Chủ nghĩa cô độc Hachiman
Cô độc không xấu, cái xấu ở chỗ chúng ta kì thị sự cô độc, coi nó là một trạng thái tâm lí tiêu cực cần nhanh chóng loại bỏ, nhưng chúng ta đã lầm...
Trước khi đọc bài viết này, tôi muốn nói rằng mục đích của bài viết không để truyền tải những kiến thức chuyên môn về tâm lí học hay tư vấn tâm lí như một chuyên gia hay một người kinh nghiệm đầy mình. Không, không phải vậy, tôi chỉ muốn chia sẻ những điều mình rút ra sau khi xem bộ anime Hachiman Hikigaya - (tôi gọi tắt là 8man bởi trong Tiếng Nhật, Hachi =8), bộ Anime đã tác động sâu sắc lên châm ngôn sống và cách nhìn đời của tôi. Và cũng xin nói thêm, đây cũng không phải là bài review phim, bởi tôi chỉ tập trung phân tích tính cách của một nhân vật mà thôi bên cạnh những chủ đề khác như tình cảm giữa các nhân vật, sự hài hước và cốt truyện của phim. Nhưng dù sao, tôi cũng cảnh báo spoiler, bạn nên cân nhắc khi đọc bài viết này
Trước hết, tôi sẽ nói qua nội dung của bộ Anime. Bộ phim kể về 8man, một thanh niên cấp 3 luôn vùi mình trong sự cô đơn kết hợp với biểu cảm khuôn mặt khó gần và đôi mắt cá chết, cậu không hề có lấy một người bạn, thậm chỉ những người bạn cũng lớp cũng không nhớ tên cậu, đối với những người khác, cậu như một kẻ vô hình mà cho dù họ có biết, ấn tượng về cậu cũng chẳng mấy tốt đẹp. Nhưng việc sống trong cô độc trong khoảng thời gian dài đã cho cậu một khoảng lặng cần thiết để trở nên hiểu biết và thông minh vượt trội hơn những người khác bằng cách ngầm quan sát cách mà mội thứ vận hành và khả năng thấu hiểu tâm lí người khác và phát hiện những ẩn ý mà không ai nhận ra. Mọi chuyện thay đổi khi cậu phải chấp hành hình phạt của cô chủ nhiệm là phải tham gia câu lạc bộ (CLB) tình nguyện (Gọi là CLB nhưng chỉ có 3 thành viên, tính cả 8man). Lúc đầu bản thân tôi nghĩ rằng, CLB đó lập ra để làm những hoạt động từ thiện, giúp mọi người đang gặp khó khăn. Tôi đã đúng, nhưng chỉ một phần, đúng là giúp mọi người đang gặp khó khăn, nhưng CLB chỉ giúp từng cá nhân một và sẽ không ngần ngại đi sâu vào đời tư cá nhân của họ nếu việc đó cần thiết cho việc giải quyết vấn đề. Từ đó, những drama, những kịch tính, sự cao trào, những cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ, thù hằn, những rung động,.. bắt đầu. Và 8man đã dần thay đổi, dù chỉ là từng chút, từng chút và chậm rãi.
Vậy, 8man có gì chúng ta có thể học hỏi ?
Đó là đôi khi chúng ta cần sự cô độc trong tâm hồn
Tôi xin mổ xẻ nhận định trên để chứng minh cho tính đứng đắn của nó. Trước hết, tôi xin vạch ra ranh giới rõ ràng giữa sự cô độc và sự cô đơn, chúng đều có điểm chung là đề cập tới tình trạng tách biệt khỏi những người khác và có cuộc sống của riêng mình. Nhưng cô độc là chúng ta chủ động làm điều đó, chúng ta muốn xa lánh khỏi những mối quan hệ xã hội, bởi nó làm chúng ta hạnh phúc. Còn cô đơn là tình cảnh chúng ta bị dồn ép vào chân tường bởi những người xung quanh. Cô độc là phong cách sống còn cô đơn chỉ là trạng thái cảm xúc nhất thời. Có lẽ ai cũng đã một lần cảm thấy cô đơn nhưng không mấy ai dám sống một cuộc sống cô độc giống như 8man. Cô độc có cái thú vị và hấp dẫn của nó, cô độc sẽ cho ta một cuộc sống bình thản bởi chúng ta không còn bị ràng buộc và tác động bởi những mối quan hệ rắc rối và phức tạp - điều mà lấy đi quá nhiều năng lượng và thời gian của chúng ta. Đó cũng là một môi trường tuyệt vời để trí thông minh dần phát triển, và khi tôi nói đến trí thông minh, tôi đang nói đến cả IQ và EQ. Trong bộ phim, có 1 tình tiết 8man phải tham gia vào một trận đấu quần vợt quan trọng với những học sinh khác để chiếm quyền sử dụng sân, đối thủ của cậu là những dân chuyên thứ thiệt, theo logic thông thường, cậu sẽ thua. Trong lúc đó, cậu đã nghĩ ra 1 cách, đó là liên tục thực hiện những pha phát bóng hiểm hóc, bằng cách lợi dụng sự đổi chiều của gió theo khung giờ tại sân bóng vốn gần biển, đó là một tiểu tiết mà không ai khác ngoài cậu nhận ra trong khoảng thời gian ăn trưa một mình, tĩnh lặng ở một dãy nhà gần đó. Đó là về IQ, vậy còn EQ thì sao, nghe thật vô lí, một người suốt ngày tìm cách né tránh những mối quan hệ thì thông minh cảm xúc ở đâu ?. Thì đối với 8man, nó nằm ở khả năng thấu hiểu tâm lí người khác, cậu làm điều đó bằng việc quan sát những cử chí và hành động của mọi người xung quanh. Phong cách nghe có vẻ buồn cười, thiếu thực tế nhưng hoàn toàn có cơ sở khoa học: Trong một cuộc đối thoại, để truyền tải thông tin cho người đối diện, chúng ta dùng 30% ngôn ngữ bằng lời và 70% là ngôn ngữ cơ thể. Với khả năng đặc biệt đó, cậu đã không ít lần giúp đỡ những người khác giải quyết những rắc rối trong các mối quan hệ, tìm ra chân tướng và bản chất của sự việc nên được mọi người tôn trọng, cho dù những người thực sự cảm ơn 8man chắc chỉ đếm trên đốt ngón tay.
Trong phim, sự cô độc đó đã biến 8man thành " thánh triết lí ", cho dù biết đa phần trong số đó, mỗi khi cậu nói về sự cô độc chỉ là sự ngụy biện cho sự không chịu thay đổi của bản thân nhưng tôi vẫn bị lôi cuốn mỗi khi nhịp phim chậm lại và 8man bắt đầu bày tỏ suy nghĩ của mình. Đã không dưới 10 lần tôi phải tua lại những đoạn phim như vậy để thực sự hiểu cậu ấy muốn nói gì, cái hay của những triết lí 8man nói riêng và triết lí cuộc sống nói chung là nó rất khó hiểu và khô khan, có lẽ ngoài đời chẳng có mấy ai chịu nghe hết từ đầu đến cuối những lời lẽ đó cả, nhưng đối với phần nhỏ còn lại - những người thực sự hiểu, họ sẽ thấy nó thật sâu sắc và chạm đến tâm hồn.
Sự cô độc còn mang lại cho chúng ta sự phản biện xã hội tuyệt vời. Tôi xin nhắc lại là sự phản biện xã hội chứ không phải sự căm ghét và thù hằn xã hội, đó là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt. Ngay ở đầu bộ phim, 8man đã thể hiện quan điểm của mình về bản chất của hai chữ " thanh xuân", điều mà tưởng chừng không cần phải bàn cãi thêm nữa:
Thanh xuân là một thứ gì đó thật giả dối. Những người tôn ᴠinh thứ “thanh xuân” đó chỉ là lũ tự lừa mình dối người. Chỉ biết cố gắng để bắt kịp những thứ đang diễn ra хung quanh. Với những người khác thì chỉ cần là ᴠì “thanh xuân” thì họ ѕẽ đâm đầu ᴠào mà làm hết mọi thứ để chứng tỏ ᴠới thiên hạ. Khi đã rơi ᴠào đó, dối trá, bí mật, tội lỗi chỉ là chuуện cơm bữa. Và giả như “thất bại” cũng là giấu hiệu thanh xuân như họ đã nói thì chẳng phải là thất bại trong ᴠiệc gây dựng mối quan hệ bạn bè cũng là thành công của tuổi trẻ ѕao? Và kết luận cuối cùng: Những kẻ đang hưởng thụ “tuổi trẻ” nên đi chết hết đi!
Vâng, nó rất tiêu cực, nghe như kiểu một lời nói từ một tên Psychopath chính hiệu vậy. Nhưng tôi sẽ gọi nó sự phản biện xã hội bởi 2 lí do. Thứ nhất cậu ấy chẳng dùng tư tưởng này để làm hại bất kì ai cả, thứ hai, cậu ấy cũng đã nêu ra được điểm bất hợp lí trong sự hoang tưởng, kì vọng hão huyền của những kẻ tôn sùng thanh xuân đến vô lí. Đúng là khi còn trẻ, chúng ta nên làm thật nhiều thứ khác biệt, phải trải nghiệm để trau đồi kiến thức, tạo hành trang vững chắc để sẵn sàng cho cuộc sống khó khăn và phức tạp khi ra ngoài đời nhưng cũng đừng chỉ vì 2 chứ "thanh xuân" ấy mà đánh mất đi chính mình, quên mất bản ngã, che đậy những thứ xấu xa trong tâm hồn mình để hành động sao cho giống với mọi người, hoặc nói đúng hơn là cho giống với kì vọng của mọi người về một tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám ươc mơ. Tư tưởng này đã hoàn toàn khiến tôi bị shock, nhưng không theo nghĩa là một tư tưởng hoàn toàn mới lạ mà là cũng có người có tư tưởng giống tôi. Tôi cũng nghĩ như vậy trong một khoảng thời gian dài và rồi như bao người khác, quan điểm đó cũng bị vùi dập và thay thể bởi quan điểm mà mọi người cho là đúng. Đại loại họ nói với tôi những câu như " MÀY PHẢI THAY ĐỔI ĐI", " TỰ TIN LÊN NÀO",.. 8man đã cho tôi sự đồng cảm, cho tội nhận ra mình cũng có những giá trị riêng mà không ai có được, cho tôi những giây phút trầm lặng để thực sự suy nghĩ mình đang làm gì, mục đích của mình ra sao và mình nên theo đuổi phong cách sống như thể nào. Như chiếc vòi nước phun thật mạnh lên tấm kính đầy bụi bẩn, tâm trí tôi được gột sạch.
Sự cô độc còn là chỗ dựa để chúng ta dám sống thật với bản tính của mình. Bởi trong khi những người bình thường luôn phải nghĩ tới, nghĩ lui liệu những điều mình nói, người khác có thích không, có chấp nhận được không - họ sợ bị mất đi những mối quan hệ đã dày công xây dựng, họ sợ mất đi một hình tượng cá nhân thật đẹp trong mắt mọi người, họ sợ vượt ra khỏi vùng an toàn mà họ tự vẽ ra. Bản thân việc đó là sự giả dối khi không dám nói lên suy nghĩ thật của bản thân, rồi khi nói ra một điều khác, hay cố gắng nở những nụ cười ra vẻ thân thiện cho qua chuyện, đó lại là một sự giả dối nữa. Và đó là cách mà xã hội vận hành, sự giả tạo là cần thiết để giữ gìn hòa bình cho nhân loại, nhỏ hơn là những mối quan hệ xã hội, nhưng nó thật phũ phàng, bởi nó là sự thật. Mấy ai liều lĩnh như 8man, dám một mình đứng lên chỉ trích người dù không có năng lực nhưng vẫn muốn trở thành lãnh đạo để rồi trở thành gánh nặng cho những người, một mình nói lên sự làm việc thiếu trách nhiệm của ban tổ chức sự kiện,...Cậu ấy luôn chân thành, dù sự chân thành ấy có làm tổn thương người khác, lí do là vì 8man đâu sợ mất những mối quan hệ bạn bè - thứ mà cậu chưa từng có và đối với cậu, cậu cũng không muốn làm điều đó nhưng để giải quyết vấn đề, luôn cần phải có sự đánh đối, phải có người hi sinh, và người đó phải là cậu và chỉ cậu mới làm được. Cậu chấp nhận gánh vác trách nhiệm nặng nề đó để giúp đỡ mọi người, tất nhiên là theo 1 cách hết sức đặc biệt. Cậu sợ làm người khác tổn thương và chính điều đó thể hiện cậu quan tâm đến cảm xúc của mọi người nhiều đến thế nào.
NHƯNG, cuộc sống chúng ta cũng không thể chỉ là cô độc, đó chỉ nên là một phần nhỏ trong nét tính cách của chúng ta, một nốt lặng để chúng ta sống chậm lại và thực sự suy nghĩ đến ý nghĩa của cuộc sống, bản chất của vấn đề và thấu hiểu tâm lí con người. Đôi khi chúng ta cũng cần đến bàn tay giúp đỡ của những người khác, có những điều chúng ta không thể tự làm một mình được, chúng ta cần sự kết nối, đó là bản chất của con người và là điều khiến chúng ta khác biệt với những giống loài khác. Đơn giản, nó tạo ra một sức mạnh không tưởng tượng nổi...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất