Câu trả lời là không. Mình đã từng được nghe rất nhiều lập luận của những người hữu thần kiểu: " 1 đứa trẻ không thể sinh ra nếu không có bố mẹ. Tương tự như vậy vũ trụ, sự sống không thể tự dưng có nếu không do ai đó tạo ra." Đây là 1 ví dụ điển hình cho những phép lập luận kiểu vậy:
Nếu xét về mặt logic thì câu nói thực ra lại rất hợp lí. Kể cả bản thân mình là 1 người vô thần cũng phải thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, cũng có 1 cách giải thích khác cũng hợp lí không kém mà không cần viện đến 1 Đấng Sáng tạo. Chắc hẳn, thời học sinh ai cũng đã được học 1 lí thuyết khoa học hết sức nổi tiếng, thứ mà ai cũng phải thừa nhận là chân lí. Và đó là định luật bảo toàn khối lượng. Nó được phát biểu như sau:
Trong phản ứng hóa học, tổng khối lượng các chất đã tham gia phản ứng bằng tổng khối lượng các sản phẩm tạo thành.
Lomonosov, 1 trong 2 nhà khoa học đã tìm ra định luậ trên trình bày 1 cách tổng quát hơn:
"Tất cả những biến đổi xảy ra trong tự nhiên thực chất là nếu lấy đi bao nhiêu ở vật thể này, thì có bấy nhiêu được thêm vào ở vật thể khác. Như vậy, nếu ở đây giảm đi bao nhiêu vật chất, thì sẽ có từng ấy vật chất tăng lên ở chỗ khác".
Điều đó có nghĩa là về bản chất, vật chất không tự sinh ra mà không mất đi, mà nó chỉ đơn giản là chuyển từ nơi này sang nơi khác. Thực chất, cơ thể của bạn không hề tự tạo ra từ hư không. Từ khi còn là 1 bào thai trong bụng mẹ, chúng ta phát triển lên nhờ những dinh dưỡng truyền qua nhau thau. Những dưỡng chất đó đã được chuyển hoá thành năng lượng phục vụ đời sống, thành các các mô xương thịt của bạn.
Từ đó, chúng ta có thể an toàn khi cho rằng thế giới vật chất hay vũ trụ này không được tạo ra bởi 1 Đấng Sáng tạo, nó chỉ đơn giản là không do ai sinh ra hay cũng sẽ không mất đi. Có thể có người sẽ phản biện rằng thật vô lí khi cho rằng vật chất có thể tự tồn tại mà không cần tạo ra. Nhưng chẳng phải những người hữu thần cũng cho rằng Thượng Đế không do ai tạo ra đấy ư. Chưa kể điều này đã có bằng chứng khoa học ủng hộ.
Đó là 1 trong nhiều lí do mình không tin vào sự tồn tại của 1 Thượng Đế. Thế nhưng, bản thân mình cũng phải thừa nhận rằng vẫn có 1 xác suất nhỏ nào đó có 1 vị Đấng Sáng thực sự tồn tại và có thể rằng quan điểm của mình đã sai. Tuy nhiên vì chủ đề vô thần - hữu thần là chủ đề vô cùng phức tạp và mục đích bài viết cũng không bàn về vấn đề trên nên mình sẽ không đi sâu thêm.
Trở lại vấn đề chính, giả sử 1 Đấng Sáng tạo không tồn tại thì việc phụng sự ý Người là không có ý nghĩa. Đó chính là lí do mình không đồng tình với quan điểm về ý nghĩa cuộc sống của thần học và các tôn giáo. Còn dĩ nhiên bạn tin vào Thượng Đế hay không thì tuỳ bạn, mình hoàn toàn tôn trọng điều đó. Mình sẽ chỉ nêu chính kiến thôi.
Khác với quan điểm thần học, như đã trình bày ở trên, triết gia Plato cho rằng ý nghĩa cuộc sống là theo đuổi tri thức. Bởi theo Plato, tất cả chúng ta được sinh ra với tất cả kiến thức bên trong chúng ta nhưng chúng ta phải nhớ lại nó hoặc khám phá lại nó, đó là một khái niệm được gọi là anamnesis (sự hồi ức). Hay nói cách khác, ông cho rằng ý nghĩa của việc theo đuổi kiến thức là cách để khám phá những năng lực, sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi con người, ở đây chính là sức mạnh tri thức. Và thông qua việc khám phá được những giá trị ẩn sâu bên trong mà 1 cá thể sẽ hiểu hơn về chính mình. Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta ai cũng biết việc sinh ra đã có kiến thức là không đúng. Tuy vậy, nó vẫn không làm giảm đi giá trị to lớn của lời khuyên mà Plato đã để lại.
Tuy thực sự là 1 lời khuyên hữu ích nhưng nếu coi đó là ý nghĩa cuộc sống của tất cả mọi người thì sẽ là không đúng. Với 1 học giả, đúng là ý nghĩa cuộc sống của anh ta là theo đuổi tri thức. Nhưng với 1 nhà từ thiện, ý nghĩa cuộc sống của người đó lại là giúp đỡ người nghèo khổ khó khăn, là cho đi yêu thương. Với những người như vậy thì việc theo đuổi tri thức liệu còn có ý nghĩa? Chắc chắn là có, bởi việc trau dồi kiến thức luôn là 1 điều tốt nhưng liệu điều đó có thực sự cần thiết như đối với 1 học giả? Chắc chắn là không. Mỗi một người là 1 cá thể riêng biệt có suy nghĩ, tình cảm riêng, không thể áp đặt ý nghĩa cuộc sống 1 người vào người khác được. Và ngay cả khi điều đó là đúng đi nữa thì cũng hiếm ai có đủ thời gian và niềm đam mê để theo đuổi con đường tìm kiếm tri thức được. Nên sẽ thật bất hợp lí nếu coi việc theo đuổi kiến thức là ý nghĩa cuộc sống của con người.
Có 1 quan điểm khác là ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá thể chỉ đơn giản là sinh sản. Họ lập luận rằng thực chất việc 1 cá thể tồn tại chỉ là nhằm mục đích để bảo vệ nguồn gene của giống loài và đây là 1 việc tất yếu. Nhưng nếu nghĩ kĩ, thực chất việc sinh sản chỉ là 1 hành động bản năng của tất cả sinh vật, giống với việc ăn uống, hít thở,... Nếu áp dụng lập luận như trên thì sẽ dẫn đến kết luận ý nghĩa cuộc sống cũng chỉ đơn giản là để... thở. Dĩ nhiên, đây là 1 kết luận hết sức ngớ ngẩn và có 1 cách lí giải khác hợp lí hơn nhiều đó là ý nghĩa của cuộc sống chỉ đơn giản là để sống thôi. Về mặt sinh học, đây có thể là câu trả lời hợp lí. Nhưng nếu xét trên bình diện triết học, liệu nó có thoả đáng? Mình cho là không.
Trái ngược hoàn toàn với các quan điểm trên, chủ nghĩa Hư Vô (Nihilism) hay cụ thể hơn chủ nghĩa Hư vô hiện sinh (Existential nihilism) cho rằng cuộc sống này hoàn toàn không tồn tại ý nghĩa, bất kể trên phương diện chủ quan hay khách quan. Những người theo chủ nghĩa Hư vô cho rằng ý nghĩa của cuộc sống thực chất chỉ sự tưởng tưởng của con người chứ hoàn toàn không tồn tại. Vì vậy, việc đặt câu hỏi về nó là 1 việc hết sức phi lý.
Nhưng không có thật không có nghĩa là nó không cần thiết. Hãy lấy văn chương làm VD, đó cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng loài người. Thử tưởng tượng nếu văn chương chưa từng ra đời, đời sống tinh thần của xã hội sẽ xuống dốc thảm hại như nào. Sẽ không còn những cuốn tiểu thuyết nữa, không có những bài hát để nghe. Thậm chí cả bài viết này cũng không có nốt. Bản thân mình nhận thấy không ai sống không có ý nghĩa, không có mục đích mà có cuộc sống lại hạnh phúc cả. Bởi họ đã bị lạc lối, họ không biết mình sống để làm gì hay những việc mình làm có giá trị gì. Chỉ có những kẻ bi quan, chán trường về cuộc sống mới như vậy. Thử hỏi các bạn có ai muốn sống 1 cuộc đời như vậy không?
Vậy thế nào mới là ý nghĩa cuộc sống thực sự?
Mình cho rằng cuộc sống này thực chất vốn không có ý nghĩa. Ý nghĩa chỉ là thứ chủ quan được chúng ta tưởng tượng ra để khiến hiện thực thêm phần sống động và để thoả mãn trì tò mò vô hạn của loài người. Nhưng như mình đã nói không có thật không có nghĩa là nó không cần thiết. Mỗi người chúng ta nên tự tạo cho mình 1 ý nghĩa sống. Bởi mỗi người chúng ta là những cá thể riêng biệt, chúng ta có đặc điểm nhận dạng riêng, có suy nghĩ riêng. Nên việc cuộc sống mỗi người có 1 ý nghĩa riêng là hoàn toàn hợp tự nhiên. VD như 1 học giả thì ý nghĩa cuộc sống của anh ta sẽ là theo đuổi tri thức, nghiên cứu khoa học. 1 người làm từ thiện sẽ có mục đích sống là cho đi yêu thương đến những người bất hạnh. Hay 1 doanh nhân ý nghĩa cuộc sống của người đó là nỗ lực không ngừng để đạt tới thành công, không bao giờ từ bỏ khát khao...
Tuy mình ủng hộ mỗi người nên tự tạo ra 1 ý nghĩa cuộc sống riêng nhưng cái riêng đó nhất thiết không được tách khỏi cái chung. Mình đã nói là mình là 1 người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng đúng không. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Nghĩa là không có cái riêng nào tồn tại tuyệt đối độc lập, không có liên hệ với cái chung. Hãy lấy luật pháp làm VD. Hiện nay có hàng loạt loại luật khác nhau như Bộ luật Hình Sự, bộ luật Tố tụng Hình sự, bộ luật Lao động,... Tuy bàn về những khía cạnh khác nhau của luật pháp nhưng chúng tất phải dựa trên Hiến pháp, không được trái lại với Hiến pháp. Ở đây Hiến pháp đóng vai trò là cái chung còn các Bộ luật là cái riêng
Tương tự vậy, ý nghĩa cuộc sống mỗi người là khác nhau nhưng không được tách rời khỏi cái chung. Vậy cái chung đó là gì?
Theo mình đó chính là sự kiếm tìm niềm vui. Bạn thấy đấy, phần lớn các hành động của con người đều có thể được giải thích thông qua niềm vui. Bạn theo đuổi kiến thức, nghiên cứu khoa học vì bạn kiếm được niềm vui thông qua việc khám phá những điều mới. Bạn giúp đỡ người nghèo cũng vì cái niềm vui khi được trao đi yêu thương. Bạn chinh phục các thử thách, nỗ lực tiến lên trong cuộc sống 1 phần quan trọng cũng nhờ niềm vui nó mang lại. Bản chất việc đạt được ước mơ cũng là 1 niềm vui.
Thử tưởng tượng nếu mọi thứ trên đời này đều nhàm chán, cuộc sống này không có tiếng cười, sự vui vẻ thì liệu bạn có thể tiếp tục sống không? Nếu việc đạt được thành công không đem lại niềm vui cho bạn mà chỉ đem lại nỗi buồn thì bạn có dám đánh đổi tất cả để có được nó hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Bạn thấy đấy hầu như mọi hành động của loài người đều có thể được giải thích thông qua 2 chữ :"niềm vui". Nó là thứ thúc đẩy loài người tiến lên phía trước.
Thử hỏi nếu không nhờ niềm vui với việc làm máy tính, Bill Gates liệu có thành lập ra Microsoft không. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cũng vì thấy cảnh dân chúng lầm than, Bác vui khi chứng kiến nhân dân độc lập, ấm no. Bản thân mình viết bài cũng là nhờ niềm vui mà việc viết đem lại. Một cuộc đời ý nghĩa là 1 cuộc đời tràn đầy tiếng cười.
Tuy nhiên, chỉ mỗi kiếm tìm niềm vui thôi là không đủ. Niềm vui của 1 người nhất thiết phải không được làm tổn hại đến 1 người khác hay vi phạm quy chuẩn đạo đức. Bạn không thể nào kiếm tìm niềm vui từ những thứ VD như mai thuý được. Và hơn hết, kiếm tìm niềm vui gì thì cũng vừa phải thôi, cái gì quá cũng không tốt. Nếu như suốt ngày chỉ biết tìm kiếm niềm vui mà quên đi những công việc hàng ngày như kiếm tiền, chăm lo gia đình hoặc là sa đoạ vào các tệ nạn thì rất là không được.
Đó chính là quan điểm của mình về ý nghĩa cuộc sống.
Ý nghĩa cuộc sống chung nhất của mọi cá thể loài người là kiếm tìm niềm vui 1 cách có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Với mình, chỉ cần bạn sống 1 cuộc đời vui vẻ, không làm tổn hại tới ai, không bị sa lầy vào những thứ xấu là bạn đã sống 1 cuộc đời ý nghĩa rồi.
Thôi, chém gió thế cũng đã đủ rồi. Viết bài nhiều mình thấy mệt quá. Mình sẽ dừng ở đây thôi.
Để kết thúc bài viết, mình xin được dẫn câu hát mà mình tâm đắc nhất từ bài: "Sống cho hết đời thanh xuân"- Dick ft Xám ft Tuyết. Câu hát này là nguồn động viên mình những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống và đã trở thành nguồn cảm hứng sống của đời mình:
Tao chỉ muốn sống như 1 người bình thường, sống thì luôn phải tự do. Biết trân trọng những gì tao đang có, học cách vượt qua không bao giờ tao từ bỏ
Bài viết có tham khảo 1 chút từ:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất