Khó mà tìm được tiểu thuyết nào điển hình hơn cho thể loại hài kịch đen (Humour noir) mà không kể đến Cửa hiệu tự sát của Jean Teulé. Hài kịch đen là thể loại hài xoay quanh những chủ đề lẽ ra không đáng cười chút nào. Đó có thể là cái chết, tự tử, tôn giáo, giới tính, thảm họa, khủng bố… Điều mấu chốt ở đây tác giả Jean Teulé chọn những chủ đề này không nhằm gây hiềm khích hay câu khách rẻ tiền. Ông dùng nó làm phương tiện để gài cắm triết lý sống qua cái nhìn trực diện và chua cay vào vấn đề nhạy cảm của cuộc sống, của con người trong một xã hội ngày càng suy thoái. Cùng với tòa báo Charlie Hebdo, chúng ta sẽ được thấy người Pháp tôn vinh và giữ vững quan điểm hài hước trong nghệ thuật là không có giới hạn. Nụ cười đối chọi được lại mọi sợ hãi.
Cửa hiệu tự sát lấy bối cảnh nước Pháp ở một tương lai cận kề diệt vong. Ở xã hội ấy tự do, bình đẳng, bác ái đã rời bỏ người Pháp. Khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái, hoặc là chết” giờ đây lại nghiêng về vế thứ hai. Nhưng không ai khác, chính con người tự khai tử họ bằng tham vọng, và xung đột, và đẩy mạnh công nghiệp. Ô nhiễm môi trường đến mức không thể khắc phục, xung đột ý thức hệ dẫn đến khủng bố triền miên, bộ máy quan chức tham nhũng kéo lùi đất nước. Thượng đế dưới hình hài mẹ thiên nhiên bị tàn phá nặng nề. Thượng đế dưới hình hài tôn giáo xoa dịu tâm hồn đã bị khai tử ngoạn mục. Bởi con người giờ đây không sợ chết! Niềm tin vào một cuộc sống kiếp sau nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi cái chết trở thành thừa thãi.


Đọc thêm:

Jean Teulé khai thác khía cạnh con người trong sách rất thú vị. Con người trong Cửa hiệu tự sát vừa uyên bác lại vừa luẩn quẩn. Ta được thấy khoa học rất phát triển qua những vật dụng điện tử gia đình Tuvache sử dụng, con người rất thông minh nhưng cũng thật bi quan. Bấy giờ con người lý tính cao tới mức nhận ra mình không bao giờ có thể hoàn toàn tự do như ý chí mong muốn. Người ta có tự do lựa chọn được không việc phải cung cấp thức ăn mỗi ngày mới nuôi được bộ não để tư duy? Người ta ai cũng phải sinh ra, lớn lên, rồi già đi, những điều đó có được tự do lựa chọn không? Sau cùng cái chết chính là bi kịch mà người ta luôn sợ hãi. Người ta rơi vào sự phi lý của tồn tại, sống đã là buồn, nhưng không thể cắt đứt nỗi buồn bằng tự tử vì quá hèn nhát (hoặc quá dũng cảm) để làm. Phi lý như thời khắc Sisyphe của Thần thoại Hy Lạp lăn tảng đá lên đỉnh núi nhọn, đứng nhìn nó rơi xuống rồi lại lăn lên. Tạo thành vòng lặp đời đời.
Nhiều người đã đưa ra lựa chọn, họ không sợ cái chết nữa và đổ xô đi tự tử, không sợ cái chết thì cũng không cần đến tôn giáo. Jesus, Allah, Budha giờ đây bị lãng quên. Biết được nhu cầu này nên nhà Tuvache mở một cửa tiệm chuyên bán đồ và tư vấn tự sát. Cửa hiệu Tự sát trông thế mà đã mở được nhiều đời. Cho đến đời của Mishima, ông sinh ra thằng con út thật lạ lùng, Alan Tuvache, Alan luôn lạc quan và đầy hy vọng. Ở một xã hội bi quan thì kẻ lạc quan thật đáng chán ngán.
Thế nhưng bằng sự lạc quan của mình, Alan lần lượt thắp lên ánh sáng cho tất cả những thành viên trong gia đình chú và ngoài xã hội. Cho đến khi cây nến cuối cùng được thắp lên, ngọn lửa của chú đã xong nhiệm vụ, nó liền vụt tắt. Khi không còn ai tự tử nữa, Alan là người tự tử cuối cùng.

Đọc thêm:

Cái kết cực kỳ đắt giá, nó không đi vào lối mòn của hài kịch đen, và gây hụt hẫng vô cùng cho người đọc, nhưng nó chính là điểm sáng nhất truyện toát lên ý đồ tác giả. Teulé muốn nói rằng Alan là ẩn dụ của hy vọng, của thánh thiện thuần khiết, những giá trị ấy cứu rỗi cho con người nhưng không thể sống cùng con người được, nó dễ bị nghiền nát. Cuộc sống với con người không phải nơi Alan thuộc về, chú như một thiên thần được gửi xuống làm một sứ mệnh duy nhất, làm xong phải trở về với Chúa ngay.
Phải chăng Jean Teulé đã quá bi quan khi viết ra đoạn kết? Nhưng cuộc sống con người đành như vậy. Nó tựa như chiếc hộp của nàng Pandore, hạt giống thói hư tật xấu thì thật nhiều và hòa lẫn với con người, hạt giống hy vọng thì lưu lại dưới đáy hộp chờ con người tìm đến. Bởi cuộc đời dù nhiều đen tối, nhưng chuyện gì rồi cũng sẽ qua miễn là ta tìm được hy vọng.
Tornad