Chắc hẳn chúng ta đều đã nghe rất nhiều về câu nói quen thuộc: “dạy con cho nên người” mà các bậc phụ huynh thường nói về việc dạy dỗ con cái. Câu nói có vẻ như có ý rằng những đứa trẻ là một thứ gì chẳng phải là con người, chúng cần được dạy dỗ để biết cách làm điều này điều kia từ đó chúng có thể trở thành một con người hoàn chỉnh giống như phụ huynh và người lớn xung quanh chúng. Chúng phải học cách ăn, cách nói cho lễ phép, ăn mặc cho gọn gàng, phong thái cho chững chạc, tính cách cho đứng đắn…đủ thứ trên đời. Nhưng đó có thật sự là con đường đúng đắn hay không ?
Có vẻ như những đứa trẻ rất khôn ngoan và không dễ bị lừa phỉnh bởi bố mẹ chúng (ít nhất là lúc chúng chưa quá lớn), chúng hiểu rõ bản thân không phải là những gì bố mẹ chúng mong muốn, chúng hiểu như nào và điều gì làm chúng hạnh phúc mà chẳng cần ai phải dạy bảo hết, chúng hiểu bên trong chúng có một nguồn năng lượng rất lớn, chúng cần được vui chơi chạy nhảy, không cần bận tâm đến mọi thứ xung quanh, chúng hoàn toàn hạnh phúc với điều đó.
Cho đến lúc chúng ở độ tuổi thiếu niên khi bố mẹ và xã hội thành công trong việc dạy dỗ chúng “nên người”, họ đã chặn lại dòng chảy năng lượng vui tươi đó của tụi trẻ và bảo chúng phải biết cách cư xử như một người trưởng thành. Cố gắng dạy dỗ bọn trẻ trưởng thành theo cách đó giống như xây một con đập cho một con thác lớn vậy. “Con đập” của đạo đức, lễ phép, đứng đắn… chặn lại dòng chảy mạnh mẽ, vui tươi của bọn trẻ để rồi tuyên bố rằng chúng phải lớn lên đi, phải tập biết lo lắng cho cuộc sống và mọi thứ xung quanh, hãy thôi đi việc làm một đứa trẻ. Để rồi chúng bắt đầu ngừng vui vẻ và biết lo lắng thật, thậm chí lo đến mức trở nên trầm cảm luôn.
Sẽ chẳng có gì sai với việc dạy chúng nên biết này biết kia nếu như người lớn xem việc vui chơi và làm một đứa trẻ là điều nên đi với chúng cả đời. Họ không hiểu rằng nguồn năng lượng mà họ cho là nghịch ngợm và trẻ con đó mới là bản chất của chúng ta, kể cả người lớn hay tụi trẻ, chặn đứng dòng chảy đó lại chẳng khác gì chặn mất năng lượng của sự sống, năng lượng của tự nhiên mà “Thượng Đế” đã trao cho chúng ta vậy. Bằng chứng là ai cũng hiểu rằng đa phần “những người lớn đứng đắn” họ khổ sở như nào và đồng thời họ cũng luôn tự biện hộ rằng sự khổ sở đó là một phần bắt buộc, không thể tránh khỏi của việc trưởng thành.
Bản chất của con người chúng ta là những đứa trẻ, ta ham chơi, ích kỷ, ái kỷ, ghen tỵ... Những con người mà xã hội gọi là “người lớn”, “người trưởng thành” bản chất cũng chỉ là những đứa trẻ bị cấm đoán quá lâu và khắt khe quá mức. Họ tự đánh lừa chính mình rằng để là một người lớn hoàn chỉnh thì không thể hành xử như một đứa trẻ con mãi được.
 Thôi nào, hãy thành thật lại mà xem bên trong ta có thật sự giống một đứa trẻ hay không ? Ta có gồng mình để làm nô lệ cho hình ảnh đứng đắn của người lớn hay không ? Ta có muốn rũ bỏ hết để mà chạy nhảy, nô đùa, nhảy múa hay không ? Ta có ghen tỵ vì người khác có nhiều hơn như khi những đứa trẻ thấy bạn nó có nhiều kẹo hơn hay không ? Nói tóm lại là chúng ta có thấy lũ trẻ con rất dễ hiểu vì ta thấy chính mình ở chúng hay không ?
Sâu thẳm bên trong chúng ta biết câu trả lời, nếu ta đủ thành thật. Chúng ta khổ sở vì đánh mất chính mình để đóng vai một ai khác, ta kìm nén lại những gì mà xã hội và gia đình cho là xấu để có thể hoà hợp với họ. Nhưng đáng buồn là chúng ta dành không biết bao nhiêu công sức để làm tròn vai diễn đó để rồi cũng chỉ trở thành những diễn viên tồi. Chúng ta vẫn để lộ ra bản chất mà ta cho là “xấu xí” và trẻ con bên trong dù có cố gắng che giấu như nào đi nữa. Người lớn chúng ta vẫn ghen tỵ, tranh giành, tham lam, ham chơi và đấu đá nhau bên dưới tấm mặt nạ trưởng thành và thánh thiện đó. Chúng ta vẫn chỉ là lũ trẻ, lũ trẻ to xác.
Mặc dù những lời răn, giáo điều và đạo lý có ở khắp mọi nơi với mục đích kìm nén bản chất khó ưa của chúng ta lại, nhưng bản chất thì không thể thay đổi để rồi tất cả chúng ta không sớm thì muộn đều bị bại lộ và rồi làm ngược lại những giá trị đạo đức mà lâu nay ta tôn thờ. Đạo đức và luân lý sẽ luôn thất bại trước bản chất tự nhiên.Như Sigmund Freud từng viết: “những cảm xúc bị kìm nén sẽ chẳng đi đâu hết mà vẫn chỉ ở đó chờ được bộc lộ theo một cách tồi tệ hơn”. 
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta cần phải chống lại những giá trị đạo đức và luân lý xã hội đề ra. Bởi chúng là nền tảng để giữ cho một xã hội vận hành trơn tru, nếu không xã hội sẽ hoàn toàn hỗn loạn vì chúng ta sẽ hành xử như những đứa trẻ. Điều ta cần hiểu ở đây là chúng ta không hoàn hảo ( có lẽ cuộc sống sẽ thú vị hơn nếu chúng ta như vậy ). Rằng chúng ta có bản chất trái ngược với những luân lý, đạo đức của xã hội đề ra, vì nếu bản chất con người là hoàn toàn đạo đức thì chẳng ai cần đề ra những cái Nhân, Nghĩa, Hiếu, Lễ làm chi cả. Nhưng ngược lại thì đi đâu ta cũng chỉ toàn thấy những lời răn dạy cách làm người. Nếu bản chất chúng ta sẵn là đạo đức thì những giáo điều, răn dạy là hoàn toàn vô lý và vô nghĩa vì nếu đã là loài chim thì chẳng cần ai đi răn dạy chúng cách để trở thành một con chim đàng hoàng cả. Đến đây chúng ta kết luận rằng: Con người sinh ra đã không có những giá trị đạo đức và luân lý như ta thường được dạy và thứ hai là chúng ta không thể thay đổi điều đó.
Hãy thử cân nhắc ví dụ về chữ “Hiếu” trong văn hoá chúng ta, rằng con cái có nghĩa vụ phải yêu thương cha mẹ, trong trường hợp anh/chị không làm được chắc hẳn anh/chị là một người không đàng hoàng, bất hiếu. Nếu ta hiểu đủ rõ về tình yêu, ta sẽ biết rằng tình yêu là một cảm xúc tự phát, ta không thể ép bản thân hay người khác yêu ai đó được. Tình yêu gắn với nghĩa vụ chỉ biến tình yêu trở thành chính nghĩa vụ. Mà những gì gắn với nghĩa vụ đều mang năng lượng rất nặng nề và tiêu cực. Tình yêu ở mọi khía cạnh nào cũng vậy, nghĩa vụ chỉ khiến con cái chăm sóc bố mẹ vì muốn chứng tỏ là con có hiếu, vợ chồng bất hoà vẫn chịu ở với nhau vì mấy đứa con và sợ dư luận, từ thiện vì bản thân ghét nhìn vào cảnh nghèo đói và muốn được tung hô…đều là thứ “tình yêu” đầy giả tạo. Ta chỉ có thể thực sự yêu bố mẹ, con cái, vợ chồng và ai đó khác vì đơn giản nó đến một cách tự phát. Không thể và không phải vì nghĩa vụ hay luân lý bảo ta nên làm vậy. Tình yêu và nghĩa vụ là không thể đi đôi, nghĩa vụ sẽ chỉ làm phản tác dụng đối với tình yêu. Vậy mà ta vẫn thấy mọi người dạy con họ rằng chúng phải yêu lấy bố mẹ chúng như thể tình yêu là một công tắc mà đứa trẻ có thể chọn bật hay tắt vậy. Nếu muốn đứa con yêu lấy mình thì hãy cho phép chúng hoàn toàn tự do trong việc yêu hay ghét bố mẹ chúng mà không phải là đè nén hay ép buộc. Những đứa trẻ ghét bố mẹ chúng và giả tạo nhất là lũ trẻ luôn được dạy rằng chúng không được phép ghét bố mẹ chúng mà phải yêu thương.
Ta cần phải nhận ra một điều là những luân lý, đạo đức, luật pháp và khế ước của xã hội đề ra là một luật chơi của nhân loại, chứ không phải điều mà chính nhân loại cần phải trở thành, vì kể cả có răn dạy và tu tập bao nhiêu đi nữa thì chúng ta cũng không thể. Con chim sẻ không thể thành đại bàng vì nó có tu tập. Người lớn cần nhận ra điều đó ở bản thân trước đã và từ đó họ mới có thể dạy dỗ những đứa trẻ điều tương tự trước khi chúng trở nên khổ sở vì gồng gắng như phụ huynh chúng. Dạy rằng lũ trẻ có những tính cách và cảm xúc đó không phải là điều gì đó xấu xa cần phải loại bỏ, rằng chúng không phải là những con quỷ nghịch ngợm cần được huấn luyện để trở thành con người đàng hoàng, rằng sống với chính bản thân chúng chẳng có gì sai hết. Chỉ có hành động và kết quả, luật chơi và hậu quả phải gánh chịu của việc vi phạm luật chơi, vậy thôi. 
“Con không cần phải trở thành một thiên thần, con cũng chẳng phải một đứa nhóc quỷ quyệt, Thượng Đế sinh ra con và mọi người với bản chất này, không xấu cũng không tốt. Hãy làm bất kỳ điều gì con muốn với cuộc đời nhưng hãy nhớ nó có luật chơi và những hậu quả nếu con vi phạm chúng nhé”.
Nhận ra điều này thì dù là lũ trẻ hay là người lớn cũng đều sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, nhận ra rằng con người không thể trở thành một vị thánh, chẳng ai có thể cả. Từ đó ta cho phép bản thân chấp nhận nguồn năng lượng mà ta chối bỏ lâu nay được phép tuôn ra, ta cho phép bản thân được là chính mình. Tất nhiên một lần nữa là tốt hơn hết ta vẫn nên hiểu và chơi theo luật lệ của nhân loại và xã hội đề ra, ta vẫn sẵn sàng đeo chiếc mặt nạ xã hội vào khi cần nhưng không còn đồng hoá bản thân và gồng mình lên, khổ sở với nó nữa. Ta không còn ép bản thân phải luôn trở thành những thiên thần trong sáng. Ta nhận ra rằng chẳng có tính cách hay cảm xúc nào là tiêu cực cả, nếu ta cho phép bản thân hoàn toàn thoải mái trải nghiệm những cảm xúc của một con người thì tự dưng những cảm xúc ấy sẽ trôi đi nhẹ nhàng không vướng bận. Nếu giận hãy cứ giận, buồn hãy cứ buồn, ghen hãy cứ ghen, ghét hãy cứ ghét. Vì không có cảm xúc nào là sai trái, chỉ có những cảm xúc bị chối bỏ và kìm nén mới nên được gắn cái mác tiêu cực đó.
 Khi nguồn năng lượng đó của ta không còn bị đè nén, hay nói theo cách của nhà phân tâm học Carl Jung: Khi ta đã tích hợp được phần “bóng tối” của mình và ngừng cố gắng luôn là “ánh sáng”, khi đó ta mới là một con người hoàn chỉnh hơn bao giờ hết. Vì một con người hoàn chỉnh không phải thiên thần hay ác quỷ, ánh sáng hay bóng tối, tốt hay xấu… mà là thứ nằm ở giữa những đối cực đó. Đơn giản chỉ là một con người hoàn toàn trần tục. Hãy cho phép bản thân được làm con người.