Ngày 24/11, kỳ thi lập đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia của Đắk Lắk đã chọn hai trích đoạn, một từ "Nhà giả kim" của Paulo Coelho, và một từ một bài báo trên báo Thanh Niên của nhà báo Huỳnh Như Phương để làm đề thi. Tạm thời không bàn đến câu hỏi số 1 của Paulo Coelho, phản ứng đầu tiên của nhiều người (mà tôi quan sát thấy được trên mạng xã hội) là: Đề hay, nhưng thôi đầu hàng, buông bút, nộp bài... chứ tôi không trả lời được.
Đây quả là một sự đáng tiếc lớn.
Tôi không muốn làm tranh đề thi với các bạn trẻ, nhưng quả thật, tôi cảm thấy cần phải góp vài lời vào đề bài này, phòng khi các bạn không còn trẻ nữa lại cảm thấy rằng cuộc đời này không cần văn học nữa. Đó quả thực là một bi kịch lớn đối với nền văn hóa của nhân loại, với tất cả những gì nhân danh văn minh và tiến bộ.
Thứ nhất, văn học, đầu tiên và trước hết, chính là vị nhân sinh. Herman Melville viết Moby Dick không phải để rao giảng về giấc mơ Mỹ, xã hội Mỹ hay phê phán những mặt trái của nó; ông chỉ viết về những chuyến phiêu lưu và trải nghiệm trong suốt cuộc đời lang bạt kỳ hồ của ông mà thôi. Dostoevsky viết Anh em nhà Karamazov không phải như là một luận đề bênh vực cho tín ngưỡng hay khóc than cho xã hội vô thần hóa; ông chỉ viết về một gia đình không may với những mảnh đời ngang trái mà thôi. Tất cả những chủ đề, những giá trị siêu hình học, những bài học đạo đức, tất thảy đều là do người đọc gán cho mà thôi. La mort de l'auteur. Văn học khởi nguồn từ cuộc sống, không, văn học phải lấy nhân sinh làm khởi thủy; vì cuộc sống lắm khi kỳ diệu hơn trí tưởng tượng của bất cứ nhà văn nào. Người bệnh đang cố níu từng hơi tàn trong bệnh viện dã chiến kia, người mẹ đẩy chiếc xe chứa cả gia tài còm cõi của mình về miền Tây, hay đôi vợ chồng trẻ và con thơ bươn bả dưới mưa gió đèo Hải Vân nọ -- một mai này, nếu họ không tự viết lại ký sự đời mình, thì họ cũng đã là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương vị nhân sinh rồi. Văn học để làm gì? Để khắc họa lại cuộc sống muôn màu kỳ diệu này, để cho người đọc thấu được nỗi đau mà người khác đau, hiểu được cái khổ mà người khác khổ -- để đồng cảm hơn với những mảnh đời bất hạnh như vậy. Không có văn học, thì làm sao người ta biết được có những bệnh nhân như thế, có những người mẹ như thế, có những đôi vợ chồng trẻ đã từng như thế? Điều này dẫn tôi đến luận cứ Thứ hai: Văn học chính là sự kế thừa di sản văn hóa của dân tộc, cũng chính là sợi dây ký ức xuyên suốt kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Thử nghĩ là xem: Bạn có còn là bạn không, nếu một ngày kia bạn thức dậy quên mất mình là ai, quên mất những người thân thuộc, quên mất những ký ức tuổi thơ, quên mất những việc bạn đã làm? Ký ức của bạn cũng chính là định danh của bạn; đánh mất một ký ức nào đấy cũng chính là đánh mất đi một phần của bản ngã. Chẳng phải tự dưng mà người ta lại phát cuồng lên với việc phải bám víu lấy quá khứ của mình bằng mọi cách: Viết nhật ký, lưu lại thư từ, hình ảnh, phim v.v... Và văn học chính là ký ức của một dân tộc vậy. Từ điệu lý câu hò đến vần thơ áng văn, tất thảy đều mang theo nó hơi thở của một dân tộc có sức sống mạnh mẽ và lâu đời, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử vẫn cố giữ lấy cái định danh của mình. Trong hơi thở đó, chính là niềm tin và hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, là khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên, vượt qua nghịch cảnh, là ước mơ về một tương lai huy hoàng rực rỡ hơn. Đó cũng chính là luận điểm Thứ ba của tôi: Văn học, ngoài nhiệm vụ ghi chép lại cuộc sống và kế thừa định danh dân tộc, còn phải bồi dưỡng cho thế hệ tương lai nữa. Bằng cách nào? Bằng cách truyền đạt lại khát vọng của thế hệ đi trước, gieo mầm ước mơ và cung cấp sức mạnh ý chí để thế hệ đi sau vượt lên trên nghịch cảnh. Nếu không có niềm tin vào phép màu và khát vọng cuộc sống, thì người bệnh trên giường dã chiến liệu có chiến đấu đến cùng để giành giật lấy sinh mệnh của mình hay không? Nếu không có ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn và niềm tin vào sự cưu mang của đồng loại, thì động lực nào cho người mẹ miền Tây bước tiếp trên con đường dằng dặc về quê? Nếu không có niềm tin "sau cơn mưa trời lại sáng" và sự nhân văn của hi vọng, thì đôi vợ chồng trẻ và đứa con liệu có đủ sức lực để vượt qua mưa gió đèo Hải Vân? Trong mỗi phút giây tuyệt vọng, nhân loại đều phải tự vấn: Cuộc sống này, liệu có còn đáng sống nữa hay không? Không có văn học, thì ở bước đường cùng, nhân loại chỉ có thể nhắm mắt và nhảy xuống vực sâu của hư vô mà thôi.
Lẽ dĩ nhiên, có người sẽ bảo với tôi: Thế còn âm nhạc thì sao? Còn đài ra-đi-ô, còn truyền hình, điện ảnh thì sao? Tôi không phủ nhận, nền văn hóa của nhân loại đã từ một nền văn hóa nghe-nói (oral tradition) của thời mông muội, tiến lên văn hóa đọc-viết sau khi chữ viết được phát minh; và giờ đây, khi văn hóa thị giác (visual culture) lên ngôi, thì không thể loại trừ những loại hình văn hóa này ra khỏi văn học được. Chỉ ngặt là, nền văn hóa thị giác của chúng ta chưa có bề dày năm tháng, cũng như chưa có tác phẩm nào đủ hỏa hầu để sánh ngang với những cây đa cây đề khác trong văn hóa đọc-viết. Vậy có chăng, chính là cái định nghĩa "văn học" của chúng ta còn chưa đầy đủ. Hay là...
Nên chăng, chúng ta đổi tên môn "Văn học" thành "Văn hóa học"?