Bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam
Lời tựa: nhân ngày 30/4 khi mà không ít người Việt Nam cãi nhau tơi bời về cuộc chiến thì mình dịch bài này, khá khách quan và có lập...
Lời tựa: nhân ngày 30/4 khi mà không ít người Việt Nam cãi nhau tơi bời về cuộc chiến thì mình dịch bài này, khá khách quan và có lập luận rõ ràng. Mục đích cá nhân chắc để giật gân, ăn gạch đá từ những người khẳng định đó là "nội chiến" và có thêm tí like từ các quý vị tin vào tuyên truyền của Cộng sản.
Nhân tiện, với những ai vừa rồi hỷ hả xem Mỹ bắn tên lửa vào Syria và tuyệt đối tin vào lý do Syria sử dụng vũ khí hóa học, hãy nhớ tới sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã mở ra 20 năm chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam.
Dịch từ bài “What Was the Vietnam War About?”, tác giả: Giáo sư sử học Christian G. Appy, Đại học Massachusetts, đăng lần đầu ngày 26/3/2018. Bài dịch giữ nguyên ngôi thứ của tác giả, là một người Mỹ. Cảnh báo: Wall of Texts, ai lười có thể chỉ đọc đoạn bôi đen ở dưới.
Liệu cuộc chiến mà người Mỹ phát động ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh cao cả chống lại đám Cộng sản hiếu chiến, hay là sự can thiệp vào một cuộc nội chiến, hay là do âm mưu phản động của đế quốc nhằm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc? Người ta đã tranh luận nảy lửa về việc này từ thập niên 60 và tới giờ vẫn chưa ngã ngũ. Cách mà chúng ta đặt tên và định nghĩa về cuộc chiến gây tranh cãi nhất này của Mỹ này không chỉ có lợi ích giới hạn về học thuật, mà còn định hình ký ức của công chúng về ý nghĩa của nó và có ảnh hưởng lớn tới bản sắc và chính sách của nước Mỹ.
Trong những năm chiến tranh, các nhà lãnh đạo Mỹ khăng khăng rằng cần triển khai lực lượng quân sự tới bảo vệ một quốc gia có chủ quyền - miền Nam Việt Nam khỏi đám Cộng sản hiếu chiến. Năm 1965, Tổng thống Lyndon B Johnson đã phát biểu “Thực tế rõ ràng là Bắc Việt đã tấn công quốc gia Nam việt Nam độc lập. Mục tiêu của Bắc Việt là chinh phục hoàn toàn xứ này”.
Đáng phiền lòng hơn, Johnson đã nhanh chóng bổ sung rằng Cộng sản ở Việt Nam nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo từ Liên Xô và Trung quốc (theo kịch bản được các Tổng thống tiền nhiệm gồm Harry Truman, Dwight Eisenhower and John F. Kennedy viết sẵn ra). Do đó, cuộc chiến ở Nam Việt Nam không chỉ là một cuộc xung đột ở tầm quốc gia và nhỏ lẻ, không can hệ gì tới an ninh quốc gia của Mỹ mà là một vấn đè không thể tách rời khỏi ưu tiên cao nhất của Mỹ - cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn Cộng sản trên toàn cầu trong Chiến tranh Lạnh. Các nhà hoạch định chính sách đã nâng cao thêm quan điểm khi cảnh báo rằng nếu Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, các quốc gia láng giềng chắc chắn sẽ lần lượt sụp đổ và trở thành Cộng sản như một hàng quân domino.
Ba mươi năm sau, Robert McNamara - kiến trúc sư chính của cuộc chiến ở Việt Nam, là Bộ trưởng quốc phòng dưới cả thời Kenedy và Johnson, đã lên án những tuyên bố trong thời chiến này – chính là những thứ mà ông ta và vô số người khác đã sử dụng để biện minh cho cuộc chính. McNamara đã viết 2 cuốn sách để khẳng định nước Mỹ đã “vô cùng sai lầm” khi can thiệp vào Việt Nam, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và đánh giá sai tình hình. McNamara đã viết rằng giá như ông ta hiểu rõ làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng trào ở Việt Nam, hay giá như ông ta hiểu rằng Hà Nội không phải là con tốt của Bắc Kinh hoặc Moscow, hay giá như ông ta nhận ra thuyết domino là sai hoàn toàn, ông ta sẽ thuyết phục mấy vị sếp tổng thống của mình rút quân khỏi Việt Nam. Và thế là hàng triệu sinh mạng sẽ được cứu. “GIÁ NHƯ”.
Tuy nhiên, trên thực tế, vào thập niên 60 khi McNamara tích cực vận động cho việc leo thang quân sự ở Việt Nam, ông ta đã không chịu tin hoặc lờ đi bất cứ bằng chứng nào mâu thuẫn với não trạng Chiến tranh Lạnh. Quan điểm trái chiều vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ, như những bài viết của học giả - nhà báo Bernard Fall, của I.F. Stone, vô vàn những bài phát biểu tại các trường đại học, các buổi tuần hành chống chiến tranh, các bài phân tích chỉ ra rằng sau Thế chiến 2 nước Mỹ đã đưa ra một lựa chọn rất rõ ràng là hỗ trợ người Pháp tái lập nền cai trị thuộc địa của mình với Đông Dương, và chi trả phần lớn chiến phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất của Pháp. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhà cách mạng Việt Nam coi Mỹ là một thế lực thực dân kiểu mới khi Mỹ đưa quân tới tham gia cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2.
Hơn nữa, các phân tích cũng đã chỉ ra ngọn nguồn chống đối chính quyền Sài Gòn do Mỹ chống lưng lại đến từ chính người miền Nam và bắt rễ rất sâu sắc trên toàn miền Nam chứ không chỉ đến từ Bắc Việt.
Từ cuối thập niên 50 tới giữa thập niên 60, tham gia các trận đánh chủ yếu là du kích miền Nam thuộc Mặt trận Giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam mà Mỹ và đồng minh thường gọi là Việt Cộng. Chỉ khi cuộc chiến tranh đã leo thang thì các đơn vị lớn từ Bắc Việt mới kéo vào mặt trận. Những người Mỹ chống chiến tranh cũng không thừa nhận Nam Việt Nam là một “quốc gia độc lập” được thành lập theo Hiệp định Geneva năm 1954, vì hiệp định này chỉ quy định việc phân chia “tạm thời” nước Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử chọn ra nhà lãnh đạo cho nước Việt Nam thống nhất. Khi cả Washington và Sài Gòn nhận ra lãnh tụ Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ thắng áp đảo cuộc tổng tuyển cử, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử và bắt đầu nỗ lực xây dựng một quốc gia mới “Nam Việt Nam” không tồn tại được quá 20 năm. Chính quyền Sài Gòn chưa bao giờ là một chính quyền bù nhìn dễ sai bảo của người Mỹ, nhưng lại phụ thuộc toàn phần vào viện trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ để sống sót trước đòn tấn công của kẻ địch, bao gồm cả các phe phái phi Cộng sản ở miền Nam.
Với những lập luận này, những người phản đối chính sách của Mỹ trong thập niên 60 đã mô tả chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc nội chiến – dù không hề có tí liên quan nào tới sự phân chia Bắc – Nam trong Nội chiến Hoa Kỳ, mà là một cuộc chiến của phe Cộng sản ở cả miền Bắc và Nam Việt Nam chống lại chính quyền do Mỹ chống lưng ở miền Nam. Cho tới năm 1966, lối phân tích này được nhiều chính khách ủng hộ, như Thượng Nghị sĩ William Fulbright – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Thượng Nghị sĩ Eugene McCathy - Ứng viên Tổng thống Mỹ năm 1968. Cả 2 vị này đều hướng sự chú ý của công chúng tới sức mạnh của phong trào du kích cũng như việc chính quyền Sài Gòn không có nổi sự ủng hộ từ chính người dân của mình.
Cho tới năm 1972, chẳng còn ai tin vào lập luận Việt Nam là một mối đe dọa cho nước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, đôi khi người ta cảm thấy như mục đích còn lại của Mỹ với cuộc chiến là đưa tù binh chiến tranh về nước (Tổng thống Nixon đã cật lực lên án Hà Nội sử dụng số tù binh này làm “con tốt thí trong đàm phán”). Đối với người Mỹ lúc đó, chuyến đi lịch sử của Nixon tới Bắc Kinh và Moscow năm 1972 thật là hại não, họ không hiểu làm sao mà Nixon có thể cụng ly với Mao Trạch Đông và Leonid Brezhnev trong khi vẫn đánh nhau ở Việt Nam. Nhà báo Jonathan Schell đã viết “Nếu sau cùng những cường quốc vĩ đại này không phải là kẻ thù thực sự của nhau, thì cuộc chiến ở Việt Nam là một cuộc nội chiến ở một quốc gia nhỏ bé và nước Mỹ không hề có một chút lý do nào mà tham gia vào cuộc chiến ấy”.
Song hành cùng lối diễn giải “nội chiến” còn có một lối diễn giải khác cấp tiến hơn cho rằng kẻ thù của người Mỹ ở Việt Nam đã tham gia vào một cuộc chiến lâu dài để giải phóng dân tộc, đầu tiên là khỏi người Pháp sau đó là Mỹ. Theo đó, cuộc chiến này không phải là cuộc đối đầu Đông – Tây trong Chiến tranh Lạnh hay nội chiến Việt Nam mà là cuộc kháng chiến chống thực dân, tương tự như hàng chục cuộc chiến bùng nổ khắp Thế giới thứ ba sau Thế chiến 2. Khi người Pháp bị Việt Minh đánh bại (dù được Mỹ viện trợ khổng lồ), người Mỹ lại tiếp tục vận hành cuộc chiến phản cách mạng chống lại những người quyết tâm đạt được sự độc lập hoàn toàn cho quốc gia của mình.
Lối diễn giải này được nhiều người chống chiến tranh theo cánh tả ủng hộ, trong đó có Daniel Ellsberg, người một thời là chuyên gia phân tích quốc phòng rất hiểu chiến sau đó tự hủy hoại sự nghiệp của mình khi công bố 7000 trang tài liệu mật về lịch sử Chiến tranh Việt Nam, còn được gọi là Hồ sơ Lầu Năm Góc (The Pentagon Papers). Trong bộ phim phóng sự “Trái tim và khối óc” năm 1974, Ellsberg đã đưa ra luận điểm của mình rất ngắn gọn:
“Tên gọi cho cuộc chiến chống lại cách mạng là phản cách mạng. Cuộc chiến mà một bên được nước ngoài hỗ trợ toàn phần về tài chính, vũ khí thì không phải là một cuộc nội chiến”.
Ông cũng nói thêm rằng câu hỏi mà người Mỹ thường đặt ra – “liệu chúng ta có chọn sai phe trong chiến tranh Việt Nam không. Chúng ta không hề chọn sai phe; chính chúng ta là phe sai trái trong cuộc chiến này”.
Trong những thập niên sau 1975, cả 3 cách diễn giải này đều vẫn phổ biến. Một số nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn đã tán dương quan điểm của Tổng thống Ronald Regan rằng cuộc chiến này là “chính nghĩa cao quý” đáng ra người Mỹ đã thắng. Nhưng đa phần các chuyên gia trong lĩnh vực này lại không hề tán đồng với quan điểm này do chúng phóng đại về ưu điểm quân sự, chính trị và cả thành công của Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn. Lý luận kiểu này rất thiếu sót do nó dựa trên nhận định ảo tưởng rằng Mỹ có thể chiến thắng nếu mở rộng viện trợ cho Ngô Đình Diệm (thay vì bật đèn xanh cho việc lật đổ Diệm), hoặc thử áp dụng chiến lược quân sự khác, hoặc làm tốt hơn công tác giành lấy trái tim và khối óc của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế thì cuộc chiến do Mỹ và đồng minh triển khai này vẫn mãi là một thảm họa, xét trên mọi khía cạnh.
Trong thời gian gần đây, nhiều nhà sử học, đặc biệt là những trí thức trẻ hơn được đào tạo tiếng Việt và những ngôn ngữ khác, đã đưa ra nhiều phiên bản của lối diễn giải “nội chiến”. Một vài người coi giai đoạn sau khi Pháp bị đánh bại năm 1954 là “hậu thuộc địa”, thời điểm mà những xung đột nội bộ đã chín muồi giữa các phe phái dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam bắt đầu vỡ bung ra. Nhà sử học Jessica Chapman của trường Williams College cho rằng “Về bản chất, Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến bị phóng đại lên nhiều lần do can thiệp từ bên ngoài”. Những người khác thì cho rằng đây là cuộc nội chiến đã bị “quốc tế hóa”.
Trong khi những học giả này đã giúp tăng cường kiến thức của chúng ta về tính phức tạp và xung đột trong lịch sử Việt Nam, về chính trị và văn hóa, thì họ lại không hề quy đủ trách nhiệm cho nước Mỹ vì đã tạo ra, và mở rộng cuộc chiến với tư cách một cường quốc thực dân kiểu mới.
Hãy cùng thử đặt ra một giả thuyết nhé. Sẽ ra sao nếu cuộc Nội chiến Hoa Kỳ của chúng ta có một số nét tương đồng “nội chiến” Việt Nam? Đầu tiên, chúng ta sẽ tưởng tượng tới siêu cường toàn cầu của năm 1860 – Anh quốc, đã thúc đẩy phe miền Nam ly khai, cung cấp cho phe ly khai toàn bộ khoản chiến phí cần thiết để theo đuổi cuộc chiến và đưa lực lượng quân sự khổng lồ của mình tham chiến. Chúng ta cũng sẽ tưởng tượng rằng mọi lực lượng địa phương của miền Nam ủng hộ Liên bang miền Bắc sẽ cầm súng đứng lên chống Liên minh miền Nam. Và dù nước Anh ném vào cuộc chiến vô vàn tiền của và con người thì Liên bang miền Bắc vẫn chiến thắng. Vậy, người Mỹ sẽ gọi cuộc chiến đó là gì? Có lẽ đa phần người Mỹ sẽ gọi đó là Cuộc kháng chiến giành độc lập lần 2, và người Mỹ đen sẽ gọi đó là Cuộc chiến giải phóng lần thứ nhất. Chỉ có những người từng thuộc phe Liên minh miền Nam và người Anh mới gọi đó là “nội chiến”.
Tôi sẽ đảo ngược công thức của Chapman và nói rằng, về mặt bản chất Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến của người Mỹ, đã phóng đại thêm tình trạng chia cắt ở Việt Nam và quốc tế hóa cuộc xung đột này. Và hiện thực là trong khi nhiều người Việt Nam chống lại con đường giải phóng dân tộc của Cộng sản, thì không có một đảng phái dân tộc chủ nghĩa nào khác có đủ năng lực để giành lấy quyền lực. Nếu không có sự can thiệp của Mỹ, thật khó mà hình dung nổi Nam Việt Nam sẽ tồn tại được, hoặc nếu tồn tại nổi thì cũng khó mà kéo dài được.
Hơn nữa, không hề có quốc gia nào khác lại đưa hàng triệu quân tới Nam Việt Nam (dù Mỹ có gây sức ép, 2 nước đáng kể tới là Austrlia và Hàn Quốc cũng chỉ gửi các đơn vị nhỏ hơn nhiều sang Việt Nam). Cũng không hề có quốc gia nào lại ném cả mớ bom (8 triệu tấn!) xuống Việt Nam, Lào và Campuchia. Hậu quả của những hành vi ấy là hơn 3 triệu người chết trên toàn Đông Dương, quá nửa là dân thường.
Nếu chúng ta tiếp tục bào chữa cho những gì mà nước Mỹ đã làm ở Việt Nam là một cuộc can thiệp với ý định tốt chứ không phải là hành vi hung hăng của một đế quốc, chúng ta khó lòng có thể thách thức những người đang điều khiển cuộc chiến hiện hành – những người dẫn dắt chúng ta tới những cuộc chiến bất định dựa trên thông tin giả hoặc nhận định sai lầm. Như trong Chiến tranh Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Mỹ đã chỉ đạo binh lính tới vùng đất xa xôi dựa trên trí tưởng tượng không biên giới về thuyết domino (mối đe dọa của Cộng sản toàn cầu giờ đây đã được thay bằng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu). Và một lần nữa, sứ mệnh của những người này là chống lưng cho những chính quyền không hề có nổi một chút năng lực thu hút được sự ủng hộ từ chính người dân của mình. Và thêm một lần nữa, nước Mỹ đã khởi động những cuộc xung đột dẫn tới vô vàn dân thường phải rời bỏ nhà cửa, bị thương hoặc bị giết. Nước Mỹ lại tiếp tục phóng đại bạo lực trên toàn cầu và kích động kẻ khác trả thù bằng bạo lực.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta, trước sau vẫn vậy, khẳng định rẳng Mỹ “mãi mãi là lực lượng vĩ đại nhất trên thế giới” mà không hề ham muốn gì cho bản thân mình, trừ việc đánh bại “khủng bố” và đưa hòa bình, ổn định và tự quyết tới cho những vùng đất khác. Nhưng bằng chứng lại không hề ủng hộ những lời lẽ như vậy. Đã đến lúc chúng ta cần tầm nhìn mới, rõ ràng hơn về cách thức hành động trên toàn cầu của mình. Và việc đầu tiên cần làm là đánh giá trung thực về quá khứ chính.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất