Cobra Effect tức hiệu ứng rắn hổ mang là một thuật ngữ dùng để chỉ một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nào đó nhưng nó lại gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cả vấn đề đấy.

Câu chuyện gốc

Trong quãng thời gian Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, giới chức cấp cao cảm thấy lo ngại về tình trạng số người bị rắn hổ mang cắn, gây những ảnh hưởng về kinh tế, xã hội và cả hệ thống y tế. Để làm giảm số lượng rắn tại nơi này chính phủ đã ban hành một chính sách là trao một khoản tiền thưởng cho mỗi con rắn bị giết. Chính sách đem về thành công nhất thời khi số lương rắn giảm rõ rệt, nhưng rồi điều mà không ai nghĩ đến lại xảy đến. Người dân ở đây bắt và nuôi rắn hổ mang để lấy tiền thưởng. Khi nhận ra điều đó chính phủ Anh quyết định cho ngừng hành vi đổi rắn lấy tiền, và việc đó làm cho bọn rắn trở nên vô dụng, tất nhiên khi không cần đến nữa người dân chỉ còn đường thả nó về tự nhiên. Và kết quả cho chính sách diệt rắn là số lượng rắn hổ mang còn nhiều hơn lúc chưa có chính sách.
Nguồn ảnh: <a href="https://everydayconcepts.io/cobra-effect/">Link</a>
Nguồn ảnh: Link
Trong xuyên suốt dòng lịch sử thế giới, không ít lần các phương hướng giải pháp vấn đề lại trở thành hành động tự huỷ, khái quát lại ta có thể phân thành ba trường hợp thường gặp là :
1. Đánh giá sai tính nghiêm trọng của vấn đề.
2. Giải pháp chỉ hiệu quả trong điều kiện lý tưởng.
3. Giảp pháp giải quyết vấn đề nhưng lại phát sinh một vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

1. Đánh giá sai tính nghiêm trọng của vấn đề

Vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc phát động chiến dịch tiêu diệt chim sẻ vì cho rằng chúng ăn thóc và gây ảnh hướng đến sản lượng nông nghiệp. Chiến dịch diễn ra trên quy mô cả nước, rất nhiều ổ chim sẻ bị phá, trứng bị đập vỡ, các chim con trong tổ bị giết chết. Kết quả số lượng chim sẻ sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng điều mà chính phủ Trung Quốc không tính được đấy là chim sẻ ăn châu chấu nhiều hơn thóc. Mất một loài thiên địch, châu chấu sinh sôi trên diện rộng, kết quả dịch châu chấu khiến mất mùa và nạn đói xảy ra.
Chiến dịch diệt ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ ở Trung quốc (1958 - 1962)
Chiến dịch diệt ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ ở Trung quốc (1958 - 1962)
Có thể thấy việc đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của vấn đề đã tạo ra hậu quả nghiêm trọng. Việc chim sẻ ăn thóc vốn không phải là vấn đề quá lớn, vì chúng thường chỉ ăn hạt thóc sau khi đã thu hoạch chứ không phải lúa trên cây, nên có thể khắc phục bằng các công cụ bảo quản tốt hơn. Đồng thời việc chim sẻ ăn thóc không hề tạo ra thất thoát gì đáng kể với số lượng nông sản thu hoạch. Không ai chết đói vì chim sẻ cả nhưng sẽ có rất nhiều người chết đói vì châu chấu. Việc mất một loài thiên địch lớn như chim sẻ, giúp châu chấu sinh sôi nảy nở nhanh chóng trên diện rộng, và khi nó bùng thành dịch châu chấu thì người nông dân chỉ có thể chịu trận.
Một đánh giá sai lầm về tính nghiêm trọng của vấn đề dẫn đến một giải pháp không cần thiết, nếu may mắn giải pháp đó chỉ không đem lại lợi ích như mong muốn nhưng nếu xui xẻo nó sẽ đem lại một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Để có thể tránh việc đánh giá sai mức độ của vấn đề, ta cần một góc nhìn toàn diện, với các kiến thức chuyên môn cần có. Rõ ràng là ở thời điểm đó chính quyền Trung Quốc đã không có kiến thức về mối quan hệ của các loài sinh vật trong tự nhiên, dẫn đến một chính sách không phù hợp. Kết hợp với kiến thức ta cần phải giả định rằng nếu vấn đề không tồn tại thì sẽ như thế nào, và nếu giải pháp không tồn tại thì sẽ như thế nào. Từ đó đưa ra các lựa chọn cần thiết.

2. Giải pháp chỉ hiệu quả trong điều kiện lý tưởng

Khác với trường hợp trên, ở đây tính nghiêm trọng của vấn đề đã xác thực là nghiêm trọng cần giải quyết. Nhưng giải pháp được đề ra chỉ đem về hiệu quả trong một điều kiện lý tưởng không thực. Còn trong thực tế nó sẽ sinh ra bất cập và kết quả là làm mọi chuyện tồi tệ hơn ban đầu. Có thể thấy giống như ở ví dụ rắn hổ mang đầu bài hoặc một ví dụ khác :
Vào năm 1989, để hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thành phố Mexico, chính phủ đã ban hành chính sách phân bổ xe theo ngày. Cụ thể các xe biển số chẵn chỉ được lưu thông trong giờ cao điểm ở các ngày chẵn và bị cấm ở các ngày lẻ, điều tương tự với biển số lẻ. Ngày chủ nhật mọi xe đều được lưu thông. Để né luật cấm nhiều gia đình đã mua hẳn hai chiếc biển số chẵn và lẻ để có thể lưu thông mọi lúc. Vì vấn đề tài chính nên nhiều người chỉ có thể mua xe giá rẻ. Kết quả của chính sách là không những không giảm được tình trạng tắc nghẽn giao thông mà còn làm nó thêm trầm trọng vì số lượng xe tăng nhiều hơn bình thường. Đồng thời còn làm gây ô nhiễm môi trường vì xe giá rẻ hao xăng và thải khí nhiều hơn.
Cả hai ví dụ trên giới chức trách đều cho rằng người dân sẽ ngoan ngoãn làm theo mà không hề xét đến khía cạnh họ sẽ tìm cách lách luật hoặc là cho rằng lách luật chỉ là số ít. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp thì tâm lý hám tiền và tâm lý thoả mãn nhu cầu di chuyển đều xảy ra ở phần đông xã hội. Kết quả là những ngoại lệ không chỉ dừng lại ở số ít mà nó lan rộng ra toàn xã hội và làm cho kết quả sau cùng còn tệ hơn trước khi có giải pháp.
Thế nên khi đề ra giải pháp ta cần lưu ý đến các trường hợp ngoại lệ, và xem xét các điều kiện rằng liệu các trường hợp thiểu số có thể trở thành đa số hay không. Mọi thứ sẽ an toàn nếu như cá biệt chỉ là số ít, như ở ví dụ trên giải pháp sẽ thật sự hiệu quả nếu chỉ có vài người mua hai xe, nhưng sự thực tồi tệ là cái cá biệt đó đã trở thành cái đa số.

3. Giải pháp giải quyết được vấn đề nhưng lại làm phát sinh vấn đề khác tệ hơn

Trong một trường hợp khác, khi vấn đề thực sự tệ và giải pháp đưa ra sẽ giải quyết êm đẹp vấn đề đấy, nhưng mọi thứ vẫn chưa xong. Sẽ tồn tại một rủi ro mà biện pháp tuy giải quyết được vấn đề nhưng nó lại sinh ra một vấn đề khác tệ hơn vấn đề cũ.
Vào năm 2011, những trận động đất và sóng thần lớn ở Nhật Bản đã làm ảnh hưởng đến các nhà máy điện hạt nhân, gây rò rỉ phóng xạ. Vụ tai nạn đấy là một chấn động lớn với Nhật Bản và cả thế giới thời điểm đó, trước sức ép từ người dân và dư luận, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quyết định đóng cửa gần như tất cả cơ sở hạt nhân trong nước. Năm 2013, quốc gia này đã không còn điện hạt nhân nhưng người dân thì vẫn phải sử dụng điện, thế là phải tìm các nguồn nhiên liệu hoá thạch thay thế. Và một điều rõ ràng là nguồn nhiên liệu hoá thạch cũng ảnh hưởng khá đáng kể đến sức khoẻ con người. Cho đến năm 2018, các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch còn giết nhiều người hơn cả vụ tai nạn hạt nhân năm 2011. Cũng vì vậy mà từ năm 2018 chính phủ Nhật đã kích hoạt lại các nhà máy hạt nhân và sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030.
Ở đây ngay cả khi đã xem xét mọi khía cạnh để giải quyết vấn đề thì còn phải xem xét đến các thay thế cho vấn đề cũ, và so sánh các biện pháp đó có tốt hơn hay không để tránh tình trạng chỉ xem xét vấn đề mà bỏ qua các biện pháp thay thế để rồi kết quả lại tệ hơn lúc đầu.

Tổng kết

Để tránh rơi vào hiệu ứng rắn hổ mang, khi giải quyết một vấn đề nào đó ta cần xem xét :
- Vấn đề có thực sự nghiêm trọng không ?
- Nếu chúng ta không can thiệp thì mọi thứ có ổn không ?
- Nếu can thiệp mọi thứ có trở nên tệ đi không ?
- Giải pháp được đề xuất có thể giải quyết vấn đề trong thực tế không ?
- Các biện pháp thay thế có đủ tốt không ?
- Cần các kế hoạch dự phòng hồi phục lại trạng thái ban đầu trong trường hợp mọi thứ tệ đi.
- Áp dụng trên quy mô nhỏ trước khi phổ biến trên diện rộng.

Link tham khảo :