Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Cách đây ít lâu, Amazon mới thông báo là sẽ ngưng dự án chuyển thể một trong những bộ truyện Sci Fi rất nổi tiếng: The Culture.
Trong trường hợp có anh em nào không biết, The Culture là một series Space Opera của tác giả người Scotland Iain M. Banks. Bộ truyện này gồm 9 cuốn tiểu thuyết cùng một tuyển tập các truyện ngắn, lấy bối cảnh là một tương lai xa, khi một số chủng loài người ngoài hành tinh cùng trí tuệ nhân tạo đã chung tay hình thành một nền văn minh hết sức tân tiến, có tên Culture.

Các tác phẩm trong series The Culture
Nền văn minh Culture giao phó toàn bộ kinh tế cho máy móc vận hành tự động, và nhờ thế mà đã chẳng còn thiếu thốn gì nữa cả. Điều này biến Culture gần như trở thành một thiên đường không tưởng, với mọi nhu cầu vật chất của các công dân đều được chu cấp hết, và ai cũng có thể thoải mái thích làm gì thì làm.
Nói cách khác, Culture là hình mẫu một xã hội chủ nghĩa lý tưởng, mang lại cho người dân một sự tự do vô tiền khoáng hậu.
Nhưng tất nhiên, chẳng có cái thiên đường nào là hoàn hảo 100% cả, và Culture không phải ngoại lệ. Vẫn có một số công việc không mấy tốt đẹp mà chính quyền Culture bắt buộc phải thực hiện để duy trì sự tồn tại của mình, chưa kể bản thân cái mã "thiên đường" của Culture còn bị một số nền văn minh khác trong thiên hà nhìn nhận với ánh mắt ngờ vực.
Sự xung đột về tư tưởng giữa Culture và những nền văn minh bên ngoài, những nỗ lực nhằm "văn minh hóa" vũ trụ theo quan điểm của xã hội Culture, cùng hoạt động không hẳn thích hợp đem ra bàn công khai trước thiên hạ của những con người và tổ chức dưới quyền kiểm soát của Culture (mặc dù họ có biết điều đó hay không thì là chuyện khác) hình thành nên những xung đột chính cho series này. Dựa trên đó, Iain M. Banks đã đưa ra những chiêm nghiệm rất thú vị về những vấn đề cũng như nghịch lý mà một xã hội tự do cấp tiến sẽ phải đối mặt, chưa kể còn tạo ra cả một vũ trụ rất hấp dẫn và độc đáo.

Orbital - một khu định cư ngoài không gian trong The Culture
Vụ The Culture tạch kèo chuyển thể qua làm mình nhớ lại cái mô típ các thế giới Utopia (tức xứ sở thiên đàng) trong SFF, cụ thể là cách chúng gần như… chẳng bao giờ tồn tại cả. Ít nhất là không tồn tại dưới dạng hoàn hảo. Hoặc là nó sẽ có những mặt trái tiềm ẩn, hoặc là nó chỉ “thiên đàng” từ một góc nhìn nhất định, hoặc nó sẽ mang tính không bền vững, hoặc đủ kiểu trời ơi đất hỡi gì đó khác.
Một ví dụ châm biếm về sự kém bền vững của thế giới Utopia
Utopia trong SFF thì muôn hình vạn trạng luôn, không thể đem ra nói hết được. Ngay cả nếu bốc random một xã hội Utopia trong một tác phẩm bất kỳ ra phân tích thì cũng sẽ hết ngày mất, bởi vì hiếm có cái Utopia nào chỉ cấu thành từ một, hai yếu tố lặt vặt cả. Chính thế nên hôm nay mình sẽ chỉ bàn đến một cái lý tưởng duy nhất hay được sử dụng làm nền tảng cho Utopia, cũng như cách nó xuất hiện trong SFF: chủ nghĩa hòa bình.

Biểu tình chống bắt lính nghĩa vụ ở London năm 1939, một ví dụ về chủ nghĩa hòa bình
Chủ nghĩa hòa bình vốn đã tồn tại từ rất lâu rồi, nhưng phải đến năm 1901, trong bài luận Code de la Paix (tức The Code of Peace, hay Điều lệ Hòa bình), nhà hoạt động chính trị người Pháp Émile Arnaud mới chính thức trao cho nó cái tên trứ danh của mình. Cái chủ nghĩa này thực ra khá là thoáng, với tôn chỉ chung nhất chỉ là đặt hòa bình lên đầu thôi, còn muốn định nghĩa cái hòa bình đấy như thế nào thì tùy vào quan điểm cá nhân. Có người sẽ tin vào chủ nghĩa hòa bình theo kiểu mình sẽ không chủ động gây sự hay làm hại gì ai, nhưng nếu bị tấn công thì sẽ vẫn chống trả; có người thì lại cực đoan hơn, hoàn toàn bài xích bạo lực, và sẽ không sử dụng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào, dù là để cứu mạng bản thân hay cứu mạng người khác; có người thì theo chủ nghĩa hòa bình theo kiểu sử dụng bạo lực như phương án cuối cùng, và ngay cả khi đã dùng đến bạo lực thì cũng sẽ bằng mọi giá hạn chế sức ảnh hưởng của nó, và tuyệt đối không để bạo lực tước đi sinh mạng con người nào, bất kể sự tình có ra sao; có người thì tin rằng chủ nghĩa hòa bình chỉ áp dụng cho con người, và động vật thì thuộc diện “miễn trừ”; có người thì lại tin đã hòa bình thì phải tuyệt đối, và không làm hại bất kỳ sinh vật nào trên đời cả;…
Ví dụ về chủ nghĩa hòa bình trong Sci Fi thì đầu tiên phải kể đến chủng tộc Pemalite trong series Animorphs của K. A. Applegate. Đây là một giống loài ngoài hành tinh đã phát triển công nghệ lên rất cao, đồng thời cũng đã đưa xã hội lên đến cái tầm mà xung đột gần như không còn tồn tại nữa. Chính vì ai cũng sống chan hòa với nhau nên, người Pemalite hoàn toàn không hề có bất kỳ một loại vũ khí nào cả, vì họ chẳng có bất kỳ lý do gì để phát triển chúng hết. Ngay cả người Chee, một chủng tộc rôbốt siêu việt do người Pemalite tạo ra, cũng được lập trình cho hoàn toàn không thể sử dụng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng rồi cái chủ trương này đã đẩy họ vào con đường diệt vong, bởi khi một giống loài ngoài hành tinh khác tên là Howler chường mặt đến và bắt đầu tàn sát họ, người Pemalite hoàn toàn không thể chống trả, và người Chee cũng chẳng còn biết làm gì khác ngoài đứng bất lực nhìn đấng sáng tạo của mình bị giết hại, dù cho họ hoàn toàn có thể xóa sổ binh đoàn xâm lược kia.

Một con tàu còn sót lại của người Pemalite sau khi bị tận diệt
Một phiên bản chủ nghĩa hòa bình khác tương tự như người Chee là các con rôbốt trong thế giới của Isaac Asimov. Bọn rôbốt này bị cai quản bởi một điều luật tối thượng là không được làm hại con người, hay để mặc con người bị hại mà không làm gì cả. Điều này tạo ra một số tình huống cực kỳ oái ăm nhưng cũng không kém phần thú vị. Nổi trội nhất là trong truyện ngắn Liar!, có một con rôbốt “lỗi” và có thể đọc được sóng não. Nói cách khác, nó biết đọc ý nghĩ con người. Điều này khiến cho nó luôn mồm nói ra những điều con người muốn nghe, cho dù nó biết sự thật ngược hẳn lại. Đơn giản bởi vì nó không thể làm tổn thương con người, và làm con người đau lòng/buồn cũng được tính là “tổn thương.” Một lần nữa, đây lại trở thành tử huyệt của nó, bởi khi hai con người cần nghe hai điều trái ngược nhau cùng yêu cầu nó trả lời, con rôbốt gặp phải một nghịch lý, và chết ngắc luôn.

Minh họa cho truyện ngắn Liar! trong ấn bản I, Robot của The Folio Society
Ngoài đó ra thì còn có một nhân vật với phiên bản chủ nghĩa hòa bình khá là kinh dị là Franken Fran trong series manga cùng tên của Kigitsu Katsuhisa. Fran là một bác sĩ, thế nên rất tôn trọng lời thề Hippocrates của mình, và không để cho nạn, à nhầm, bệnh nhân nào của mình chết. Tuy nhiên, cái số kiếp cuối cùng mà Fran để lại cho những người mình “chữa” gần như chẳng bao giờ là tử tế cả, và ta không khỏi nghĩ rằng cái sự hòa bình của cô nàng này còn man rợ hơn cả những hành vi bạo lực kinh hoàng nhất.

Một bệnh nhân được Franken Fran "cứu"
Fantasy cũng có những ví dụ về chủ nghĩa hòa bình của riêng mình, với phiên bản cực đoan nhất có lẽ sẽ là một bộ tộc người du mục có tên Tuatha'an trong series The Wheel of Time của Robert Jordan. Họ có chủ trương không dùng bạo lực dưới mọi hình thức, và ngay cả khi bị tấn công cũng không hề chống trả, thậm chí còn mong rằng hành động tấn công mình không khiến kẻ thù bị tổn thương quá nhiều, bởi vì ngay cả một chiếc rìu chém vào gỗ cũng phải cùn đi, thế nên một nắm đấm tống vào mặt cũng sẽ khiến bản thân kẻ ra đòn bị đau đớn. Đến lối sống của họ (sống trên những đoàn xe di động, nay đây mai đó) cũng thể hiện tư tưởng này, bởi nó cho phép họ ngay lập tức xách mông bỏ chạy trong trường hợp bị ai đó tấn công.

Minh họa người dân Tuatha'an trong cuốn The Shadow Rising của series The Wheel of Time
Một nhân vật khác mà chúng ta hẳn chẳng ai lạ lẫm gì hết, ấy chính là Tam Tạng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Tam Tạng là nhà sư, thế nên thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và hoàn toàn không hề sát sinh chút nào. Ngay cả trên một chặng đường lấy kinh nguy hiểm, nhiều lúc tính mạng bị đe dọa, Tam Tạng vẫn gần như không bao giờ viện đến vũ lực (tất nhiên là trừ khi con khỉ thích láo lờ, và lúc đấy thì auto niệm chú luôn 🐧 ), và sau khi thoát khỏi kiếp nạn rồi thì luôn chọn cách tha thứ và tin tưởng những kẻ từng hãm hại mình.

Đường Tam Tạng  và các đồ đệ của mình
Một tác phẩm Fantasy khác thậm chí còn đã tích hợp chủ nghĩa hòa bình vào một cách hấp dẫn đến mức cho phép chính chúng ta được quyền chọn ra quyết định có nên theo nó hay không, ấy chính là cái game Undertale do Toby Fox làm. Trong tác phẩm này, người chơi có thể chọn cách chiến đấu với những con quái mình gặp trên đường y như những game phiêu lưu khác, hoặc có thể chọn cách hoàn toàn không gây hại gì ai, chỉ né tránh và dùng món sở trường của Naruto, ấy là làm bạn chết cụ chúng nó. Undertale khắc họa chủ nghĩa hòa bình theo một cách gần như hoàn toàn tích cực, và ngầm khuyến khích người chơi chọn con đường ấy, bởi vì chỉ có phương án hòa bình này mới giúp người chơi làm quen được một cách đầy đủ nhất với một dàn nhân vật đầy thú vị, và có được cái kết đẹp nhất game.

Undertale và dàn nhân vật của mình
Nhưng những trường hợp như Undertale là rất hiếm hoi, và năm thì mười họa ta mới kiếm được một tác phẩm SFF thể hiện chủ nghĩa hòa bình với gần như không hậu quả xấu nào. Nguyên nhân là bởi ngoài đời thật, chủ nghĩa hòa bình cực kỳ khó có thể tồn tại, hay ít nhất tồn tại được lâu. Câu chuyện về dân tộc Pemalite nghe hoang đường là thế, nhưng thực chất nó từng xảy ra trong lịch sử thật của chúng ta rồi. Thay vì là người ngoài hành tinh chó, họ là tộc người Moriori trên quần đảo Chatham. Dân tộc này tuân thủ chủ nghĩa hòa bình một cách rất cực đoan, không bao giờ giết người cả. Khi dân Maori xâm chiếm hòn đảo và bắt đầu tiêu diệt họ, thậm chí còn ăn thịt họ, người Moriori vẫn quyết định rằng không thể phá bỏ nguyên tắc chủ nghĩa hòa bình chỉ để sinh tồn, bởi lẽ đây là một nguyên tắc đạo đức thiêng liêng. Chính bởi vậy mà dân Moriori ngày nay gần như đã bị xóa sổ, nay chỉ còn khoảng 700 người còn sót lại.

Ảnh chụp một nhóm người Moriori năm 1877
Có một số trường hợp có người tuân thủ chủ nghĩa hòa bình một cách rất triệt để, và họ không hề bị diệt vong mà thậm chí còn được tôn vinh như anh hùng. Tuy nhiên, đây toàn là các trường hợp nhỏ lẻ, và cũng như việc đến thánh sống như Tam Tạng mà còn chỉ có thể duy trì được chủ nghĩa hòa bình của mình bởi vì có đám đệ làm bạo lực hộ, đi kèm với họ hầu hết đều là những cái dấu hoa thị to đùng. Một ví dụ rất nổi tiếng là Desmond Doss, một cựu binh Thế chiến II. Doss theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm, thế nên dứt khoát không chịu giết người. Ông không bao giờ cầm vũ khí khi tập trận, và thậm chí còn cả khi ra ngoài chiến trường thật. Điều này khiến cho Doss bị đồng đội cực kỳ ghét, và đã gọi ông là Doss the Coward (Thằng hèn Doss). Tuy nhiên, trong trận chiến tại Vách đá Hacksaw, Doss vẫn xông vào giữa bão đạn của quân Nhật và cứu được 75 người ra khỏi vòng nguy hiểm, ngay cả khi toàn bộ lực lượng bên ông đã rút hết, và Doss chỉ có trơ trọi một mình. Chính nhờ điều này mà ông đã được chính phủ Mỹ trao tặng Huy chương Danh dự, và ngày nay được coi như một tượng đài của chủ nghĩa hòa bình.

Desmond Doss được Tổng thống Harry Truman trao tặng Huy chương Danh dự năm 1945
Dẫu vậy, có một thực tế mà nhiều người theo chủ nghĩa hòa bình cũng phải công nhận, ấy là Doss và những người như ông chỉ có thể làm được điều ấy bởi vì có đến hàng trăm ngàn con người khác đã cầm súng chiến đấu để giữ an toàn cho ông. Trong bài luận về chủ nghĩa dân tộc của mình, George Orwell, tác giả 1984, đã chỉ thẳng ra cái điểm bất hợp lý ấy, phê phán rằng những người khước từ bạo lực chỉ có thể làm được như vậy bởi vì có những người khác đang thực hiện hành vi bạo lực thay cho họ. Trước Orwell thì còn có Rudyard Kipling (tác giả Câu chuyện rừng xanh) cũng chỉ trích một điều tương tự với bài thơ Tommy của mình, nhạo báng cách dân Anh coi khinh những người lính trong thời bình vì họ là những kẻ sát nhân, trong khi chính những người lính này lại là lý do dân Anh có thể yên giấc đi ngủ mỗi đêm.

George Orwell và chỉ trích về chủ nghĩa hòa bình của mình
Như vậy, anh em hẳn có thể thấy rằng chủ nghĩa hòa bình trên lý thuyết thì nghe hay đấy, nhưng thực tế thì nó chẳng bao giờ ngon nghẻ như tô vẽ cả. Và vì SFF dù sao vẫn cứ là một tấm gương phản ánh thực tại (mặc dù “thực tại” này có kèm cả rồng rắn với tên lửa), thế nên nếu chủ nghĩa hòa bình mà có xuất hiện trong dòng này, nó cũng sẽ chẳng mấy khi toàn một sắc hồng cả.
-----
Bài đăng gốc: