Từ buổi sáng thế, Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa, để giúp Chúa cai quản vườn Eden. Lúc đó, con người không biết đến tội lỗi và cái chết. Adam và Eva, sau khi bị rắn cám dỗ, ăn trái biết điều thiện, điều ác, và bị Chúa đuổi khỏi vườn Eden. Từ đó, con người sống trong tội lỗi và kết thúc cuộc sống bằng cái chết. 
Dù con người sống trong tội lỗi, Chúa luôn yêu thương con người, Chúa luôn muốn con người ăn năn và lại trở nên giống như trước khi ăn trái biết điều thiện, ác. Đó là khi Chúa xóa sạch muôn loài bằng trận lụt lớn, sau khi thấy làm tiếc vì thấy sự gian ác và bất chính của con người trên mặt đất. Nhưng ngay sau đó, Chúa, với tình yêu loài người, đã lập giao ước với Noê và các con ông sẽ không bao giờ tiêu diệt loài xác thịt trên mặt đất nữa.
Sáng thế ký 9:12-15
Đức Chúa Trời phán: “Đây là dấu hiệu về giao ước đời đời mà Ta lập giữa Ta với các con, với mọi loài sinh vật đang ở với các con, trải qua các thế hệ. Ta đặt cầu vồng của Ta trên tầng mây để làm dấu hiệu về giao ước giữa Ta và quả đất. Mỗi khi Ta giăng mây trên bầu trời và cầu vồng xuất hiện trên tầng mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước mà Ta đã lập với các con, cũng như với mọi sinh vật, mọi loài xác thịt, thì nước sẽ chẳng bao giờ trở thành trận lụt để hủy diệt mọi loài xác thịt nữa. 
Vì mong muốn cứu con người ra khỏi tội lỗi, Chúa đã lập giao ước với Abraham, một người được gọi là công chính vì đức tin với Chúa, để có con người có thể trở lại với Ngài qua gương Abraham và con cháu ông. Nhiều năm sau, khi Mose cứu dân Israel ra khỏi sự áp bức của Ai Cập như Chúa đã hứa với Abraham. 
Sáng thế ký 15: 13-14 
Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram: “Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm.Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất đó với rất nhiều của cải. 
Dù dân Israel nhiều lần thể hiện sự vô tín, nhiều lần oán trách Chúa, nhưng Chúa vẫn nhẫn nhịn, lấy tình yêu thương mà bỏ qua. Không những thế, Chúa còn lập giao ước với họ, ban luật pháp để giúp họ trở nên “một dân tộc thánh”, một dân tộc tin Chúa, làm theo lời Chúa, và không còn sống trong tội lỗi. Vì lí do đó, những người làm theo luật pháp sẽ được Chúa phán xét là công chính, như Roma 2:13 viết: 
Vì chẳng phải người nghe đọc luật pháp được kể là công chính trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng người làm theo luật pháp mới là người được xưng công chính.  
Như vậy, mục đích của pháp luật là thánh thiện, giúp con người tránh xa tội lỗi.
Thế nhưng, theo thời gian, người Israel, dân tộc đã lập giao ước với Chúa, dù làm theo luật pháp Chúa ban, cũng không thể coi là công chính. 
Roma 3:10-18:
như có lời chép:
 “Chẳng có một ai công chính cả,
   Dù một người cũng không.
  Chẳng có một người nào hiểu biết,
   Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
  Tất cả đều lầm lạc, đều trở nên vô ích;
   Chẳng có một ai làm điều lành,
   Dù một người cũng không.” 
  “Họng chúng nó như mồ mả mở toang;” 
   “Chúng dùng lưỡi mình để dối gạt;
 Nọc rắn độc ẩn dưới môi của chúng.” 
   “Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng.” 
  “Chúng nhanh chân để gây đổ máu,
   Chúng gieo rắc sự tàn hại và khốn cùng,
  Chẳng bao giờ biết con đường bình an.” 
   “Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời trước mắt chúng.”
Ngoài những tội lỗi được ghi trong pháp luật, con người còn sống với những tội lỗi ngoài pháp luật, từ suy nghĩ (không tìm kiếm Đức Chúa Trời), lời nói (đầy những lời nguyền rủa và cay đắng), đến việc làm (gieo rắc sự tàn hại đến khốn cùng). Do đó, luật pháp được Chúa ban, với mục đích thánh thiện, trở thành phương tiện để thể phơi bày cuộc sống tội lỗi của con người. 
Con người luôn sống trong tội lỗi như vậy, thì Chúa có từ bỏ không? Không, vì Chúa là đấng thành tín và đầy tình yêu thương. Chúa đã cho con ngài, là Chúa Jêsus, sống trong xác thịt, chịu chết trên thập tự giá và sống lại sau ba ngày, để cho những người nào ăn năn, và tin con Ngài được chuộc hết tội lỗi, và được xưng công chính, giống như Abraham được xưng công chính vì đức tin. 
Vậy, khi được xưng công chính bởi đức tin có khác được xưng công chính theo pháp luật không? 
Khi được xưng công chính theo pháp luật, con người được coi là không có tội lỗi theo pháp luật, thế nhưng vẫn sẽ bị Chúa phán xét theo những suy nghĩ, lời nói và việc làm tốt, xấu ngoài pháp luật.
Roma 2:7-11
Ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, tôn trọng và bất tử thì Ngài ban cho sự sống đời đời. Còn ai ích kỷ, không vâng phục chân lý, mà vâng phục sự bất chính thì chuốc lấy sự giận dữ và cơn thịnh nộ. Hoạn nạn và khốn khổ sẽ giáng xuống cho mọi người làm ác, trước cho người Do Thái, sau cho người Hi Lạp. Nhưng vinh quang, tôn trọng và bình an sẽ ban cho mọi người làm lành, trước cho người Do Thái, sau cho người Hi Lạp. Vì Đức Chúa Trời không thiên vị ai cả.
Còn khi được xưng công chính bởi đức tin, bởi tin vào sự chết và sống lại của Chúa Jêsus, ta được Chúa ban cho cuộc sống mới, được trở thành con của Chúa, được Chúa biến đổi qua Đức Thánh Linh để trở nên con người có những đức tính giống Chúa. 
Như Ga-la-ti 5:22-26
Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều đó. Vậy những người thuộc về Đấng Christ Jêsuss đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống thì hãy bước theo Thánh Linh. Chớ tìm kiếm hư danh mà khiêu khích và ganh ghét nhau.
Như vậy, bởi đức tin, con người được xưng công chính, bản chất được biến đổi trở nên công chính. Những đam mê và dục vọng xác thịt đã được đóng đinh trên thập tự giá qua sự chết đi và sống lại của Chúa Jêsus, thay vào đó, nhờ Đức Thánh Linh biến đổi, con người có được những đức tính tốt đẹp của Đức Chúa Trời, để từ đó không còn sống trong tội lỗi nữa. Đó là “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ”. Vì thế sự công chính được thể hiện qua những việc làm trong đời sống hàng ngày.
Cô-lô-sê 3: 12-17
Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo.
Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn. Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn. Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.