Chiến tranh Thanh - Việt (1788 - 1789)

Sau khi đã hiểu được về vấn đề tiếp tế, hậu cần trong quân đội, chúng ta hãy quay trở lại vấn đề quân Thanh xâm lược Đại Việt được nhắc tới ở phần trước và cùng xem các nhà sử học phân tích thế nào về vấn đề số quân Thanh xâm lược. Sử sách chúng ta hay ghi rằng vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh nhưng thực chất con số đó có đúng sự thật hay là mọi người đã thổi phồng lên để tô điểm cho chiến thắng?
Bắt đầu xem xét vấn đề, hãy giả sử rằng đúng là có 29 vạn quân Thanh tiến vào Đại Việt.
Thứ nhất, trong 29 vạn quân đó, có lính làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, tức không chiến đấu. Quân Thanh hẳn đã để lại quân đóng dọc đường rồi chuyển gạo liên tục từ Trung Quốc qua để tiếp tế cho quân đội. Tùy vào cách tổ chức quân đội mà lực lượng hậu cần đó đông hay ít. Số lượng dao động có thể từ 1/5 lực lượng đến 1/3 lực lượng, tức khoảng từ 6 vạn đến 10 vạn.
Thứ hai, không phải tất cả 29 vạn quân đều đóng ở Thăng Long. Kinh đô của nước Đại Việt bấy giờ lúc đỉnh điểm đông nhất là khoảng 1 triệu người, nhưng vào năm 1788 – 1789, do chiến tranh và mất mùa liên miên, hẳn số dân ở Kinh Thành đã giảm đi rất nhiều. Nếu 29 vạn quân đồn trú đều đóng hết ở đó, tức dân số tăng lên gần gấp đôi, không thể kiếm đủ lương thực cho từng ấy người và ngựa. Ngoài ra như đã nói ở trên, quân Thanh phải để quân đóng ở lại bảo vệ tuyến hậu cần.
Nhưng đó là nếu chúng ta chỉ tính thuần về mặt tổ chức hành quân. Nếu chúng ta nhìn tổng thể về cuộc chiến thì chúng ta có thể suy đoán được rằng có không quá 10 vạn quân Thanh tiến vào nước ta, thậm chí có thể chỉ là 2 vạn. Những lý do được đưa ra dựa vào quyển Việt – Thanh Chiến Dịch của Nguyễn Duy Chính là như sau:
-Không đủ lương thực ở miền Bắc để tiếp tế cho quân Thanh. 
“Miền Bắc vào những năm cuối cùng của nhà Lê là một khu vực nghèo khổ, nhiều nơi mất mùa, đói kém. Theo lá thư của Lefro gửi cho Bandin thì “… mùa này tháng Mười (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa] …”
-Lý do thứ hai là chiến dịch này là do ham muốn nhất thời của vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị, tức không được Quan Cơ Xứ, cơ quan tham mưu cao nhất triều đình nhà Thanh, chỉ đứng dưới vua, thông qua. Do đó nó không được lên kế hoạch chi tiết như các chiến dịch lớn khác. Tháng 7 năm 1788 vua Lê Chiêu Thống chính thức xin cầu viện nhà Thanh mà tháng 11 cùng năm quân Thanh đã tràn qua, thì không thể tập hợp đủ 29 vạn quân (cần nhắc lại, 29 vạn quân là số quân vô cùng vô cùng lớn thời bấy giờ) và từng đó lương thực nuôi quân trong 4 tháng ngắn ngủi. Nguyễn Duy Chính cũng ghi chép:
“Tổng số binh sĩ chiến đấu dưới quyền Tôn Sĩ Nghị không quá 5 vạn người (mặc dầu số dân phu có thể thêm nhiều vạn người khác) trong số đó một phần được phân chia để giữ các trục lộ tiến quân và vận chuyển lương thảo nên con số vào được đến Thăng Long để chia ra trú đóng phải thấp hơn. Bỗng dưng có thêm hàng chục vạn người ở khắp nơi hẳn sinh hoạt bình thường của quần chúng bị xáo trộn và vì thế con số được thổi phồng hơn cả sự thực.
[……]
Số lượng đông đảo như thế trú đóng ở một thành phố nhỏ bé như Thăng Long thời đó quả là một vấn đề, việc ăn ở sinh hoạt không đơn giản, dễ dàng gây ra bệnh truyền nhiễm, dịch tễ … còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh. Các phủ đệ của vua Lê và chúa Trịnh khi ấy cũng đã bị phá tan hoang rồi nên quân Thanh phải đóng quân ở bên ngoài, thời tiết khắc nghiệt của năm ấy khiến cho họ lâm vào cảnh hết sức khốn khổ lúc nào cũng chỉ mong được trở về đoàn tụ với gia đình nhất là vào dịp cuối năm.”
Chính vì lý do tiếp tế khó khăn cũng như đây không phải là chiến dịch hành quân lâu dài nên vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghĩ đã bàn bạc và thống nhất là sẽ rút quân sớm. Tức quân Thanh chỉ đánh lui quân Tây Sơn, sau đó yêu cầu Nguyễn Huệ hàng phục, rồi coi như Việt Nam bị tách thành hai nước, miền Bắc của vua Lê và miền Nam của triều Tây Sơn, cả hai đều thuần phục nhà Thanh.
Như vậy qua tổng hợp và phân tích thông tin, có thể thấy trên thực tế, số quân Thanh tham chiến khi quân Tây Sơn tấn công Thăng Long chỉ có khoảng 2 vạn, vì phải tính cả quân để lại trên đường đi cũng như lính bị thương, tử trận trong lúc chiến đấu tiến vào Thăng Long và bị bệnh.

Chiến tranh thần tốc

Như vậy chúng ta đã thấy, giới hạn cho các cuộc chiến tranh cũng như cho các chiến dịch quân sự luôn là khâu hậu cần và chuỗi cung ứng, và điều đó đúng cho đến hiện nay. Chỉ cần một người lãnh đạo có thể tổ chức và quản lý được chuỗi cung ứng tốt hơn kẻ thù, ông ta đã có ưu thế vượt trội hơn hẳn kẻ địch trên chiến trường rồi.
Trên thế giới có những vùng đất khô cằn đất đầy khắc nghiệt, nơi con người sống lang bạt và chia thành các bộ lạc chém giết nhau. Cuộc sống ở đó khắc khổ, con người không có canh tác, không làm ruộng, sống du mục, kiếm đồ dựa trên những gì thiên nhiên ban sẵn, xã hội ở đó được xây dựng dựa trên luật rừng. Vùng đất khắc nghiệt ấy có thể sản sinh ra những chiến binh gan lỳ nhất trên thế giới nhưng nó không đủ tinh xảo để tạo nên những đế quốc lớn. Thế nhưng vào thế kỷ XIII, một con người đã xuất hiện và sau khi được tôi rèn qua những khoảng thời gian khắc nghiệt trên một vùng đất hoang dã, ông ấy đã tạo nên một phép màu. Nhờ ông, một đế quốc rộng lớn nhất từ trước tới giờ đã được hình thành. Tên ông ấy là Thành Cát Tư Hãn.
Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Ulan Bator, thủ đô nước Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn có tên thật là Thiết Mộc Chân. Ông thống nhất Mông Cổ vào năm 1206 và bắt đầu hành trình chinh phạt của mình bằng cuộc xâm lược nước Tây Hạ vào năm đó.
Chúng ta không hề xa lạ với đế quốc Mông Cổ, một đế quốc được tạo nên bởi những kẻ lạnh lùng, khát máu trên lưng ngựa. Khi nhắc đến các đạo binh Mông Cổ, chúng ta nghĩ đến những cung thủ xuất sắc có thể bắn đủ các tư thế trên lưng ngựa, hay là những đạo quân đông phủ đen đường chân trời, hoặc là một rừng mưa tên che hết ánh sáng mặt trời. Đó đúng là những hình ảnh đặc trưng của binh lính Mông Cổ, nhưng nó không cho thấy hết được sự ưu việt của quân đội Mông Cổ thời đó giờ.
Một trong những ưu thế tuyệt vời của quân Mông Cổ, ngoài chiến thuật và tài lãnh đạo tuyệt vời của Thành Cát Tư Hãn cùng các tướng lãnh của ông, là họ đã biết tận dụng tối đa ưu thế về lối sống và ngựa để tạo nên bộ máy hậu cần vô cùng độc đáo. Cũng như những đạo quân xâm lược từ thời La Mã, binh lính Mông Cổ cũng cướp bóc hoặc trưng dụng lương thực của dân địa phương để ăn, nhưng chỉ như vậy thôi thì không đủ để cho thấy tại sao họ lại thành công trong các cuộc xâm lược như thế. Như đã nói ở trên, người Mông Cổ từ nhỏ đến lớn sinh sống ở những vùng đất khô cằn, do đó họ có thể chịu đựng được những cuộc hành quân trên đường xa với lương thực ít ỏi. Họ cứ ngồi trên lưng ngựa cả ngày với một ít đồ khô để ăn. Các ghi chép lịch sử từ Marco Polo cho thấy lính Mông Cổ có thể đi đường 10 ngày liền chỉ dựa vào lương khô, không cần nấu ăn. Điều đó đồng nghĩa với việc quân Mông Cổ có rất ít xe chở hàng hóa, và như ta đã biết, một đội quân càng tinh gọn, càng ít mang theo xe thồ thì càng di chuyển nhanh. Nhưng trong khi ăn ít chỉ giúp họ tinh giản bộ máy quân sự thì ngựa mới là thứ giúp họ đạt được tối đa sự hiệu quả trong việc vận hành bộ máy đó. Mỗi người lính Mông Cổ sẽ mang theo từ 3 đến 5 con ngựa, và khi một con ngựa mệt họ lại thay ngựa. Trên những đoạn đường hành quân dài thiếu lương thực, họ có thể uống sữa ngựa cầm hơi hay là thậm chí ăn thịt ngựa. Ưu thế của việc tổ chức hành quân thế này là họ có thể mang một đạo quân lớn để đi chinh chiến. Nếu như một binh đoàn La Mã gồm 6000 quân thì chỉ có 4800 quân là chiến đấu và 1200 lính còn lại lo việc hậu cần, thì một đạo quân Mông Cổ gồm 60,000 người thì sẽ có 60,000 lính chiến đấu. Nhưng để tiến hành chiến dịch quân sự theo kiểu như thế không hề dễ dàng và Thành Cát Tư Hãn đã lập ra một thói quen mà con cháu ông đời sau luôn áp dụng, đó là lên kế hoạch rất tỉ mỉ cho mỗi cuộc hành quân.
Tranh tái hiện quân đội Mông Cổ đang hành quân. Do ngựa là yếu tố then chốt cho sự thành bại của chiến dịch nên người Mông Cổ phải chọn đường hành quân rất kỹ càng.
Như đã nhăc ở phần trên, quân Thanh đại bại một phần là vì họ tổ chức chiến tranh mà không có kế hoạch cụ thể. Ngược lại, quân Mông Cổ bắt buộc phải làm điều đó. Một đạo quân Mông Cổ chinh chiến ở Trung Á gồm 60,000 lính sẽ cần 300,000 ngựa, và các giáo sư sử học đã tính toán là toàn bộ 300,000 ngựa ấy sẽ cần một lượng cỏ mọc trong 20 cây số vuông mỗi ngày. Để dễ hình dung, hãy giả sử toàn bộ Nha Trang với diện tích 251 cây số vuông được phủ đầy cỏ thì trong vòng 13 ngày, bầy ngựa ấy sẽ ăn sạch cỏ ở Nha Trang. Không hề dễ dàng để đáp ứng đủ nhu cầu ăn nhiều như thế của bầy ngựa, chưa tính đến nước uống. Giải quyết vấn đề đó là giải quyết đượcmột vấn đề cốt tử cho người Mông Cổ vì thành bại của cuộc chiến phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của ngựa của họ.
Do đó người Mông Cổ buộc phải tổ chức trinh sát đường đi, vẽ lối đi đường và khảo sát vô cùng kỹ về thời tiết, lượng cỏ mọc bên đường cũng như các nguồn nước cho ngựa. Đây là một công việc cực kì công phu, đòi hỏi trình độ quản lý vô cùng cao, cũng như khả năng xử lý thông tin rất chính xác, và họ mất một năm để làm thế. Chính vì vậy nên khi họ bắt đầu tấn công, họ đã quen thuộc đường ở nước lạ như đường ở nhà. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn quyết định tấn công Vương quốc Khwarezmia để trả thù cho đoàn sứ thần bị sát hại nhưng phải một năm sau, đạo quân của ông mới xuất kích, sau khi đã thu thập vô số dữ liệu từ các thương nhân cũng như tin tức gửi về từ các gián điệp, các đạo quân trinh sát. Điều đó cũng lặp lại ở châu Âu, người Mông Cổ đã cho quân đi trinh sát hàng năm trời trước khi xua quân tấn công vào vùng Volga Bulgaria vào năm 1236. Vì có một kế hoạch hành quân kỹ lưỡng như thế nên mỗi khi quân Mông Cổ đánh, họ đánh rất nhanh.
Nhưng người Mông Cổ không chỉ có hệ thống tiếp tế ưu việt, họ còn khôn ngoan khi biết học hỏi từ các quốc gia khác. Ưu thế của một quốc gia không bị áp đặt bởi một ý thức hệ hay tôn giáo là họ luôn có đầu óc mở để tiếp thu những thứ tinh hoa từ các nền văn hóa khác. Vì họ không có tư tưởng coi khinh người Trung Quốc hay ghét người Đạo Hồi, hay ghét thương nhân như tư tưởng Nho Giáo, nên họ đã nhanh chóng học cách tổ chức hậu cần của người Trung Quốc cũng như các công nghệ vây thành, dùng thuốc súng. Họ sẵn sàng để người Hán dạy họ về các chiến thuật mới, cũng như học hỏi về văn hóa của người Hồi Giáo, kinh nghiệm buôn bán ở Trung Đông. Vì thu thập những thứ tinh hoa nhất của các nền văn minh khác nhau nên bộ máy chiến tranh của người Mông Cổ không chỉ thụt lùi sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn vào năm 1226 mà còn trở nên tinh xảo hơn. Khi quân Mông Cổ tấn công vương quốc Khwarezmia năm 1218, Thành Cát Tư Hãn bổ sung vào hệ thống tiếp vận của mình những chuyên gia người Trung Quốc và các máy bắn đá để công thành. Dù muốn hay không thì máy bắn đá khổng lồ cũng không thể di chuyển nhanh được, do đó người Mông Cổ đã học thêm từ người Hán cách tiếp tế đường dài cho bộ binh.  
Do đó ta thấy rằng người Mông Cổ không chỉ thành công nhờ vào tài tổ chức hậu cần, họ đã biết cách xây dựng một đội quân đầy tính kỷ luật với các chiến thuật đánh trận chưa từng có trước đây, cũng như có tinh thần học hỏi, tiếp thu những thứ tốt nhất từ các nền văn minh khác nhau.

Vó ngựa Mông Cổ và trường thành châu Âu

Cũng vào lúc quân Mông Cổ đang bành trướng với các đạo quân hành quân như chớp thì ở Châu Âu, chiến tranh chớp nhoáng là điều hiếm hoi. Thứ nhất để có chiến tranh chớp nhoáng, quốc gia gây chiến cần phải có một tổ chức quân đội tốt, đầy kỷ luật và một hậu phương hùng mạnh, tức một tổ chức xã hội trình độ cao. Sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã vào thế kỷ thứ 5 đã làm thụt lùi nhân loại theo đúng nghĩa đen, đến mức các nhà sử học gọi đó là thời kì Đen Tối – Dark Ages. Thời kì đó bị gọi là đen tối không phải bởi vì nó thiếu đi các phát minh lớn hay là các bước đột phá về triết học, khoa học. Nó đen tối là vì con người mất đi các kiến thức cũng như những chuyên gia về tổ chức xã hội quy mô lớn. Các kinh nghiệm quý báu về việc tổ chức xã hội ở quy mô khổng lồ, một xã hội tinh xảo có thể huy động nguồn lực vật chất từ hàng triệu người, một xã hội có thể dung hòa được sự khác biệt tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ như thời La Mã đã biến mất. Không còn một chính quyền trung ương hùng mạnh, các quốc gia châu Âu mới chỉ là những vương quốc manh mún với một đội quân nhỏ bé, rệu rã. Nếu bạn có 10 triệu người, thì 10 triệu người ấy hoạt động tốt hơn trong một xã hội và tạo ra một đội quân mạnh hơn so với 5 quốc gia có tổng cộng 10 triệu người. Không phải ngẫu nhiên mà nước Đức, sau khi được thống nhất từ hàng chục các vương quốc bé nhỏ bởi Bismark vào năm 1870, đã trở thành siêu cường của thế giới và sau đó hai lần liên tục thay đổi lịch sử nhân loại.
Diện tích Đế quốc La Mã vào năm 117 Sau Công Nguyên, đây là thời cực thịnh của đế quốc
Châu Âu và Trung Đông vào năm 476 Sau Công Nguyên, sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ
Lý do thứ hai dẫn đến sự lụi tàn là sự trỗi lên của thành trì và lâu đài. Thành trì đã xuất hiện từ thời La Mã nhưng đến thời Trung Cổ, trình độ xây thành đạt đến mức độ tinh hoa và thành trì được xây dựng nên khắp nơi, một phần là nhờ vào kinh nghiệm thu được trong các cuộc thập tự chinh ở thế kỷ XI và XII. Các thành trì hùng mạnh khiến cho cuộc chiến tranh diễn ra theo gần như một mô típ: vây thành, và những trận đánh dàn quân cũng như những đòn đánh tạt sườn, bao vây đối phương trở nên vô cùng hiếm hoi. Và quân phòng thủ luôn có xu hướng chọn thủ thành là vì nó rất tiện lợi, họ chỉ ăn uống bên trong ngồi chờ tiếp viện, có thể phụ trồng trọt sản xuất, trong khi quân tấn công phải nằm ngoài trời giá rét, phải luôn nơm nớp lo sợ bị thiếu thốn lương thực, bị phục kích, bị dịch bệnh tấn công.
Nếu ai đọc về sự tấn công của quân Mông Cổ ở châu Âu, người đó sẽ dễ dàng cảm nhận được cơn sấm sét qua các lời văn miêu tả, cứ như các vó ngựa Mông Cổ có thể san bằng các thị trấn ở châu Âu một cách dễ dàng. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu bối cảnh lịch sử của cuộc xâm lược. Quân Mông Cổ tấn công Ba Lan và Hungary vào những năm 1240 một cách đầy bất ngờ, và những ông vua và lãnh chúa ở hai quốc gia này đã sai lầm khi cho quân họ ra chiến đấu trực diện với người Mông Cổ và đã bị đại bại tại Legnica và Sajo. Nhưng quân Mông Cổ không thể làm gì được với các thành trì, pháo đài vững chắc. Ở Hungary họ chiếm được các vùng đồng quê nhưng không thể chiếm được các pháo đài vững chắc ở Fehérvár, Veszprém, Tihany, Győr, Pannonhalma, Moson, Sopron, Vasvár, Újhely, Zala, Léka, Pozsony, Nyitra, Komárom, Fülek và Abaújvár. Và nếu họ đã không tiến qua được Hungary thì ta có thể suy luận rằng họ sẽ chẳng san phẳng nổi các vương quốc ở Đức, Pháp và Ý. Ở đấy có hàng nghìn các thành trì lớn nhỏ, thay vì chỉ một thành trì lớn ở các vùng quan trọng như Trung Hoa. Người Mông Cổ có thể vây thành và công thành như họ đã làm ở Trung Quốc và Trung Á nhưng điều đó có nghĩa là họ sẽ mất cả năm trời chỉ để tiến thêm được vài chục dặm đường. Tệ hơn nữa, họ không có đủ khả năng tiếp tế một đạo quân khổng lồ ở phương xa lâu như thế. Một yếu tố khác khiến chúng ta có thể chắc chắn là người Mông Cổ sẽ thất bại khi tiến vào Tây Âu là yếu tố địa hình. Tây Âu thế kỷ 13 không phải là Tây Âu hiện nay với các thảo nguyên bạt ngàn, đó là châu Âu của những cánh rừng rậm dày đặc không ánh mặt trời, của bùn lầy, của các ngọn đồi dốc đứng mà ngựa sẽ không bao giờ tiến vào được và nếu có vượt qua được thì cũng không thể duy trì chiếm đóng lâu dài do giới hạn về tiếp tế. 
Tường thành Constantinople, thủ phủ của đế chế Đông La Mã, Istabul ngày nay. Có hàng nghìn các thành lũy, pháo đài như thế này ở Tây Âu và quân Mông Cổ khó có thể có đủ công sức và thời gian để công phá hết các thành lũy đó
Điều này không chỉ là suy đoán. Attila, thủ lãnh dân tộc Hung Nô, kẻ đã gieo bao khiếp vía cho người La Mã vào thế kỷ thứ 4 và 5, cũng đã tổ chức những đợt “xâm lược” vào lãnh thổ La Mã từ vương quốc của mình ở Hungary. Trong khi ông ta thành công trong việc đánh bại quân đội La Mã trong những trận giao tranh ở chiến trường, ông ta không thể công phá các thành trì của người La Mã và khi quân Hung Nô tràn vào các thị trấn, họ chỉ có thể cướp bóc rồi rút lui. Ngoài ra ông ta chỉ có thể giao chiến ở những vùng thảo nguyên gần Hungary chứ không thể băng qua những cánh rừng dày đặc để tiến vào Tây Âu. Những cuộc “xâm lược” đó chỉ là những đợt cướp bóc không hơn không kém.
Như vậy chúng ta có thể thấy những thứ đặt ra giới hạn cho phạm vi hoạt động và hành quân của những đạo quân lớn trong lịch sử đều liên quan đến logistics. Địa hình rừng rậm dày đặc và bùn lầy, cùng núi đồi hiểm trở ở châu Âu khiến cho: a) kỵ binh Mông Cổ gặp nhiều khó khăn khi hành quân và b) nếu kỵ binh có thể vượt qua được thì họ cũng sẽ gặp khó khăn khi mang vũ khí công thành và c) nếu họ có thể mang được vũ khí công thành và thực hiện vây thành thì họ sẽ không thể tiếp tế được cho đội quân vây thành trong thời gian dài.

Chiến tranh Nguyên - Đại Việt và giới hạn của người Mông Cổ

Nếu như ở trên chỉ là giả thuyết thì cuộc chiến giữa quân Mông Nguyên và Đại Việt ở thế kỷ thứ XIII là minh chứng cho thấy giới hạn của các tuyến tiếp tế ảnh hưởng lớn thế nào đến các chiến dịch chiến tranh.
Chiến trường ở Đông Nam Á là bài kiểm tra khó nhất cho quân Mông Cổ, những kẻ đã vào Nam ra Bắc, đánh Đông dẹp Tây, những kẻ đã chịu đựng cái khắc nghiệt của thảo nguyên Mông Cổ, băng qua sa mạc Gobi, đánh nước Nga vào mùa Đông cũng như vượt qua cái nắng như thiêu đốt ở Trung Đông. Chiến trường Đông Nam Á là chiến trường cuối cùng mà họ sẽ giao chiến.
Khi người Mông Cổ tiến quân vào Đại Việt lần đầu năm 1258, họ không chuẩn bị cho một sự chiếm đóng lâu dài và chỉ muốn cướp bóc và thị uy hòng bắt vua Trần thuần phục, do đó họ đã không tổ chức tiếp vận cho một cuộc chiếm đóng. Chính vì vậy khi quân nhà Trần rời khỏi Thăng Long và phá hủy các kho lương thực, quân Mông Cổ đã gặp vấn đề trầm trọng về việc tiếp tế. Và cũng tại đây, họ đã gặp phải những vấn đề chưa từng có. Thứ nhất là khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao. Thứ hai là bệnh tật. Nên nhớ rằng vào thời kì cổ xưa, khi con người chưa có thuốc kháng sinh và vaccine, chỉ có hai thứ mới giúp họ khỏe mạnh, đó là thức ăn và khí hậu. Quân Mông Cổ ở Thăng Long không có lương thực lại không phù hợp với khí hậu nên dễ dàng sụt giảm ý chí chiến đấu, sức khỏe giảm sút. Khi quân Trần phản công mạnh ở Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ đã rút chạy luôn về Trung Quốc.
Nhìn một cách khách quan, quân nhà Trần đã dựa vào yếu tố tự nhiên để thắng trong cuộc chiến đầu tiên hơn là do yếu tố lãnh đạo, đọc các ghi chép ta thấy rằng tuy chiến đấu anh dũng cản bước giặc nhưng quân Trần đều thua trận và việc bỏ thành Thăng Long là bất đắc dĩ phải làm, chứ không phải là kế hoạch từ trước. Tuy vậy trong cuộc chiến thứ hai và thứ ba, quân Trần chiến thắng ngoài nhờ yếu tố tự nhiên còn nhờ tài chỉ huy xuất sắc của các tướng lãnh, nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trong hai cuộc chiến sau đó vào năm 1285 và 1288, quân Mông Cổ vẫn gặp những vấn đề cũ: lương thực và khí hậu. Vấn đề đó không chỉ có khi họ tấn công Đại Việt, vào năm 1282 khi quân Mông Cổ của tướng Toa Đô tấn công Chăm Pa, ông ta cũng đã vô cùng khốn đốn vì quân Chăm đã rút hết vào rừng tổ chức đánh du kích, để cho người Mông Cổ chết dần chết mòn trong khi hậu nóng nực và dịch bệnh. Những đội quân của Mông Cổ vốn quen vơi lối tấn công đánh nhanh thắng nhanh, khi bất ngờ bị khựng lại và không biết phải làm gì, thì nhanh chóng lúng túng và yếu đuối. Họ không quen với kiểu đóng quân, canh chừng du kích. Và tệ hơn là họ không có hệ thống hậu cần để tổ chức tiếp vận lâu dài.
Tranh tái hiện trận thủy chiến ở sông Bạch Đằng năm 1288. Quân Trần ở đây đã chặn đánh và tiêu diệt toàn bộ quân Nguyên đang rút lui.
Đại Việt và Chăm Pa không hề có những vựa lúa lớn để nuôi quân nên quân xâm lược chỉ có thể trông chờ vào tiếp vận ở hậu phương hay cướp bóc dân bản địa. Nhưng khi dân bản địa rút đi hết và dùng chiến thuật vườn không nhà trống thì quân xâm lược chỉ còn có thể dựa vào tiếp vận. Cũng lưu ý rằng khó có thể tin vào con số 50 vạn quân Nguyên xâm lược Đại Việt năm 1285 vì không đủ khả năng tiếp tế cũng như chỗ ở cho từng ấy quân, giống như quân Thanh sau này. Năm 1288, rút kinh nghiệm từ lần đại bại trước, quân Mông Cổ tổ chức tiếp vận bằng đường thủy. Như phần trước đã ghi, tiếp tế đường thủy là hiệu quả nhất vì một đội quân vừa phải cũng đủ để tiếp tế cho cả một đạo quân khổng lồ. Nhưng quân Trần đã tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương này của quân Nguyên ở trận Vân Đồn, và như thế đánh đòn chí tử vào nỗ lực xâm lược của quân Nguyên. Trên Wikipedia tiếng Việt có ghi:
“Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Vân Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh châu.
Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn.
[…]
Thoát Hoan vây đánh Thăng Long, chờ mãi không thấy thuyền lương của Trương Văn Hổ tới, bèn sai Ô Mã Nhi đi đón. Ô Mã Nhi khi đi tìm đoàn thuyền lương phải qua đây và đã bị tập kích ở cửa Văn Úc (ngày 10 tháng 2 năm 1288), và trên biển gần Tháp Sơn, bị thiệt hại nặng mà vẫn không thấy Trương Văn Hổ đâu, đành quay về Vạn Kiếp. Dọc đường về Vạn Kiếp, Ô Mã Nhi đã cướp được 4 vạn thạch gạo. Các đơn vị của Abaci cũng đã giao chiến với quân Trần tại Tháp Sơn và cũng cướp được một ít lương thực.
Ở Thăng Long mà không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Đã vậy, quân Đại Việt đã phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường về Vạn Kiếp. Trước tình hình như vậy, Thoát Hoan rút quân khỏi Thăng Long quay về Vạn Kiếp, sai Abaci đi tiên phong mở đường.
Nguyên sử chép rằng quân Nguyên bi dịch bệnh rất nhiều, không thể tiếp tục tiến binh nên phải lui trở lại.”
Như vậy nhìn lại ba cuộc chiến giữa quân Nguyên và Đại Việt, chúng ta đều thấy vai trò của việc tiếp tế cũng như yếu tố thời tiết, khí hậu. Quân Trần luôn biết giữ gìn lực lượng nhẫn nhịn, biết tận dụng ưu thế về địa hình, khí hậu cũng như phong thổ để làm suy yếu kẻ thù và rồi chớp lấy thời cơ phản công tiêu diệt địch.  Để biết tận dụng những ưu thế đó cũng như biết tổ chức phản công phải kể đến tài năng của các tướng lãnh triều đình như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cũng như vua Trần đã biết dùng người.
Hết phần II
Xem thêm: