“Thương thay giống loài tinh tú ấy”
Con người và hành trình miên man của lòng tham

Đến cọng rau con người còn nhu cầu đến vô cùng, huống gì hình thức và tiện ích cho phương tiện đi lại, bộ vó trên người, vật dụng trên tay, căn nhà ở, gái đẹp, trai sang, hay nhu cầu tự hào, danh vọng, hơn thua.
Ăn no rồi đòi ăn ngon. Mặc ấm rồi đòi mặc đẹp. Có ít rồi cần thêm nhiều. Đã đẹp lại hay thích khoe, và càng thích đẹp hơn. Và xấu thì mặc cảm. Vì mặc cảm nên phải tìm cách bù đắp, hay làm cho hết xấu. Người không đẹp, không giàu thì phải thèm khát được đẹp, được giàu. Cấp độ tăng dần vừa theo bản năng vừa theo ý thức, cảm xúc lẫn lý trí. Chỉ có trong thế giới con người mới sinh chuyện: nghèo người ta khinh, thông minh người ta ghét, xinh đẹp người ta đố kỵ (và bị tranh giành). Cứ thế, loài người trong một vòng luẩn quẩn.
Ngay sự tiên tiến, hay hội nhập cũng hình thành trên những nhu cầu, lòng tham, ganh đua, thành đạt, phân biệt, cướp đoạt. Con người vẫn muốn có nhiều căn nhà dù trong đêm người ta chỉ ngủ trong một căn và trên một giường. Con người cứ cần nhiều kho thực phẩm tích trữ ở nhiều hình thức khác nhau trong ngày dù cơ thể hấp thụ tối đa 2.000 calo (với phụ nữ), và 2.500 calo (với đàn ông) mỗi ngày.
Các loài khác không như họ. Các loài khác không tính toán như họ. Các loài khác không có khái niệm tài sản, thừa kế, trách nhiệm, của hồi môn, hay niềm tự hào về dòng họ, đẳng cấp, giàu sang, thành tựu, thành đạt.
Nếu khái niệm “động vật bậc cao” và văn minh là độ đo to rộng của chỉ số lòng tham thì con người là động vật bậc cao và văn minh nhất. Các loài khác nghĩ đến việc ăn ở từng bữa, hay nói khác là chỉ tìm ăn khi bụng lép rỗng, đói. Các loài khác chỉ ăn thứ cây, hoặc con hợp với mình, mình cần, còn con người cây, con gì cũng ăn.
Các loài khác không thích mới và lạ. “Mới” và “lạ” sinh ra sự chinh phục, và sự chinh phục chính là chỗ thúc đẩy lòng tham. Tiên tiến là muốn vượt lên thêm, đạt được nhiều hơn. Được ngụy trang bởi ngôn từ nào thì tiên tiến cũng đi cùng khai thác, mà khai thác là đường đi của tội lỗi, chuyển hóa tích cực sang tiêu cực. Có một sự thực vui đến xót xa là mọi phát kiến quan trọng trên trần gian này suốt lịch sử đã qua đều bắt đầu từ nhu cầu phục vụ sự hủy diệt (chiến tranh, khống chế, cạnh tranh, chiếm đoạt, phụ thuộc, trên – dưới) mà ra, chứ không từ vì sự phúc lạc, thái hòa cho mặt đất.
Các loài khác chỉ ăn đủ no, còn con người lo trữ cho quanh năm, muôn năm, cả đời, và không cho riêng mình mà còn cho con, cháu, chắt. Con người cần của cải trong trời đất không chỉ cho cái bụng, mà cho cả cái đầu, ví như niềm tự hào, sự lo toan, hay cuộc hơn thua với bạn bè, xóm giềng, dòng họ, chủng nòi, quốc gia, dân tộc, châu lục này với châu lục kia, chủ nghĩa này với chủ nghĩa nọ, thời đại này với thời đại khác.
Từ nhu cầu bỏ bụng đến nhu cầu xa xỉ đều phải qua khai bóc thiên nhiên cả. Như cọng rau, con cá đến chiếc xe hơi, hay cái ti vi màn hình phẳng. Con người xây lâu đài vinh quang cho mình nên làm khổ mình và vạn vật, thiên nhiên bởi nhu cầu đó. Thượng đế biết vạn vật trong thiên nhiên hữu hạn, nhưng con người thì không thể biết điểm dừng của nhu cầu ở mình. Con người tự cho mình quyền đứng trên muôn loài. Và con người cũng tự cho mình quyền cứu vớt muôn loài, dù sự thật trần trụi là không loài nào biến mất mà không do con người (từ khi có con người).
Con người biết giống loài mình là loài tàn bạo, thâm hiểm, quái ác nhất. Nhưng con người cũng là loài duy nhất hay rao giảng về đạo lý trước vũ trụ, thiên nhiên, vạn vật. Họ muốn gia đình người khác, quốc gia khác xài ít thiên nhiên nhưng không chịu làm thế ở gia đình mình, quốc gia mình. Họ muốn các quốc gia khác không phát triển công nghiệp súng đạn, xuất khẩu vũ khí, sở hữu hạt nhân, nhưng không muốn thế ở quốc gia mình. Họ muốn phi hạt nhân hóa trên toàn cầu, nhưng không hủy kho hạt nhân ở nước mình, và luôn sáng tạo thêm những thứ vũ khí tối tân khác. Trước thiên nhiên, họ nhìn ngành công nghiệp sản xuất cưa máy ở chiều tiết kiệm nhân công xẻ gỗ, giải cứu sức lao động của con người, nhưng họ không chịu nhìn rừng trên mặt đất nhanh hết đường tồn tại hơn. Họ nghĩ con người luôn có ý thức, lương tâm và kiểm soát được hành vi con người. Thì ra họ không hiểu con người và quy luật không bến bờ của lòng tham.
* * *
Lòng tham là bạo chúa. Lòng tham không có nhu cầu tỉnh thức, hay hoàn lương. Lòng tham chấp nhận sự đào mồ tự chôn mình, hơn là trí tuệ, tiết chế, chuẩn mực, và lắng nghe, thấu hiểu. Nó nhìn tới chứ không nhìn lui, chấp nhận vực thẳm đang đợi ở đâu đó. Bởi đơn giản, nếu bảo đàm phán, đối thoại, thương thảo, thông hiểu nhau là con đường hay nhất, đúng đắn nhất, chính nghĩa và vì con người nhất, thì làm sao vẫn có chiến tranh, và hoài hoài, hàng ngày trên địa cầu này. Vì là con người, nên họ sẽ có cách để đưa ra lý do cần thiết phải chiến tranh, chứng minh tính tử tế, hay ho của hành động giết người, và không chịu trách nhiệm trước cái chết nào, dù con người nào cũng chỉ được một lần duy nhất có mặt ở trên đời.
Sẽ khó có loài nào ích kỷ hơn loài người (Homo Sapiens). Chung quy cũng tại lòng tham, và vì nó có trí tri, coi gia đình mình và sự thành tựu của bản thân quý quá, quan trọng. Nó đang xấu, đang hành ác ngay ở nhận thức tốt này của nó.
Nhu cầu của con người là sự lành mạnh? Đúng, nếu nó không làm tổn hại đến muôn loài, ảnh hưởng đến tương lai. Tiếc thay, bản chất nhu cầu luôn gia tăng, tha hóa, vô độ, và khó có thể tiết chế. Nhu cầu là lòng tham, nó làm khổ con người, đeo bám con người. Có khi đến lúc chết người ta còn phải tính, lo, chọn chỗ chết, nơi gửi tro xác, tiếng tăm để lại, di sản để lại, trách nhiệm để lại.
Từ sau thời hậu kỳ đá mới, sang thời kim khí, quyền sở hữu xuất hiện trong cộng đồng người, là thiên nhiên bắt đầu khốn đốn với con người, và con người bắt đầu gây đau khổ cho nhau. Và như thế, con người ngày càng thẳng tay, thủ đoạn với thiên nhiên – thiên nhiên trở thành vật thí thân cho người. Từ sự thành kính thiên nhiên đã chuyển thành kiểm soát và cưỡng bức thiên nhiên, và vô lễ tuyệt đối với thiên nhiên. Sự nương theo thiên nhiên, thuận hòa theo thiên nhiên không thể còn nữa. Thiên nhiên tròng trành, teo tóp, căng thẳng, thoi thóp, yếm thế. Lý trí thế chỗ hoàn toàn cảm xúc thuần hậu nơi con người. Con người luôn mưu tính trước thiên nhiên và trước đồng loại.
Con người thường sa lầy trong lòng tham, mà đặc tính này ở họ có tính di truyền cao, và trong giáo dục họ không bao giờ dạy con cháu từ bỏ nó. Họ rất có trách nhiệm với trực hệ, gia đình, nhưng với đồng loại mình thì họ bước qua, đua tranh quyết liệt, giành giật đến cùng.
Sẽ không bao giờ có chuyện dừng lại hay chừng mực với nhu cầu ở con người. Vì cái “ác” thường đi với sự “có trí”, nhất là cái trí không hướng vào sự thiện lành, và khi nó được vận động trên cơ sở đặc tính lòng tham cố hữu.
* * *
Trong bất cứ tôn giáo nào, điều giới luật đầu tiên đưa ra đều là từ bỏ lòng tham, tránh tham lam. Nhưng bao nhiêu tín đồ, con chiên của các Phật, của Chúa… trong hành trình làm người của mình hành sự và sống được như vậy đâu. Họ vẫn kẹt trong những tục lụy, nhu cầu thế tục, lòng tham đặc tính người ấy. Tôn giáo nào trên dương gian cũng chỉ cho con người cách thức để làm người tốt. Nhưng con người, với bản chất sinh học và bản chất phàm tục của nó vẫn cứ làm ngược lại.
Họ nghĩ con người luôn có ý thức, lương tâm và kiểm soát được hành vi con người. Thì ra họ không hiểu con người và quy luật không bến bờ của lòng tham.
Vì vậy, mà các tôn giáo có lý do để tồn tại, như suốt mấy ngàn năm qua, để nói những điều mơ ước của con người, xá tội cho con người, vỗ về con người, an ủi tội lỗi chúng sinh. Bởi con người ngày càng có vẻ tốt với nhau hơn là tốt thực với nhau. Con người ngày càng hại nhau, ác với nhau là chính.
Ngay cả trong việc quản trị nhau, con người cũng phải dùng phương thức gia tăng sự hung hãn. Ai nghĩ rằng một kiểu nhà nước như IS vẫn có thể xuất hiện trong thế giới mà ta gọi là hiện đại này, và nó vẫn quy tụ được người theo.
Phẩm giá nơi từng con người đã khó với từng người đó trong hành trình đi tới, huống gì phẩm giá cho quốc gia, đạo đức của quốc gia, nên mới có chuyện bao đời nay, quốc gia này đi xâm chiếm quốc gia khác. Tất cả đều đặt khái niệm “phẩm giá” cho lòng tự hào, tự tôn của cộng đồng riêng của họ chứ không phải “phẩm giá” trước Mẹ vũ trụ, thiên nhiên và cộng đồng khác. Những khế ước về đạo đức và lương tâm luôn thất bại, nó đu dây theo lòng tham con người, và tồn tại trên chót lưỡi, đầu môi, nghị sự, hội nghị thượng đỉnh, diễn đàn, xã giao.
Càng vào giai đoạn sau con người càng chồng chất tội lỗi với tạo hóa. Càng đi vào xã hội mà loài người gọi là “hiện đại” con người thực chất càng man rợ, tham ác hơn tiền nhân, nhưng vẫn dùng mỹ từ “văn minh” để nói về loài mình. Càng ngày con người càng hay dùng nhiều đến từ “nhân bản”, mà con người có còn biết không, rằng “nhân bản” tức là tính người gốc, bản chất thiện lành là phẩm chất mà lúc ban đầu, khởi đầu con người từng có đó thôi. “Nhân bản”, xa quá, nên nhớ. “Nhân bản”, không còn, nên cần, nhắc, khuyên, gọi, mong, đợi.
Ở cực nghiêm túc, thấu triệt, rằng chỉ khi chúng ta sòng phẳng trước trời đất và chỉ rõ bản chất tồi tệ của giống loài chúng ta thì khi ấy ta mới chân thành với tạo hóa, công bằng trước tạo hóa, và may ra mới thay đổi tâm thế và hành vi, dù về thực tiễn điều này sẽ rất khó.
Giống loài ở “bạc” nhất trên trái đất là giống loài tôi (Homo Sapiens).
* * *
Các cộng đồng người tinh tú trên thế gian, mà ta gọi là nhà nước, Liên hiệp quốc, các tổ chức toàn cầu, nhân loại…, nếu sáng suốt thì điều thực tiễn phải làm là tìm cách kiểm soát, quản lý, điều tiết, ngăn chặn, hạn chế, lèo lái được lòng tham của con người, soạn luật chơi phù hợp với đặc tính tham của giống loài, chứ đừng kêu gọi từ bỏ, không có lòng tham, không còn lòng tham. Lòng tham, tính tham nó vẫn sừng sững mãi thôi giữa dương gian, trời đất này. Còn con người thì còn lòng tham. Con người còn thì không bao giờ hết tranh chấp, chiến tranh, tham vọng, nhu cầu thành đạt, thành tựu, tự hào, tự ái, mặc cảm, kiêu hãnh. Con người còn thì không bao giờ thiên nhiên không đau khổ. Rằng con người cũng từng muốn (mới chỉ là muốn) chan hòa với nhau, hướng đến chủ nghĩa đại đồng, rồi dễ dàng quay lại liền chủ nghĩa dân tộc, xích động dân tộc chủ nghĩa, ở mọi quốc gia. Con người muốn hướng đến toàn cầu hóa, nhưng ngay đấy trỗi dậy với chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa. Con người cứ luẩn quẩn, dối lừa nhau mãi, và chắc chắn sẽ mãi mãi như thế, vì đó là loài không thể từ bỏ lòng tham.
Vũ trụ, thiên nhiên, Thượng đế biết con người là đứa con hư, nhưng không thể bỏ nó, vẫn thừa nhận nó là một giống loài, vẫn thương nó. Con người biết hết bản chất mình, nhưng vẫn vận hành mình theo trục xấu đó, và không thể khác. Con người đau khổ, vì tính tham, lòng tham của mình. Để vào ngày tàn đời, ai trong họ cũng muốn được thanh thản, như nghe vang lên thanh âm từ bi hỉ xả, bác ái, giải thoát từ đôi lời kinh Phật, kinh Thánh, kinh Koran…
Theo NGUYỄN HÀNG TỈNH / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN