Đây là lời của bố mẹ tôi, trong khoảng thời gian đếm ngược đến ngày cất cánh rời xa Việt Nam, đến với khung trời châu Âu, để học-lại-từ-đầu.

Bài viết này chủ yếu xoay quanh vấn đề chảy máu chất xám đang rất phổ biến tại Việt Nam qua câu chuyện của chính tác giả. Tác giả là người yêu Việt Nam, yêu cái hồn thơ, yêu tín ngưỡng phồn thực sơ khởi, yêu kiến trúc nhà rường, yêu tranh Đông Hồ mộc mạc, yêu làng quê và phong cảnh tuyệt vời tại đây. Tác giả không có bất kỳ ý chê bai nào mà chỉ đang phản ánh một sự việc hiện tượng nhức nhối xã hội hiện nay, và có thể là hàng chục năm nữa, nếu như đất nước không có gì thay đổi.
Trước khi đến với phần nội dung bài viết, xin các bạn đọc lướt qua các thông tin dưới đây (Click vào để đến trực tiếp bài viết gốc).

1. Từ khi nào tôi nhận ra rằng họ ra đi? 

Tôi sinh ra trong một gia đình hiếu học. Cả hai anh em tôi đều bước vào trường chuyên trong hệ thống trường THPT chuyên cấp quốc gia, và điều đó thay đổi cuộc đời, cách nhận thức và tầm nhìn của tôi một cách sâu rộng. 
Tôi học trong lớp chuyên Anh, với đầu vào là 27 học sinh (Các bạn đừng ngạc nhiên với con số 27, trường chuyên thường có rất ít học sinh vì tuyển chọn quá gắt gao). 
-Lớp 10: Ngay từ lúc mới bước vào lớp, 5 học sinh lên đường du học Singapore theo học bổng A-star. Sĩ số còn lại 22/27.
-Lớp 11: thêm 1 học sinh du học Singapore theo diện A-star, và 2 học sinh du học New Zealand theo học bổng 30% mà trường bên kia sang tận trường để tuyển chọn và cấp trực tiếp (Tôi cũng nhận học bổng này song không tìm thấy ngành mong muốn nên đã bỏ qua). 1 học sinh bị rớt khỏi lớp chuyên vì điểm số không đảm bảo. Sĩ số còn lại 18/27. 
-Lớp 12: Trong số 18/27 học sinh, chỉ có 15 người thi Đại Học vì 1 học sinh nhận được học bổng toàn phần của RMIT vì có kết quả học sinh giỏi cấp quốc gia, 1 học sinh du học Mỹ, 1 học sinh du học Anh. 
-Đại học: Tôi quyết định thi Đại Học Kiến Trúc TP.HCM và vào học khoa Quy Hoạch Vùng và Đô Thị. Thêm 2 học sinh cũ của lớp cấp 3 du học Úc và Anh. 
Có thể nói rằng, việc du học ám ảnh tâm trí tôi trong một quãng thời gian dài. Nếu như trong môi trường của bạn, việc đậu đại học danh giá/không danh giá là thang đo, thì tại môi trường của tôi, họ quan tâm đến ranking của trường mà bạn sắp du học, labor market của ngành đấy, và cơ hội học lên cao hơn. Mỗi lần họp lớp, câu chuyện của họ đều xoay quanh ranking, outcome, master, PhD... Tôi cảm thấy lạc lõng.

Tại sao tôi không đi? Cuộc đời không phải như là mơ, tôi không phải là kẻ giỏi nhất, và họ chỉ tuyển chọn những người giỏi nhất để đào tạo xây dựng đất nước của họ thôi. Và gia đình tôi cũng không đủ khả năng tài chính để chu cấp cho việc du học tự túc. Thế nhưng trong một môi trường mà lần lượt từng người bạn của tôi ra đi, cảm giác của kẻ ở lại khá là nhức nhối.

Tôi ước mình cũng được đi du học, nhưng chỉ vì "người ta cũng thế". Nghĩ lại hơi xấu hổ, nhưng không sao, lúc ấy còn bé mà...

2. Họ đã đánh đổi những gì trong quá trình du học?

Những đánh đổi này là một phần lý do tại sao những người con yêu nước không trở về đất nước, hoặc nói một cách khác, họ không thể trở về.
Bạn phải luôn là người giỏi nhất, hoặc là học bổng của bạn sẽ bị cắt
Trong suốt những năm tháng học tập tại Việt Nam, không ít lần tôi nghe kể rằng cuộc sống bên đấy rất áp lực, 1 người bạn của tôi không thể nào ngủ mà không đến gặp bác sĩ tâm lý 1 tuần 1 lần. 
Nó bị cắt học bổng rồi mày ạ, nhưng đừng nói với ai cả nhé. Gia đình vẫn phải ráng chu cấp nốt thôi
Bạn được học bổng du học, tất cả mọi ngóc ngách trong xóm bạn sẽ trầm trồ khen ngợi. Nhưng một khi bạn buộc phải trở về, đảm bảo hội buôn chuyện sẽ vẽ ra 1 truyền kỳ về việc bạn "bị đuổi học" như thế nào. Chính vì cái sự sĩ diện đó, mà các du học sinh theo diện học bổng luôn phải phấn đấu, dù ốm đau hay bệnh tật, hoạn nạn hay sướng vui, until death does us part (hahaha). Đắng!

Này, nó là học sinh nhận học bổng đấy, ghê gớm ghê gớm
Không phải tôi nói phét hay bị nhiễm tư tưởng tự sướng dân tộc, mà sự thật là sinh viên Việt Nam, và sinh viên Trung Quốc, sinh viên Do Thái luôn đứng đầu. Và việc họ là "gà chọi chuyên nhận học bổng" luôn khiến họ bị cách biệt khỏi những học sinh bản địa. Theo cách mà chúng ta vẫn hay gọi là "con nhà người ta" ấy. Uncle Ben trong Spiderman hay nói "Great power comes great responsibility", tôi không biết phải gọi đó là trách nhiệm, hay là một gánh nặng đè trên vai du học sinh 24/7.
Tao chán kinh khủng mày ạ. Nhà tao tiêu tốn quá nhiều rồi, nhưng tao không thể nào về được. 
Các bạn còn nhớ đến 2 trường hợp du học New Zealand trong lớp 11 của tôi chứ? Không phải tất cả học bổng là tốt. Trên thực tế có rất nhiều trường thuộc dạng mới thành lập, họ là trường tư ít tiếng tăm trên thế giới và cần đi tuyển những học sinh giỏi về trường để tạo thành tựu và cũng như tạo một đội ngũ giáo viên trong tương lai. Các trường tư này thường quy tụ thành phần công tử, tiểu thư được bố mẹ quẳng vào để yên tâm kinh doanh làm việc. Đương nhiên trong một môi trường mà trình độ chỉ làng xàng ở cỡ đó, giáo viên không thể nào đưa ra các vấn đề cao hơn và giảng cho riêng 1 học sinh giỏi được. Và thế là bạn tôi bị kẹt tại đó suốt 1 năm và chịu đựng 70% chi phí cho một tấm bằng "so so". Các bạn có ý định du học qua các trung tâm, hãy cẩn thận khi nghe nhắc đến "học bổng" nhé. Học bổng dạng kể trên bây giờ nhan nhản ấy. Mất nhiều hơn là được.

3. Đổi lại họ được gì?

Bên cạnh các lý do khiến họ "không thể về", đương nhiên cũng có cả những lý do khiến du học sinh "không muốn trở về". 
Giáo dục: Du học cho phép họ tiếp cận đến nền tri thức đa dạng, không giới hạn "tuân theo chủ nghĩa xã hội", không học vẹt, không tiêu cực và luôn có thể vươn lên khi bản thân đủ khả năng. Không những bạn được tận hưởng hệ thống giáo dục tiên tiến, con của bạn cũng sẽ được tận hưởng điều đó.
Tôi ở lại để các con của tôi có thể tận hưởng hệ thống giáo dục tiên tiến. Tôi là cha, tôi phải nghĩ cho các con của tôi trên cương vị một người cha - 1 trong các nhà vô địch Olympia.
Công việc: bộ não châu Á luôn rất được chào đón. Bên cạnh trí thông minh, người Việt Nam còn có một tinh thần làm việc cần cù chịu khó trách nhiệm, ham học hỏi và cầu tiến. Nhân tài luôn được trọng dụng. Đương nhiên không tính đến một số quốc gia có tinh thần dân tộc quá cao như Nhật và Hàn Quốc, việc người Việt nắm giữ vị trí quan trọng là bình thường. 

An sinh xã hội: Tôi đến phì cười khi bạn của tôi khóc dở mếu dở thông báo với tôi rằng cậu ta chỉ được nhận 2/3 số lương thôi, 1/3 còn lại đóng thuế và bảo hiểm hết sạch. Việc đóng thuế được xem là trách nhiệm, là quyền lợi, và còn là một điều hết sức thiêng liêng tại nước ngoài. Có thể nói rằng, họ đóng càng nhiều thuế họ càng tự hào. Đổi lại, đường sá ngon lành, bệnh viện luôn đầy đủ trang thiết bị, khám chữa gì luôn có bảo hiểm chi trả, dịch vụ công luôn hoàn hảo. Khi đóng thuế, bạn sẽ được tính toán và hoàn lại một phần thuế (Tax refund) nên đừng lo cháy túi vì thuế nhé. 

Kinh nghiệm: Sống tại Việt Nam quá thoải mái. Chỉ 1 cuộc điện thoại và vài giờ trên xe, bạn đã về đến nhà, nhào vào lòng bố mẹ. Nhưng ở một đất nước khác, với những con người thuộc nền văn hóa khác, nói thứ tiếng khác, ăn thứ đồ ăn khác và nghĩ về những vấn đề khác, bạn khó có thể tìm được điểm chung hay sự giúp đỡ nào. Lúc đấy phải tự thân mà vận động thôi, và cũng chính nhờ vì điều đó mà các du học sinh có khả năng tự xoay sở khá cao từ việc vừa làm vừa học, giải quyết các giấy tờ pháp lý, ... Đây chính là điều đáng quý nhất của việc du học, tôi nghĩ vậy. 

4. Vậy tại sao tôi ra đi?

Là một người con sinh ra tại đất nước Việt Nam anh hùng, tôi tự hào dòng máu Việt Nam đang chảy trong huyết quản của mình. Nước mình còn nghèo, và còn nhiều bất cập, trong khi tôi sinh ra trong môi trường học thuật, có vốn ngoại ngữ tốt có thể vươn ra thế giới để học tập. Chính vì điều đó, tôi tự nhận thức rằng mình có trách nhiệm và nghĩa vụ ra đi học hỏi khắp năm châu, ở Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý rồi trở về.....

CẮT! DIỄN VĂN KHAI MẠC KẾT THÚC. SAU ĐÂY LÀ CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ!

Tôi xin lỗi khi phải nói thẳng, thực tế không như sách vở, như bao lý tưởng đẹp đẽ nhân văn. Một cách cay đắng, tôi phải thú nhận một điều rằng, tôi ra đi vì: 
-Học nhưng phải làm việc trái ngành: Tôi nhận ra điều đó từ năm 2. Chính giáo viên của tôi đã nói với tôi điều đó. 
-Ô nhiễm môi trường: Khẩu trang là vật bất ly thân mỗi khi ra được. Tôi thà làm Ninja còn hơn dây vào khói bụi. 
-An sinh xã hội kém: Mỗi lần đến bệnh viện như một cực hình, vì tất cả đều quá tải. Người nằm ngồi la liệt ở hành lang. Sự dàn trải cơ sở hạ tầng không đồng đều dẫn đến quá tải ở tuyến trên là đây. 
-Sự suy đồi đạo đức ở con người: Từ một quốc gia Nho giáo "Quân tử sở tính Nhân nghĩa lễ trí", một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay đang dần trở nên sa ngã vào đủ các loại tệ nạn và sẵn sàng gạt bỏ các giá trị nhân văn cao quý của dân tộc chỉ để tiếp nhận các kiến thức "nửa vời".
-Sự an toàn của bản thân: Suốt 4 năm học Đại Học, tôi dính liền với chiếc Wave Alpha 10 năm tuổi (từ thời anh ruột tôi học Đại Học) và từ chối đổi xe mới, mặc dù xe cũ mèm, chạy không lên nổi 70km/h và hỏng liên miên. Tôi sợ cướp. Hay nói đúng hơn là tôi sợ mất mạng vì cướp. Đặc sản của TP.HCM là cướp.
Tôi bước vào môi trường Đại Học với suy nghĩ với ngành nghề và chuyên môn của mình, tôi có thể làm gì đó để thay đổi cho đất nước. Thật sự rằng tôi không thể. Các bạn biết lý do rồi đấy. Tôi muốn thay đổi, nhưng ai cho tôi làm người thay đổi? (chế Chí Phèo). [Đương nhiên suốt cả quãng đời tính đến thời điểm hiện tại nói chung, và 5 năm đại học nói riêng, tôi tham gia kha khá hoạt động tình nguyện cả trong và ngoài trường, thu thập được nhiều kinh nghiệm, giúp được cho nhiều người. Đến giờ vẫn còn 1 xấp giấy khen cất làm kỷ niệm trong hộc tủ. Thay đổi ở đây là thay đổi lớn ấy...]
Với suy nghĩ trách nhiệm, tôi không thể nào làm ngơ trước việc người ta vô ý thức vứt rác bừa bãi, nam thanh nữ tú vô tư vượt đèn đỏ, 3 giây là bấm còi, hát Karaoke ầm ĩ đến khuya, chen hàng lẫn việc tinh thần làm việc quá tệ của một bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay. Từ một con người trí thức, tôi bắt đầu buông những lời miệt thị và trở nên tiêu cực trông thấy. Cuộc sống tại chính nơi này làm tôi thấy stress. Stress vì tôi bất lực trước cảnh tượng đang diễn ra ở đất nước mình. Lúc đó tôi dành ra 3 tháng trời để suy ngẫm, tôi ăn chay trường cho thanh đạm, tôi học cách mở mắt ra nhìn hình ảnh xấu với con mắt thông cảm, và tận hưởng hình ảnh đẹp để lưu lại trong lòng. Tôi không còn đeo tai nghe mỗi khi đi trên đường nữa (Mặc dù điều này vi phạm luật giao thông, nhưng tôi tự cho phép mình làm điều đó như một liệu pháp tâm lý). Tôi buông bỏ đi nhiều thứ sau khi sút gần 5kg trong 3 tháng ăn chay tĩnh tâm suy nghĩ. Bạn gái cũ của tôi lúc đó gào vào mặt tôi: "Anh bị điên rồi. Anh là một thằng điên". Nhưng không sao, chính 3 tháng đó là 3 tháng dài nhất và tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi. Mặc dù chính bản thân mình đã buông bỏ đi nhiều thứ, nhưng vẫn còn một cảm giác mất mát xuất phát từ sự bất lực của chính bản thân, khi đối diện với lý tưởng mình đặt ra. Ngọn lửa trong lòng không còn dày vò tôi nữa, nhưng nó vẫn cháy, cháy âm ỉ miên man không dứt. Nếu các bạn đã đọc "Sống mòn" của Nam Cao, hẳn các bạn cũng biết cảm giác ấy nó tồi tệ đến như thế nào. 

Và đó là khi tôi nhận ra, mình phải ra đi, mình cần một sự trao đổi về tư tưởng, mình cần phải tìm ra câu trả lời cho chính cái lý tưởng đó của mình. Một số người cho rằng đây là trốn chạy, là tự dối lừa bản thân mình để tạo ra cái lý do hợp lý nhất cho việc rời bỏ đất nước và trách nhiệm trên vai. Nhưng không. Tôi đã có câu hỏi của mình, và tôi chưa tìm thấy câu trả lời đó tại nơi tôi sinh ra. 

Hay nói một cách khác, tầm nhìn của tôi quá hạn hẹp, và tôi cần một "kỳ nghỉ" cho tư tưởng, một góc nhìn khác cho bản thân, và một sự trải nghiệm để trả lời cho câu hỏi "liệu tôi có nên trở về?"

Còn các bạn thì sao?