“Của chuột và người” – cho cả những trái tim sắt đá cũng phải yếu lòng
Ít có cuốn tiểu thuyết nào khiến cho trái tim người đọc xao xuyến và thổn thức từ đầu đến cuối như “Của chuột và người”. Lời lẽ gọn...
Ít có cuốn tiểu thuyết nào khiến cho trái tim người đọc xao xuyến và thổn thức từ đầu đến cuối như “Của chuột và người”. Lời lẽ gọn gàng, giản dị nhưng cũng đầy ma lực đã đưa người đọc đắm chìm vào không gian của những sự thật cuộc sống trần trụi và đầy êm ái.
“Ừ! Một ngày kia cố gắng dành dụm thế nào ta cũng tậu được một căn nhà nhỏ, một hay hai mẫu đất, một con bò sữa, một bầy heo con và…”
Lennie reo lên, “Mình sẽ không khác gì trại chủ. Và mình sẽ có cả thỏ nữa! Anh George! Nói nữa đi. Anh nói cho tôi nghe về cái vườn, về đàn thỏ trong chuồng, về cảnh mưa mùa đông, cái lò sưởi, ta lấy sữa đánh thành kem đặc đến nỗi cắt không được. Nói hết cả đi, tuốt cả đi.”
“Mày thuộc hết cả rồi sao không kể lấy đi?”
“Không, anh kể cơ. Tôi kể thì không bằng anh đâu. Kể đi anh George. Tôi sẽ săn sóc bầy thỏ như thế nào nhỉ?”
“Này nhé! Mình sẽ có một vườn rau lớn, một chuồng thỏ, một chuồng gà con. Về mùa đông khi mưa rét…”
Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi và giản dị như vậy giữa George và Lennie như màu sắc tươi sáng điểm xuyết giữa bức tranh xám xịt. Nó lặp đi lặp lại nhiều lần, vẫn chừng đấy hình ảnh, vẫn chừng đấy chi tiết, từng đấy chuyện, nhưng người đọc chẳng thể nào bực mình hay buồn chán cho nổi. Bởi lẽ, đó là tất cả những gì tốt đẹp, đáng yêu nhất trong một cuộc sống đầy rẫy những mệt mỏi, bất công, tàn nhẫn.
“Của chuột và người” lấy bối cảnh của nước Mỹ thời đại suy thoái. Cuốn tiểu thuyết ngắn vỏn vẹn hơn 100 trang kể về hành trình kiếm tìm một chỗ đứng của bản thân trong xã hội nghiệt ngã của hai người đàn ông: George và anh bạn ngờ ngệch của mình – Lennie.
Từ những dòng đầu tiên, người ta đã có thể hình dung được chân dung hai con người ấy, George nhỏ con, lanh lợi, thức thời, anh ta biết được cái nào nên làm, cái nào không để có thể tồn tại giữa xã hội đầy rẫy những toan tính, nghiệt ngã này. Nhưng Lennie lại khác, anh ta luôn làm hỏng mọi thứ mà George đã cẩn trọng tính toán. George hơn một lần phát điên lên và muốn bỏ quách Lennie đi cho xong, nhưng không thể. Anh lý giải rằng nếu không có anh thì Lennie sẽ chẳng thể nào sống nổi. Nhưng phải chăng, bên cạnh lý do vô cùng thực tế đó, còn có một lý do khác? Phải chăng chính anh cũng không tin vào chính mình có thể tìm được cho mình một thiên đường như trong những câu chuyện mà anh thường hay kể nữa? Phải chăng chỉ khi nào có Lennnie, anh mới tin và còn chút hi vọng vào một nông trại với một chuồng thỏ tự làm, có lò sưởi và ung dung ngồi đánh sữa thành kem đặc đến nỗi không thể cắt ra nổi?
Những ảo mộng vẫn luôn là ảo mộng. George biết rõ điều đó. Nhưng anh chàng vẫn cố gắng suy nghĩ về nó, tự lừa dối cả chính bản thân mình. Và chính độc giả, phải chăng độc giả cũng đang bị những câu chuyện, những hình ảnh, giọng điệu ấy lừa dối? Dù biết trước rằng “những dự định tốt nhất thường đổ bể, những giấc mơ đẹp nhất thường không thành”, nhưng chúng ta vẫn muốn tin và lấy nó làm động lực để tồn tại.
Kỳ vọng về một tương lai hão huyền đó vẫn còn tồn tại trong trái tim của độc giả cho đến những trang cuối cùng của câu chuyện. Ngay cả đến lúc những người cùng làm thuê trong trang trại nói với Lennie rằng đó là điều viển vông, ta vẫn cứ mong đó chỉ là những lời xảo trá: “Mấy cha đang tự nhồi sọ đấy. Suốt ngày lải nhải vườn tược mà rồi một mảnh đất cắm dùi cũng không bao giờ có cho mà xem. Bác sẽ ở đây làm tôi tớ mãn kiếp cho tới khi người ta bỏ vào áo quan. Mẹ kiếp, tôi đã thấy quá nhiều cái thứ người như vậy. Như cha Lennie này nhé, ít tuần nữa là nó thôi làm ở đây, rồi lại tha phương cầu thực như cũ. Cứ như là trong đầu mỗi cha đều có một mảnh vườn cả”.
Nhưng rồi mọi thứ cũng dường như phải sụp đổ hoàn toàn đến khi Lennie gây ra cái chết cho nhân vật nữ duy nhất nhưng không có tên trong câu chuyện – vợ của Curley. Bàn tay thô kệch, không điều khiển được bằng ý chí của một người bình thường, anh giết cô gái trong sự hoảng hốt đến tột cùng rồi bỏ chạy vào rừng.
“Gió chiều thổi nhẹ trên khu rừng thưa gơn lướt trên mặt nước xanh thắm. Và lại vẳng có tiếng người kêu, lần này thì gần hơn…” Và trong không gian dịu dàng ấy, Lennie chết dưới tay George một cách nhẹ nhàng, không run rẩy. Trước khi chết, Lennie còn kịp mường tượng về tương lai với mảnh vườn tự mình làm chủ, được trồng linh lăng, nuôi một bầy thỏ, một con bò sữa, cả một con heo và đàn gà,… Anh chẳng còn gì oán thán, anh chẳng bao giờ nguôi tắt hi vọng về những điều tuyệt vời trong câu chuyện của George. Có lẽ, Lennie là người hạnh phúc nhất trong câu chuyện này.
Lennie chết đi rồi, George đi cùng những người khác trở về. Nhưng tôi tin chắc rằng George cũng chẳng bao giờ dám nghĩ đến và tin tưởng vào nông trại trong mơ nữa. Bởi vì Lennie là người duy nhất giúp anh tin vào điều đó. Cho dù anh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sự dằn vặt rằng nếu không vướng Lennie, mỗi tháng anh kiếm được năm chục đồng, và chẳng bao lâu nữa anh sẽ mua được một mảnh vườn mà thôi.
Lennie chết đi rồi, những ước mơ kết thúc như một điều vô cùng hiển nhiên vậy. Người ta hoàn toàn có thể biết trước được rằng rồi kiểu gì Lennie cũng sẽ gây ra một chuyện tày trời nào đó, và những mộng tưởng của họ cuối cùng cũng sẽ chỉ là mộng tưởng mà thôi. Nhưng người ta vẫn cứ hi vọng, vẫn cứ ước mơ và nghĩ về những điều giản dị tuyệt vời đó.
Khi cuốn tiểu thuyết được đóng lại, hình ảnh về một nông trại tuyệt vời vẫn ám ảnh ta. Tất cả vỡ vụn trong buổi chiều khi Lennie thực sự ra đi, báo hiệu cho những điều chẳng thể tốt đẹp hơn sẽ đến với những người cùng cảnh ngộ. Đớn đau nhưng không hề dữ dội, buồn trong sự êm ái, “Của chuột và người” khiến chúng ta – kể cả những người mạnh mẽ và bình tâm nhất cũng phải tan chảy, bởi ở đó có sự mong manh của đời người.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất