Khi gõ dòng này, trên bàn của mình có một bãi chân gà sả tắc, cộng thêm một bãi nữa vừa đổ dưới sàn - đây cũng chính là động lực để mình viết bài; bởi: vừa xem Youtube vừa ăn, mình lỡ làm đổ túi chân gà sả tắc ra khắp mọi nơi. Tuyệt vời. Và cũng vô cùng classic nữa, mọi nguồn cảm hứng dường như đều bắt đầu từ một sự kiện quái gở.

Từ ipad baby

Ipad baby là gì kia chứ? Theo những gì mình tìm được, 'ipad baby' là một từ được sáng tạo bởi những TikTokers, chỉ đứa trẻ nhận được tất cả các hoạt động giải trí từ iPad (hoặc các loại đồ dùng công nghệ khác) và do đó tách mình khỏi thế giới xung quanh. Thậm chí những người bạn dùng internet vui tính của chúng ta còn đưa ra hẳn một hình ảnh 'trung bình ipad baby' như, tay lúc nào cũng dính đầy thức ăn, thiết bị có dấu vân tay & đồ ăn chi chít vì bị chạm nhiều mà không ai lau - và nổi bật hơn cả là các hành vi xã hội vụng về. Nghe quen quen chứ?
iPad khiến bé 2 tuổi cận... 500 độ - tít một bài báo về em bé ở Trung Quốc mà tôi vô tình lướt qua khi đi tìm hình ipad baby
iPad khiến bé 2 tuổi cận... 500 độ - tít một bài báo về em bé ở Trung Quốc mà tôi vô tình lướt qua khi đi tìm hình ipad baby
Ôi, thật ra tôi cũng có rất nhiều đặc điểm của một ipad baby, nhất là sau sự kiện làm đổ chân gà sả tắc kia... Và điều đáng lo ngại hơn là những cái 'trope' như thế lại càng ngày càng được người ta chấp nhận nhiều hơn như độ mặn chát của nước biển hay sự vui tính của bố. Ngay cả những người bạn tự nhận là 'hippie' của tôi cũng ít nhiều check các thể loại mạng xã hội thường xuyên, mặc dù lúc nào cũng càm ràm sao tôi dùng điện thoại quá nhiều. Cái đó phải kể đến ông bạn Daniel của tôi ngay từ đầu không dùng Facebook hay Instagram, nhưng dưới sự 'bào mòn' dần của cái gọi là 'áp lực đồng trang lứa', hắn ta hiện có mặt trên mọi nền tảng từ Instagram tới Reddit và Discord.
Và chúng ta đã nói về TikTok chưa? Đứa cháu gái chưa học lớp 1 của tôi cứ hễ thấy ông bà nó rảnh điện thoại là lại đòi mượn để xem Tóp Tóp. Độ phổ biến của mạng xã hội này đã vượt ngoài tầm với của chúng ta và những chiếc reel dài nối tiếp nhau vô tận chính là thứ khiến chúng ta vẫn ngày đêm mong chờ, ngày đêm hóng đợi để có thể 'cập nhật', để không hề bỏ lỡ cái gì. Theo nghiên cứu năm 2014 - nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM - có 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, có đến 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%.
Dường như những bài báo viết về ipad baby hiện nay đều lặp đi lặp lại một cấu trúc, một lý do cho sự sản sinh của những ipad baby: văn hóa 'hustle', khi cả bố và mẹ đều bận rộn với công việc, cần một thứ gì đó để có thể 'xoa dịu' trẻ, để có thể phân tâm trẻ khỏi khóc nhè. Một nghiên cứu khác của Erikson Institute năm 2016 trên các trẻ em và bố mẹ ở Mỹ cho thấy Hơn 85% cha mẹ thừa nhận đã cho con nhỏ của họ tiếp xúc với công nghệ và phần lớn những đứa trẻ đó sử dụng thiết bị hơn hai giờ mỗi ngày.
Chẳng nói đâu xa, sự bùng nổ của ipad baby thể hiện rõ qua cách mà nhiều kênh cho trẻ em mọc lên nhanh hơn cả mụn của tôi. Những Cocomelon, những chương trình cắt cát, nam châm, slime, thậm chí là kể chuyện TikTok ghép vào video asmr - mà tôi tin bạn chưa từng nghe tới - điểm chung là đơn giản, nhiều màu sáng lóa, nhiều âm thanh vui nhộn, nhiều yếu tố lạ lùng, tất cả đều là sản phẩm của một thời đại của kích thích, thời đại mà chúng ta cứ hễ buồn chán thì lại có gì đấy sốc, kì quái để mãn nhãn.
một ví dụ cho cái tôi đang nói. bạn chỉ cần tìm 'tiktok roblox stories asmr' là ra đủ thứ kỳ cục, a whole new world cho bạn xem
một ví dụ cho cái tôi đang nói. bạn chỉ cần tìm 'tiktok roblox stories asmr' là ra đủ thứ kỳ cục, a whole new world cho bạn xem

Cho tới một người lớn tâm thần phân liệt của thế giới số

"Trong thế giới hậu hiện đại, các cá nhân rơi vào trạng thái 'xuất thần (ectasy) của siêu thực tế (mô phỏng thực tế, Disneyland và công viên giải trí, trung tâm thương mại và vùng đất tưởng tượng của người tiêu dùng). Tính chủ quan bị mất. “Họ tồn tại trong một trạng thái kinh hoàng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt, một sự tiếp xúc quá đà với mọi sự vật, sự gần gũi xấu xa bao vây và thâm nhập vào con người mà không có chút phản kháng nào để bảo vệ anh ta. Bất chấp bản thân mình, người tâm thần phân liệt sống trong sự hoang mang tột độ”- Jean Baudrillard
Tôi rất thích một bộ anime tên là 'Serial Experiments Lain'. Nó được ra mắt cùng thời những Perfect Blue, Ghost in the Shell hay kinh điển hơn là Evangelion. Đây đều là những anime thuộc thể loại cyberpunk, khi mà cuộc sống thực và thế giới ảo tồn tại song song quanh lằn ranh quá đỗi mờ nhạt. Lain là một anime như thế, đối với tôi nó là lời tiên đoán cho thế giới hiện tại, một thế giới mà con người luôn cố tạo ra một cái 'persona' của riêng mình, 'upload' hết những gì làm nên bản thân mình lên một không gian ảo. Không rõ là vui mừng hay khiếp sợ, thậm chí Lain còn tiên đoán chính xác về cái gọi là 'Wired', nơi con người kết nối hoàn toàn với nhau - một ví dụ là khái niệm 'ý thức tập thể ảo' (Virtual Collective Consciousness - VCC :) ). Nếu bạn đọc về sự việc xảy ra ở Ả Rập vào đầu thập niêm 2010, bạn sẽ biết VCC có vai trò vô cùng lớn trong những cuộc biểu tình Arab Spring. Theo đó, VCC hiện được định nghĩa là 'kiến ​​thức nội bộ được phát triển trên các nền tảng truyền thông xã hội và được nhiều cá nhân lan truyền, được thúc đẩy bởi tính tự phát, tính đồng nhất và tính đồng bộ của các hành vi trên mạng của họ. Tẩy chay một ca sĩ, ném đá một hiện tượng... - đâu đó cũng mang những nét của VCC.
Chuỗi biểu tình Arab Spring
Chuỗi biểu tình Arab Spring
Giống như câu trích dẫn kia của nhà triết học Jean Baudrillard, tình trạng tiếp xúc với mạng xã hội, những thông tin, hình ảnh, video và âm thanh quá nhiều hiện tại đã vô tình biến câu chuyện của Lain thành sự thật. Con người dần lớn lên khỏi 'ipad baby' và trở thành cái mà ông gọi là 'người tâm thần phân liệt' - lúc nào cũng trong trạng thái lo âu, mệt mỏi, sợ hãi mình đang bỏ lỡ và cũng mệt mỏi vì tiếp tục update quá nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà những từ như 'digital burnout' hay 'doomscrolling' lại phổ biến đến thế. Nó không còn là một chiếc meme trên mạng nữa, nó đã bước ra và thâm nhập vào cuộc sống thực. Đây là thế giới của chúng ta. Theo Baudrillard, chúng ta đang sống một xã hội bội hiện thực (hyper-reality), thế giới ảo. Điều Baudrillard nhấn mạnh chính là vấn đề nhân bản. Chúng ta đã bị phân liệt, không còn biết thế nào là chủ thể, khi ta chìm đắm trong những ý tưởng, những vấn đề quá khác xa đời thực. Ta có thể ngồi trong yên bình và gõ bàn phím tranh luận về chiến tranh nơi xa xôi, thậm chí hỉ nộ ái ố về bất cứ ý tưởng nào. Ta trú ngụ trong căn phòng để tự do mặc bản thể trên internet được ngao du khắp chốn. Ta phát triển những nhân cách khác, và cũng dễ dàng tự bóp méo, tự thay đổi nhân cách và con người của mình khi bắt gặp ý tưởng mới hay niềm tin mới. Đó chính là cách mà chúng ta đang phát triển.
Người tâm thần phân liệt không phải, như người ta thường tuyên bố, có đặc điểm là anh ta mất liên lạc với thực tế, thay vào đó là bởi sự gần gũi tuyệt đối và hoàn toàn tức thời với mọi thứ, sự tiếp xúc quá mức này với thế giới. - Jean Baudrillard. The Ecstasy of Communication

Tham khảo và đọc thêm: