Chuyện rút ống thở ở Ấn Độ - luân lý của việc giết người
Đọc tin về hệ thống y tế ở Ấn tỏ ra tuyệt vọng, cùng cực và lạnh lùng làm mình nhớ đến một tiết học nọ ở trường Harvard mà mình xem...
Và triết học có lẽ cũng giống như vũ trụ, là vô tận. Những gì chúng ta biết có lẽ chỉ bằng một thiên hà lùn còn những học thuyết vĩ đại của Jeremy Bentham, Karl Marx, Immanuel Kant chỉ là những hạt hạ nguyên tử proton bé nhỏ.
Đọc tin về hệ thống y tế ở Ấn tỏ ra tuyệt vọng, cùng cực và lạnh lùng làm mình nhớ đến một tiết học nọ ở trường Harvard mà mình xem cách đây 2 năm, giáo sư Michael Sandel bắt đầu bằng một chuỗi câu hỏi, và để kiểm chứng xem tâm lý đám đông ở Việt Nam có khác những sinh viên đại học Harvard không, mình đã up lên trang Instagram cá nhân với dạng biểu quyết. Nội dung các câu hỏi như sau:
Câu hỏi thứ 1: Giả sử bạn là người lái tàu, tàu đang đi với vận tốc 100km/ giờ, ở cuối đường ray có 5 công nhân đang làm việc và phanh bị hỏng, nếu tiếp tục cho tàu chaỵ sẽ giết cả 5. Trong lúc vô vọng bạn thấy bên phải có một nhánh ray phụ - nơi một công nhân đang làm việc và hệ thống bẻ lái vẫn hoạt động. Bạn sẽ bẻ lái vào đường ray phụ (giết 1 người) hay tiếp tục đi thẳng (giết 5 người)? Đâu là việc nên làm, đâu là việc bạn sẽ làm trong trường hợp này?
Kết quả là 60% chọn bẻ lái và 40% chọn đi thẳng. Dù là nhóm đa số hay thiểu số, họ cũng có những luận cứ đủ mạnh để bảo vệ cho luận điểm của mình.
Câu hỏi thứ 2: Lần này bạn không phải người lái xe điện mà là người đứng trên cầy và quan sát, tình huống tương tự như câu hỏi thứ nhất nhưng không có đường ray phụ. Bạn tuyệt vọng nhìn con tàu sắp đâm vào 5 người công nhân cho đến khi nhận ra ngay bên cạnh mình là một người đàn ông rất béo và bạn có thể hích ông ta rơi ngay xuống đường ray phía dưới, ông ta sẽ chết nhưng cứu được 5 người công nhân.
Kết quả là 23% chọn sẽ làm vậy trong khi 77% sẽ không làm vậy.
Câu hỏi thứ 3: Bạn là một bác sĩ của một phòng cấp cứu, có 6 bệnh nhân: 1 bệnh nhân rất nặng và 5 bệnh nhân nặng. Nếu chọn chữa cho bệnh nhận rất nặng sẽ mất một ngày và 5 bệnh nhân kia sẽ chết và ngược lại. Bạn sẽ chọn cứu 1 hay 5.
21 % chọn cứu 1 người và bỏ mặc 5 người kia chết, 79% chọn sẽ cứu 5 người.
Câu hỏi thứ 4: Lần này bạn là một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép nội tạng, bạn có 5 bệnh nhân mỗi người cần ghép một bộ phận để sống và không có ai hiến tạng. Cùng lúc đó có một có một anh chàng khoẻ mạnh đến kiểm tra sức khoẻ. Anh ta chợp mắt một chút, bạn lẻn vào phòng, gây mê, lấy đi 5 bộ phận, anh ta sẽ chết nhưng cứu được 5 bệnh nhân. Bao nhiêu người sẽ làm vậy?
Chỉ 11% chọn làm vậy, 89% tin rằng đó là việc không nên làm.
Nhóm đa số đã có sự thay đổi, đặt ra một câu hỏi rõ ràng: điều gì đã trở thành nguyên tắc để tạo nên sự khác biệt trong việc chọn lựa cứu nhóm đa số hay thiểu số trong từng trường hợp? Đều có 1 trường hợp chọn cứu 1 người và 1 trường hợp chọn cứu 5 ở cả 2 tình huống vì vậy lý giải chọn cứu số đông có vẻ chưa hợp lý. Ở tất cả trường hợp, cả 6 người đều vô tội, vậy lý do của sự khác biệt đó là gì?
Câu chuyện ở Ấn cũng tương tự như vậy, người cao tuổi hay người trẻ đều vô tội, thậm chí người cao tuổi còn là nhóm yếu thế trong xã hội. Kể cả nếu xét về việc “thời gian sẽ sống” nếu được chữa khỏi bệnh, cũng không có gì đảm bảo rằng một thanh niên 25 tuổi sẽ có thời gian sống lâu hơn một bà cụ 65 tuổi.
Những lý giải mà mình nhận được nhiều nhất là về “lương tâm”, “đạo đức”, “việc đúng đắn nên làm”,… nhưng cái gì tồn tại trước cả đạo đức, cái gì đã hình thành, chi phối đạo đức và quyết định rằng nên bẻ lái giết 1 người để cứu 5 người và không nên giết 1 người khoẻ mạnh để lấy nội tạng giết 5 người?
Điều này có thể tạm lý giải có 2 quan điểm về đạo đức:
1. Chủ nghĩa kết quả: xác định giá trị đạo đức dựa trên kết quả của hành động, tiêu biểu là thuyết vị lợi của J. Bentham.
2. Chủ nghĩa tuyệt đối: xác định giá trị đạo đức theo điều kiện (bổn phận và quyền) tuyệt đối nào đó và không quan tâm đến hậu quả.
Những tranh luận về chính trị và pháp lý này mở ra những câu hỏi triết học. Triết học dạy chúng ta, rồi làm chúng ta bối rối bằng cách đặt chúng ta đối mặt với những điều chúng ta đã biết. Độ khó của triết học là dạy chúng ta những điều đã biết, lấy những điều chúng ta đã biết sẽ làm gì trong ngữ cảnh quen thuộc và làm nó trở nên kỳ lạ. Triết học tách chúng ta khỏi những lệ thường, khỏi những giả định quen thuộc, khỏi những niềm tin có sẵn.
Triết học chính trị hay triết học đạo đức?
Chủ nghĩa hoài nghi xuất hiện như một sự thoái thác: chúng ta không thể giải quyết dứt điểm, và vấn đề ở đây là mỗi người có một quan điểm và không có gì để nói. Đó là một sự thoái lui.
Những vấn đề đã được tranh luận trong thời gian cực kì dài và dai dẳng. Lý do không thể thoát được nó, vì chúng ta phải trả lời những câu hỏi kiểu này hàng ngày. Vì vậy với chủ nghĩa hoài nghi, buông tay và từ bỏ các suy nghĩ đạo đức không phải là giải pháp. Đó là lý do chúng ta có nhiều quan điểm triết học, từ đó hình thành nên quan điểm quốc gia, hệ thống luật pháp. Cần lưu ý rằng đã từng có những bộ luật khi người chồng phạm tội hiếp dâm, người vợ sẽ bị tử hình, tức là những gì con người từng nghĩ cũng khác những gì con người đang nghĩ. Giá trị sinh mạng con người được định giá khác nhau ở mỗi lát cắt lịch sử mặc dù nó cùng một đơn vị (sinh mạng). Âm nhạc con người nghe vào thế kỷ 21 khác với âm nhạc con người nghe vào thế kỷ 19, và nếu con người thế kỷ 21 nghe âm nhạc của thế kỷ 19 họ cũng sẽ cảm nhận khác với những gì con người thế kỷ 19 cảm nhận.
Điều đó chứng minh một điều: loài người đang tiến hoá, và ở mỗi cá thể quá trình tiến hoá diễn ra độc lập, sai số là rất bé nhưng khác nhau. Xã hội luôn chia làm 2 phần: chúng ta và họ. Chúng ta là những người giống mình về giới tính, quốc gia, quan điểm, sở thích,… còn họ là những người còn lại. Vậy tập xác định chúng ta lớn nhất là gì? Là Homo Sapiens. Đấy chính là lý do chính trị, luật pháp ra đời để giữ tập xác định ấy. Chính vì thế, luật pháp chưa chắc là điều đúng, nhưng là đều nên làm với triết học chính trị. Cần phải lưu ý rằng triết học chính trị KHÔNG làm chúng ta trở thành những công dân tốt. Trong lịch sử loài người, sự tồn vong của nhân loại chưa bao giờ được đặt lên hàng đầu, triết học chính trị quan tâm đến quốc gia của họ, những công dân dưới hệ thống chính trị của họ. 6 người của mỗi ví dụ như một quốc gia thu nhỏ: có nhóm thiểu số và đa số, yếu thế và lợi thế, chúng ta và họ: kết hôn đồng tính, cưỡng chế nhập ngũ, dân tộc thiểu số, bà mẹ đơn thân,… Nơi mà ở đó hạnh phúc, sinh mạng và quyền tư hữu được xác lập bởi nhà nước.
Nếu ai mong chờ một câu trả lời tuyệt đối thì sẽ không có bất kì một câu trả lời nào cả. Loài người dành cả lịch sử của mình để trả lời những câu hỏi đó và rồi đẩy trách nhiệm cho một thứ gọi là triết học: thứ thức tỉnh sự hiếu động của lý trí và xem nó sẽ dẫn đến đâu. Và triết học có lẽ cũng giống như vũ trụ, là vô tận. Những gì chúng ta biết có lẽ chỉ bằng một thiên hà lùn còn những học thuyết vĩ đại của Jeremy Bentham, Karl Marx, Immanuel Kant chỉ là những hạt hạ nguyên tử proton bé nhỏ.
Hà Nội, 04/2021.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất