Thế giới có đang dần mất đi màu sắc ?
Thời đại của sự tối giản và cách phối màu đơn sắc ?
Có phải chúng ta đang dần mất đi màu sắc trong thế giới của mình? Câu hỏi này có vẻ kỳ lạ nhưng nếu xem xét kỹ hơn các lựa chọn màu sắc trong các ngành công nghiệp khác nhau từ ô tô đến thời trang, điện tử tiêu dùng và kiến trúc, chúng ta sẽ thấy một xu hướng hấp dẫn đối với các bảng màu đơn sắc. Những gam màu rực rỡ dường như đang dần biến mất, thay vào đó là những gam màu đen, trắng và xám. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng thế giới của chúng ta đang mất đi màu sắc?Liệu xu hướng lựa chọn màu sắc này có phải là dấu hiệu của một sự thay đổi văn hóa rộng lớn hơn theo hướng năng suất và hiệu quả? Hay nó phản ánh một thế giới ảm đạm và đầy thách thức ? Và có điều gì đó đang thúc đẩy sự thay đổi này ?
Thế giới đang mất màu sắc theo cách nào?
Trong vài thập kỷ qua, xu hướng sử dụng màu sắc trung tính đã có sự thay đổi đáng chú ý trong nhiều ngành công nghiệp. Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu tại Nhóm Bảo tàng Khoa học Vương quốc Anh đã phân tích màu sắc của hơn 7.000 bức ảnh chụp các đồ vật hàng ngày trong bộ sưu tập của họ từ năm 1800 đến nay.
Một điều thật đáng kinh ngạc là khi bắt đầu vào khoảng năm 1900, màu sắc của các đồ vật rất đa dạng và tươi sáng, nhưng bảng màu của những đồ vật này ngày càng trở nên xám hơn và kém đa dạng hơn theo thời gian. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có một “Sự gia tăng của màu xám”- hoặc sự suy giảm về số lượng màu sắc được sử dụng từ năm 1800 đến khoảng năm 1980.
Xu hướng này được lặp lại trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành công nghiệp ô tô đến điện tử tiêu dùng. Có lẽ bạn cũng đã nhận thấy nó. Trên các con đường của chúng ta, số lượng ô tô màu vàng ngày càng ít đi và thưa thớt hơn. Một thống kê ở Vương Quốc Anh cho thấy xe màu trắng, đen và xám được sản xuất nhiều hơn kể từ năm 2000 đến nay.
Các nhà cung cấp sơn hàng đầu như Axalta và PPG Industries luôn lưu ý sở thích của người tiêu dùng đối với xe màu trắng, đen và xám trong báo cáo thường niên của họ. Màu trắng đã là lựa chọn hàng đầu trên toàn cầu trong nhiều năm liền.
Điện tử tiêu dùng cũng có bối cảnh tương tự. Gã khổng lồ công nghệ Apple, nổi tiếng với những thiết kế theo xu hướng, chủ yếu cung cấp iPad, iPhone và MacBook với các màu trung tính như đen xám, bạc và vàng.
Thời trang cũng thể hiện sự thiên về sự trung tính. Những món đồ cơ bản trong tủ quần áo như vest và váy thường có màu đen, trắng và xám linh hoạt và vượt thời gian. Những sắc thái này, được coi là phong cách lâu năm, mang đến sự lựa chọn "an toàn" cho người tiêu dùng và có thể dễ dàng kết hợp với các màu khác.
Sự thay đổi rõ ràng nhất có thể thấy rõ trong thế giới kiến trúc. Sự trỗi dậy của phong cách thiết kế tối giản và hiện đại đã dẫn đến các tòa nhà có tông màu chủ yếu là trắng, xám và đen, một sự khác biệt hoàn toàn so với cảnh quan kiến trúc nhiều màu trong quá khứ.
Để hiểu được sự thay đổi này một cách đầy đủ, việc nhìn lại quá khứ sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc. Vào những năm 1800 và đầu những năm 1900, môi trường xây dựng có bảng màu đa dạng. Các công trình kiến trúc được chế tác từ gạch, đá và gỗ, mỗi công trình mang lại màu sắc độc đáo cho cảnh quan thành phố. Các bề mặt được sơn không ngại thể hiện nhiều màu sắc.
Khi quá trình phát triển đô thị diễn ra, các tòa nhà cũ thường được thay thế bằng các cấu trúc mới hơn, phản ánh thị hiếu và vật liệu hiện đại. Các vật liệu xây dựng phổ biến ngày nay như bê tông, kính và thép thường có màu xám hoặc đen, đã trở thành đặc điểm nổi bật của cảnh quan thành phố hiện đại.
Quá trình này cũng xảy ra ở loài chim. Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học, những người đến từ Đại học xứ Basque ở Tây Ban Nha - các loài chim có nguồn gốc từ lục địa châu Âu hiện nay ít màu sắc hơn so với quan sát 15 năm trước.
Trong các sản phẩm kỹ thuật số, chúng ta thường thấy các thiết kế tối giản với các ứng dụng năng suất như Notion và Todoist. Cũng như trong không gian thiết kế, chúng ta thường thấy các giao diện người dùng web mang tính thử nghiệm và sáng tạo khi sử dụng bảng màu và kiểu chữ đơn sắc.
Nguyên nhân nào dẫn đến xu hướng thay đổi màu sắc
Các lí thuyết xã hội và giải thích
Quá trình hướng tới một thế giới đơn điệu hơn, giảm bớt màu sắc này phù hợp với một số lý thuyết xã hội làm sáng tỏ cách hiện đại hóa có thể loại bỏ tính cách và sự sống động trong văn hoá xã hội. Khái niệm “ McDonaldization ” của George Ritzer là một lý thuyết xã hội đề cập đến xã hội hiện đại ở nhiều khía cạnh ngày càng được tiêu chuẩn hóa, có thể dự đoán được và đồng nhất. Theo đó sự hợp lý hóa xã hội ngày càng tăng dựa trên các nguyên tắc: Hiệu quả, tính toán, khả năng dự đoán và kiểm soát. Nói cách khác, một thế giới McDonaldized là nơi các văn hoá độc đáo của xã hội thường bị hy sinh vì mục đích sản xuất hàng loạt và tiêu chuẩn hóa.
“ Động lực hướng tới sự đồng nhất đã lan sang kiến trúc và thiết kế, góp phần tạo nên sự ưu tiên cho tính thẩm mỹ trung tính, dễ nhân rộng hơn là tính cách độc đáo. Sự phát triển nhanh chóng của các công trình xây dựng bằng kính, bê tông và thép bóng bẩy phản ánh sự thay đổi này.”
Ritzer giải thích về 4 nguyên tắc của McDonaldized:
Hiệu quả: Việc tập trung vào việc tối ưu hóa xây dựng và thiết kế để đạt được hiệu quả chi phí tối đa và dễ dàng nhân rộng sẽ đồng nghĩa với việc giảm thiểu đi các rủi ro. Màu sắc đậm, trang trí và các yếu tố thiết kế độc đáo có thể được coi là kém hiệu quả và bị loại bỏ để hợp lý hóa sản xuất hàng loạt.
Khả năng tính toán: Nhấn mạnh vào các khía cạnh định lượng như diện tích, tiến độ xây dựng và chi phí vật liệu hơn các khía cạnh định tính như tính thẩm mỹ. Nói cách khác, việc ước tính chi phí dựa trên những nguyên liệu sẵn có sẽ dễ dàng hơn. Thiết kế đầy màu sắc có thể khó định lượng hơn từ góc độ lợi nhuận.
Khả năng dự đoán: Sản xuất hàng loạt thường bao hàm các phương pháp rập khuôn để mang lại trải nghiệm tiêu chuẩn hóa giữa các địa điểm. Màu sắc địa phương độc đáo được thay thế bằng nét thẩm mỹ quen thuộc của công ty, nặng về màu xám, màu be và màu trắng.
Kiểm soát: Sự kiểm soát tập trung đối với thiết kế và xây dựng của các chuỗi công ty và công ty độc quyền khiến ít chỗ hơn cho sự sáng tạo. Dưới sự kiểm soát của công ty, nhân viên ngày càng tiêu chuẩn hoá hơn.
Điều này còn được hỗ trợ thêm bởi " Lý thuyết về chủ nghĩa đế quốc văn hóa " của John Tomlinson, trong đó sự mất đi màu sắc và đặc tính trong thiết kế hiện đại có thể được coi là biểu hiện của những biến đổi văn hóa do sự lan rộng của ảnh hưởng văn hóa phương Tây mang lại. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa đề cập đến việc áp đặt các giá trị, tập quán và lối sống của một nền văn hóa thống trị lên một nền văn hóa khác. Thông thường thông qua ảnh hưởng kinh tế và chính trị hơn là vũ lực trực tiếp. Trong bối cảnh hiện đại, chủ nghĩa đế quốc văn hóa thường gắn liền với sự lan rộng toàn cầu của văn hóa phương Tây. Các nhà phê bình cho rằng quá trình “ Mỹ hóa ” các nền văn hóa khác này xảy ra thông qua việc xuất khẩu hàng loạt các thương hiệu truyền thông và phong cách sống của Mỹ.
Xu hướng toàn cầu hướng tới sự tối giản và kiến trúc có tông màu trung tính có thể được coi là mang dấu ấn của chủ nghĩa thẩm mỹ hiện đại phương Tây, nhưng không phải theo hình thức thuần túy phương Tây. Tomlinson coi sự lan rộng của thiết kế “ không màu sắc ” đơn giản là một phần của quá trình truyền bá rộng rãi hơn các quan niệm phương Tây về tính hiện đại.
Xu hướng toàn cầu hướng tới sự tối giản và kiến trúc có tông màu trung tính có thể được coi là mang dấu ấn của chủ nghĩa thẩm mỹ hiện đại phương Tây, nhưng không phải theo hình thức thuần túy phương Tây. Tomlinson coi sự lan rộng của thiết kế “ không màu sắc ” đơn giản là một phần của quá trình truyền bá rộng rãi hơn các quan niệm phương Tây về tính hiện đại.
Các yếu tố thời đại
Những tông màu trầm hơn cũng phản ánh tình trạng của thế giới hiện nay. Ngoài tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt cực kỳ cao, chính trị rối loạn, chiến tranh, thiên tai,... Riccardo Falcinelli - một nhà thiết kế người Ý và là tác giả cuốn “Chromorama”, một cuốn kinh thánh về lịch sử màu sắc, ông nói rằng : “Đây không phải là thời kỳ màu đỏ tươi. Nếu bạn xem Netflix, sẽ có rất nhiều màu đen và tối trên áp phích. Rất nhiều bộ phim diễn ra vào ban đêm hoặc khi trời đang mưa. Tôi nghĩ vấn đề không chỉ là phong cách. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng, không phải thời kỳ Technicolor (1). Trong khi nếu bạn nhìn vào những tấm áp phích Hollywood của những năm 50, bạn sẽ thấy rất nhiều màu sắc. Đó là một thời kỳ lạc quan hơn nhiều sau chiến tranh.”
Theo đó, những yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn vào xu hướng màu sắc. Ví dụ trong bao bì, sự biến đổi khí hậu dẫn đên việc con người chuyển sang sản xuất đi liền với tính bền vững, điều đã trở thành yếu tố quan trọng khi xây dựng thương hiệu và theo Falcinelli, cụm từ “hữu cơ” là một trong những từ mạnh mẽ nhất trong tiếp thị hiện nay. Điều này dẫn đến việc loại bỏ các màu sắc nhân tạo rõ ràng để chuyển sang tông màu trung tính và ưa thích các vật liệu tự nhiên. Động thái hướng tới sự bền vững của người tiêu dùng là lý do chính khiến McDonald trải qua một cuộc thay đổi lớn vào năm 2006, khi ngoại thất màu đỏ và vàng được thay thế bằng gỗ màu nâu và tấm ốp bằng đá phiến. Vào năm 2009, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này đã tiến một bước xa hơn, thay thế nền đỏ đằng sau những mái vòm vàng bằng nền xanh đậm để quảng bá hình ảnh thân thiện với môi trường hơn ở châu Âu. “Nếu mọi người muốn sản phẩm hữu cơ, McDonald's không biết cách cạnh tranh vì họ không làm những việc đó. Và vì vậy họ làm một điều gì đó hời hợt hơn: họ thay đổi màu tường. Họ không thể thay đổi bánh sandwich,” Falcinelli giải thích.
Trong trường hợp nội thất, cũng có một xu hướng không còn coi ngôi nhà là nơi để định cư, tận hưởng. Thay vào đó, nhà được coi là khoản đầu tư tạm thời. Một nghiên cứu của Zillow cho thấy việc chọn các tông màu như trắng, xám, xanh nhạt và xanh nước biển có thể tăng giá trị ngôi nhà của bạn lên gần 5.000 USD
Kết luận
Bằng chứng về việc ngày càng ưa chuộng các màu trung tính đang gia tăng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, điều quan trọng cần lưu ý là màu sắc không biến mất hoàn toàn. Sở thích về văn hóa không cố định khi chúng phát triển và thay đổi theo thời gian. Những gì tưởng chừng như một thế giới đang mất đi màu sắc có thể chỉ là một sự dao động tạm thời của con lắc trong các xu hướng thiết kế. Sự thay đổi hiện nay theo hướng thẩm mỹ đơn sắc hơn có thể phản ánh những thay đổi xã hội sâu sắc hơn, từ sự tập trung ngày càng tăng của chúng ta vào hiệu quả và năng suất cho đến các tác động đồng nhất của toàn cầu hóa. Nhưng cũng giống như xã hội phát triển, tính thẩm mỹ của chúng ta cũng vậy.
Có lẽ xu hướng sử dụng màu trung tính hiện nay chỉ là một giai đoạn, một phản ứng trước thế giới đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta và theo thời gian, chúng ta có thể thấy sự hồi sinh của màu sắc rực rỡ như một đối trọng. Cuối cùng, màu sắc trên thế giới của chúng ta là sự phản ánh tâm trạng văn hóa chung của chúng ta, được định hình bởi vô số thế lực vô hình.
Theo Elvis Hsiao: Why is the world losing color?
và Edith Young : Fade to gray — Why is color disappearing from the world?
(1) Technicolor : là một chuỗi các quy trình được sử dụng lần đầu tiên để tạo ra màu sắc trong phim ảnh. Từ năm 1916 đến năm 1932, công ty Technicolor đã mày mò hệ thống của mình để Hollywood có thể tiếp cận quy trình tạo màu cho phim. Ngày nay, Technicolor có lẽ được biết đến nhiều hơn nhờ kết quả cuối cùng của quá trình tạo màu hơn là chính quá trình đó. Phim Technicolor được biết đến với màu sắc tươi sáng, đậm nét và bão hòa.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này
- The Southern Dragon -
Nếu các bạn muốn xem lịch sử của màu xanh, các bạn có thể tham khảo ở đây.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất