Cuộc chiến 1954-1975 là một cuộc nội chiến?
Cuộc chiến 1954 - 1975 (Kháng chiến chống Mỹ) là một cuộc nội chiến?
1. Tên gọi của cuộc chiến 1954-1975
Từ bé đến lớn, khi học lịch sử lúc nào chúng ta cũng được nhồi nhét vào đầu 2 cuộc đấu tranh giành độc lập lớn nhất của dân tộc là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945-1954 và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1954-1975. Như thế không phải đã quá rõ ràng là cuộc chiến 1954-1975 là Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hay sao?
Nhưng tất cả chỉ là cái ta được nghe từ bé đến lớn nên mặc định nó là như vậy thôi. Thực tế là nếu bây giờ bạn search Google ''Kháng chiến chống Mỹ cứu nước'' thì Wikipedia sẽ trả về kết quả ''Chiến tranh Việt Nam''. Đó mới là cái tên được nhiều người biết đến.
Có 3 tên thường gặp để chỉ cuộc chiến 1945-1975: Chiến tranh Việt Nam (phổ biến nhất), kháng chiến chống Mỹ (tên gọi thường được người Việt dùng) và Chiến tranh Đông Dương lần 2.
Tại sao lại có nhiều cái tên cho một cuộc chiến như vậy?
2. Lý giải những cái tên
Phụ thuộc vào cách nhìn về bản chất của cuộc chiến mà xuất hiện những cách gọi tên khác nhau.
Ở nước ta, truyền thông đại chúng dùng tên ''Kháng chiến chống Mỹ'' hoặc ''Kháng chiến chống Mỹ cứu nước'' để chỉ cuộc chiến tranh này, phân biệt với các cuộc kháng chiến khác đã xảy ra ở Việt Nam như chống Pháp, chống Nhật, chống Mông Cổ, chống Trung Quốc. Việt Nam khẳng định rằng bản chất của cuộc chiến là kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ để thống nhất 2 miền Nam-Bắc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tên ''Chiến tranh Việt Nam'' thể hiện cách nhìn của người phương Tây hơn là của người sống tại Việt Nam. Với người Mỹ, đây là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống Cộng, chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á.
Theo quan điểm của những người ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ, cuộc chiến này là cuộc chiến để giữ miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á không thuộc về những người cộng sản, tránh những ảnh hưởng xấu của chủ nghĩa cộng sản lan truyền. Về mặt học thuật, hiện nay các học giả và sách báo ngoài Việt Nam thường sử dụng tên "Chiến tranh Việt Nam" vì tính chất quốc tế của nó.
Còn tên gọi ít được sử dụng hơn là ''Chiến tranh Đông Dương lần 2'', được dùng để phân biệt với Chiến tranh Đông Dương lần 1 (1945-1955), Chiến tranh Đông Dương lần 3 (1975-1989, gồm 3 cuộc xung đột ở Campuchia và biên giới phía Bắc Việt Nam).
Như thế, sau khi đã giải thích về những cái tên, mình xin phép gọi cuộc chiến 1954-1975 là ''Chiến tranh Việt Nam''.
3. Chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến?
Câu trả lời là không, chiến tranh Việt Nam không phải một cuộc nội chiến.
''Người Việt đánh nhau mà không phải nội chiến thì là gì?”. Trận Bailén năm 1808 trong chiến tranh Napoleon, tham chiến phía Pháp có lính Thụy Sĩ (mặc đồ đỏ) còn Tây Ban Nha đưa ra các trung đoàn Thụy Sĩ (mặc đồ xanh). Đây là ví dụ điển hình cho việc các phe đối lập tuyển lính đánh thuê của cùng một quốc gia. Cuộc chiến này không phải nội chiến mà là cuộc chiến giữa Pháp và Tây Ban Nha đấy thôi. Vậy nên chỉ vì lực lượng tham gia cùng là một quốc gia mà kết luận là nội chiến được.
''Vậy lấy gì để phân biệt ranh giới giữa nội chiến và không?''. Cũng là xét về lực lượng tham gia, nhưng cần xem về vai trò quyết định trên chiến trường. Nếu lực lượng chủ lực của 2 hay nhiều phe tham chiến là người trong quốc gia đó, vậy đây là cuộc nội chiến. Nếu có binh sĩ nước ngoài tham gia nhưng chỉ có vai trò hỗ trợ, đó vẫn là nội chiến . Còn nếu chủ lực một phe hoàn toàn là một hay nhiều đội quân nước ngoài, vậy thì cuộc xung đột vũ trang đó không phải nội chiến nữa.
Trong Chiến tranh Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam) và Mỹ là hai lực lượng chính, Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) chỉ là lực lượng đóng vài trò hỗ trợ. Vì vậy đây là cuộc chiến của người Việt với Mỹ chứ không phải người Việt với người Việt.
''Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, 2 năm đó toàn là người Việt đánh nhau, ít nhất thì 2 năm này cũng được coi là nội chiến?'' Mặc dù quân Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng tính chất của cuộc chiến tranh vẫn là cuộc chiến của Mỹ. Ngay trước năm 1973, Mỹ đã viện trợ ồ ạt cho chính quyền Sài Gòn một khối lượng phương tiên chiến tranh khổng lồ, chủ trương hiện đại hóa, tinh nhuệ hóa quân đội Sài Gòn bằng kế hoạch quân sự 6 năm (1974 – 1979). Năm 1973, quân chính quy của chính quyền Sài Gòn là 710 nghìn quân và 1,5 triệu bảo an dân sự. Toàn bộ lực lượng đó đều do Mỹ bảo đảm về trang bị, tác chiến.
Như vậy, bất chấp Hiệp định Pari đã được ký kết, Mỹ vẫn là một tác nhân chính cho việc tiêu diện lực lượng cách mạng ở miền Nam, muốn xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng hiện có, biến miền Nam Việt Nam thành lãnh thổ chỉ có một chính quyền tay sai của Mỹ.
4. Tạm kết
Thực tế, tuy không phải là nội chiến, nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại vết thương lòng sâu đậm cho người Việt Nam. Người Việt Nam tham gia chiến tranh với hai phía rõ rệt: phía cách mạng và phía theo Mỹ. Chiến thắng 30 – 04 – 1975 cho đến nay, thì một bên hằng năm kỷ niệm một cách long trọng, còn một số người khác thì lấy đó là “ngày quốc hận”, tâm lý này có cả ở một số cộng đồng người gốc Việt xa xứ. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói, là có hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Ngay cả Mỹ cũng là bên chịu thiệt hại nặng nề, cũng có những người lính Mỹ hy sinh trên đất Việt, cũng có những đứa con nhỏ chưa hề được nhìn mặt bố, những người vợ ngóng chồng ngày trở về. Chiến tranh bao giờ cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho tất cả các bên tham chiến.
Lịch sử đã không còn là lịch sử kể từ khi có người chép sử...
Cũng giống như câu nói của Joachim Peiper: ''Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng'', mỗi bên lại có cách nhìn về lịch sử khác nhau. Cái chúng ta cần là suy xét mọi chuyện theo thật nhiều góc nhìn, có cái nhìn khách quan nhất và tin vào những gì ta muốn tin...
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất