Bạn nghĩ như thế nào là có một sức khỏe tinh thần tốt?
Là lúc nào bạn cũng vui vẻ, hạnh phúc, hồ hởi, phấn khích hay nói chung là luôn trong trạng thái cực “high”?
Thực chất một trạng thái tinh thần khỏe mạnh lại nằm ở những khoảnh khắc mà chúng ta thấy ổn định. Nghĩa là ta có thể xử lý mọi việc một cách bình tĩnh, không mệt mỏi, không sợ hãi, không buồn chán hay hưng cảm.
Mục tiêu của sức khỏe tinh thần có thể nói là sự ổn định trong cảm xúc.
Nhưng tiếc là chúng ta hiếm khi chú ý đến mức độ ổn định của mình. Thay vào đó, chúng ta lại để tâm trạng mình dao động như con lắc, lúc thì vui mừng cực độ, lúc lại suy sụp đến trầm cảm. Chúng ta ít để ý xem những hoạt động nào, ai, nơi nào hay suy nghĩ gì khiến tâm trạng mình trồi lên sụt xuống như vậy.
Lúc này, ý tưởng về một chiếc cửa sổ của ngưỡng chịu đựng sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều.
Cửa sổ của ngưỡng chịu đựng vẽ ra một phạm vi mà ở đó, chúng ta có thể hoạt động một cách thoải mái và an toàn trong tinh thần tích cực và lạc quan.
Khó khăn có thể xảy đến nhưng chúng ta vẫn giải quyết được.
Cơn mệt mỏi có thể xuất hiện nhưng chúng ta biết cách cho mình nghỉ ngơi để hồi phục.
Ai đó khó chịu với chúng ta nhưng chúng ta vẫn giữ bình tĩnh để không nổi cơn thịnh nộ.
Chúng ta bị áp lực nhưng không có cảm giác bị bức hại.
Chúng ta bị đồn thổi vô căn cứ nhưng vẫn mạnh mẽ để đạp qua dư luận và tìm ra chiến lược để đối phó.
Chúng ta đang rất phấn chấn nhưng không để mình rơi vào trạng thái hưng phấn đầy rủi ro.
Tâm trạng chúng ta vẫn dao động nhưng là dao động trong một phạm vi ổn định.
Chúng ta đang sống an toàn trong phạm vi có thể chịu đựng được của mình.
Đó là ý tưởng cơ bản về chiếc cửa sổ của ngưỡng chịu đựng.
Dưới đây là hình vẽ minh họa cho chiếc cửa sổ ấy:
Ở phía trên cửa sổ thể hiện những lúc chúng ta rơi vào trạng thái quá mức như kinh hoàng, căng thẳng, tội lỗi hoặc xấu hổ. Ở phía dưới cửa sổ cho thấy những khi chúng ta bị tê liệt như kiệt sức, cô đơn, buồn chán, né tránh.
Nếu may mắn, tâm trạng của chúng ta sẽ dao động ổn định trong phạm vi chiếc cửa sổ của ngưỡng chịu đựng, có lúc hơi chạm đến ranh giới hưng cảm quá mức, khi thì gần như bị tê liệt nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua giới hạn.
Nhưng không phải ai cũng may mắn được như vậy. Nhiều người bằng cách này hay cách khác liên tục đập vỡ chiếc cửa sổ để rồi khiến tâm trạng biến thành dải ngoằn ngoèo và chênh vênh khi vượt ngưỡng chịu đựng. Họ thức dậy vào buổi sáng trong tâm trạng tốt đẹp nhưng đến giữa trưa, họ gặp chuyện gì đó khiến mình rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ để rồi sau đó vài giờ, họ chìm trong cảm giác câm lặng của tuyệt vọng.
Vậy nên chúng ta cần học cách duy trì tâm trạng ổn định trong phạm vi chiếc cửa sổ. Đầu tiên, bạn cần vẽ cho riêng mình chiếc cửa sổ của ngưỡng chịu đựng trong tâm trí và tập thói quen luôn nhìn vào nó liên tục để xác định xem tâm trạng của mình đang đi theo hướng nào.
Nếu thấy tâm trạng đang có chiều hướng bay vút lên đường viền phía trên hoặc rơi không phanh xuống đường viền phía dưới thì bạn nên có hành động né tránh. Như thể mình đang chơi một game tâm lý vậy.
Để thực hiện, bạn cần bắt đầu để ý xem điều gì khiến bạn có nguy cơ đẩy tâm tình ra khỏi cửa sổ của ngưỡng chịu đựng và điều gì sẽ giúp bạn ổn định trở lại.
Ví dụ như mình đi, sau khi quan sát bản thân trong thời gian dài, mình nhận thấy tâm trạng sẽ trở nên rất giận dữ đến mất kiểm soát khi làm việc với một đồng nghiệp trong team. Vì đồng nghiệp đó hay trễ deadline hoặc giao task sát giờ.
Tiếp theo, khi suy nghĩ về những việc giúp tâm trạng mình bình ổn trở lại thì mình liệt kê được mấy thứ sau: ngâm mình trong nước nóng, xem video hài, ăn món mình thích, tập thể dục…
Sau khi xác định được 2 điều quan trọng trên, bạn cần suy nghĩ cách hạn chế tiếp xúc với những thứ khiến tâm trạng của bạn mất kiểm soát. Ví dụ nếu bạn thấy tâm trạng dễ tiêu cực khi cứ đọc những drama trên mạng xã hội thì hãy ngừng theo dõi những page, group hay đăng drama.
Từ cửa sổ ngưỡng chịu đựng của chính mình, chúng ta có thể bắt đầu quan tâm tới cửa sổ của người khác. Khi bạn nhận thấy họ đang vượt mức giới hạn của cửa sổ thì đừng nên trò chuyện hay thảo luận điều gì đó vì lúc này, họ sẽ chẳng đủ bình tĩnh để lắng nghe chúng ta. Hãy học cách quan sát để đảm bảo mọi thứ được duy trì trong ngưỡng an toàn của nó. Bằng cách này, chúng ta có lẽ sẽ khiến xã hội thêm tốt đẹp và ít drama hơn.
Lược dịch từ The School Of Life
.Ngưn.