Khi nhắc tới “con một”, nhiều người sẽ nghĩ đến một số điều kiểu:
"Ùi thích thế, chắc bố mẹ chiều như vua." "Nhất bạn. Có cái gì ngon là không phải chia chác cho ai cả." "Sung sướng lắm mới được là con một đấy"
và vài kiểu khác nữa. Nhìn chung, được là con một đối với nhiều người là một diễm phúc, tu bảy tám chục kiếp mới được. Ừ thì nó cũng đúng, nhưng mà không hẳn như thế.
Nguồn: Freepik - Edit: Vịt đang lớn
Nguồn: Freepik - Edit: Vịt đang lớn
Chào mừng trở lại với Vịt đang lớn. Bài viết này xin được chia sẻ một góc nhìn của bản thân: con một vui thì cũng vui, mà buồn thì cũng lắm.

Được chiều chuộng - Đúng. Thế là sướng - Không

Con một được chăm chiều hơn so với gia đình có anh chị em, điều này không cần tranh cãi nhiều. Đơn giản là vì mọi nguồn lực của bố mẹ không cần phải phân chia cho ai ngoài bạn. Thế nên, bạn là “vua một cõi”, được tự do “bay nhảy” hơn: không phải trông mấy đứa em nhõng nhẽo hay bị mấy ông anh bà chị quản; có đi net, đi ăn trộm trái cây (chắc giờ không còn ăn trộm nữa rồi) cũng cứ thoải con gà mái không sợ ai bắt cả. Từ chuyện mặc gì, ăn gì, uống gì, cho đến việc học ở đâu, xe cộ đi lại ra sao, thậm chí là chuyện việc làm của các bạn chắc chắn sẽ được cung cấp điều tốt nhất bố mẹ có. Đặc biệt với bố mẹ nào phải khó khăn lắm mới có được các bạn (hiếm muộn hoặc kết hôn muộn chẳng hạn) thì càng được chăm chiều kĩ hơn.
Con một được hưởng trọn vẹn những gì bố mẹ có thể làm. Ảnh: Freepik
Con một được hưởng trọn vẹn những gì bố mẹ có thể làm. Ảnh: Freepik
Thế nhưng chuyện được chiều cũng có hạn chế của nó. Chính vì tâm lý “có mỗi đứa con” mà nhiều bố mẹ bao bọc con quá mức, chuyển thành o bế hoặc nhu nhược, khiến con hoặc ức chế hoặc trở nên hư hỏng.
Với tôi, khi đã 20 tuổi đầu rồi, nhưng mỗi lần bắt tay vào làm một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, mặc định bố mẹ tôi sẽ có câu: “Thôi, để bố mẹ làm cho”. Hay trong các buổi họp mặt gia đình, khi cô dì chú bác gợi ý cho tôi làm thêm ở chỗ nào đó hay đi du học chẳng hạn, bố mẹ tôi rất hay: “Thôi, cháu nó còn bé, nó không làm được đâu” (???). Tin là nhiều bạn, không chỉ con một, cũng đã và đang trải nghiệm điều này. Biết là bố mẹ có mỗi thằng con trai thôi, cũng muốn nó an toàn, không xước một vết nào, thế nhưng quan tâm, lo lắng cũng nên dừng ở một mức độ, cũng phải cho con cái vươn ra ngoài, đúng chứ?
Hoặc trường hợp hai, là nhiều người chọn việc hưởng thụ những gì bố mẹ cho và coi đó là nghĩa vụ hiển nhiên ông bà già phải làm. Về lâu dài, những người như vậy khó có thể tự lập, tự quản lý bản thân trong sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc, chưa kể dễ sa vào các thứ tệ nạn xã hội do không có ai định hướng hoặc can ngăn. Lúc đấy bài ca “lỗi tại ai” lại cất lên, mệt lắm..

Con một hưởng hết mọi thứ, trong sự cô đơn

Như đã nêu ở trên, do không có anh chị em nên con một được hưởng hết nguồn lực bố mẹ cung cấp. Điều đó đúng. Tuy nhiên, bố mẹ không thể mãi theo con và con cái không thể mãi đợi bố mẹ được. Lớp trẻ ngày nay có những suy nghĩ mới mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, vượt ra khỏi những khuôn khổ của thế hệ trước. Vì thế, đến một độ tuổi nào đó, con cái sẽ nảy sinh những bất đồng với bố mẹ đến mức không thể cùng ngồi giãi bày hay chia sẻ được. Lúc này, anh chị em cùng nhà với nhau, cùng một thế hệ thì ít nhiều sẽ hiểu nhau hơn, dễ tâm sự hơn.
Có những thứ con một không thể chia sẻ với bố mẹ, càng không tìm được ai để nói. Ảnh: Freepik
Có những thứ con một không thể chia sẻ với bố mẹ, càng không tìm được ai để nói. Ảnh: Freepik
Đó là khó khăn của con một khi bạn bè đồng chăng lứa mỗi đứa một phương, một cuộc sống, anh chị em ruột thì không có, bố mẹ với mình tranh cãi nhiều hơn tâm sự. Thế nên, mình tin nhiều con một giống mình: tuy vui vì cái gì cũng được hưởng trọn vẹn, nhưng cũng thật cô đơn giữa căn nhà của mình. Đặc biệt như thời kỳ COVID vừa rồi, phải liên tục ở nhà thì quả thật rất chán, rất thèm người.

Hưởng một mình, chịu cũng một mình

Ngoài những chuyện nghịch dại mà ăn đòn một mình vặt vãnh ra, thì “chịu” ở đây còn là áp lực làm người lớn. Mình cảm thấy ghen tị khi nhìn thấy các bạn đồng chăng lứa có anh chị. Ngoài việc cũng sẽ được chiều, được mua sắm đồ cho, thì anh chị đi trước có những trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức để truyền đạt cho mình, thậm chí nếu làm cùng ngành thì anh chị còn giúp được mình trong chuyên môn và các mối quan hệ. Những việc trong gia đình, họ hàng thì anh chị em có thể san sẻ, giúp đỡ nhau như cỗ bàn, ma chay, cưới hỏi, ứng xử với cô dì chú bác gần xa.
Và những điều trên nếu là con một thì bạn phải tự mày mò, tự trải nghiệm, tự thất bại và tự thành công. Mấy chuyện gia đình, họ hàng thì sau bố mẹ có tuổi rồi thì người lo mấy cái thứ đấy là bạn chứ ai. Thế nên, hưởng thì cũng hưởng hết, mà chịu thì cũng chịu hết.

Vậy là con một là tốt hay tệ?

Theo tôi, nó còn tùy vào góc nhìn của mỗi người. Thế nhưng, nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn là con một. Vì nếu không, có lẽ tôi đã không thể có một điều kiện phát triển tốt như đã có, không thể lấy động lực để rời vùng an toàn, bằng những việc nhỏ như ở đây, viết bài này, cùng chia sẻ với các bạn những gì tôi nghĩ. Dù bố mẹ có bao bọc tôi hơi quá thật, nhưng tôi vẫn chấp nhận rằng đó là điều tất nhiên của phụ huynh, quan trọng mình tận dụng để đi lên hay lạm dụng để sa ngã mà thôi.
Cảm ơn các bạn đã đón đọc. Hãy chia sẻ những gì bạn nghĩ ở dưới phần comment nhé. Mình là Vịt và hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau.