Hôm qua tôi mở một buổi tranh luận tự do cho sinh viên về vụ Ngô Hoàng Anh - người từng được Forbes Việt Nam vinh danh trong top 30 gương mặt trẻ năm 2022 bị tố quấy rối tình dục các bạn nữ cùng trường.
Lớp tôi hôm đó có hơn 20 sinh viên năm hai, đều là nữ. Tôi khuyến khích các em đọc tìm hiểu về vụ việc trước, rồi thoái mải chia sẻ quan điểm cá nhân xem các đối tượng trong vụ việc này ai sai ai đúng. Mọi ý kiến đều được tôn trọng.
Trong buổi tranh luận, lúc đầu không mấy em muốn nói, nhưng càng về sau thì càng sôi nổi. Có một vài em nói có tìm hiểu kỹ về vụ việc và cho rằng Ngô Hoàng Anh có lỗi vì đã quấy rối tình dục các cô gái, dù không được đồng thuận nhưng vẫn cố tình gạ gẫm họ.
Cũng có không ít bạn cho rằng các cô gái cũng có lỗi, rằng họ không quyết liệt từ chối ngay từ đầu, rằng họ muốn lợi dụng mối quan hệ với Ngô Hoàng Anh nên mới không từ chối. Hoặc các cô gái không được cha mẹ giáo dục tốt. Con gái sao lại đi nói chuyện tình dục với một người khác như vậy.
Tôi lắng nghe các ý kiến và chỉ đặt câu hỏi cho các em bàn bạc sâu hơn. Có điều tôi cũng khá bất ngờ vì còn nhiều bạn nữ tầm trẻ tuổi như sinh viên của tôi có quan điểm đổ lỗi cho nạn nhân nặng nề như vậy.
Cuối buổi, tôi nêu quan điểm của mình, và nhấn mạnh rằng đó là góc nhìn cá nhân của tôi, không phải đáp án đúng duy nhất. Tôi nói với các em rằng tôi thấy lo ngại khi nghe các em tranh luận, vì nếu các em - những cô gái ở độ tuổi 20 - tầm bằng tuổi với các nạn nhân mà còn không hề thông cảm với họ thì những người khác còn đổ lỗi cho nạn nhân đến đâu.
Tôi hiểu thực sự các em đang nói ra suy nghĩ và niềm tin sâu thẳm của mình. Niềm tin rằng con gái có giáo dục thì không được nói chuyện tình dục, niềm tin rằng con gái muốn lợi dụng quan hệ với đàn ông để dựa dẫm, niềm tin rằng con gái mà bị tấn công hay quấy rối là lỗi tại họ.
Những niềm tin này được khắc sâu trong tâm trí các em từ nhỏ. Chúng chi phối cách các em nhìn nhận thế giới xung quanh và khiến các em phần nào thiếu đi sự thấu cảm với các nạn nhân bạo hành. Tôi chia sẻ những gì tôi tìm hiểu được với các em. Theo một bài phân tích của PGS.TS. Nguyễn Phương Mai trên Vietcetera, có nhiều vấn đề trong câu chuyện này: vấn đề chênh lệch quyền lực lớn giữa tên Ngô Hoàng Anh và nạn nhân, vấn đề đồng thuận trong tình dục, vvv...
Và tôi đặc biệt nhấn mạnh vấn đề định kiến giới khi con gái được nuôi dạy rằng luôn phải tỏ ra dễ thương, hoà nhã, tạo sự yên ổn bất chấp cảm xúc của họ. Rằng họ phải làm hài lòng đối phương và những người xung quanh để giữ 'hoà khí' cho dù họ có là nạn nhân và bị tổn thương đến đâu.
Tôi chia sẻ với các em câu chuyện của chính mình. Cách đây 3 năm, tôi quen một người qua giới thiệu của họ hàng. Bố mẹ tôi rất ưng người đó, còn tôi sau khi tiếp xúc vài lần thì cảm thấy không phù hợp nên chỉ muốn dừng ở mức bạn bè. Nhưng người đó lại muốn tiến tới, và liên tục nhắn tin gọi điện với những lời lẽ mùi mẫn làm tôi rất không thoải mái. Tôi đã nói rõ ràng lập trường của mình nhưng người đó bỏ ngoài tai mà làm phiền đến mức tôi phải block.
Nhưng họ không dừng lại mà tiếp tục gọi điện nhắn tin cho tất cả người quen bạn bè, hàng xóm của tôi tìm cách liên lạc với tôi. Thậm chí đến trước cửa nhà trọ tôi buổi tối đợi tôi đi dạy về, may mà hôm đó tôi đi vắng. Mấy ngày sau tôi phải chạy sang nhà bạn ngủ nhờ rồi chuyển nhà vì quá sợ hãi.
Tôi cảm thấy khiếp đảm như một con thú đang bị kẻ săn mồi rình rập và rượt bắt. Nhưng bố mẹ tôi thì vẫn một mực rằng đó là một người tốt, chỉ là vụng trong cách ứng xử và họ muốn tôi cho anh ta cơ hội. Tôi nhất quyết từ chối thẳng thừng rằng tôi không chấp nhận và mong anh ta đừng bao giờ xuất hiện nữa, rất may là một thời gian sau thì anh ta dừng lại.
Nhưng bố mẹ tôi không dừng lại, thỉnh thoảng họ lại lôi chuyện đó ra mong tôi suy nghĩ lại, rằng họ vẫn đang giữ liên lạc với anh ta và thấy anh ta rất ngoan ngoãn lễ phép. Có lần họ định mời anh ta đến nhà tôi ăn cơm dù không có sự cho phép của tôi, đến lúc tôi phải hét lên rằng tôi sẽ bỏ đi ngay nếu họ dám làm vậy thì họ mới thôi.
Rồi bố mẹ tiếp tục trách móc rằng tôi quá cứng nhắc, rằng tôi không "khéo léo", không "tinh tế", dù không thích thì phải biết cách giữ quan hệ với người đó thế nào để "biết đâu sau này cần nhờ vả họ cái gì." Làm ơn! Tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi và ghê tởm với ý nghĩ phải gặp lại chưa nói đến là nhờ vả người đó.
Bố mẹ tôi rất nặng tư tưởng rằng con gái là yếu đuối và luôn cần sự giúp đỡ che chở của người đàn ông. Họ đã gạt đi cảm xúc của tôi rằng tôi quá trẻ con và thiếu kinh nghiệm. Nhưng tôi thì không yếu đuối hay trẻ con như họ nghĩ. Tôi có thể tự lo cho thân mình. Có vấn đề gì tôi cũng có nhiều bạn bè thân thiết khác để hỗ trợ, không cần phải giữ quan hệ với một người làm tôi không thoải mái chỉ để phòng trừ. Đến giờ tôi vẫn sống tốt mà không cần nhờ vả người kia và thấy việc mình từ chối quyết liệt từ đầu là đúng.
Kể xong câu chuyện, tôi nói với sinh viên rằng, là những cô gái trẻ, chúng ta sẽ cần phải tự lực đứng vững trên đôi chân của chính mình. Ta phải hiểu và tôn trọng cảm xúc của chính mình cũng như đặt ra giới hạn không cho phép đàn ông làm tổn thương hay thao túng cảm xúc của ta. Ngoài ra, nếu được thì nên chịu khó đọc sách báo và tìm hiểu cách bảo vệ chính mình và các cô gái khác không trở thành nạn nhân của quấy rối hay bạo hành ở bất cứ hình thức nào.
Buổi thảo luận của chúng tôi kết thúc như vậy, và tôi không chắc suy nghĩ của sinh viên ra sao, nhưng ít nhất cũng có cơ hội để các em được lắng nghe ý kiến nhiều phía để đưa ra kết luận cho chính mình. Và trong tương lai còn đi dạy tôi nhất định sẽ tiếp tục tổ chức các buổi thảo luận như vậy.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất