Lịch sử nhập môn: Tìm hiểu thế nào cho đúng?
Mình chỉ là người tìm hiểu lịch sử tay ngang, từ khi mình không bị bắt buộc phải học nó nữa (học xong 12), cũng không vì tiền. Mình...
Mình chỉ là người tìm hiểu lịch sử tay ngang, từ khi mình không bị bắt buộc phải học nó nữa (học xong 12), cũng không vì tiền. Mình đơn giản xem lịch sử như một phần của cuộc sống, mình tìm hiểu về nó là để hiểu hơn về cách vận hành của xã hội này. Cách tiếp cận của mình cũng sẽ đôi chút khác biệt so với những bạn học lịch sử để tự hào, để yêu - hận, để phân biệt địch - ta, để biết ơn hay để trung thành. Vì thế mình có thể tiếp cận thông tin một cách khai phóng, không quan tâm đó là thông tin thuận hay trái chiều.
Gần đây có nhiều anh em trên mạng đổ xô đi phong sát một cô gái trẻ, chỉ vì cho rằng gia đình của cô ấy có tội. Cái tư tưởng kiểu "tru di tam tộc" của thời phong kiến này bằng cách nào đó vẫn có thể tồn tại ở thế kỷ 21. Hẳn là anh em phải hận "ngụy" lắm. Đặt chút cảm xúc vào lịch sử cũng chẳng sao, nhưng nên là khi hiểu trước đã. Vấn đề ở chỗ trong SGK không có dạy gì về QGVN và VNCH cả, còn chẳng thèm dùng 2 tên gọi này, cứ ngụy hay bè lũ tay sai này kia thôi, nghe qua đã thấy là kẻ xấu. Với lại đa phần học sinh, sinh viên đều ghét sử hay gần với sử là triết học Mác - Lê Nin, vì nó chán, có chăng chỉ là đọc thuộc rồi quên luôn sau khi thi xong. Có nghĩa là kiến thức của phần đa là rất hạn chế, nhưng lại rất nhiệt tình trong mấy vụ tẩy chay kiểu này. Mình cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của dân trí.

"Gốc Việt"
Phân tích một chút nhé, từ năm 1954 tới hiện tại. Ta xem Mỹ là kẻ thù chính (kháng chiến chống Mỹ), bọn Mỹ tới VN, gây biết bao nhiêu là tội ác chiến tranh. Với bọn Hàn, tuy chỉ là một đội quân đánh thuê, nhưng nổi tiếng tàn ác, sát hại nhiều dân thường. Trung Quốc là nước gần nhất xâm lược nước ta, cho tới hiện tại vẫn còn tranh chấp lãnh thổ. Anh em có tẩy chay 3 nước trên như những gì làm với "ngụy" không? Nói về chống phá, bọn Mỹ liên tục cáo buộc ta vi phạm nhân quyền, nói nước kém dân chủ, không có tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí. Bọn Hàn thì phần đa là chống Cộng, thượng đẳng với dân ta, qua nước ta "mua vợ như đi chợ". Trung Quốc thì chắc chỉ cỡ 99% dân số ủng hộ đường lưỡi bò. Cả 3 đều làm phim xuyên tạc lịch sử hào hùng của ta. Anh em có tẩy chay 3 nước trên như những gì làm với "ngụy" không? Nếu nói về độ nguy hiểm, một con ma đã chết được gần 50 năm, không tổ chức không quân đội, thì làm sao so được với 3 cường quốc cả về quân sự và kinh tế?! Anh em có tẩy chay 3 nước trên như những gì làm với "ngụy" không? Bạn có một thằng em trai ruột yếu ớt, nó nghe lời một thằng giang hồ về cãi lại bạn. Sau khi dạy cho nó một bài học, bạn quay sang... bắt tay thằng giang hồ và tẩy chay thằng em! Rồi gọi đó là yêu nước, là tinh thần dân tộc.
Dài dòng vậy để hiểu rằng, có rất nhiều anh em đang quá cực đoan và rất hay dùng những lý tưởng cao đẹp để hợp lý hóa sự cực đoan đó. Một trong những nguyên nhân sâu xa là vì cách tiếp cận với lịch sử của người Việt thực sự có vấn đề. Mình thì theo chủ nghĩa tự học, nên chia sẻ một số thứ mà mình tự nghiệm được, cho là cần có trước khi tiếp cận với lịch sử. Có thể là chất xúc tác tốt để hiểu hơn và bớt cực đoan hơn khi đánh giá lịch sử (đó là mình nghĩ thế).
Khách quan
Là yếu tố quan trọng nhất để anh em có thể không giới hạn những gì anh em có thể tìm hiểu. Nếu mà chọn phe ngay từ đầu thì đương nhiên anh em sẽ chỉ thấy những cái mà anh em thấy tốt của ta, xấu của địch. Đây có lẽ là thứ thiếu nhất của đa phần người Việt. Với lý lẽ phổ biến kiểu: "Cha ông ta đã abc thì chúng ta phải xyz!". Nếu áp vào VN thì ta thấy bình thường, nhưng thử với một người Hàn nói về Vietnam War chẳng hạn: "Cha ông ta đã chiến đấu và hi sinh chống lại sự bành trướng của Cộng Sản, chúng ta phải tôn vinh điều đó". Anh em có thấy gì đó sai sai không?! Tuy nhiên với cùng một lý lẽ, thì ta không thể nói mình đúng và nó sai được. Đây chỉ là ví dụ dễ phân biệt nhất để hình dung được lòng biết ơn, tinh thần dân tộc hay những cảm xúc khác không hề là luận điểm thuyết phục để nói về lịch sử. Đừng xoáy sâu vào nó nhé! Với những thứ mơ hồ hơn, thì anh em phải dùng thật nhiều lý trí mới có thể nhìn nhận được.
Có hiểu biết nhất định về những lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế và khoa học chính trị
Tất cả những gì đã xảy ra chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự biến đổi của kinh tế và chính trị. Lịch sử hiện đại VN khi dạy thì thường lờ đi tầm quan trọng của 2 lĩnh vực này, ít khi đề cập đến, dù thường thì nó là yếu tố chính dẫn tới những sự kiện quan trọng. Không phải ngẫu nhiên có nhiều luận điểm cho rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến ý thức hệ, còn ta thì đơn thuần xem đó là chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc khỏi cuộc xâm lược của Mỹ. Khi nói Triều Tiên có giáo dục, y tế và nhiều thứ khác miễn phí, thì nhiều anh em lại thấy sao nhà nước TT tốt quá, lo cho dân như thế mà vẫn dư tiền phát triển vũ khí, ước gì VN cũng được như thế. Trong khi cái thời mà VN giống với TT là một ký ức kinh hoàng với những người không may phải trải nghiệm. Có một lượng kiến thức nền đủ tốt, anh em sẽ hiểu được cách vận hành của một xã hội trong lịch sử, nó ảnh hưởng ra sao và tạo nên những con người thế nào. Những thứ này tinh thần dân tộc không giải thích được đâu.
Tư duy logic và xâu chuỗi
Một loạt sự kiện không những chịu ảnh hưởng bởi kinh tế chính trị mà chúng còn ảnh hưởng lẫn nhau. Ít có sự kiện nào ngẫu nhiên tự bộc phát mà thường là hệ quả của một sự kiện khác. Nếu biết cách xâu chuỗi sao cho hợp lý, anh em sẽ dễ dàng hơn để hiểu được lịch sử, và nhớ dai hơn nữa.
Nhìn với cái nhìn của người đương thời
Mình thấy nhiều anh em hay tỏ thái độ hằn học với vài nhân vật hay chính thể trong lịch sử quá. Vì cho rằng họ có những quyết định sai trái. Như gần đây mình có đọc một bài về việc vua Gia Long "bán nước". Ở thế kỷ 21, thì rõ là điều đó không chấp nhận được. Nhưng với góc nhìn của thời kỳ quân chủ chuyên chế thì quốc gia thuộc sở hữu của vua. Đương nhiên Gia Long sẽ có quyền định đoạt số phận tài sản riêng của mình. Chuyện này là bình thường tại thời điểm đó, với thể chế đó. Đến thời dân chủ, thì quốc gia là của toàn dân, nên không có một cá nhân hay tổ chức nào còn đủ quyền lực để "bán nước" nữa. Những kẻ bán nước đáng trách và đáng lên án nên là ở giai đoạn này. Mỗi thời kỳ thì tư duy và góc nhìn của con người là khác nhau, anh em không thể áp tiêu chuẩn của cái này cho cái kia được. Điều này không giúp nhiều lắm cho việc hiểu, nhưng rất cần thiết để anh em "thông cảm" với lịch sử, bớt hằn học và cực đoan hơn. Thế VNCH công nhận chủ quyền Mỹ trên phần nào của nước VN chưa nhỉ? Có gì đáng để thông cảm không? Hmm...
Đặt câu hỏi: "Nếu....?"
"Nếu nước Việt không bị Pháp xâm lược, thế giới không có những cuộc chiến tranh làm xáo trộn trật tự, thì phải chăng người VN nên sống tiếp với chế độ phong kiến, vĩnh viễn?". Trả lời được câu hỏi trên, anh em sẽ thấy được có nhiều thứ khác quan trọng hơn rất nhiều so với tinh thần dân tộc, độc lập, thống nhất.
"Mình cũng có một thứ quan trọng, nhưng nó nhạy cảm. Không ai được phép động vào, trừ mình ra!"
Mình chỉ là kẻ tự học, tự tìm hiểu những thứ mình quan tâm. Kiến thức của mình chỉ là muỗi so với cộng đồng có trí lực trên trung bình như Spiderum. Những thứ kể trên là do mình tự trải nghiệm, tự nghĩ ra, và mình chia sẻ, chứ chẳng đủ trình để dạy ai. Anh em hãy tiếp cận khai phóng và tranh luận lịch sự!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
(tất nhiên trừ một số thành phần cuồng tín kiểu ai khác mình là auto sai, là phản động, là ba que, là Trung nô, chó Mỹ,.v.v... bọn này không bao giờ nói chuyện bằng lý lẽ, chỉ biết chụp mũ hoặc đẩy chủ đề sang hướng khác).
Bạn đã vận dụng rất tốt nguyên tắc cơ bản của việc đưa ra ý tưởng, đó là chỉ nói những gì mình biết, nguyên tắc đơn giản câu chữ để không bị suy diễn sai lệch.
Lịch sử là một chủ đề hay nếu ta tiếp cận nó một cách khách quan. Chúc mừng bạn!
Mình không nghĩ vấn đề mình nêu ra quá khó hiểu hay khó kiểm chứng. Vì là bản chất của chế độ. Quân chủ chuyên chế thì tất cả là của vua. Thực tế lịch sử, việc đổi đất để lấy một điều gì đó là chuyện xảy ra như cơm bữa ở thời kỳ này. VN ta cũng đã bao lần "bán" và "mua" đất, mới có lãnh thổ rộng như ngày nay.